HĐND thành phố vừa ban hành Nghị quyết về quyết định chủ trương đầu tư nâng cấp, xây dựng cải tạo và bổ sung trang thiết bị cho Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng. Với tổng mức gần 1.600 tỷ đồng, việc đầu tư nâng cấp này được kỳ vọng sẽ là bước chuyển biến đáng kể, giải quyết tình trạng quá tải, xuống cấp, đưa Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng trở thành bệnh viện tuyến cuối chuyên khoa, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng được đầu tư để trở thành bệnh viện tuyến cuối chuyên khoa, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh cho cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Ảnh: PHAN CHUNG |
Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng được thành lập theo Quyết định số 2182/QĐ-UBND ngày 13-4-2012 với quy mô 600 giường. Đây là bệnh viện hạng I, tuyến cuối chuyên khoa Phụ sản-Nhi của Đà Nẵng và khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Trước nhu cầu khám, chữa bệnh tăng cao, bệnh viện liên tục nâng công suất giường kế hoạch từ 600 giường (2012) lên 700 giường (2014), 900 giường (2015) và 1.200 giường (2018).
Tuy nhiên, theo bác sĩ Phạm Chí Kông, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, qua thực tế hoạt động cho thấy, bệnh viện liên tục đối mặt với tình trạng quá tải. Mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận, khám điều trị ngoại trú cho khoảng 1.500 bệnh nhân và thu dung điều trị nội trú gần 1.400 bệnh nhân. Số bệnh nhân có nhu cầu điều trị tăng cao khiến nhân lực rơi vào tình trạng quá tải, cơ sở vật chất xuống cấp. Tại một số khoa như Nhi sơ sinh, Y học nhiệt đới, Nhi hô hấp…, các thiết bị như điều hòa, quạt hoạt động không ổn định, nhà vệ sinh thiếu, nhếch nhác do tần suất sử dụng quá lớn.
Hiện nay, tổng số giường thực kê điều trị cho người bệnh là trên 1.700 giường, gần gấp 3 lần công suất thiết kế ban đầu. “Các chỉ tiêu khám, chữa bệnh của bệnh viện thời gian qua đều đạt, vượt kế hoạch. Đơn cử như năm 2019, số bệnh nhân đến khám đạt 122%, bệnh nhân nội trú 156%, số ca sinh 134%, phẫu thuật 129%, các hoạt động thăm dò, chẩn đoán 130%. Theo thống kê của chúng tôi, số lượt bệnh nhân nội trú tăng đến 80% trong giai đoạn từ 2012 - 2019 và theo lộ trình đến năm 2021, khi thông tuyến bảo hiểm y tế tuyến tỉnh, chắc chắn bệnh nhân sẽ còn tăng hơn nữa”, bác sĩ Kông cho biết.
Liên quan đến việc đầu tư, nâng cấp Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, ngày 23-12-2019, UBND thành phố đã có thông báo về việc Ban Thường vụ Thành ủy thống nhất chủ trương đầu tư xây dựng, cải tạo và nâng cấp Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng theo quy hoạch được phê duyệt bằng ngân sách thành phố. Mới đây nhất, tại kỳ họp thứ 14 (bất thường) ngày 22-5 vừa qua, HĐND thành phố đã thống nhất thông qua cùng lúc 2 tờ trình của Chủ tịch UBND thành phố liên quan đến việc đầu tư cho bệnh viện này.
Theo đó, HĐND thành phố thông qua Tờ trình số 2443/TTr-UBND ngày 14-4-2020, thống nhất phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng cải tạo và bổ sung trang thiết bị Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng, với tổng mức hơn 790 tỷ đồng. Cụ thể, dự án cải thiện điều kiện cơ sở vật chất và môi trường khám, chữa bệnh; sắp xếp, tổ chức lại một số chức năng trong khối nhà cũ, hướng tới đáp ứng việc tổ chức phân khu chức năng cho bệnh viện quy mô 2.000 giường. Cải tạo, nâng cấp các khối nhà A, B, C, D, E, F hiện trạng và nhà cầu nối với tổng diện tích sàn khoảng 69.862m2; đầu tư xây dựng mới khối khoa Truyền nhiễm với quy mô 200 giường.
Tiếp đó, HĐND thành phố cũng đã thông qua Tờ trình số 2444/TTr-UBND ngày 14-4-2020, thống nhất phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng nâng cấp Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng với tổng mức đầu tư hơn 788,9 tỷ đồng. Cụ thể, phần xây lắp sẽ tháo dỡ khối nhà chống dịch và liên chuyên khoa Mắt - Tai mũi họng - Răng hàm mặt 1 tầng hiện trạng để xây dựng mới khối Trung tâm Kỹ thuật và Khám, điều trị chất lượng cao 14 tầng nổi + 2 tầng hầm, quy mô 399 giường bệnh, diện tích xây dựng 2.600m2, tổng diện tích sàn xây dựng: 36.400m2 các tầng nổi + 5.200m2 tầng hầm. Xây mới nhà cầu nối khối Trung tâm Kỹ thuật và Khám, điều trị chất lượng cao với khối nhà A, quy mô 3 tầng, diện tích xây dựng 200m2, tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 600m2…, thời gian thực hiện 2 dự án trên từ năm 2020-2022.
Theo bà Cao Thị Huyền Trân, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội, HĐND thành phố, việc nâng cấp, mở rộng Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng đã từng có chủ trương từ năm 2017 theo cơ chế xã hội hóa, liên doanh, liên kết trên tinh thần thực hiện Nghị quyết 93/NQ-CP ngày 15-12-2014 của Chính phủ. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, việc lựa chọn đối tác để thực hiện theo cơ chế liên doanh, liên kết gặp nhiều khó khăn, vướng mắc; một số thủ tục chưa có hướng dẫn cụ thể. “Quá trình thẩm tra chúng tôi thấy, việc đầu tư dự án mang tính cấp thiết, giải quyết tình trạng quá tải, xuống cấp của bệnh viện.
Những năm qua, Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng luôn trong tình trạng quá tải. (Ảnh chụp đầu năm 2020) Ảnh: P.C |
Đây là công trình trọng điểm, động lực cần tập trung cho giai đoạn 2016-2020, nên đề nghị UBND thành phố trong quá trình triển khai thực hiện dự án cần lựa chọn các phương án bảo đảm phù hợp, tránh trùng lặp, hiệu quả; cân đối vốn để hoàn thành công trình đúng tiến độ, kế hoạch; thực hiện nghiêm túc việc mua sắm trang thiết bị, khai thác tối ưu công năng, tránh lãng phí. Đặc biệt, phải bảo đảm công tác khám, chữa bệnh trong quá trình triển khai dự án”, bà Trân cho biết.
Bác sĩ Ngô Thị Kim Yến, Giám đốc Sở Y tế cho biết, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng là một trong những cơ sở y tế áp dụng nhiều kỹ thuật tiên tiến trong khám, chữa bệnh nên thu hút ngày càng nhiều bệnh nhân ngoài địa phương đến khám, điều trị.
Trong những năm gần đây, tình trạng quá tải ở mức độ cao liên tục xảy ra, trong khi cơ sở vật chất đã xuống cấp, cần được cải tạo để phục vụ nhu cầu của người dân. “Hiện nay, các khu điều trị chật chội, quá tải làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm chéo khiến cho bệnh nhân mệt mỏi khi điều trị; nhân viên y tế căng thẳng, áp lực khi chăm sóc bệnh nhân. Việc đầu tư, nâng cấp Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng sẽ đáp ứng cho người bệnh một không gian điều trị hợp lý, trở thành bệnh viện hàng đầu khu vực trong lĩnh vực sản, nhi”, bác sĩ Yến nói.
PHAN CHUNG