Trên địa bàn thành phố hiện có hàng trăm hội viên Cựu chiến binh (CCB) khó khăn đã và đang sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay tín chấp của Hội CCB các cấp để phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững.
Trở về sau chiến tranh, ông Nguyễn Thái Bình (SN 1960, trú phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) mất sức không thể lao động nặng, sống độc thân; vì vậy, nhiều năm nay, ông Bình là hộ nghèo của phường. Để giúp ông Bình có kế sinh nhai, Hội CCB phường Hòa Khánh Nam đứng ra tín chấp giúp ông được vay vốn để phát triển kinh tế. Năm 2018, thông qua tín chấp của Hội CCB phường, ông Bình vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố chi nhánh quận Liên Chiểu.
Nhận thấy nhu cầu thuê nhà trọ của công nhân, sinh viên trên địa bàn phường cao, từ số tiền vay được, ông Bình sửa lại căn nhà, ngăn ra vừa để ở vừa cho thuê trọ. Mỗi tháng, ông Bình thu nhập 1,5 triệu đồng, sau khi trả tiền gốc và lãi ngân hàng hơn 800.000 đồng, ông Bình còn dư khoảng 700.000 đồng để chi tiêu. Nhờ vậy, cuối năm 2018, ông Bình ổn định cuộc sống và từng bước thoát nghèo. “Tôi đang dự tính xây thêm một phòng trọ nữa cho thuê để có thêm thu nhập dành dụm lúc về già. Nhờ có sự tín chấp của Hội CCB phường nên tôi mới được vay vốn để làm ăn, cảm thấy rất vui”, ông Bình chia sẻ.
Theo Chủ tịch Hội CCB quận Liên Chiểu Nguyễn Văn Bình, hằng năm, Hội CCB các phường tổ chức các buổi đối thoại với những hội viên nghèo, khó khăn để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng. Những hộ nào có nhu cầu vay vốn để làm ăn, phát triển kinh tế đều được Quận Hội tạo điều kiện tín chấp. Cũng theo ông Bình, Hội CCB quận đang quản lý nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố với 58 tổ tiết kiệm vay vốn ở khắp các chi hội, tổng dư nợ 89 tỷ đồng; tín chấp cho 505 hộ CCB vay vốn làm ăn.
Hiện nay, Hội CCB huyện Hòa Vang cũng là nơi có đông CCB vay vốn tín chấp để phát triển kinh tế. Tại thôn Phò Nam (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang), CCB Nguyễn Văn Hồng (SN 1962) là một trong những điển hình về thoát nghèo nhờ vốn vay tín chấp. Những năm trước đây, gia đình ông Hồng nằm trong diện hộ nghèo đặc biệt khó khăn. Từ năm 2005, trước nhu cầu cần vốn để phát triển kinh tế, nhờ được sự tín chấp của Hội CCB xã Hòa Bắc, ông Hồng làm đơn vay 5 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội thành phố chi nhánh huyện Hòa Vang để mua bò giống.
Sau một năm, bò mẹ sinh ra một bò con, từ đó ông Hồng tiếp tục nuôi để phát triển thành đàn. Tính đến nay, đàn bò nhà ông Hồng có gần chục con, mỗi năm xuất bán 4 - 5 con, thu được hàng chục triệu đồng. Mới đây, ông Hồng tiếp tục làm đơn xin vay thêm 30 triệu đồng để phát triển chăn nuôi heo lai, gà thả vườn, trồng cây ăn trái... Nhờ có đất vườn rộng gần 2 hecta, ông Hồng trồng hàng trăm gốc chuối, dừa, mít; trồng vườn rau với đủ loại bầu, bí, mướp, cà cho thu nhập quanh năm. Chưa hết, ông Hồng còn xây dựng chuồng trại, nuôi hơn 30 con heo lai, hàng trăm con gà thả vườn. Hiện nay, ông Hồng là một trong những hộ làm kinh tế giỏi, phát huy hiệu quả nguồn vốn vay nhờ tín chấp và đã thoát nghèo bền vững.
Hay như ông Nguyễn Văn Trung (70 tuổi, trú thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) cũng là một trong những hộ đã thoát nghèo nhờ sử dụng hiệu quả vốn vay tín chấp. Ông Trung vốn là bộ đội xuất ngũ, đi kinh tế mới lên thôn Tà Lang. Thời điểm mới đến lập nghiệp, cuộc sống vợ chồng ông Trung hết sức khó khăn. Với quyết tâm vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng, ông Trung đã mạnh dạn vay 60 triệu đồng qua sự tín chấp của Hội CCB xã để làm kinh tế. Có vốn, ông Trung thuê nhân công phát dọn thực bì, mua cây keo giống, trồng 13 hecta keo lấy gỗ.
Sau 5 năm chăm sóc, rừng keo của ông Trung phát triển tốt và cho thu hoạch. Từ nguồn kinh phí thu được từ cây keo, ông Trung trả khoản vay gốc rồi tiếp tục xin vay mới 60 triệu đồng để mở rộng sản xuất. Không chỉ trồng keo, ông Trung còn trồng thêm cây ăn trái, cây gỗ lớn, nuôi cá, bò, dê. Không chỉ vươn lên thoát nghèo, giờ đây gia đình ông Trung còn có thu nhập khá tại địa phương. “Nguồn vốn vay tín chấp có ý nghĩa rất lớn đối với tôi cũng như những hội viên CCB nghèo khác. Nhờ có sự tín chấp của các hội, đoàn thể mà chúng tôi được ưu tiên giải ngân nhanh, vay được số tiền lớn, lãi suất thấp để phát triển kinh tế gia đình”, ông Trung nói.
Theo Phó Chủ tịch Hội CCB thành phố Nguyễn Hữu Tài, hoạt động tín chấp để các hội viên CCB nghèo được vay vốn phát triển kinh tế là chủ trương rất nhân văn. Nếu không có sự tín chấp, hội viên phải đi vay ngoài, vay “nóng” với lãi suất cao. Do đó, việc đứng ra tín chấp cho hội viên là một hoạt động thiết thực, ý nghĩa, giúp hội viên khó khăn có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống và vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.
LAM PHƯƠNG