Trong thời gian qua, UBND thành phố đã phê duyệt hàng loạt dự án, trong đó có những dự án trọng điểm của năm, là tín hiệu đáng mừng, dự báo sẽ góp phần làm cho diện mạo ngành y tế thay đổi theo hướng tích cực.
Đà Nẵng đang đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất và chuyển giao kỹ thuật trong lĩnh vực y tế. TRONG ẢNH: Một ca ghép tủy cho bệnh nhân chấn thương cột sống tại Bệnh viện Đà Nẵng |
Theo Phòng Kế hoạch tài chính, Sở Y tế, năm 2019, ngành y tế đã được UBND thành phố đầu tư nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới nhiều công trình y tế, góp phần nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho nhân dân. Đối với tuyến y tế quận, huyện, Trung tâm Y tế quận Liên Chiểu vừa được đầu tư, nâng cấp giai đoạn 1, hiện đang xin chủ trương UBND thành phố nâng cấp giai đoạn 2.
Ngày 31-10-2019, UBND thành phố ban hành Quyết định số 5008/QĐ-UBND về việc phê duyệt đầu tư Trung tâm Y tế quận Sơn Trà giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư hơn 241 tỷ đồng. Trong khi đó, Bệnh viện đa khoa Hải Châu (giai đoạn 2) có tổng mức đầu tư gần 89 tỷ đồng với tổng diện tích sàn hơn 6.000m2 cũng đang được gấp rút thi công, dự kiến hoàn thành vào tháng 9-2020. Việc đầu tư, nâng cấp các trạm y tế phường, xã được thực hiện từ năm 2017.
Đến nay, 14 trạm y tế thuộc các quận Cẩm Lệ, Thanh Khê, Sơn Trà đã được UBND thành phố phê duyệt đầu tư năm 2019 với kinh phí 27 tỷ đồng. Dự kiến trong năm 2020, 35 trạm y tế khác trên địa bàn thành phố sẽ được khởi công sửa chữa, xây mới.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị Đà Nẵng, 3 dự án y tế trọng điểm là Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đà Nẵng giai đoạn 2, Trung tâm Phẫu thuật thần kinh, chấn thương và bỏng tạo hình và Trung tâm ghép tạng và cấy ghép tế bào gốc tại Bệnh viện Đà Nẵng với tổng mức đầu tư hơn 1.250 tỷ đồng đang hoàn tất những thủ tục cuối cùng và khởi công chậm nhất trong tháng 2-2020.
Theo bác sĩ Lê Đức Nhân, Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, dự án được triển khai trong khuôn viên bệnh viện nên thời gian thi công công trình là giai đoạn khó khăn đối với công tác điều trị. “Chúng tôi cũng đã lên kế hoạch để sắp xếp, di dời và phân luồng để bảo đảm cho dự án được triển khai đúng tiến độ. Về nhân lực, những ê-kíp chuyên khoa đã được bệnh viện cử đi đào tạo ở nước ngoài, đủ để tiếp nhận, vận hành các trung tâm sau khi dự án hoàn thành, với kỳ vọng đây sẽ là trung tâm thực hành kỹ thuật y tế đỉnh cao của khu vực miền Trung-Tây Nguyên”, bác sĩ Nhân cho biết.
Giai đoạn 2016-2020, trên địa bàn thành phố có 73 dự án trọng điểm, mang tính động lực cần triển khai theo Nghị quyết HĐND thành phố. Chính vì thế, năm 2020 được cho là thời điểm nước rút mà nhiều dự án, trong đó có các công trình y tế được đẩy mạnh đầu tư. Ngày 23-12-2019, UBND thành phố vừa có thông báo về việc Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng, cải tạo và nâng cấp Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng theo quy hoạch được phê duyệt bằng ngân sách thành phố.
UBND thành phố giao Sở Y tế, Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng và các đơn vị liên quan khẩn trương lập các hồ sơ, thủ tục đầu tư dự án theo quy định. Bác sĩ Phạm Chí Công, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng nhấn mạnh:
“Dự án là công trình trọng điểm của năm 2020 với quy mô xây mới 1.400 giường, nâng cấp, cải tạo khu nhà cũ, khi đi vào hoạt động với quy mô 2.000 giường sẽ đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, đặc biệt là chấm dứt tình trạng xuống cấp, quá tải như hiện nay”.
Theo bác sĩ Trần Tứ Quý, Giám đốc Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng, việc đầu tư, xây dựng và mở rộng các cơ sở y tế là điều cần thiết và phù hợp với thực tế. “Nhiều bệnh viện tại Đà Nẵng đang làm chủ các kỹ thuật y tế đỉnh cao, chuyên sâu, không chỉ xứng tầm trong nước mà còn khu vực. Đó là một trong những nguyên nhân khiến bệnh nhân từ các địa phương lân cận có nhu cầu chăm sóc sức khỏe tìm đến ngày càng nhiều. Về thiết kế, quy mô là những cơ sở y tế trực thuộc thành phố nhưng sứ mệnh là để phục vụ người bệnh trong khu vực”, bác sĩ Quý cho biết.
Vừa qua, Bệnh viện Ung bướu Đà Nẵng cũng vừa lập đề án xây dựng khu điều trị nội trú quy mô 400 giường bệnh trên diện tích khoảng 1.000m2 với tổng vốn đầu tư trên 1.000 tỷ đồng. Việc mở rộng Bệnh viện Ung bướu, triển khai Trung tâm tầm soát ung thư cũng như thực hành, chuyển giao nhiều kỹ thuật điều trị từ nước ngoài sẽ đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng tăng của người dân.
Một trong những nhiệm vụ mà Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị giao cho Đà Nẵng trong chiến lược xây dựng thành phố là phát triển ngành y tế và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh và kết nối cao với các trung tâm dịch vụ quốc tế trong khu vực ASEAN và thế giới.
Việc đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cùng những chính sách về đào tạo nguồn nhân lực là những việc làm hết sức cần thiết, giúp vực dậy ngành y tế đang quá tải và không đáp ứng được nhu cầu của người dân địa phương cũng như trong khu vực.
Bà Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế: Cần đáp ứng cho người bệnh một không gian điều trị hợp lý Hướng tới sự hài lòng của người bệnh trong lĩnh vực y tế không chỉ nâng cao chuyên môn, phát triển kỹ thuật chuyên sâu hay thay đổi thái độ, phong cách phục vụ mà còn đáp ứng cho người bệnh một không gian điều trị hợp lý. Các khu điều trị chật chội, quá tải làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm chéo; nhà vệ sinh nhếch nhác, xuống cấp do tần suất sử dụng quá nhiều, thiếu không gian xanh trong bệnh viện... là những thực tế đang diễn ra hiện nay. Điều đó khiến cho bệnh nhân mệt mỏi khi điều trị; nhân viên y tế căng thẳng, áp lực khi chăm sóc bệnh nhân. Đầu tư nâng cấp, mở rộng không gian các cơ sở y tế là điều cần thiết để giải quyết những tồn tại nêu trên, và nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi Đà Nẵng đang hướng tới mục tiêu là trung tâm y tế của khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Bà Cao Thị Huyền Trân, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội, HĐND thành phố: Biến thách thức thành cơ hội Tình trạng quá tải tại các bệnh viện, nhất là các bệnh viện tuyến 1, đã và đang là một thách thức đối với ngành y tế. Đời sống người dân đang ngày một nâng cao nên họ tìm đến các cơ sở y tế chuyên sâu để được chăm sóc sức khỏe cũng là điều rất dễ hiểu; mặc dù đối với những bệnh ấy, cơ sở y tế tuyến dưới có thể đảm nhận được. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở y tế xuống cấp, chật chội khiến nhu cầu mở rộng, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bị hạn chế. Những thông tin này chúng tôi liên tục nhận được tại các cuộc tiếp xúc cử tri. Chính vì thế, đây là giai đoạn mà ngành y tế biến những thách thức đó thành cơ hội để thay đổi diện mạo của ngành theo đúng tinh thần Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị. Thời gian qua, ngân sách thành phố cũng đã dành nhiều ưu tiên để đầu tư các công trình y tế, trong đó có nhiều công trình trọng điểm theo Nghị quyết HĐND thành phố, giai đoạn 2016-2020. Bên cạnh đó, công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cũng cần được chú trọng để bảo đảm tính thừa kế, tiếp nối cũng như đáp ứng nhu cầu ngày càng mở rộng của các cơ sở y tế hiện nay. P.C
|
Bài và ảnh: PHAN CHUNG