Từ thế kỷ XIX, thương cảng Đà Nẵng đã đóng vai trò và vị trí quan trọng trong giao thương khu vực và quốc tế. Hiện nay, cảng Đà Nẵng là một trong những cảng biển lớn và quan trọng nhất khu vực; và sẽ tiếp tục phát triển khi bên cạnh cảng biển Tiên Sa hiện tại, bến cảng Liên Chiểu vừa được khởi công xây dựng...
Cảng Đà Nẵng. Ảnh: N.XUÂN TƯ |
“Hải cảng sâu và đẹp nhất”
Dưới thời Pháp thuộc, cảng Đà Nẵng đóng vai trò trung tâm thương mại của Trung Kỳ. Trước tiên là về vị trí địa chiến lược của cảng. Sau khi thương cảng Hội An, Thanh Hà, Nước Mặn đánh mất vị thế, triều Nguyễn lựa chọn Đà Nẵng làm cửa ngõ giao thương chính thức và duy nhất của kinh đô Huế với các nước. Cùng với những thay đổi có tính bước ngoặt của triều Nguyễn, thực dân Pháp trong quá trình dò thám ở vùng Viễn Đông cũng đánh giá cao về cảng Đà Nẵng.
Theo Henri Imbert, cảng Đà Nẵng là một trong những hải cảng lớn và vững chắc nhất được tìm thấy ở khu vực... Cảng có mực nước sâu, dễ dàng để di chuyển. Về an ninh, John Barrow cho rằng “ít có cảng nào ở phương Tây sánh được bằng nó và chắc rằng không có cảng nào vượt trội hơn nó”. Từ quan điểm kinh tế, Phòng Thương mại và Canh nông khẳng định, cảng Đà Nẵng là một hải cảng đẹp nhất trong toàn cõi Đông Dương... Hải cảng này đem lại sự thuận tiện cho con đường thương mại, không tốn phí về hoa tiêu dẫn đạo, lợi thời gian, lợi nhiên liệu, rốt cuộc là lợi tiền bạc. Ngoài chức năng neo đậu cho các tàu, thuyền, cảng Đà Nẵng còn có vị trí then chốt trên tuyến đường hàng hải nối liền từ Ấn Độ Dương sang Thái Bình Dương.
Năm 1888, Đà Nẵng chính thức trở thành nhượng địa của Pháp. Công tác quy hoạch, cải tạo cồn cát, phát triển cầu cảng, khu neo đậu, đèn chiếu sáng, nhà kho, bến bãi... nhanh chóng được chính quyền thuộc địa Pháp thực hiện. Sang đầu thế kỷ XX, quá trình đầu tư được mở rộng, thu hút lượng lớn thương nhân các nước đến làm ăn. Theo ghi nhận của Louis Henrique ở thời điểm năm 1890: thành phố Đà Nẵng được xây dựng bên tả ngạn sông Hàn với chiều dài hơn hai cây số. Ở đó dễ dàng bắt gặp các cơ sở thương mại cùng căn cứ quân sự, dân sự, điện tín, hải quan...
Cảng Đà Nẵng dù mới quy hoạch nhưng đã nhanh chóng phát triển và chắc chắn sẽ đóng một vai trò rất quan trọng. Đến năm 1930, trong một văn bản báo cáo về kết quả điều tra khả năng, triển vọng của các thương cảng ở miền Trung, Nha Công chính khẳng định: Đà Nẵng là một trung tâm thương mại có tầm quan trọng bậc nhất Trung Kỳ. Còn cảng Đà Nẵng chiếm giữ một vị trí đặc biệt ở khu vực Đông Dương và nó chỉ đứng sau Sài Gòn, Hải Phòng.
... Đến năm 1930, trong một văn bản báo cáo về kết quả điều tra khả năng, triển vọng của các thương cảng ở miền Trung, Nha Công chính khẳng định: Đà Nẵng là một trung tâm thương mại có tầm quan trọng bậc nhất Trung Kỳ. Còn cảng Đà Nẵng chiếm giữ một vị trí đặc biệt ở khu vực Đông Dương và nó chỉ đứng sau Sài Gòn, Hải Phòng.
Về khả năng mậu dịch thương mại, cảng Đà Nẵng luôn dẫn đầu khu vực Trung Kỳ về lưu lượng tàu, thuyền và khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu. Về tàu thuyền, qua thống kê chưa thực sự đầy đủ nhưng có thể thấy rằng, lưu lượng tàu, thuyền tham gia mậu dịch thương mại ở cảng Đà Nẵng luôn chiếm số lượng lớn hơn so với Vinh - Bến Thủy, Quy Nhơn... Giai đoạn 1919-1944, cảng Đà Nẵng tiếp nhận 142.627 tàu, thuyền tham gia mậu dịch thương mại; trong khi cảng Quy Nhơn 66.951 chiếc (chiếm 46,9%) và Vinh - Bến Thủy 17.954 chiếc (chiếm 24%) so với Đà Nẵng.
Vị thế quan trọng của cảng Đà Nẵng ở khu vực Trung Kỳ còn thể hiện qua khả năng tham gia mậu dịch quốc tế. Giai đoạn 1929-1923, cảng Đà Nẵng có 2.582 tàu hơi nước tham gia mậu dịch quốc tế thì cảng Quy Nhơn chỉ 1.537 chiếc và số lượng tàu mậu dịch quốc tế ở Vinh - Bến Thủy rất ít. Thậm chí giai đoạn 1914-1929, cảng Vinh - Bến Thủy không tham gia mậu dịch quốc tế mà chủ yếu ven bờ. Sang giai đoạn 1934-1938, số lượng tàu mậu dịch quốc tế ở cảng Đà Nẵng tăng lên 2.955 chiếc, Quy Nhơn 1.455 chiếc và Vinh - Bến Thủy 1.690 chiếc. Nếu so sánh kỹ hơn về tải trọng thì số lượng tàu hơi nước có tải trọng lớn cập cảng Đà Nẵng thường xuyên hơn so với Vinh - Bến Thủy hay Quy Nhơn.
Về ghe thuyền, giai đoạn 1929-1933, có 31.772 ghe thuyền tham gia mậu dịch ở cảng Đà Nẵng (trong khi cảng Quy Nhơn chỉ 12.693 chiếc). Sang giai đoạn 1934-1938, dù số lượng ghe thuyền tham gia mậu dịch ở cảng Đà Nẵng giảm xuống còn 24.964 chiếc nhưng vẫn ở mức cao hơn so với Quy Nhơn (11.569 chiếc) hay Vinh - Bến Thủy (3.212 chiếc). Về hàng hóa, khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Đà Nẵng cũng chiếm ưu thế vượt trội hơn so với các cảng Trung Kỳ. Cụ thể, giai đoạn 1919-1944, cảng Đà Nẵng đạt 2.446.283 tấn, Quy Nhơn 867.682 tấn, Vinh - Bến Thủy 1.371.477 tấn. Nếu xét theo tỷ lệ % thì khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của Quy Nhơn chỉ bằng 35,5% và Vinh - Bến Thủy bằng 56% so với Đà Nẵng.
Để kết nối các trung tâm thương mại lớn trên thế giới, chính quyền thuộc địa Pháp lựa chọn Đà Nẵng làm trục chính cho khu vực Trung Kỳ, xây dựng mạng lưới giao thương quốc tế. Do đó, các công ty vận tải đường thủy lớn nhất Đông Dương của Pháp đều đặt chi nhánh tại đây, thiết lập các tuyến đường hàng hải. Chẳng hạn như Công ty Messageries Maritimes thành lập 2 tuyến vận tải từ Pháp tới Trung Kỳ. Tuyến thứ nhất khởi hành từ Marseille đến Port-Said, Djibouti, Colombo, Pondicherry, Madras, Singapore, Sài Gòn và Đà Nẵng. Tuyến thứ hai khởi hành từ Dunkirk tới Antwerp, Le Havre, La Pallice, Algiers, Port-Said, Djibouti, Singapore, Sài Gòn, Đà Nẵng. Ngoài ra, công ty này còn thành lập tuyến Đà Nẵng - Quảng Đông, tuyến Sài Gòn - Quy Nhơn - Đà Nẵng - Hải Phòng. Công ty Chargeurs Réunis cũng có hai tuyến vận tải lớn kết nối với Trung Kỳ thông qua cảng Đà Nẵng. Tuyến thứ nhất xuất phát từ Bordeaux của Pháp đến Marseille, Port Said, Djibouti, Colombo, Singapore, Sài Gòn, Đà Nẵng. Tuyến thứ hai xuất phát từ Antwerp của Bỉ qua Dunkirk, Le Havre, Marseille, Port-Said, Djibouti, Colombo, Singapore, Sài Gòn, Đà Nẵng. Công ty Nationale de Navigation cũng có tuyến từ Marseille đến Djibouti, Colombo, Sài Gòn và Đà Nẵng. Công ty Côtière de l’Annam có tuyến từ Sài Gòn, Đà Nẵng, Hải Phòng, Vân Nam, Hồng Kông (Trung Quốc).
Bên cạnh đó, cảng Đà Nẵng đóng vai trò là trung tâm điều phối nguồn hàng hóa xuất nhập khẩu chính ở Trung Kỳ. Phần lớn mặt hàng nông, lâm, thủy hải sản ở Trung Kỳ và Tây Nguyên đều được xuất khẩu qua cảng Đà Nẵng. Chẳng hạn như thuốc lá, hồ tiêu từ Quảng Trị và Huế; than đá, trà, quế, ngô, đậu phộng từ Quảng Nam; tơ tằm, bông vải, cau, dừa, trâu bò, gia cầm từ Quảng Ngãi, Bình Định, Khánh Hòa; cà phê, dược liệu, gỗ, da thuộc, xương sừng động vật từ Tây Nguyên. Thông qua cảng Đà Nẵng, đối tác thương mại của Trung Kỳ không ngừng mở rộng. Ngoài các bạn hàng truyền thống như Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản, đã mở rộng ra nhiều quốc gia ở châu Âu, châu Mỹ và châu Phi.
Nhập khẩu giữ vai trò tâm điểm trên con đường thương mại của thế giới nên phần lớn các mặt hàng đều được tập kết về cảng Đà Nẵng trước khi phân bổ cho Trung Kỳ. Như dầu khí, cao su, vật liệu đường sắt từ Mỹ; máy móc, linh kiện, thiết bị từ Anh; bột mỳ, ngũ cốc, thức ăn đóng hộp từ Ý, Hà Lan; bia, kim loại, linh kiện ô-tô từ Đức; hương, trầm, đồ gốm sứ, giấy dân dụng, đồ vàng mã từ Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc)...
Hình ảnh thương cảng Đà Nẵng xưa. |
Vai trò trung tâm, nổi bật
Tầm quan trọng của cảng Đà Nẵng còn thể hiện qua sự kiện toàn hệ thống cơ sở hạ tầng cùng các cơ quan chức năng. Đà Nẵng là đơn vị hành chính đầu tiên ở Trung Kỳ được phê duyệt thành lập thành phố, là thành phố hạng 2 duy nhất của khu vực và xuất phát điểm cho các dự án giao thông quan trọng. Hệ thống đường ray, nhà ga, xe lửa của Đà Nẵng hoàn thiện sớm thứ hai ở Trung Kỳ sau tuyến Hà Nội - Vinh. Kế đó là các tuyến đường giao thông đường bộ để kết nối Đà Nẵng với các tỉnh, thành phía Nam và cả Tây Nguyên; là địa phương duy nhất ở Trung Kỳ thành lập Phòng Thương mại và Canh nông. Tổ chức này có vai trò rất quan trọng đối với nền nông nghiệp, công nghiệp và thương mại Trung Kỳ.
Trong lâm nghiệp, Hạt Kiểm lâm Đà Nẵng được giao quyền quản lý một địa vực rừng núi rất lớn, bao gồm các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Kon Tum. Trong lĩnh vực tài chính, chi nhánh Ngân hàng Đông Dương cũng chọn Đà Nẵng là địa phương đầu tiên ở Trung Kỳ thành lập chi nhánh... Đến cuối thập niên 1930, khi Pháp thành lập cơ quan kiểm soát hàng hóa xuất nhập khẩu dựa theo các khu vực sản xuất chính ở Đông Dương thì vai trò của cảng Đà Nẵng càng thêm nổi bật. Nếu cảng Sài Gòn kiểm soát hàng hóa ở Nam Kỳ, Campuchia và Hạ Lào thì cảng Đà Nẵng kiểm soát cả Trung Kỳ và Trung Lào.
Nếu bỏ qua một số nguyên nhân chủ quan từ phía chính quyền thuộc địa Pháp thì hoạt động thương mại ở cảng Đà Nẵng đã đem đến cho khu vực Trung Kỳ khá nhiều lợi ích. Các tỉnh duyên hải Trung Kỳ và cả khu vực Tây Nguyên đã tìm thấy đầu ra thích hợp cho các loại hàng hóa có nhiều thế mạnh, đồng thời nhập khẩu nhiều hàng hóa, thiết bị hiện đại từ phương Tây để cải thiện cơ sở hạ tầng, phát triển cảnh quan đô thị. Đó là chưa kể đến đội ngũ thương nhân, các nhà tư bản đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng công ty, cơ sở kinh doanh đến nhiều tỉnh thành Trung Kỳ.
Sứ mệnh tiếp theo của cảng Đà Nẵng là giới thiệu và khẳng định thương hiệu cho nhiều loại hàng hóa ở Trung Kỳ. Thoạt nhìn có vẻ quen thuộc bởi quá trình hợp tác thương mại giữa Việt Nam với các nước đã diễn ra từ những thế kỷ trước. Tuy nhiên, trong giai đoạn Pháp thuộc, lượng lớn mặt hàng đã được cảng Đà Nẵng xuất khẩu đi các nước, góp phần định hình thương hiệu cho Trung Kỳ. Người phương Tây biết đến hương vị nước mắm Nam Ô, Phan Thiết, đến kỹ nghệ chế tác đá ở Ngũ Hành Sơn, đến trà Quảng Nam, ngô đỏ Hòa Vang, thuốc lá Cẩm Lệ, than Nông Sơn, Vĩnh Phước, vàng Bồng Miêu, quế Trà My, Trà Bồng...
Dự án phát triển cảng Đà Nẵng của chính quyền thuộc địa Pháp. |
Hướng đến tương lai
Có thể thấy rằng, từ vị trí tiền cảng của Hội An, vùng đất phên dậu của kinh đô Huế, qua quá trình phát triển, vị thế Đà Nẵng có sự thay đổi rõ nét. Đà Nẵng không chỉ khẳng định được vị trí trung tâm thương mại, cảng biển lớn ở miền Trung mà còn là hình mẫu về cảnh quan đô thị biển của Trung Kỳ. Đến nay, cảng Đà Nẵng không ngừng phát triển và khẳng định vai trò, vị trí của mình trong vận tải hàng hóa và du lịch ở khu vực, trên Hành lang Kinh tế Đông - Tây và quốc tế.
Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phần mục tiêu có nêu nhiệm vụ: xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành thành phố cảng biển, đô thị biển quốc tế với vị trí là hạt nhân của chuỗi đô thị và cực tăng trưởng của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung - Tây Nguyên; phần nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế xác định: có chính sách phát triển thành phố Đà Nẵng trở thành một trung tâm kinh tế biển, hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung với vai trò trung tâm của Đà Nẵng; đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng cảng biển Liên Chiểu, mở rộng và chuyển đổi cảng Tiên Sa...
Trong Điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15-3-2021 có nội dung định hướng xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm dịch vụ hậu cần trọng điểm của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, là đầu mối giao thông quan trọng của cả nước, cửa chính ra Biển Đông của Hành lang kinh tế Đông - Tây.
Cụ thể hóa mục tiêu và giải pháp trên, cuối tháng 12 năm 2022 vừa qua, dự án Bến cảng Liên Chiểu được khởi công xây dựng sau rất nhiều nỗ lực, trong sự phấn khởi của chính quyền, người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu, cùng với việc từng bước chuyển đổi công năng cảng Tiên Sa thành bến cảng du lịch, nhằm xây dựng và phát triển Đà Nẵng thành cảng biển cửa ngõ quốc tế tại khu vực duyên hải miền Trung và Tây Nguyên, kết nối vùng, liên vùng và quốc tế.
Với các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội đang triển khai, cùng hệ thống hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ và hiện đại, cảng Tiên Sa hiện tại và cảng Liên Chiểu tới đây sẽ góp phần quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc gia, quốc tế.
TS. DƯƠNG THANH MỪNG
Tài liệu tham khảo
1. Anonyme (1942), “L’Inspection générale de l’Agriculture et de l’Élevage et ses divers services”, Bulletin Économique de l’Indochine, No.45, p.556.
2. Gouvernement général de l’Indochine (1930), Aménagement des ports, éclairage et balisage des côtes de l’Indochine, Imprimerie d’Extrême-Orient, Hanoi.
3. Henri Imbert (1924), “Séjour de l’Ambassade de Macartney en Indochine”, Revue Indochinoise, No.5-6, p.379-385.
4. John Barrow (2008), Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà (1792 - 1793), Nxb Thế giới, Hà Nội.
Louis Henrique (1890), Les colonies Françaises: Notices illustrées, Tom 3, Éditeur: Quantin Paris.