Doanh nghiệp nỗ lực vượt khó

.

Covid-19 khiến các doanh nghiệp sản xuất gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tăng trưởng kinh tế thành phố. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp tự trang bị cho mình “lá chắn” là các phương án, giải pháp thích ứng để tăng sức đề kháng, giúp đứng vững trong cơn bão dịch bệnh cũng như sớm phục hồi và phát triển các hoạt động sản xuất, kinh doanh. Bên thềm Xuân Nhâm Dần 2022, Báo Đà Nẵng ghi nhận ý kiến chia sẻ của đại diện các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố về nỗ lực, thích ứng trong bình thường mới.

Hạ tầng Khu công nghệ thông tin tại Đà Nẵng.  Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG KHIÊM
Hạ tầng Khu công nghệ thông tin tại Đà Nẵng. Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG KHIÊM

Ông Nguyễn Đức Trị, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ:

Áp dụng chuyển đổi hóa sâu sắc

2021 thực sự là một năm rất khó khăn với doanh nghiệp dệt may nói chung, Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ nói riêng. Đại dịch gây tắc nghẽn trong chuỗi giá trị toàn cầu, đứt gãy nguồn cung nguyên phụ liệu làm giá nguyên liệu sản xuất tăng cao, tạo ra nhiều thách thức cho hoạt động tìm kiếm, khai thác đơn hàng; việc thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu gặp nhiều trở ngại, các chi phí vận chuyển tăng cao... gây khó khăn cho doanh nghiệp. Chưa kể, việc thực hiện giãn cách xã hội khiến có lúc doanh nghiệp chỉ được phép hoạt động “3 tại chỗ” hoặc phải giảm lao động, chỉ hoạt động 30%, 50% và tối đa 70% lao động. Khi trở lại trạng thái bình thường mới, chúng tôi phải bố trí lại dây chuyền phù hợp với số lượng lao động tăng lên, nhiều lao động phải thay đổi công đoạn sản xuất gây ảnh hưởng đến năng suất, hiệu quả công việc và thu nhập. Mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng kết quả sản xuất kinh doanh năm 2021 của Hòa Thọ khá tích cực, tăng 20% so với năm 2020, đạt 112% kế hoạch năm 2021.

Năm 2022, chúng tôi đặt mục tiêu doanh thu tăng 7-10%, kim ngạch xuất khẩu tăng 10% trở lên, thu nhập bình quân tăng 5-10%… so với năm 2021. Để đạt mục tiêu này, chúng tôi tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác phòng, chống dịch trong toàn doanh nghiệp, xây dựng các quy định phù hợp tình hình mới, bảo đảm linh hoạt, an toàn và hiệu quả.

Đặc biệt, năm 2022 sẽ là năm mà tổng công ty tập trung đẩy mạnh công tác số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin vào các mặt hoạt động để nâng cao hơn nữa hiệu quả trong công tác sản xuất và quản trị doanh nghiệp; tập trung nghiên cứu đầu tư máy móc thiết bị, đổi mới công nghệ, tiếp cận với các công nghệ tiên tiến hiện đại, vừa đáp ứng yêu cầu sản xuất và bắt kịp xu hướng công nghiệp 4.0. Cuối cùng là chú trọng xây dựng và hoàn thiện văn hóa doanh nghiệp, lan tỏa đến từng cán bộ, công nhân viên để xây dựng nền tảng văn hóa doanh nghiệp vững chắc, có sự khác biệt, tạo dấu ấn để thu hút và “giữ chân” đối tác khách hàng, các nhà đầu tư đến với Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ.

Bà Phạm Thị Kiều Nga, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tùng Lâm Asia:

Khai phá thị trường mới

Đối mặt với những khó khăn, chúng tôi nhận thấy đây cũng là thời điểm mở ra nhiều cơ hội để công ty thực hiện cơ cấu nguồn lực, nắm bắt thời cơ và tìm hướng đi mới phù hợp nhu cầu thị trường dựa trên 3 yếu tố: “Nhân sự phù hợp - Chiến lược khác biệt - Quản trị đặc thù”. Để ứng phó với khủng hoảng Covid-19, chúng tôi xây dựng cho mình các kịch bản/phương án sản xuất kinh doanh ứng phó trong điều kiện dịch bệnh, linh hoạt xử lý và không quá cực đoan khi xảy ra sự cố. Bên cạnh đó, công ty chú trọng đào tạo, nâng cao hiệu quả quản trị, sản xuất, kinh doanh; đa dạng nguồn cung để tránh tình trạng đứt gãy sản xuất; chuyển đổi số hoá rút ngắn các công đoạn…

Trong năm mới 2022, tôi kỳ vọng bức tranh kinh tế hồi phục tươi sáng với việc áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch bệnh linh hoạt hơn. Các chính sách, biện pháp hỗ trợ dài hạn và ngắn hạn cho doanh nghiệp được đẩy mạnh và triển khai quyết liệt hơn. Thủ tục hành chính được cải cách, rút ngắn quy trình nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoàn thiện thực hiện cũng như bảo đảm an toàn sức khỏe cộng đồng trong thời điểm dịch bệnh phức tạp.

Riêng với Công ty CP Tùng Lâm Asia, năm 2022 sẽ là năm công ty tập trung chuyển đổi số sâu từ quản trị đến sản xuất nhằm rút ngắn thời gian, tiết giảm chi phí, nâng cao sản lượng, linh hoạt trong quy trình quản lý, hạn chế sự bị động về mặt nhân lực. Ngoài ra, một trong những hoạt động định hướng chiến lược của công ty là tập trung vào thị trường ngách (là một phân khúc thị trường nhỏ hơn, đã từng hoặc chưa đơn vị nào khai phá nhưng đầy tiềm năng). Ngoài phát triển sản phẩm mới, công ty đẩy mạnh các hoạt động phát triển chất lượng sản phẩm, kiểm soát chi phí và chú trọng tới các khía cạnh phát triển bền vững.

Ông Lese Ioan-Liviu, Giám đốc Điều hành Công ty Universal Alloy Corporation (UAC), Khu Công nghệ cao Đà Nẵng:

Tiếp tục thích ứng linh hoạt, duy trì các hoạt động sản xuất

Dịch bệnh đã tác động rất lớn đến hoạt động của công ty trong năm qua, nhất là giai đoạn dịch bùng phát mạnh từ tháng 7 đến tháng 9-2021. Để không bị “đứt gãy” chuỗi sản xuất cũng như bảo đảm hoạt động sản xuất, an toàn cho người lao động, công ty đã chủ động thực hiện các biện pháp như: thực hiện phương án 3 tại chỗ, cho nhân viên ăn, ngủ, nghỉ tại nhà máy và được cung cấp đầy đủ tiện nghi sinh hoạt; di chuyển công nhân đi làm theo phương án “một cung đường, hai điểm đến”. Riêng với nhân viên văn phòng thì làm việc tại nhà hoặc online. Toàn bộ nhân viên của công ty phải nghiêm túc thực hiện quy định 5K và các biện pháp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của thành phố.

Công ty cũng chủ động phối hợp các sở, ban, ngành, cơ quan chức năng tìm kiếm nguồn vắc-xin và triển khai tiêm cho nhân viên, người lao động. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai linh hoạt các biện pháp để vừa duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh vừa bảo đảm công tác phòng, chống dịch theo hướng dẫn của thành phố.

Thời điểm dịch bệnh bùng phát mạnh ở các khu công nghiệp và tại nhà máy, nhờ sự hỗ trợ tháo gỡ các khó khăn từ Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp Đà Nẵng, các sở, ban, ngành và UBND thành phố, công ty chúng tôi đã bảo đảm các hoạt động sản xuất kinh doanh và duy trì ổn định trong thời gian qua. Tới đây, chúng tôi cũng sẽ tiếp tục các hoạt động sản xuất cũng như đồng hành công tác phòng, chống dịch của thành phố như đã làm trước đây để tránh bị đứt đoạn, bảo đảm an toàn trong sản xuất cũng như an toàn cho người lao động.

Ông Nguyễn Văn Phu, Giám đốc Công ty TNHH Daiwa Việt Nam, Khu công nghiệp Hòa Khánh, quận Liên Chiểu:

Mở rộng nhà máy, tăng thêm 30% năng suất

Trong giai đoạn khó khăn nhất, dịch bệnh phức tạp nhưng nhờ có sự chuẩn bị chu đáo các phương án phòng, chống dịch nên công ty đã chuyển sang sản xuất “3 tại chỗ” để bảo đảm các nguồn cung ứng cho khách hàng, đối tác. Công ty có 3.700 công nhân nhưng thời gian hoạt động 3 tại chỗ chỉ có khoảng 500 người tham gia sản xuất.

Hoạt động này chỉ giúp công ty tiếp tục hoạt động, không bị đứt gãy chuỗi sản xuất, ảnh hưởng tới các đơn hàng đã ký trước đó chứ không tận giúp được hết số lao động của doanh nghiệp. Nhưng nhờ có hoạt động này, doanh nghiệp đã duy trì được hoạt động sản xuất tới khi thành phố cho phép hoạt động trở lại, chúng tôi đã có các linh kiện, dụng cụ để xuất hằng ngày. Dù khó khăn nhưng chúng tôi nhận được sự đồng hành, hỗ trợ rất lớn của chính quyền thành phố, Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp.

Chúng tôi mong muốn trong thời gian tới, thành phố sẽ quan tâm hơn nữa, có các chính sách hỗ trợ đối với lao động ngoại tỉnh để thu hút lao động. Trong năm 2022, chúng tôi đang mở rộng thêm hoạt động sản xuất, dự kiến tăng thêm khoảng 30% năng suất sản xuất bằng cách xây dựng thêm 1 nhà máy mới với diện tích rộng khoảng 4 hecta, dự kiến tháng 4-2022 sẽ đi vào hoạt động. Với kế hoạch này chúng tôi sẽ cần tuyển thêm khoảng 1.000 - 1.500 lao động.

THU HÀ - QUỲNH TRANG

;
;
.
.
.
.
.