Năm mẹo thử lý giải về vị trí mèo trong 12 con giáp

.

Trong văn hóa nhận thức về vũ trụ, người Việt chia không gian vũ trụ ra làm ba khu vực (gọi là Tam phủ). Mỗi phủ được cai quản bởi một nữ thần (Mẹ Trời - Mẹ Đất - Mẹ Nước, tôn xưng là Mẫu Thượng thiên, Mẫu Thượng ngàn, Mẫu Thoải). Đây là ba nữ thần lớn nhất của Đạo thờ Mẫu Tam phủ của Việt Nam đã được UNESCO chính thức công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 1-12-2016. Còn về cấu trúc thời gian của vũ trụ, bên cạnh một hệ Lịch pháp riêng (Lịch  âm dương), người Việt có hai hệ đếm là Thiên can (hệ đếm 10) và Địa chi (hệ đếm 12).

Căn cứ vào hệ đếm Chi, trong hệ Lịch  âm dương của mình, người Việt cổ chia thời gian trong 1 năm ra làm 12 tháng, khởi đầu là tháng Tý (tháng 11  âm theo lịch hiện nay) và chia thời gian trong ngày ra làm 12 giờ, mỗi giờ tương đương với 2 tiếng đồng hồ của phương Tây, khởi đầu là giờ Tý (từ 23 giờ đến 1 giờ sáng hôm sau). Đứng đầu hệ đếm Chi (còn gọi là 12 con Giáp) là con Chuột (Tý), kế đến là Trâu (Sửu) rồi mới đến Cọp (Dần), Mèo (Mẹo/ Mão), Thìn (Rồng)... mãi đến thứ 12 là con Heo (Hợi).

Ảnh: XUÂN SƠN
Ảnh: XUÂN SƠN

Vậy tại sao đứng đầu giáp không phải là con Rồng (Thìn - Linh vật duy nhất trong 12 con giáp) hoặc ông Cọp (Dần - Chúa tể muôn loài) mà lại là Chuột (Tý)? Tìm hiểu vấn đề này cũng là cách để ta nhận ra đặc trưng của văn hóa gốc nông nghiệp điển hình của người Việt Nam ta. Và cũng là để chứng minh nguồn gốc triết lý  âm dương - ngũ hành là của người Bách Việt phương Nam mà người Trung Hoa tiếp thu chứ hoàn toàn không phải của phương Bắc như từ nửa đầu thế ký XX về trước đã từng nhầm lẫn.

Như ta đã biết, trên thế giới có hai loại hình văn hóa chủ yếu, đó và văn hóa gốc nông nghiệp và văn hóa gốc du mục. Trong đó, Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng là các nước có văn hóa gốc nông nghiệp điển hình (chiếc nôi của nền văn minh nông nghiệp đầu tiên trên thế giới), các nước phương Tây là văn hóa gốc du mục điển hình. Còn Trung Hoa là loại hình văn hóa nước đôi (nông nghiệp gốc du mục).

Vì lẽ đó, trong hệ thống 12 con giáp, ta nhận ra hai con đứng đầu (Chuột, Trâu trước Cọp) và con thứ tư (Mèo trước Rồng) đều liên quan đến tín ngưỡng sùng bái tự nhiên của cư dân nông nghiệp. “Con Trâu là đầu cơ nghiệp” của người nông dân, là vật xứng đáng nhất để hiến tế thần linh trong các nghi lễ (lễ hội đâm trâu, chọi trâu…) thì nó đứng thứ hai (trước Cọp) hẵn nhiên rồi. Nhưng tại sao con Chuột lại nghiễm nhiên chiếm vị trí thứ nhất? Ta nhận ra rằng, trong 12 con giáp chỉ có hai con được dân ta tôn kính gọi là “Ông”, là “Ông Tý” và “Ông Cọp” (còn gọi là “Ông Ba mươi”). Cọp ăn thịt người và muôn vật, thường xuất hiện vào những đêm “trời tối như đêm ba mươi” khiến người và muôn vật sợ, kính trọng gọi “Ông” là đúng rồi!

Nhưng còn “Ông Tý”? Đối với cư dân nông nghiệp, ngoài các thế lực tự nhiên, trong thời đại cổ sơ, không có gì tàn phá nông nghiệp cho bằng loài chuột. Chuột tàn phá mùa màng như một nạn dịch, có thể đem đến đói kém, chết chóc cho dân cả một bộ tộc, một làng, một vùng... Chính vì vậy, mỗi khi chuột tàn phá ruộng nương, dân ta thường thắp hương khấn vái để cầu mong “Ông thương tình tha cho”, chứ không bao giờ dám ra tay sát hại. Vì mỗi lần sát hại một vài con chuột là đêm hôm sau ổng lại kéo cả nhà chuột ra tàn phá ruộng nương như để trả thù. Vậy là sợ, là cúng, mà đã cúng, tất phải khấn vái xưng “Ông”.

Trong tương quan như thế, khi loài người thuần hóa được con Mèo (Tiểu hổ) thành vật nuôi, dân ta nhận ra, mình sợ chuột nhưng chuột lại rất sợ mèo, chỉ có mèo mới có thể trừ khử được chuột cứu vớt mùa màng. Và vì thế, sau Tý, Sửu, Dần là đến Mẹo (Mèo). Và 4 con giáp này nghiễm nhiên đứng trước linh vật Rồng (Thìn) là như thế.

Như vậy, với sức mạnh nhuốm yếu tố thần linh (thờ Ông hổ, tranh Ngũ hổ…) và sức mạnh cơ bắp thực tế (Chúa tể sơn lâm) của mình, ông Cọp đứng ở vị trí thứ 3 là hợp lý. “Con trâu là đầu cơ nghiệp” thì rõ rồi. Còn, so với nỗi sợ thực tế thì phần nào đó, đối với cư dân nông nghiệp thời cổ sơ, chuột vẫn đáng sợ hơn mỗi khi tàn phá mùa màng.

So về mặt tâm linh thì cọp, bên cạnh gọi “Ông” còn thường được tôn là “Thần hổ”, thi thoảng mới có vài con “Hổ thành tinh”, nhưng với chuột thì ngoài “Ông Tý” theo tôn xưng thường ngày thì không có “Chuột thần” mà tôn xưng thành bậc cao nhất trong nỗi sợ tâm linh của con người: “Chuột tinh” (theo trình tự từ thấp đến cao: Ma - Quỷ - Yêu - Tinh). Trong đó, “Chuột tinh ngũ sắc” với những chiêu biến hóa kinh hoàng trong vụ “kỳ án yêu quái” kể lại trong sách “Thánh Tông di thảo” là một minh chứng.

Chính sự tương quan giữa Mèo và Chuột, mà Mèo nghiễm nhiên đứng ở vị trí thứ tư, trước cả Rồng (Thìn), cho dù đây là linh vật duy nhất không có thực trong 12 con giáp.

MAI BÁ ẤN

;
;
.
.
.
.
.