ĐNO - Điêu khắc, đơn giản thôi, chỉ là việc lược bỏ đi những gì dư thừa và giữ lại những gì cần thiết. Câu nói của điêu khắc gia thiên tài người Ý Michelangelo chỉ là nửa đùa nửa thật, chứ điêu khắc là nghệ thuật làm bật lên những vần thơ từ sự thinh lặng của hình khối, không phải ai cũng biết cái nào phải bỏ đi và cái nào cần để lại. Ở Việt Nam, điêu khắc gia Lê Công Thành đã làm được điều kỳ diệu đó.
“Mẹ Âu Cơ” ở Công viên Biển Đông, Đà Nẵng. Nguồn: Internet |
Mười năm trước, trong lúc chờ khai mạc giải Việt dã - chạy Vũ trang truyền thống Báo Đà Nẵng ở Công viên Biển Đông, chúng tôi có dịp trò chuyện về tác phẩm điêu khắc bằng đá trắng đặt trên bệ tượng hình hộp ốp đá hoa cương đen của nhà điêu khắc Lê Công Thành. Một anh khẳng định tên tác phẩm là “Mẹ Âu Cơ”. Anh khác lại đinh ninh rằng đó là “Người mẹ và Bọc trứng”. Chẳng biết thực hư thế nào, bởi dạo một vòng quanh tượng, tịnh không thấy tên tác phẩm và tác giả.
“Tượng đài 4 không”
Qua năm sau, sau khi đọc bài viết Đôi điều về tác phẩm “Mẹ Âu Cơ” của tác giả Nguyễn Đình An đăng trên Tạp chí Non Nước số 167 (tháng 6-2011), mọi việc mới sáng tỏ.
Ông Nguyễn Đình An nguyên Giám đốc Sở Văn hóa và Thông tin tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng. Nhà điêu khắc Lê Công Thành sinh năm 1932 tại Hải Châu, Đà Nẵng. Hai người gắn bó thâm tình vào năm 1985, khi triển khai xây dựng Tượng đài Chiến thắng Núi Thành, một trong những công trình lớn và sớm của Quảng Nam - Đà Nẵng sau ngày đất nước thống nhất.
20 năm sau, nhân lúc ông Thành từ Hà Nội vào Đà Nẵng, ông An rủ nhà điêu khắc đi dọc bờ biển theo tuyến đường Sơn Trà - Điện Ngọc. Khi đứng ở bãi biển đầu đường Phạm Văn Đồng, ông Thành lặng người đi và bảo đây là “huyệt đạo không phải của Đà Nẵng đâu mà là của đất nước”.
Trong bài đã dẫn, tác giả Nguyễn Đình An cho biết, đầu năm 2007, ông Thành sau khi dựng hai bức tượng rất đẹp và đầy ấn tượng ở bãi biển Khu du lịch Đồ Sơn, ông được thành phố Hải Phòng có ý định giao cả một quả đồi rộng lớn để ông toàn quyền xây dựng một vườn tượng. Thế nhưng, ông từ chối và về Đà Nẵng quyết tâm dựng tượng Người mẹ và Bọc trứng - Mẹ Âu Cơ ở “huyệt đạo” thành phố quê hương mình.
Tượng đài Chiến thắng Núi Thành tại Quảng Nam. |
Đầu tháng 5-2007, ông Thành về thăm quê nhà, lại đi dọc bờ biển và cảm thấy nơi bãi biển - quảng trường đầu đường Phạm Văn Đồng “như đã được tạo hóa sắp đặt cho ông dựng tượng Mẹ Âu Cơ”. Ngày 8-5 năm đó, ông Thành gặp Bí thư Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh và trình bày ý tưởng dựng tượng. Nhà điêu khắc không đòi hỏi kinh phí, chỉ yêu cầu thành phố cho đặt tượng đúng vị trí ông yêu cầu và để ông định ngày giờ đặt tượng lên bệ. Nếu thành phố không ưng thì ông sẽ dời tượng, không đòi hỏi bất cứ một sự đền bù nào.
Lãnh đạo thành phố đồng ý, nhà điêu khắc bắt tay vào việc. Ông Thành đi Nghệ An mua vật liệu, cho dựng lán trại che kín bốn phía tại công trường và huy động các nghệ nhân, thợ đá đục đẽo, bóc tách suốt ngày đêm. Khi thi công bệ tượng, anh em phát hiện nền đất không ổn định, đề nghị nghiên cứu xử lý và lùi thời gian. Ông yêu cầu phải xử lý nhưng không được lùi thời gian, “vì đây là sự sắp đặt của thiên cơ”.
Sau 45 ngày thi công, đúng nửa đêm 30-6-2007, Mẹ Âu Cơ được an vị đúng nơi đã định. 7 giờ 30 phút sáng hôm sau, Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh đến chứng kiến sự hoàn công, bắt tay nhà điêu khắc, cả hai đều im lặng trước dáng vẻ uy nghi, đường bệ của Mẹ Âu Cơ bên bờ Biển Đông.
Chuyện này, nhà văn Trung Trung Đỉnh cũng thuật lại trong bài Điêu khắc gia - Thi sĩ Lê Công Thành đăng trên tạp chí Văn hiến Việt Nam, tuy nhiên tên gọi tượng đài có chút “dị bản”: “Lê Công Thành nhiều năm đau đáu khao khát được xây dựng bức tượng đài Mẹ Trăm Trứng, sau này lấy tên Mẹ Âu Cơ mà ông đã sáng tác bằng tài năng và tâm linh, bằng tình yêu quê hương đất Việt của người nghệ sĩ Việt”.
Phải chăng, được “sáng tác bằng tài năng và tâm linh” nên tượng “Mẹ Âu Cơ kỳ bí” (cách gọi của kienthuc.net.vn - Báo điện tử của Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam) giữa Công viên Biển Đông, Đà Nẵng, có thể gọi một cái tên khác là “Tượng đài 4 không”: Không hội đồng nghệ thuật xét duyệt phác thảo, không phê chuẩn thiết kế kỹ thuật, không lễ khởi công, không lễ khánh thành?
“Vị thần cai quản phái đẹp”
Một tác phẩm tranh giấy của “vị thần cai quản phái đẹp” Lê Công Thành. Nguồn: PNO |
Năm 1985 được xem là cột mốc sáng tác nghệ thuật của nhà điêu khắc Lê Công Thành. Trước năm này, ông tập trung sáng tác những đề tài của nền nghệ thuật hiện thực xã hội chủ nghĩa. Sau năm này, ông tập trung vào việc mô tả vẻ đẹp phồn thực của người phụ nữ.
Sự đổi thay này đã khiến nhà lý luận phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân phải đặt dấu hỏi trong bài viết có tựa Lê Công Thành “Kẻ giác ngộ đơn độc” đăng trên tạp chí Mỹ thuật Nhiếp ảnh Số 4 (tháng 4-2019): “Không hiểu điều gì làm ông đột nhiên triệt để từ bỏ con đường thênh thang vừa được mở ra của tượng đài, danh hiệu và giải thưởng mà nhiều nghệ sĩ ao ước. Mặt khác, vào những năm đổi mới sôi sục tưởng nhà nghệ sĩ tiên phong sẽ uy dũng phất cờ đi đầu trên con đường ra thế giới thì ông lại rút lui triệt để về xây một cái am nghệ thuật tại nhà mình, trở thành một cư sĩ thẩm mỹ theo một thứ đạo nghệ thuật đậm đặc duy mỹ và tâm linh siêu hình”. Và, nhà lý luận phê bình tự trả lời: “Chỉ có thể đoán là Một sự giác ngộ bên trong to lớn đã xảy ra”.
Tác giả Nguyễn Đình An có câu trả lời với góc độ khác trong bài đã dẫn. Ông An kể, có lần nhà điêu khắc Lê Công Thành một mình tới Núi Thành kiểm tra công trình Tượng đài Chiến thắng Núi Thành sắp hoàn thành, ông trèo lên cao tầm 30m và chẳng may trượt chân ngã xuống, bất tỉnh nhân sự. Ông được đưa về Đà Nẵng chữa trị tại nhà người cậu của ông.
Ông không báo tin cho ai. Ông An chỉ biết rằng sau tai họa hiểm nghèo đó, nhà điêu khắc đã thay đổi hoàn toàn. “Anh như một người ở ẩn, ở ẩn nhưng vẫn sáng tác. Anh thôi làm những tác phẩm ca ngợi chiến công, ngời sáng chủ nghĩa anh hùng. Anh chuyển sang sáng tạo những bộ phận nhạy cảm của người nữ, tất cả đều tinh khôi, sung mãn đầy sức trẻ. Một số tờ báo gọi đó là anh nặn “Bống” - ông An viết.
“Bống”, “Bang”, “Cam”, “Bưởi”… là cách Lê Công Thành gọi các bộ phận trong “tòa thiên nhiên” của phái đẹp. Một trong những tác phẩm tâm đắc về thể loại này được ông đặt một cái tên rất gợi là Cửa vào đời. Tác phẩm làm bằng đá trắng - chất liệu thường được các nhà điêu khắc trên toàn thế giới sử dụng để tôn vinh vẻ đẹp khỏa thân của phụ nữ - thể hiện một cách say mê, đẹp đẽ nơi thoát thai nguồn sống của nhân loại.
Hèn gì giới phê bình mỹ thuật, đồng nghiệp, công chúng đánh giá Lê Công Thành là “vị thần cai quản phái đẹp”. Nhà văn Trung Trung Đỉnh nhận định: “Tượng của Lê Công Thành mấy chục năm qua sáng tác tập trung chủ yếu vào vẻ đẹp cao quý của người phụ nữ, hay nói đúng hơn, vẻ đẹp cao quý của thân thể người của phái đẹp. Đẹp ở mọi góc độ, mọi cách thưởng thức, mọi lối nhận định hay đánh giá. Tự nó vượt qua các định kiến về lý tưởng thẩm mỹ hay tôn giáo, chủng tộc”.
“Kẻ giác ngộ đơn độc” tự bạch về đề tài người phụ nữ trong sáng tác của mình: “Tôi không nặn những người đàn bà tếu táo, lãng mạn, ỉ ôi; cũng không nặn ra người đàn bà giá lạnh kiêu kỳ. Tôi không biết nói, chỉ biết nặn mà thôi. Tôi chỉ biết dùng đôi bàn tay ra hiệu, đôi bàn tay chân thật để vỗ về. Tôi chỉ có thể nói một câu: Tôi không phải là một nghệ sĩ đi nặn vẽ đàn bà khỏa thân trần trụi. Mà vì nhờ đàn bà mà tôi trở thành một con người nghệ sĩ theo nghĩa làm Người”.
Những khoảnh khắc của cuộc đời
Điêu khắc gia Lê Công Thành trong tư gia của ông trong một khu tập thể cũ ở Hà Nội. Nguồn: TTO |
18 tuổi, năm 1950, Lê Công Thành nhập ngũ. Ông viết bài và vẽ minh họa cho báo Quân đội, đến năm 1954 tập kết ra Bắc. Ông được cử tham gia Khóa học Tô Ngọc Vân 1955-1957 - khóa học do trường Mỹ thuật Việt Nam từ chiến khu về Hà Nội lấy tên Tô Ngọc Vân để ghi nhớ công lao của một trong 8 họa sĩ hàng đầu của Việt Nam.
Những năm 1957 - 1962, Lê Công Thành theo học tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật Việt Nam. Sau đó, ông được mời làm giảng viên Trường Trung cấp Mỹ thuật Công nghiệp (sau đổi là Cao đẳng Mỹ thuật Công nghiệp). Từ 1968-1970, ông được cử đi thực tập điêu khắc tại Học viện Nghệ thuật Surikov, Moscow, Liên Xô. Năm 1975, ông thôi công việc dạy học, chuyển về sáng tác tự do và sinh hoạt trong tổ sáng tác của Hội Mỹ thuật.
Ông từng tham gia rất nhiều triển lãm quốc tế tại Latvia (1979), Hong Kong (1991), Pháp (1997, 2004)... Ông được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật năm 2001; giải A triển lãm mỹ thuật toàn quốc 1976; giải nhì triển lãm 10 năm điêu khắc toàn quốc năm 1983 và nhiều giải thưởng danh dự khác.
Những năm sau này, ông sống và vẫn cần mẫn sáng tác tại một khu nhà tập thể ở Hà Nội, cùng với vợ là họa sĩ Nguyễn Thị Kim Thái. Ông mất vào 13 giờ ngày 28-3-2019, hưởng thọ 87 tuổi.
Trong sự nghiệp sác tác của mình, ông đã để lại không ít tác phẩm giá trị cho nền Mỹ thuật Việt Nam. Hàng loạt tác phẩm nghệ thuật tinh tế đã giúp ông được xem là nhà điêu khắc tiêu biểu của thế kỷ XX tại Việt Nam.
Tưởng niệm, tôn vinh ông với đóng góp to lớn đối với nền mỹ thuật nước nhà, từ 24-9 đến hết 9-10-2019, Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng phối hợp cùng gia đình ông tổ chức triển lãm “Tranh, tượng Lê Công Thành”, giới thiệu 45 tác phẩm hội họa và điêu khắc của ông.
Nhà văn Trung Trung Đỉnh gọi ông là “Điêu khắc gia - Thi sĩ”, ngoài lẽ mỗi tác phẩm của ông, nhất là tượng, chừng như cất giấu đâu đó giữa hình khối một vần thơ, một “ẩn ngữ” nghệ thuật, còn bởi những trang ghi chép hồi ức, những thiên đoản văn, những bài thơ mà ông bảo ông không gọi là thơ, đó là những khoảnh khắc của cuộc đời Lê Công Thành.
Ông đã vĩnh viễn dừng lại cuộc rong chơi với tranh với tượng nhưng những khoảnh khắc cuộc đời ông vẫn còn tiếp tục viễn du theo những tác phẩm ông để lại. Như là lúc ông đứng giữa “huyệt đạo” của Đà Nẵng, trải lòng bên Mẹ Âu Cơ qua những vần thơ trĩu nặng tình quê: Ngày 30 tháng 6/ Con về đây xây tượng Mẹ/ Lưng Mẹ tựa vào con/ Mắt Mẹ nhìn ra biển/ Ôm một bọc trứng tròn/ Chờ đến ngày sinh nở/ Con sẽ xây dựng lại nơi này/ Nơi chôn rau cắt rốn/ Một thành phố tuyệt vời/ Để Mẹ về Mẹ ở với con...
VĂN THÀNH LÊ