Làng du lịch sinh thái cộng đồng Thái Lai (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) là điểm đến lý tưởng cho du khách muốn tham quan, giải trí và tìm hiểu về một vùng quê yên bình, tĩnh lặng. Hành trình khám phá nơi đây sẽ thú vị hơn khi du khách được dừng chân tại ngôi nhà cổ, mang đậm dấu ấn kiến trúc xưa cũ của những làng quê Việt Nam: nhà cổ Tích Thiện Đường có niên đại lên đến 200 năm tuổi.
Gạch nối giữa quá khứ và hiện tại
Từ trên xuống: Bia đá khắc trước nhà cổ Tích Thiện Đường, cổng nhà cổ Tích Thiện Đường, những nét chạm khắc tinh xảo của nhà cổ, gia chủ Đỗ Hữu Minh giới thiệu với du khách ngôi nhà cổ. Ảnh: THÀNH LÂN |
Nằm về phía tả ngạn sông Túy Loan, Làng du lịch sinh thái cộng đồng Thái Lai có phong cảnh hữu tình, thơ mộng với cảnh quan đẹp từ sông suối, ao, hồ, ruộng đồng, vườn cây trái và nhiều công trình kiến trúc cổ.
Tuy là một ngôi làng nhỏ nhưng nơi đây hội tụ đầy đủ những nét đặc trưng của làng quê Việt xưa mà hiện nay ít nơi nào còn lưu giữ được. Yếu tố địa lý, sinh thái và con người đã tạo nên cho Thái Lai vẻ đẹp dung dị, hài hòa trong một không gian khá tĩnh lặng bên cạnh đô thị Đà Nẵng đầy năng động và náo nhiệt.
Làng Thái Lai hình thành cách đây gần 500 năm vào thời nhà Lê, với tên gọi lúc bấy giờ là làng Bàu Trai. Đến thời Gia Long năm thứ 10 (1818) được đổi thành làng Thái Lai và tên gọi này được sử dụng cho đến bây giờ. Đây là ngôi làng giàu giá trị văn hóa, lịch sử lâu đời; là mảnh đất bình yên với hệ sinh thái tự nhiên phong phú với điểm nhấn là đình cổ Thái Lai có tuổi đời gần 300 năm, nhà thờ tộc Đỗ. Đặc biệt, nhà cổ Tích Thiện Đường là nơi cất giữ một thế giới thâm trầm, bình yên, là gạch nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa những giá trị văn hóa trầm tích lâu đời của dân tộc Việt Nam và nhịp sống hiện đại...
Nằm trong số ít những ngôi nhà cổ còn sót lại qua bao thăng trầm của thời gian, Tích Thiện Đường của gia chủ Đỗ Hữu Minh từ lâu được nhiều du khách trong và ngoài nước biết đến như một điểm du lịch làng quê độc đáo không thể bỏ qua.
Quả thật, đôi bàn tay tài hoa của người thợ Kim Bồng, đất Hội An xưa kia đã khéo tạc nên một tác phẩm nghệ thuật đặc sắc mà hậu thế vẫn mãi ngưỡng vọng. Nhà cổ Tích Thiện Đường còn vẹn nguyên lối kiến trúc nhà Việt cổ xưa với mái lợp ngói âm dương mang đậm phong cách kiến trúc Á Đông, cùng với đó là những chạm khắc với nhiều hoa văn tinh xảo.
Ngôi nhà cổ này có diện tích gần 80m2, kết cấu kiến trúc gỗ, 3 gian hai chái, kiểu kiến trúc nhà rường ở miền Trung. Ngôi nhà được xây dựng với tường bằng gạch dày 1/2m, đã lên màu rêu phong cổ kính. Trong nhà thiết kế kiểu xưa cùng phần mái hiên thấp và hẹp, nhà có 36 cây cột to, hệ thống kèo, đà bằng gỗ mít được chạm trổ hoa văn họa tiết rất cầu kỳ. Đáng chú ý, các cấu kiện bên trong như: đòn tay, cột, xuyên, rui, mè... đều được làm bằng gỗ lim, mít, kiền kiền, mun. Trước cổng dẫn vào căn nhà chính có 2 “cụ” cây, đó là cây mai và cây nhãn có tuổi đời hơn 120 năm tuổi. Trong vườn có nhiều loại hình nghệ thuật, công trình kiến trúc theo kiểu cổ xưa, hài hòa và độc đáo.
Dưới tán cây cối rợp bóng mát, có nhiều nhà bát giác, lục giác… cho khách ngồi uống trà, nghỉ ngơi, thư giãn; phục dựng hòn non bộ với non xanh, thủy tú, với cảnh ngư - tiều - canh - mục. Nhiều vật dụng còn lưu giữ trong ngôi nhà như cối xay bột, cối giã gạo, khuôn đúc bánh in, bàn ủi than, nồi đồng… đã phản ánh khá rõ nét cuộc sống làng quê nông thôn thời bấy giờ.
Ngoài nhà cổ Tích Thiện Đường, đến Thái Lai du khách có thể tham quan đình làng Thái Lai, nơi lưu giữ được bản hương ước còn nguyên vẹn của làng gồm 45 điều khoản do cụ Đỗ Văn Oai (dân làng gọi là ông Tú Hanh) viết vào thời Thành Thái năm thứ 14 (năm Nhâm Dần 1902) cũng như khám phá các giá trị văn hóa độc đáo qua các khu vườn kiểu mẫu của ông Nguyễn Đăng Sữ, Nguyễn Văn Dự...
Lan tỏa các giá trị văn hóa
Là một trong những người tiên phong triển khai mô hình nhà du lịch sinh thái tại thôn Thái Lai, ông Đỗ Hữu Minh (chủ nhà cổ Tích Thiện Đường) mong muốn thôn quê có thể trở thành nơi lan tỏa các giá trị văn hóa địa phương đến cộng đồng. Trong đó, để phát triển bền vững du lịch sinh thái cần sự chung tay của người dân cũng như sự quan tâm, hỗ trợ từ phía các cấp, ngành của thành phố nhằm tạo ra các sản phẩm hấp dẫn thu hút khách.
Thời gian qua, UBND thành phố và huyện Hòa Vang rất quan tâm đến phát triển du lịch, đặc biệt là phát triển du lịch sinh thái cộng đồng theo hướng kết hợp với phát triển nông thôn mới. Theo đó, làng Thái Lai được chọn làm mô hình phát triển du lịch dựa vào cộng đồng. Qua hơn 4 năm thực hiện lộ trình kế hoạch phát triển du lịch cộng đồng và do ảnh hưởng kéo dài của Covid-19, đến nay, làng Thái Lai đã chính thức đón khách.
Đến làng Thái Lai, nếu có nhu cầu nghỉ qua đêm, ngoài việc có thể sử dụng dịch vụ cắm trại ở các bãi cỏ ven sông, trong làng có khoảng gần 10 homestay của các hộ dân nơi đây cũng luôn sẵn sàng phục vụ với đầy đủ trang thiết bị cơ sở vật chất và mạng wifi phủ khắp để du khách có thời gian trải nghiệm, khám phá, ghi nhận được sự bình yên đáng ngạc nhiên của một làng quê nông nghiệp chưa bị ảnh hưởng trong quá trình đô thị hóa. Đến đây, du khách cũng có thể thưởng thức các món ăn dân dã như: bánh tráng Thái Lai nướng giòn, mì Quảng, sắn hông lá dứa, khoai lang hấp, bánh xèo, mít trộn, bánh gói, bánh bột lọc, bánh tro, bánh đúc, măng trộn, búp chuối trộn... đậm chất “cây nhà, lá vườn” do người dân nơi đây chế biến.
Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Phan Văn Tôn cho biết, trong kế hoạch phát triển điểm đến, sản phẩm dịch vụ trên tuyến du lịch đường thủy nội địa thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2019-2021 do UBND thành phố phê duyệt, nhà cổ Tích Thiện Đường nằm trên tuyến Cẩm Lệ - Túy Loan - Thái Lai. Song song với triển khai các điểm du lịch trên địa bàn huyện Hòa Vang, địa phương đã xây dựng các địa chỉ du lịch sinh thái cộng đồng, qua đó, góp phần cùng thành phố hình thành nhiều sản phẩm du lịch mới lạ và chất lượng. “Chúng tôi kỳ vọng Làng du lịch sinh thái cộng đồng Thái Lai tiếp tục khai thác các giá trị văn hóa, lịch sử, thiên nhiên, bảo vệ cảnh quan, môi trường để phát triển du lịch. Trong đó, chú trọng khai thác đi đôi với bảo tồn và giữ gìn; đồng thời phát triển các dịch vụ phù hợp tiêu chí du lịch xanh, tạo sự khác biệt trong hoàn thiện điểm đến để hấp dẫn du khách”, ông Phan Văn Tôn nhấn mạnh.
Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang Phan Văn Tôn |
THÀNH LÂN