Tản mạn hoa mai và hoa mơ

.

Hoa mai và hoa mơ, nghe qua có vẻ là hai loài hoa khác nhau, nhưng không đơn giản như vậy, chúng vừa không giống nhau lại vừa giống nhau. Cây mơ còn gọi là mai hay mơ mai, cho hoa và quả, là một loài thuộc chi mận mơ, tên khoa học là Prunus mume, phân bố từ miền Bắc nước ta trở lên. Hoa của cây này cũng thường gọi là hoa mai, nở vào mùa xuân, nhụy vàng, phổ biến là năm cánh màu trắng. Trái mơ chín vào đầu mùa hè, thường dùng để ngâm rượu hay dầm với đường làm nước giải khát, làm mứt, xí muội hay còn gọi là ô mai. Khu vực động Hương Tích, Hà Nội có rất nhiều cây mơ, trái mơ ở đây đã đi vào những bài thơ để đời.

Ảnh: TRƯỜNG KỲ
Ảnh: TRƯỜNG KỲ

Thú Hương Sơn ao ước bấy lâu nay/ Kìa non non, nước nước, mây mây/ “Đệ nhất động” hỏi rằng đây có phải!!/ Thỏ thẻ rừng mai chim cúng trái… (Hương Sơn phong cảnh ca của Chu Mạnh Trinh). Thơ thẩn rừng chiều một khách thơ/ Say nhìn xa rặng núi xanh lơ/ Khí trời lặng lẽ và trong trẻo/ Thấp thoáng rừng mơ cô hái mơ… (Cô hái mơ của Nguyễn Bính).

Nếu như trong thơ ca quả mơ ít khi gọi là quả mai thì hoa mơ thường gọi là hoa mai, độc giả có khi nhầm lẫn với hoa mai vàng. Hoa mai này cũng có năm cánh nhưng màu vàng, cũng cho hoa vào mùa xuân, trái chín có màu đen, không ăn được như trái mơ, chỉ phân bổ từ miền Trung trở về Nam, không cùng loài với cây mơ.

Hoàng mai trong địa danh cổ Hoàng Mai tại Hà Nội (nay là tên của một quận, tương tuyền là đất nhà Trần phong cho vị tướng Trần Khát Chân) không phải là hoa mai vàng, mà là trái mơ chín vàng. Trong một tùy bút của mình, nhà văn Băng Sơn (Hà Nội) cho biết, tại địa danh này từng trồng một loài mơ lấy hoa và quả. Hoa màu trắng, quả to như quả trứng gà, khi chín nục ươm mọng lên màu vàng tươi nên gọi là hoàng mai.

“Nhất chi mai” trong bài kệ nổi tiếng của Đại sư Mãn Giác, nhà Lý, theo học giả Hoàng Xuân Hãn không phải “một cành mai”, hoa mai vàng, mà là “một cành mơ”.

Xuân khứ bách hoa lạc/ Xuân đáo bách hoa khai/ Sự trục nhãn tiền quá/ Lão tòng đầu thượng lai/ Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận/ Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

Hoàng Xuân Hãn dịch:

Xuân qua trăm hoa rụng/ Xuân lại nở trăm hoa/ Trước mắt sự đời thoảng/ Trên đầu hiện tuổi già/ Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết/ Ngoài sân đêm trước một cành mơ.

Vua Trần Nhân Tông sau khi nhường ngôi làm Thái thượng hoàng và đi tu tại Yên Tử, cũng là một nhà thơ. Trong số 35 bài thơ của nhà vua còn lưu lại có 10 bài viết về mùa xuân, trong đó 4 bài về hoa mai: Họa thơ Kiều Nguyên Lãng, Hoa mai sớm (bài 1), Hoa mai sớm (bài 2) và Cây mai. Ba bài Họa thơ Kiều Nguyên Lãng, Hoa mai sớm (bài 2) và Cây mai đều tả cây mai khá chung chung nhưng bài Hoa mai sớm (bài 1) thì đặc tả rõ loài hoa này. Nguyên văn bài thơ âm Hán Việt và bài dịch thơ của nhà nghiên cứu Phật học tiến sĩ Lê Mạnh Thát:

Ngũ xuất viên ba kim niễn tu/ San hô trầm ảnh hải lân phù/ Cá tam đông bạch chi tiền diện/ Tá nhất biện hương xuân thượng đầu/ Cam lộ lưu phương si điệp tỉnh/ Dạ quang như thủy khát cầm sầu/ Hàng Nga nhược thức hoa giai sứ/ Quế lãnh thiềm hàn chỉ ma hưu

Bài dịch của Lê Mạnh Thát:

Vàng điểm tua hoa năm cánh tròn/ San hô chim bóng vẩy phô tuôn/ Ba đông cành trắng hoa khoe sắc/ Một nén hương xuân nhánh hãy còn/ Cam lộ ngát thơm say bướm tỉnh/ Dạ quang tựa nước khát chim buồn/ Hằng Nga nếu biết đây hoa đẹp/ Quế lạnh cung thiềm thôi ở luôn.

Hoa năm cánh màu trắng, nhụy vàng là hoa mơ, không phải hoa mai vàng và cũng không phải hoa mai vàng trên Yên Tử ngày nay.

Ảnh: TRƯỜNG KỲ
Ảnh: TRƯỜNG KỲ

Theo đề tài nghiên cứu khoa học “Kết quả điều tra và nghiên cứu biện pháp kỹ thuật nhân giống cây hoa mai vàng trên Yên Tử ở Quảng Ninh”, tuy có một vài đặc điểm như năm cánh màu vàng chanh, nhiều hoa trên cụm và số cụm trên cành, hương thơm dịu đặc trưng nhưng mai vàng Yên Tử cùng chung một loài Ochna integerrima (Lour.) Merr với mai vàng phương Nam, và khi cấy ghép với mai vàng phương Nam mới cho kết quả cao nhất.

Dân gian vùng núi Yên Tử, Đông Triều, Quảng Ninh tương truyền rằng cây mai vàng ở đây hình thành kể từ khi vua Trần Nhân Tông về tu trên Yên Tử, cách đây hơn 700 năm, khá trùng với sự kiện vân du Chiêm Thành vào năm 1301, đến nay cũng hơn bảy thế kỷ.

Theo Đại Việt sử ký toàn thư, vua Trần Nhân Tông (trị vì từ năm 1278 đến năm 1293) nhường ngôi làm Thái thượng hoàng và đi tu vào năm 1293. Năm 1299, ngài đến Yên Tử tu hành, năm 1301, vân du Chiêm Thành 9 tháng: “Tháng 3, Thượng hoàng vân du các nơi, sang Chiêm Thành… Mùa đông, tháng 11, Thượng hoàng từ Chiêm Thành trở về”.

Phải chăng trong chuyến vân du đến Chiêm Thành vào năm 1301, Thái thượng hoàng Trần Nhân Tông đã qua những vùng mai vàng tự nhiên của đất nước Champa, loài hoa vàng này tạo ấn tượng với ngài, từ đó theo nhà sư - Thái thượng hoàng về đất Phật Yên Tử, trải qua thời gian dài thích nghi kỳ diệu trên vùng đất mới?

VŨ HÙNG

;
;
.
.
.
.
.