Phan Khôi - một nhà báo "mới quá"

.

Tôi nhớ thời còn bé xíu, hễ một khi nghe ai đó hay lý sự, mẹ tôi thường “chốt hạ” bằng câu: “Lý sự quá Phan Khôi”. Tưởng là khen, sau này, tôi mới biết đó là cách nói mỉa mai của người Quảng Nam, đại khái, trên đời này, lý sự như ông Phan Khôi đã ghê gớm lắm rồi, đã cực đỉnh; ấy thế, có người lại đòi lý sự quá, lý sự hơn cả thế thì chỉ có thể… lý sự cùn! Hiếm có nhân vật nào “văn chương chữ nghĩa đầy mình” trong làng báo lại đi vào câu cửa miệng của bà con nói chung.

Nhà báo Phan KhôiẢnh: L.M.Q
Nhà báo Phan Khôi. Ảnh: L.M.Q

Ngay từ khi xuất hiện trong trường văn trận bút, thiên hạ giật mình vì Phan Khôi “mới quá”. “Phan Khôi là một trong những nhà văn xuất sắc nhất trong phái Nho học. Ở một nhà cựu học như ông, người ta đã thấy nhiều cái rất mới, nhiều cái mà đến nhiều nhà tân học cũng phải cho là “mới quá”. Đó thật là một sự chẳng ngờ” (Vũ Ngọc Phan - Nhà văn hiện đại). Một trong những cái mới đầu tiên của Phan Khôi là “tấn công” mãnh liệt vào thành trì thơ cũ, để từ đó mở ra một lối Thơ mới.

Các văn nhân tài tử nước ta trước đây khi làm thơ thường tuân thủ niêm luật nghiêm ngặt. Hình ảnh nhiều khi quá trau chuốt, dùng nhiều điển tích, điển cố. Nói như vậy, để thấy rằng với niêm luật nghiêm ngặt, ràng buộc từng câu chữ, bó buộc từng vần điệu đã hạn chế không ít tinh thần sáng tạo của văn nhân trong nước.

Điều này, theo Phan Khôi, do ảnh hưởng của khoa cử. Với cái mới của Phan Khôi, nhà phê bình nổi tiếng Hoài Thanh ghi nhận: “Nhưng một ngày kia cuộc cách mệnh về thi ca đã nhóm dậy. Ngày ấy là ngày 10-3-1932. Lần đầu tiên trong thành trì thơ cũ đã hiện ra một lỗ thủng. Ông Phan Khôi hăng hái như một vị tướng quân, dõng dạc bước ra trận”.

Có thể nói, nhà báo Phan Khôi là sản phẩm tiêu biểu nhất của thời cuộc, lúc ngọn gió Đông Du và Duy Tân của các chí sĩ yêu nước như: Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp... đã thổi đến Quảng Nam. Phan Khôi hăng hái cắt tóc theo xu thế chung, thời ấy có câu ca dao hóm hỉnh diễn tả thực tế: Văn minh khắp cả hoàn cầu/Ông sư cũng cúp cái đầu 3 xu!

Gần đây, qua Phan Khôi di cảo (NXB Tri Thức- 2021) lần đầu công bố, ta biết lý do vì sao từ một người hoạt động chính trị, sau khi ra tù ở nhà lao Hội An ông  lại chuyên tâm về văn hóa, báo chí? Trong bản Tự kiểm thảo ngày 28-8-1953, ông cho biết: “Năm 1911 được thả về, tôi tham gia vận động bí mật, cũng chỉ là kiếm tiền, kiếm học sinh gửi ra ngoại quốc.

Năm 1913, tôi thấy làm như thế này chẳng biết bao giờ mới thành công, mà tư tánh của mình cũng không thích hợp công việc cho lắm, nên chọn con đường khác thích hợp hơn. Bấy giờ tôi xin phép và từ giã anh em, về nhà mở trường dạy học, vừa dạy vừa học thêm, dự định tương lai viết sách làm báo, phục vụ Tổ quốc về mặt văn hóa” (tr. 105). Năm năm 1918, Phan Khôi ra Hà Nội, cử nhân Hán học Nguyễn Bá Trác giới thiệu ông vào làm việc ở tạp chí Nam Phong. Tại đây, một lần trong lúc trà dư tửu hậu, Phạm Quỳnh có nói với Phan Khôi:

- Các người đi giảng đạo Thiên Chúa thường lý luận giỏi nên ít ai bắt bẻ được, vì họ có học khoa lý đoán.
Phan Khôi ngớ người ra hỏi lại:

- Lý đoán là gì?

Môn này còn quá mới mẻ nên Phạm Quỳnh cũng chỉ đáp xuôi xị:

- Lý đoán là... lý đoán!

Không hài lòng với cách giải thích này, Phan Khôi tìm ngay sách chữ Hán và chữ Pháp để nghiên cứu về khoa lý luận học. Để củng cố sự hiểu biết của mình, ông thường gặp gỡ trao đổi, tranh luận với các sinh viên Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội. Nhờ vậy, Phan Khôi là một trong những nhà báo đầu tiên có lối viết câu cú gẫy gọn, trình bày tư tưởng dễ hiểu, dễ thuyết phục độc giả.

Với Phan Khôi, làm báo cũng làm chính trị. Ông có mục đích và chí hướng rõ ràng, không hề “ăn theo nói leo” mà có chủ đích, có mục tiêu. “Đại khái tôi lấy sự tuyên truyền dân chủ, khoa học làm phương châm cho sự nghiệp viết báo của tôi” (tr.115).

Với tính cách “Quảng Nam hay cãi”, khi lao vào công việc làm báo, Phan Khôi đã là người “châm ngòi” cho nhiều cuộc bút chiến vang dội từ Nam chí Bắc. Có thể kể đến những cuộc tranh luận với Trần Trọng Kim về quyển Nho giáo - bắt đầu trên báo Phụ nữ tân văn số 54, ra ngày 29-5-1930, rồi kéo dài nhiều số báo sau.

Qua đó, ông bộc bạch quan điểm của mình: “Vì trong sự học vấn phải giữ thái độ quang minh chính đại, khi người ta bẻ bác mình, mình còn lẽ nói lại thì đem mà nói lại, mình hết lẽ thì phải tỏ ý chịu cái thuyết người ta đi, nói cho rõ ra hễ thua thì chịu thua, chớ không được làm cái thói trù trợ cho qua việc. Tôi cũng biết rằng sự cãi nhau về học vấn chẳng qua là bênh vực cho chân lý. Thế thì, dầu tiên sinh có hơn mà tôi thua đi nữa, cái đó cũng chẳng làm cho kẻ vui người buồn giữa đôi ta, và nếu tôi là kẻ biết điều thì cũng chẳng buồn, mà phải lấy sự chân lý đắc thắng làm vui”.

Tiếp theo sau đó, ông còn tranh luận với Tản Đà, Nguyễn Tiến Lãng về vấn đề luân lý, đạo đức của người Việt. Cuộc tranh luận này kịch liệt đến nỗi thi sĩ Tản Đà nổi cơn thịnh nộ muốn phạt Phan Khôi “ba trăm roi”! Với Phan Khôi, tên tuổi ông lẫy lừng còn từ các cuộc bút chiến nẩy lửa diễn ra trên báo chí thuở ấy.

Nhìn lại các cuộc tranh luận, bút chiến, GS. Thanh Lãng, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nghiên cứu giảng dạy văn học Thành phố Hồ Chí Minh nhiệm kỳ đầu tiên - có nhận định xác đáng về Phan Khôi: “Lý luận rất rắn mà không đài các, đả kích đến nơi mà không kiêu căng, cho nên thường người bị đả kích không thể giận ông. Mà ông cũng chẳng để cho họ có thời giờ để mà giận. Cái hồn nhiên của ông làm cho cả thù địch của ông nếu không ghét thì cũng nể ông”.

Từ năm 1935, Phan Khôi vào Huế làm báo Tràng An, rồi Sông Hương; xuất bản Chương Dân thi thoại (phê bình thơ), tiểu thuyết Trở vỏ ra lửa. Sau đó, ông về Quảng Nam cho đến Cách mạng Tháng Tám. Năm 1946, ông ra Hà Nội tham dự hội nghị văn hóa toàn quốc. Khi cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, Phan Khôi là một trong những trí thức đầu tiên hăng hái xông ra chiến trường.

Trong báo Văn Nghệ của Hội nhà văn Việt Nam xuất bản ở Việt Bắc số ra ngày 11-12-1949, có bài tường thuật lúc phát động văn nghệ sĩ đầu quân, đi vào mặt trận. Đây là hình ảnh Phan Khôi lúc đã 62 xuân: “Và quắc thước, nghiêm nghị, tôn trọng kỷ luật, đấy là cụ Phan Khôi. Cái ba lô nằm nghiêng trên lưng, cây gậy bịt đồng thẳng như tấm lòng và lời nói cụ... Khi cụ bước lên bục, một cán bộ quân sự sợ cụ yếu, đỡ cụ. Cụ đẩy tay anh ra. Trong thâm tâm cụ không muốn tuổi già được riêng biệt đãi. Mắt cụ hơi ngơ ngác, nhưng trên gương mặt nghiêm khắc, hình như thoáng một nét cười.

Đây cũng là năm tháng Phan Khôi bắt tay vào viết tác phẩm ngôn ngữ học Việt ngữ nghiên cứu. Có thể nói, đây là một trong những tập sách dành cho bất kỳ ai yêu thích, luôn tìm về linh hồn của tiếng mẹ đẻ. Mà, Phan Khôi chính là người như thế. Chính ông đã đọc và phát hiện, trong Truyện Kiều, đại thi hào Nguyễn Du không hề dùng từ “nếu”, thay vào đó là “dầu/ dẫu”…

Nhà văn hóa, nhà báo Phan Khôi mất lúc 11 giờ trưa ngày 16-1-1959 tại nhà riêng số 73 phố Thuốc Bắc - Hà Nội, thọ 72 tuổi. Trong chiến tranh, phần mộ của ông đã thất lạc. Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Trản - con trai của nhà văn hóa, nhà báo Phan Khôi cho biết sau những thăng trầm, thay đổi, hiện nay ngôi mộ tưởng niệm ông đã được xây dựng tại Bạc Hà - một vùng núi thuộc xã Duy Châu, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam).

Thiết nghĩ, toàn bộ sự nghiệp văn hóa của ông trải dài trên nhiều lĩnh vực từ triết học, sử học, dịch thuật… vẫn còn hữu ích cho đời sau, mà, nói thật, nay đọc lại tôi càng thấm thía ở ông với hai từ “mới quá”. Phan Khôi đi trước thời đại nhiều lắm.

LÊ MINH QUỐC

;
;
.
.
.
.
.