Hương nếp đắng dưới chân Hòn Tàu

.

Người làng Lộc Đại lớn lên đã thấy ruộng nếp đắng trước ngõ. Thứ nếp mẩy hạt, có cái “đuôi” bé xíu xíu đằng sau đã nuôi lớn bao nhiêu thế hệ dưới chân núi Hòn Tàu. Cũng thật lạ lùng, thứ nếp ấy chỉ ngọt, chỉ thơm khi sinh trưởng trên chính mảnh đất làng xưa cũ.

Cổng làng Lộc Đại hôm nay.
Cổng làng Lộc Đại hôm nay.

“Nếp đắng mà ngọt thơm quá chừng!”

Làng Lộc Đại bây chừ thuộc thôn Lộc Thượng (xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam). Từ ngã ba Hương An, chiếc xe máy đưa chúng tôi băng qua những nếp nhà, vòng vèo qua lối đi bê-tông dọc những đồng lúa trù phú của đất Quế Sơn, áng chừng 40 phút mới tới cổng làng Lộc Đại. Nơi này đương sở hữu giống nếp đắng trứ danh mà không nơi nào có được. Nếp đắng không chỉ là món ăn, mà còn là sinh kế của người Lộc Đại qua năm tháng, đóng góp vào sự phát triển nông nghiệp của xã Quế Hiệp nói riêng, Quế Sơn nói chung.

Chỉ tay ra hướng ruộng nếp vừa thu hoạch xong trong vụ đông-xuân, lão nông Trần Phước Binh (tổ 2, thôn Lộc Thượng) nói: “Nhà tôi trồng nếp đắng nhiều nhất ở đây, mỗi vụ nếp trồng y một mẫu. Hết vụ thì giữ lại một phần nếp đắng, để gieo cấy cho mùa sau, mà cũng lạ, chỉ có trồng ở Lộc Đại thì nếp mới thơm, mới ngọt”. Không ai lý giải được điều lạ lùng ấy, mặc dù đất đai, thổ nhưỡng ở Lộc Đại không có nhiều khác biệt với những địa phương lân cận, chỉ biết nếp đắng đã có từ lâu đời, trở thành “hồn cốt” trong đời sống nông nghiệp của người làng từ nhiều đời nay.

Lão nông Trần Phước Binh bên những bó nếp đắng đặc trưng ở Lộc Đại.
Lão nông Trần Phước Binh bên những bó nếp đắng đặc trưng ở Lộc Đại.

Bằng kinh nghiệm của mình, ông Binh cho hay, thử đem hạt nếp này gieo ở những vùng khác lân cận thì nếp cũng sinh trưởng tốt, trổ hạt trổ bông đều nhưng đem nấu lên thì lại không mùi, không vị, chỉ có trồng ở Lộc Đại, nếp đắng mới được hương vị đặc trưng. Ngay ở những xã lân cận, chỉ cách Quế Hiệp chừng một quãng đồng nhỏ như Quế Xuân, Quế Thuận, những hạt nếp thu về cũng nhạt mùi, nhạt vị một cách lạ thường. Ông Binh chia sẻ: “Tôi sinh ra, lớn lên, biết cầm cuốc theo gia đình ra đồng đã thấy cây nếp. Ông bà, ba mẹ thì dặn dò con cháu đời sau đừng để nó mai một, bởi nó chỉ có ở làng mình, độc nhất ở làng mình mà thôi. Vậy rồi người làng coi nó như lộc trời ban, mà lộc trời ban thì phải giữ”.

Cả một vụ hè thu có khi thu hoạch được tới 50 tấn nếp đắng, từ đây, người Lộc Đại nấu được rất nhiều thức ngon như xôi, bánh tét, bánh chưng, bánh ú, rượu… Hầu hết đã trở thành món ngon trên bàn tiệc, lễ lạt, nhất là dịp Tết.

Miệt mài giữ giống nếp quý

Theo những nông dân ở Lộc Đại, ngày xưa nơi đây còn có cả nếp hương, nếp tiên, nếp mỡ… nhưng bây giờ chỉ có nếp đắng là giữ được hương vị và giá trị kinh tế. Có thời điểm, giá nếp lên 20.000 đồng/kg, nhiều tiểu thương gần xa tìm tới Lộc Đại để mua nếp sỉ, điều này vừa là tín hiệu vui, cũng để lại những câu chuyện… buồn mà những nông dân như ông Binh không mong muốn.

 Xôi nếp đắng Đại Lộc Ảnh trong bài: XUÂN SƠN
Xôi nếp đắng Đại Lộc Ảnh trong bài: XUÂN SƠN

Chuyện vui thì nhiều, đơn cử như có anh thanh niên Nguyễn Ngọc Huân (ở xã Quế Phong) quyết định cùng bạn bè đầu tư sản xuất rượu nếp đắng chất lượng cao, với những hạt nếp đắng thơm ngon được đặt mua từ nhà ông Binh. Bây giờ, rượu nếp đắng của anh Huân đang tràn trề tiềm năng trở thành sản phẩm OCOP (chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị - mỗi làng một sản phẩm - PV), góp phần quảng bá giá trị nếp đắng ra thị trường.

Còn chuyện buồn cũng có, ông Binh nói. Đã có tình trạng nhiều tiểu thương ở Bà Rén (Duy Xuyên), Quế Xuân (Quế Sơn) lên Lộc Đại mua nếp đắng về trộn lẫn với nếp cao sản rồi… mang ngược lên các xã khác ở Quế Sơn để bán với lời rêu rao “Nếp đắng Lộc Đại chính hiệu” với giá rẻ hơn giá gốc khoảng 5.000 đồng/kg. Theo lời ông Binh, ngay cả những người có kinh nghiệm canh tác lâu năm cũng khó mà phân biệt được sự trộn lẫn này, chỉ có đem nấu lên mới biết được. Đem thứ nếp trộn lẫn này nấu lên sẽ thấy rõ, nếp đắng và nếp cao sản không chín cùng lúc. Nếp đắng càng nấu lâu càng nhuyễn, càng dẻo thơm; trong khi nếp cao sản cứng sượng, nấu lâu sẽ trở nên… ướt nhèm nhẹp.

Trước sân nhà ông Binh có một số thùng phuy lớn, ông bảo: “Trong đó là nếp đắng giống được giữ gìn để gieo cấy cho mùa sau”. Từ thùng, ông mang ra những bó bông nếp dày hạt, múp tròn, căng bóng, không mảy may hư hại. Để có được số giống này, người Lộc Đại phải dầm mình trong những thửa ruộng, đi cắt từng bông nếp một. Bông nếp khô rồi, người Lộc Đại cất kỹ vào thùng để tránh chuột bọ và ẩm mốc. “Có người chỗ khác tới hỏi, cả ruộng hàng trăm, có khi cả ngàn bông nếp, sao không gặt nếp một lượt cho nhanh mà phải cắt từng cái một. Thật ra, làm như vậy là để mùa sau cây nếp còn phát triển, còn sinh ra được những hạt nếp ngon lành”, ông Binh giải thích.

Ông Trần Anh Toàn, Chủ tịch UBND xã Quế Hiệp cho biết, chính quyền xã đang xây dựng nếp đắng thành thương hiệu đặc sản địa phương theo chương trình OCOP. Theo ông Toàn, trong quá trình canh tác của bà con, phấn của cây lúa và nếp đắng trên cùng ruộng xảy ra tình trạng thụ phấn chéo, gây nguy cơ thoái hóa cho nếp đắng trong tương lai gần. Chính vì thế, cần có một kế hoạch lâu dài để bảo tồn, phục tráng giống nếp đắng “siêu thuần chủng”, trở thành thương hiệu kinh tế của địa phương. Vì lẽ đó, từ năm 2017, UBND xã Quế Hiệp đã đề nghị UBND huyện Quế Sơn cho phục tráng giống nếp đắng đặc hữu của Lộc Đại. Đến thời điểm hiện tại, chương trình phục tráng giống đã đi qua mùa nếp thứ hai với việc phát triển, mở rộng vùng sản xuất nếp đắng, kết hợp xây dựng nông thôn mới.

Hiện tại, vùng chuyên canh, phục tráng nếp đắng tại đây rộng 12ha với 74 hộ tham gia sản xuất. Mới đây, địa phương được UBND huyện Quế Sơn hỗ trợ máy sấy nếp, hướng tới cơ giới hóa nông nghiệp, tăng năng suất sản xuất... Để từ đây, địa phương hy vọng hương nếp đắng Lộc Đại ngày càng vươn xa…

“Làng Nam Bộ” giữa xứ Quảng

Về cái tên “nếp đắng” nhưng dẻo thơm, ông Trần Anh Toàn cho hay: “Có thể trong quá trình canh tác từ xưa tới nay, trồng nếp đắng cực, phải canh ngày canh đêm, canh thời tiết, cực trăm bề nên cái tên “đắng” ra đời như để gợi nhắc nỗi vất vả”. Cùng ý kiến đó, ông Binh cho biết thêm: “Nếp đắng chỉ cấy được ở ruộng sâu, làm đòng vào khoảng đầu tháng 9, thời tiết bấy giờ thất thường nên phải canh gió canh bão. Rồi mỗi lần thu hoạch lại cực, vỏ hạt nếp có nhiều lông rất ngứa, ngứa không chịu được!”.

Còn một điều đặc biệt mà ít người biết, Lộc Đại được mệnh danh là “Làng Nam Bộ” giữa lòng xứ Quảng. Người ở xa tới Quế Hiệp, đứng ở mấy thôn như Nghi Trung, Nghi Hạ thì nghe giọng Quảng “rặt” kiểu “mô, tê, răng, rứa” như “Mi làm răng rứa?”, vậy mà bước tới một cách đồng, ngang qua cổng làng Lộc Đại đã nghe thành “Em làm sao vậy?” hệt như giọng Nam Bộ. Bây giờ, vẫn chưa có cơ sở nào lý giải nguồn gốc giọng nói đặc biệt của người Lộc Đại cũng như nguồn gốc của nếp đắng. Ông Trần Anh Toàn cho hay, có lý giải là do nguồn nước, có lý giải từ lịch sử nhưng đều chưa được chứng minh. Điều “bí ẩn” ấy, lại trở thành lợi điểm cho địa phương này.

XUÂN SƠN

 



 

;
;
.
.
.
.
.