Nhà thơ Thu Bồn đã đoạt Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học - nghệ thuật năm 2015 với những trường ca và tiểu thuyết nổi tiếng: Bài ca chim Chơ-rao, Campuchia hy vọng (trường ca), Dưới đám mây màu cánh vạc, Đỉnh núi, Mắt bồ câu và rừng phi tiễn (tiểu thuyết)… Để hiểu thêm về Thu Bồn, tôi ghi lại một số mẩu chuyện về ông mà tôi chứng kiến hoặc nghe bạn bè kể lại.
Cõng gạo nhường tiêu chuẩn ăn cho bạn
Nhà thơ Thu Bồn. (Ảnh tư liệu) |
Trong kháng chiến chống Mỹ, chiến trường Khu 5 rất gian khổ. Anh em văn nghệ ở Ban Tuyên huấn Khu 5 hầu như ngày nào cũng chỉ có rau, sắn thay cơm. Tuy cùng ở Hội Văn nghệ giải phóng Khu 5, nhưng Thu Bồn công tác ở Ban Văn học. Hồi ấy, phía quân đội được cung cấp lương thực tốt hơn phía dân chính. Biết anh em bên này quá đói khổ, Thu Bồn thường tìm cách gửi qua lúc lon gạo, lúc vài bánh lương khô tiếp tế. Một lần, Thu Bồn được phân đi đồng bằng cõng gạo. Theo quy định cơ quan, ai cõng được 3 ang gạo (tức 90 lon) thì được ăn mỗi ngày 3 lon gạo và cứ thêm 1 ang lại được ăn thêm 1 lon. Vốn cõng được 5 ang, Thu Bồn vẫn cõng tới 8 ang để thừa gạo tiêu chuẩn ăn dành đem cho anh em. Đường cõng gạo từ đồng bằng về Quân khu đã xa, anh còn vòng sang Tiểu ban Văn nghệ, Ban Tuyên huấn. Vừa đặt gùi gạo xuống chiếc ghế được bện bằng thân những cây gỗ nhỏ ở góc sân, ông vừa vẫy anh em:
- Tao cõng tới 8 ang gạo, mỗi ngày ăn được 8 lon, tao chỉ ăn 3 lon, thừa 5 lon, 7 ngày vị chi là 35 lon, tao mang cho tụi bay để có chút ít chất bột mà bồi dưỡng. Xem kìa, mặt đứa nào đứa nấy xanh như tàu lá, khổ chưa!
Đầu đề một tập thơ
Đối với người sáng tác, viết đã khó, việc đặt đầu đề cho tập sách của mình lại càng khó hơn. Sau hai lần đặt đề rất hay: Trường ca chim Chơ-rao và Tre xanh, Thu Bồn bí khi đặt đề cho tập thơ thứ ba. Lấy đề có màu như Nguyễn Mỹ ư? Anh em cơ quan đùa vui: Đồng vàng, Núi đỏ được không? Không ra thơ Thu Bồn. Bí quá, Thu Bồn cứ lẩm bẩm hết tên này đến tên nọ. Một lần, nhà thơ Liên Nam nói :
- Mặt đất không quên được không?
Thu Bồn đang lẩm bẩm, bỗng ngẩng lên nói:
- Mặt đất không quên à, không hay lắm, nhưng bí quá, ừ Mặt đất không quên thì Mặt đất không quên(*).
Tự mình đứng ra lĩnh xướng
Khi Thu Bồn đã nổi tiếng, chúng tôi chỉ là những cây bút trẻ mới tập sự ở con đường viết văn. Một lần, tôi hỏi anh:
- Cái khó nhất trong nghề viết văn là gì hả anh?
- Là phải viết khác những cái người ta đã viết.
- Muốn thế thì phải làm sao?
Thu Bồn im lặng một chút rồi nói:
- Theo mình, phải đạp qua cái khiêm tốn u mê đi. Trong cuộc sống, việc hòa đồng với mọi người, khiêm nhường trước mọi người là tốt. Nhưng trong sáng tác thì không nên đứng hòa trong đám đông “hò lơ hó lơ” theo người lĩnh xướng mãi, mà phải tự mình đứng ra lĩnh xướng để có được giọng riêng.
Anh trở về hóa đá ở trong bia
Một lần, đi Huế về, chẳng biết Thu Bồn say em nào bên bờ sông Hương mà có bài thơ viết về Huế rất hay, có câu cuối cùng là “Anh trở về hóa đá ở trong kia”. Ngồi trên hè phố Đà Nẵng giữa mùa hè nóng nực, chúng tôi vừa uống bia, vừa nghe Thu Bồn đọc bài thơ. Tới câu cuối cùng, bỗng nhiên Thu Bồn chỉ vào cốc bia của mình đọc chệch đi: “Anh trở về hóa đá ở trong bia”. Lúc ấy, cô phục vụ đứng bên bỗng cười to, lúi húi đi lấy đá, vì từ nãy đến giờ cô mãi nghe thơ mà quên phục vụ khách.
Chiếc giường của mẹ
Đầu tháng 3-2003, trước khi Thu Bồn mất 3 tháng, nữ nghệ sĩ Lý Bạch Huệ - vợ nhà thơ đột ngột ghé thăm vợ chồng tôi. Sau khi hỏi thăm sức khỏe nhau, chị nói:
- Anh Thanh Quế đang ở phòng cũ của anh Thu Bồn hồi Trại sáng tác Văn học Quân khu 5 phải không ạ?
- Vâng, đúng rồi.
Chị vui vẻ:
- Anh Thu Bồn nhờ em ra đây chụp ảnh chiếc giường cũ mà ngày xưa ảnh đóng cho mẹ ảnh nằm. Bây giờ bỗng nhiên ảnh nhớ lại rất rõ những kỷ niệm về mẹ. Ảnh thường kể cho em nghe rằng, xa mẹ lâu ngày, hồi mới giải phóng, về quê, ảnh thường cõng mẹ qua chiếc cầu tre bắc trên con mương nhỏ trước nhà vì sợ mẹ đi qua sẽ té. Có thời gian ảnh đưa mẹ ra ở với ảnh tại đây. Hằng ngày ảnh nấu cơm cho mẹ ăn, rót nước cho mẹ uống, cõng đưa mẹ đi tiểu tiện. Giờ thì ảnh nằng nặc bảo em ra đây chụp ảnh lại chiếc giường cũ ảnh đóng cho mẹ nằm…
Khi tôi cho hay rằng, chiếc giường cũ hư lâu rồi, tôi phải bỏ đi, chị khóc:
- Làm sao đây anh. Biết nói với anh Trọng làm sao đây. Ảnh đang nằm bệnh, nóng ruột chờ em mang tấm ảnh về cho ảnh xem…
Thu Bồn tên thật là Hà Đức Trọng, quê xã Điện Thắng, huyện Điện Bàn (nay là thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), sinh năm 1935, mất năm 2003. Năm 11 tuổi, Hà Đức Trọng vào thiếu sinh quân, trải qua các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và bảo vệ biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc. Thu Bồn được điều về công tác ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội rồi khoác ba lô trở lại chiến trường Khu 5 với tư cách nhà thơ chiến sĩ. Thu Bồn là bút danh lấy tên một dòng sông quê hương Quảng Nam của ông. |
-----------------
(*) Tên một tập thơ của Thu Bồn
THANH QUẾ