Sẵn sàng ứng phó dịch bệnh Corona

.

Chiều 31-1, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ chủ trì buổi họp với các sở, ngành, địa phương để tiếp tục triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh viêm phổi cấp do virus Corona mới (nCoV) gây ra. Lãnh đạo thành phố đề nghị các cơ quan được phân công nhiệm vụ luôn đặt trong tình trạng tập trung cao độ, sẵn sàng ứng phó trong mọi tình huống có thể xảy ra.

Nhân viên y tế vào khu vực cách ly để chăm sóc, theo dõi bệnh nhân nghi nhiễm bệnh do nCoV. Ảnh: PHAN CHUNG
Nhân viên y tế vào khu vực cách ly để chăm sóc, theo dõi bệnh nhân nghi nhiễm bệnh do nCoV. Ảnh: PHAN CHUNG

Lãnh đạo thành phố cũng đề nghị các đơn vị loại bỏ bớt các thủ tục hành chính không cần thiết để tiết kiệm thời gian, miễn sao nhiệm vụ chung được thực hiện kịp thời, hiệu quả.

Tại cuộc họp, Giám đốc Sở Y tế Ngô Thị Kim Yến cho biết, quy trình phòng, chống bệnh truyền nhiễm nhóm A đã được ngành y tế kích hoạt từ ngày 3-1 ngay sau khi có chỉ đạo của Bộ Y tế. Cán bộ, nhân viên ngành y tế, đặc biệt là các bệnh viện, nơi được chọn để theo dõi, cách ly và điều trị bệnh nhân luôn đặt trong tình trạng tập trung cao độ. Công tác tập huấn, truyền thông, kiểm tra giám sát thân nhiệt tại sân bay, cửa khẩu được thực hiện thường xuyên 24/24 giờ.

Đến thời điểm hiện tại, ngành y tế đang theo dõi 21 trường hợp nghi ngờ bệnh do nCov, gồm 5 người nước ngoài, 16 người Việt Nam tại Bệnh viện Đà Nẵng. Hiện sức khỏe các bệnh nhân đã ổn định, chỉ 6 người trong số đó có biểu hiện sốt nhẹ. Cộng dồn đến nay có 58 trường hợp bị nghi nhiễm nCov, trong đó 37 trường hợp đã xuất viện (17 người nước ngoài, 20 người Việt Nam). Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố đã lấy 39 mẫu xét nghiệm bệnh do nCov. Hiện 32 mẫu đã có kết quả và tất cả đều âm tính.

Kiểm tra thân nhiệt du khách tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG
Kiểm tra thân nhiệt du khách tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG

Theo ngành y tế, Đà Nẵng từng có kinh nghiệm phối hợp từ lần chống dịch Ebola nên quy trình gần như được khép kín từ xe cấp cứu tiếp nhận, cách ly, xét nghiệm, theo dõi và điều trị bệnh nhân. “Chúng tôi đã lựa chọn Bệnh viện Phổi làm nơi theo dõi, cách ly ban đầu đối với những bệnh nhân nghi nhiễm. Đây là phương án hiệu quả, an toàn bởi Bệnh viện Phổi được thiết kế đúng chuẩn về điều trị bệnh truyền nhiễm. Ngoài ra, vừa qua thành phố cũng đã đồng ý chi gần 20 tỷ đồng mua trang thiết bị hỗ trợ thiết yếu. Những điều này là lợi thế giúp Đà Nẵng làm tốt hơn công tác phòng, chống dịch”, bà Yến cho biết thêm.

Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các đường bay đến và đi giữa Đà Nẵng-Trung Quốc đã tạm hoãn. Theo Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng, đến thời điểm hiện tại, lượng khách đến từ Trung Quốc đã giảm 49% so với trước. Tuy nhiên, việc kiểm soát du khách nhập cảnh Đà Nẵng vẫn là nhiệm vụ không hề đơn giản.

Theo bác sĩ Phạm Trúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, quá trình theo dõi, giám sát thân nhiệt du khách tại sân bay, đơn vị này có ghi nhận tình trạng du khách nhập cảnh từ nước thứ ba. “Chúng tôi đề nghị lãnh đạo thành phố chỉ đạo lực lượng công an xuất nhập cảnh, bộ đội biên phòng tăng cường kiểm tra và xử lý kịp thời những trường hợp này để nhiệm vụ phòng, chống dịch được an toàn, hiệu quả hơn”, ông Lâm cho biết.

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ nhấn mạnh, phòng chống dịch là nhiệm vụ cấp thiết, ưu tiên hàng đầu trong thời điểm hiện nay. Hiện Đà Nẵng chưa ghi nhận trường hợp nào dương tính với nCov nên lãnh đạo thành phố đề nghị các sở, ngành, đơn vị liên quan tập trung cho công tác chuẩn bị; tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho nhân viên y tế; truyền thông sâu rộng trong cộng đồng về mức độ nguy hiểm, các dấu hiệu nhận biết và cách phòng tránh đối với bệnh do nCov. “Các ngành y tế, truyền thông, các cơ quan thông tin, báo chí cũng nên đẩy mạnh tuyên truyền đa chiều để người dân hiểu rõ, đúng về dịch bệnh, tránh những lo lắng, hoang mang gây bất an trong dư luận. Các đơn vị liên quan cần chủ động, phối hợp và minh bạch trong việc cung cấp thông tin cho người dân, dư luận, các cơ quan truyền thông, báo chí”, Chủ tịch Huỳnh Đức Thơ cho biết thêm.

Lãnh đạo thành phố đề nghị Sở Giao thông vận tải tăng cường giám sát hoạt động trên các tuyến đường; lực lượng công an, bộ đội biên phòng tăng cường kiểm tra, giám sát tại các khu vực sân bay, cửa khẩu; đồng thời giao ngành du lịch tiếp tục theo dõi các hoạt động của du khách, chỉ đạo các đơn vị kinh doanh dịch vụ lữ hành, lưu trú có hành vi ứng xử văn minh với du khách, trong trường hợp lo lắng về dịch bệnh có thể đề nghị ngành y tế hỗ trợ về chuyên môn…

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn (thứ 2, phải sang) kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn (thứ 2, phải sang) kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: PHAN CHUNG

Đề cao cảnh giác, sẵn sàng ứng phó

Tối 30-1, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn dẫn đầu đoàn công tác, làm việc với ngành y tế thành phố liên quan vấn đề này. Ông Sơn đánh giá cao sự chủ động của Đà Nẵng, đặc biệt là sự chỉ đạo kịp thời của Thành ủy, UBND thành phố trong việc triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm do nCoV. “Bộ Y tế rất đồng tình với công tác chuẩn bị ứng phó của Đà Nẵng đối với bệnh do nCoV.

Quy trình giám sát, phát hiện, tiếp nhận cũng như theo dõi bệnh nhân khi có dấu hiệu được thực hiện tương đối an toàn”, Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho biết. Lãnh đạo Bộ Y tế cũng đề nghị ngành y tế thành phố gấp rút xây dựng phương án trong trường hợp dịch bùng phát, trong đó nhấn mạnh việc nâng cao năng lực chuyên môn cho các bệnh viện khác để có sự hỗ trợ kịp thời khi cần.

Bên cạnh đó, cần hết sức lưu ý đối với những khu công nghiệp có nhiều lao động, kể cả lao động nước ngoài. Thời điểm sau Tết Nguyên đán, người lao động trở lại thành phố nên dễ tiềm ẩn nhiều nguy cơ, đây là lúc đề cao cảnh giác, chủ động trong mọi tình huống có thể xảy ra.

Tăng cường chỉ đạo, giám sát, thực hiện công tác phòng, chống dịch

Ngày 31-1, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Quảng có Công văn số 3942-CV/TU về việc đẩy mạnh phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus Corona mới (nCov) gây ra.

Theo đó, Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các ban, ngành, đoàn thể chính trị-xã hội thành phố tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc Công văn số 79-CV/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28-1 của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng, chống dịch viêm phổi do nCov.

Ban cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo các ngành chức năng, địa phương, đơn vị chủ động xây dựng và triển khai quyết liệt các phương án, biện pháp phòng, chống dịch; kiên quyết kiểm soát, không để dịch lây lan, bảo đảm ổn định kinh tế-xã hội, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và ổn định đời sống nhân dân; khẩn trương chuẩn bị đầy đủ nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, phòng hộ cho nhân dân theo phương châm tại chỗ; tuân thủ nghiêm các biện pháp dự phòng, cách ly, điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nhất là những nơi đông người (sân bay, nhà ga, bến xe...).

Ban Thường vụ Thành ủy đề nghị các cấp, ngành trong trường hợp cần thiết, xem xét tạm dừng các hoạt động tập trung đông người, các lễ hội, hội nghị, hội thảo để tập trung phòng, chống dịch; kịp thời báo cáo tình hình phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn thành phố để theo dõi, chỉ đạo. Các đơn vị như Ban Tuyên giáo Thành ủy chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống dịch; Công an thành phố chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng đấu tranh và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân đưa thông tin không chính xác, gây hoang mang, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân...

PHAN CHUNG

;
;
.
.
.
.
.