Với ai đó, mùi của Tết là bánh chưng xanh, dưa hành, câu đối đỏ. Riêng tôi, mùi của Tết là mùi dậy nồng hương vị đủ loại thức ăn dự trữ trong gian bếp của mẹ nhưng chứa đựng tình cảm gia đình ấm áp trong những ngày Tết đến xuân về.
Góc bếp, những kỷ niệm nhỏ bé bên người thân sẽ theo mỗi người Việt đến cuối cuộc đời. |
Vào những ngày cận Tết, xung quanh cái góc bếp nhỏ ấm áp ấy càng thêm sung túc khi mẹ mua về ngày càng nhiều rau, củ, quả xanh mát mắt. Nào là bắp cải, su su, bí đao, bí đỏ, cải cay, cải ngọt; đặc biệt những loại rau củ quả ngày thường hiếm thấy như khoai tây, môn sọ, cà rốt, hành tây cũng được mẹ mua về để đầy ăm ắp một rổ mây, chuẩn bị cho món lagu hầm xương heo hoặc thịt bò.
Nhà tôi còn có thói quen ăn măng khô, nấm mèo hầm với xương gà hoặc heo. Đây là món ăn khoái khẩu của mẹ bởi nó vừa dự trữ được lâu trong mấy ngày Tết vừa giúp ăn cơm đỡ cảm thấy ngán. Để có một nồi xáo măng gà hoặc xương heo ngon, trước đó mẹ chọn những búp măng khô gác bếp được dặn mua từ các cô chú bạn hàng quen thuộc ở các bản làng dân tộc Vân Kiều ở huyện miền núi Đakrong, Quảng Trị.
Nhờ vậy, măng khi luộc lên sẽ mềm và ngọt. Công đoạn tiếp theo là giao cho tôi ngồi tước ra thành từng sợi nhỏ cho dễ ăn, rồi sau đó đem hầm với nước xương gà hoặc nước xương heo đã được ninh nhừ từ trước. Trong đó, mẹ còn bỏ thêm nấm mèo và các thứ gia vị khác. Mùi thơm của măng khô và nước dùng làm cho căn bếp luôn dậy lên hương thơm đặc trưng trong mấy ngày Tết không lẫn vào đâu được. Đặc biệt, mẹ còn có cái rổ nhỏ đựng gia vị như ớt hiểm, hạt tiêu xanh, gừng tươi, nghệ tươi, hành tím, tỏi, chanh, xả, rau ngò, rau răm, lá nén, lá hành baro... Các thứ dùng làm gia vị này luôn được mẹ tôi để riêng vào mấy cái rổ để ngay cạnh bếp, chỉ cần nấu món gì cần đến là có ngay.
Sau này, chị tôi về làm dâu mua tặng cho mẹ một chiếc tủ lạnh thì gian bếp của mẹ có thêm nhiều thức ăn ngon hơn được mẹ mua về dự trữ từ lễ cúng ông Táo. Ngăn đông tủ lạnh luôn đầy ăm ắp các loại thịt thà như thịt lợn rừng, thịt gà quê, vịt xiêm, thịt bò và các loại hải sản tươi như mực, cá, tôm... Do mẹ tôi có mở một quầy bán hàng tạp hóa ở chợ sau khi nghỉ hưu nên lúc nào gần Tết, hễ có ai quen bán những thứ ngon, vật lạ bảo đảm chất lượng là mẹ đặt mua về cất để dùng cho mấy ngày Tết.
Hồi còn khỏe và chưa bận rộn với công việc bán hàng, vào những ngày cuối năm giáp Tết, mẹ tôi còn có thói quen gói bánh tét, làm mứt gừng, mứt bí đao, mứt cà rốt, mứt dừa và bánh thuẫn. Nhờ vậy, gian bếp của mẹ luôn có một rổ trứng gà so trắng hồng, bột bình tinh, gạo nếp, đậu xanh, đường, lá chuối, than hoa...
Trong tất cả các món trên, có lẽ làm bánh thuẫn là công phu và vất vả nhất vì phải chọn kỹ các loại nguyên liệu nếu không bánh sẽ không ngon và không đẹp mắt. Trước khi đỗ bánh 2-3 ngày, mấy anh em tôi vừa được nghỉ học là tập trung thay nhau ngồi đánh trứng cho tơi lên. Ngày đó chưa có máy đánh trứng như bây giờ nên chúng tôi phải dùng nguyên hai bó đũa to để khuấy trứng. Sau khi trứng được đánh bông thì đổ đường vào đánh cho tan hết rồi mới đổ bột vào. Bột bình tinh là thứ quan trọng nhất vì nếu mua trúng bột người ta trộn bột lọc thì bánh không nở và ăn sẽ rất cứng. Vì vậy, mẹ tôi phải dặn những người lọc bột đáng tin cậy để mua. Khuôn bánh thì được bác đồng nghiệp mẹ tôi cho mượn.
Cứ vào đêm 29, 30 gian bếp mẹ lại dậy lên mùi bánh thuẫn thơm ngào ngạt của vani, trứng. Ngày đó mượn khuôn đổ bánh rất khó khăn, nhất là vào những ngày giáp Tết, ai cũng có nhu cầu làm bánh. Là đồng nghiệp thân quen của mẹ nên gia đình tôi luôn được bác Uyên ưu tiên cho mượn trước. Khi mượn được khuôn là các cô hàng xóm cũng tranh thủ hẹn nhau đổ bánh một lượt để dùng chung khuôn cho tiện. Vậy là căn bếp của mẹ lại đông đúc và chộn rộn hẳn ra.
Ảnh: PHAN VĨNH YÊN |
Nhất là những đứa trẻ nhỏ như bọn tôi cứ lóng ngóng ngồi chờ từng mẻ bánh đầu tiên ra lò. Mẹ quan niệm, năm nào bánh đổ nở đều và đẹp thì năm đó sẽ ăn nên làm ra. Mẻ bánh đầu tiên sẽ được mẹ cho tất cả mọi người ăn thử, tất nhiên bọn tôi là những đứa hào hứng nhất. Bánh đổ xong sẽ được hông khô trên than hồng và treo trên gác bếp. Mùi hương của bánh thuẫn, bánh chưng, bánh tét, mứt, măng khô, chả, nem và các loại rau củ quả, gia vị khác tạo cho gian bếp của mẹ luôn có một mùi đặc trưng không thể lẩn vào đâu được.
Và tôi cũng nhận ra rằng, không chỉ có tôi nhớ về góc bếp yêu thương bé nhỏ của mẹ mà hễ ai đi xa cũng đều nhớ về nó như một kỷ niệm đẹp dành cho gia đình mình. Có lần, trở lại công việc sau mấy ngày nghỉ Tết, tôi tình cờ đọc được những dòng chia sẻ đầy xúc động của một nhà thơ rằng: “Tôi vô tình mở hũ dưa món còn sót lại từ Tết mà Má gửi vô cho, mùi hương tràn một góc bếp. Tự dưng cảm giác nhớ Tết một cách kỳ lạ. Mình vẫn chưa bao giờ giải thích được là tại sao chỉ có Tết mình mới thực sự có cảm giác ăn bánh tét/bánh chưng với dưa món là ngon nhất. Mình vẫn luôn nghĩ mình có một trí tưởng tượng rất đặc biệt với những mùi hương trong cuộc đời này!”.
Sau này, hễ đi thăm Tết nhà ai, nếu có dịp xuống bếp thì như một thói quen, tôi lại đảo mắt nhìn gian bếp nhà họ để biết gia chủ có ăn Tết sung túc hay không, đồng thời cũng nhận ra người nội trợ trong gia đình có chu toàn, tươm tất như mẹ mình không. Dù bây giờ gian bếp của mỗi nhà đã hiện đại hơn nhờ có bếp từ, lò vi sóng... nhưng tôi vẫn yêu gian bếp của mẹ tôi ngày xưa hơn. Bởi nó rất dung dị, đơn sơ nhưng chứa đựng biết bao sự lo toan, vun vén, chăm sóc, chu đáo của người phụ nữ trong gia đình.
Gian bếp của mẹ còn gợi cho tôi nhớ về những năm tháng tuổi thơ nghèo khó nhưng đầy ắp kỷ niệm của mẹ đối với các con thân yêu! Có ai đó nói rằng, ngày nay, công việc nội trợ tuy không còn là gánh nặng của người phụ nữ hiện đại nhưng là một nghệ thuật sống và giữ gìn hạnh phúc gia đình. Với tôi, chỉ có những món ăn do chính tay mẹ làm mới thực sự ngon nhất bởi nó không chỉ chứa đựng hương vị thân thuộc quê nhà mà còn thấm đẫm tình mẫu tử yêu thương vô bờ mà mẹ đã dành cho anh em tôi trong từng bữa ăn, giấc ngủ.