Đi trên cát biển Thanh Khê nhớ Chu Thần

.

Đọc thơ Cao Bá Quát vang vang giữa biển trời Thanh Khê vào một chiều cuối năm, tôi khám phá ra một điều kỳ diệu: Hiếm có một cuộc đời nhà thơ nào đầy ắp giai thoại, huyền thoại như cuộc đời Chu Thần - Cao Bá Quát.

Bước thảnh thơi trên cát biển Thanh Khê vào một chiều cuối năm biển vắng, dường như để lấp vào khoảng vắng vẻ kia, khói mây như tơ trời mỏng mảnh giăng giăng dễ làm vọng động lòng người. Dòng sông Phú Lộc, hay còn gọi là sông Thanh Khê, đổ ra đến vịnh Đà Nẵng thì cửa sông chỉ còn là cái lạch nhỏ chảy giữa đôi bờ cát trắng trước khi hòa tan mất hút vào lòng trùng dương.

Ngồi bệt xuống trên một doi cát, vốc từng nắm cát trắng mịn màng ném tung về phía biển một cách vô thức, bất chợt tôi nghe chừng như trong tiếng gió hồi âm có chen lẫn tiếng lao xao thì thầm. Biết là vọng tưởng mà ra, nhưng quả thật cái bến xưa Thanh Khê đầy ắp âm thanh cổ sử dẫn đường, bỗng hiện lên trong trí tưởng của tôi con thuyền từng đưa Chu Thần - Cao Bá Quát nhấp nhô trên sóng qua vùng cửa sông này.

Chính tại cửa sông này đây, khoảng non 2 thế kỷ trước, chính xác là 177 năm, Cao Bá Quát đã có những ngày xuôi thuyền tại nơi đây. Bài thơ Chu hành há Thanh Khê nhân cố nhân ký biệt tòng du chư đệ tử (Thuyền xuôi Thanh Khê, nhân có người quen gửi lời từ biệt các học trò) đã được Cao Bá Quát viết ra từ bến nước này.

Ảnh minh hoạ
Ảnh minh hoạ

Thực ra, từ bài thơ Chu hành há Thanh Khê nhân cố nhân ký biệt tòng du chư đệ tử, chỉ bấy nhiêu để vịn vào đó vẽ lại cả cuộc hành trình Cao Bá Quát đi phát phối tại đây quả không dễ chút nào. Chỉ có điều, từ nội dung bài thơ, có thể suy đoán những tâm tình của thi sĩ với con người nơi đây, với anh em bầu bạn của ông ở cái làng Thanh Khê cổ độ này, biểu hiện một tình cảm vừa sâu sắc, vừa rất mực chân tình: Chư tử phục bất xả/ Luyến luyến tòng ngã du/ Thần tịch ý vị thiếp/ Tái tửu tùy khinh chu... (Các anh không nỡ dứt/ Vẫn quấn quít chẳng rời/ Sớm chiều vẫn chưa thỏa/ Tải rượu theo thuyền tôi...(*)).

Cũng từ bài thơ nói trên, ta có thể hình dung ra cái làng chài Thanh Khê thời xưa qua những lối đi gieo neo gập ghềnh: Thảo thảo thiệp sơn kính/ Đồ thử niệm minh sưu (Giẫm bừa theo lối đ,/ Mò mẫm dò tìm nơi...). Cố nhiên, nhánh sông con Thanh Khê vào thời Cao Bá Quát cho thuyền xuôi Tái tửu tùy khinh chu (Tải rượu theo thuyền tôi) là một dòng sông nhỏ sạch, đẹp, nước trong xanh, bắt nguồn từ vùng đồi núi Khánh Sơn, chảy quanh co giữa lòng những cồn cát, bãi cát mênh mông Hòa Khánh, Hòa Minh, Phú Lộc (Thanh Khê), rồi đổ ra vịnh Đà Nẵng. Lịch sử không thấy ghi lại Chu Thần đã lưu lại đây bao lâu. Chỉ biết rằng, vào tháng 12-1843, triều đình Huế cử hai phái đoàn đi công cán một số nước vùng Đông Nam Á. Đoàn mà Cao Bá Quát đi dương trình hiệu lực phục vụ quân thứ sẽ đến vùng Giang Lưu Ba (Indonesia), do Tả Tham tri Bộ Hộ Đào Trí Phú và viên Ngoại lang Nội vụ phủ Trần Phú Dĩnh làm chánh - phó đoàn. Trước ngày xuống tàu Phấn Bằng hành trình theo đoàn công cán, Chu Thần thi sĩ đã có dịp khảm khắc thi ca của ông vào đất trời Thanh Khê, vào mây bay Hải Vân như lời thệ nguyện thi sĩ soi mình trên dòng bạc: Vân quan khứ bất viễn/ Hồi thủ vân du du/ Ưng liên nhất phiến nguyệt/ Dạ dạ đáo ngân câu (Ngoảnh đầu, mây đèo Hải/ Ngàn mây trôi vẫn trôi/ Đa tình có chị nguyệt/ Đêm đêm dòng bạc soi).

Nhưng nguồn cảm hứng của thi sĩ cao trào nhất là đến ngày thuyền sắp nhổ neo vượt trùng dương. Vào cái khoảnh khắc sắp từ biệt Đà Nẵng, từ biệt đất mẹ quê hương, cái khí chất người hùng trong máu huyết thi sĩ trỗi dậy mạnh mẽ hơn lúc nào hết. Bài thơ thứ hai viết về Đà Nẵng của Chu Thần: Phái vãng dương trình chu hành phó Đà Nẵng tẩu bút lưu biệt thân thức (Hành trình trên biển Đà Nẵng viết mấy lời từ biệt người thân) là minh chứng cho nhận định đó.

Đà dương dao vọng nhật đông biên
Đảo dữ thương mang lộ kỷ thiên
Tử khuyết vân yên thường ngọ mộng
Thiên phai cầm kiếm thị đinh niên(**)

Dịch thơ:

Biển Đà Nẵng vọng về phương đông
Đảo cồn lớp lớp đường thiên lý
Kinh thành mây khói trưa thường mộng
Cầm kiếm bên trời thân tráng trai (**)

Viết xong bài thơ thứ hai này, Cao Bá Quát xuống thuyền theo đoàn công cán lênh đênh thân phận của người đi dương trình hiệu lực suốt hơn 5 tháng. Đến tháng 7-1844, đoàn của Cao Bá Quát mới trở về Việt Nam.

Đọc thơ Cao Bá Quát vang vang giữa biển trời Thanh Khê vào một chiều cuối năm, tôi khám phá ra một điều kỳ diệu: Hiếm có một cuộc đời nhà thơ nào đầy ắp giai thoại, huyền thoại như cuộc đời Chu Thần - Cao Bá Quát.

Đặc biệt, trong di sản quý hiếm sưu tầm được, người ta tìm thấy có đến 2 bài thơ, 2 cái mốc son lưu dấu tài hoa và cả những bi kịch cuộc đời Chu Thần - Cao Bá Quát trên thành phố sông Hàn.

Đà Nẵng, Xuân Tân Sửu 2021.

Cao Bá Quát (1809-1855) là nhà thơ lớn của dân tộc vào nửa đầu thế kỷ 19. Ông tự là Chu Thần, hiệu là Cúc Đường, còn có biệt hiệu là Mẫn Hiên. Quê ông ở làng Phú Thị, huyện Gia Lâm tỉnh Bắc Ninh, nay thuộc huyện Gia Lâm, Hà Nội.

---------------------

(*) Thơ Chữ Hán Cao Bá Quát, NXB Văn học 1976
(**) Các bản dịch của Hoàng Tạo và Đàm Văn Chí

NGUYỄN NHÃ TIÊN 

;
;
.
.
.
.
.