Hoa của những nụ cười

.

Không quá lời khi gọi bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng là “hoa của những nụ cười” bởi chị luôn có mặt ở nơi nguy cấp, trao cho người gặp nạn niềm hy vọng và sự sống…

Bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng (thứ ba, phải sang) và đồng nghiệp gặp gỡ bác sĩ Hoa Kỳ trên tàu bệnh viện của Hải quân Hoa Kỳ khi cập cảng Đà Nẵng.                                                                                                              Ảnh: Nhân vật cung cấp
Bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng (thứ ba, phải sang) và đồng nghiệp gặp gỡ bác sĩ Hoa Kỳ trên tàu bệnh viện của Hải quân Hoa Kỳ khi cập cảng Đà Nẵng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Vốn đam mê khoa học và học tốt các môn tự nhiên, Phạm Thị Ánh Hồng quyết tâm trở thành sinh viên Trường Đại học Bách khoa, ĐH Đà Nẵng. Thế nhưng, quãng thời gian trước khi nộp hồ sơ dự thi, cô học trò lớp 12 đột ngột thay đổi quyết định, chuyển hướng sang ngành y.

“Lúc đó, em trai tôi bỗng nhiên mắc bệnh nặng, tưởng chừng không qua khỏi. Cha mẹ đi làm ăn xa, chị em nương tựa vào nhau nên tôi thường xuyên túc trực tại bệnh viện để chăm sóc em”, chị Hồng hồi tưởng.

Chứng kiến bác sĩ tận tình cứu chữa người bệnh, cô gái nhỏ từ ngưỡng mộ đến thần tượng. Mắt lấp lánh niềm vui, chị tâm sự: “Bệnh tình của em tôi tưởng chừng không qua khỏi nhưng các bác sĩ đã đấu tranh, giành giật và hồi sinh sự sống cho em. Từ lúc ấy, tôi cảm thấy công việc cứu người rất ý nghĩa và lựa chọn thi vào Trường Đại học Y dược Huế”.

Năm 1990, tốt nghiệp đại học, chị lựa chọn làm việc tại Khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện Đà Nẵng, nơi mà nhiều người trẻ mới ra trường thường e ngại. 5 năm làm việc không lương tại đây, bác sĩ Hồng chưa bao giờ từ chối một ca bệnh khó nào, thậm chí có nhiều khi chị ở lại trực đêm tại bệnh viện cả tuần lễ không về nhà. Năm 1995, bác sĩ Hồng được điều chuyển về công tác tại Trạm Cấp cứu 05 tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng (nay là Trung tâm Cấp cứu 115 thành phố), thời điểm ấy chỉ là một trạm cấp cứu đơn sơ với “tài sản” duy nhất là thùng thuốc nhỏ với những loại thuốc cấp cứu các bệnh thông thường. Thế nhưng, bằng lòng say mê với nghề, chị đã bám trụ nơi đây, sẵn sàng khoác áo blouse trắng lên đường mỗi khi có người cần hỗ trợ.

23 năm gắn bó với Trung tâm Cấp cứu 115, hành trang của chị ăm ắp bao kỷ niệm buồn, vui với nghề. Đó là lần vượt núi đến huyện Tây Giang (huyện miền núi ở phía tây bắc tỉnh Quảng Nam, giáp biên giới Lào) hỗ trợ một sản phụ người dân tộc, chị và đồng nghiệp vừa đi vừa ôm…cục đá để kê chiếc xe cà tàng mỗi lúc dừng lại.

“Chúng tôi di chuyển lên, cùng lúc đó sản phụ cũng di chuyển xuống để tiết kiệm thời gian. Tuy nhiên, do địa hình hiểm trở, khi chiếc xe không thể chạy được nữa, chúng tôi quyết định đi bộ để sớm gặp người bệnh. Khi tiếp xúc, sản phụ đã có dấu hiệu sinh vì quá trình đi lại dồng xốc, chúng tôi đã đỡ đẻ ngay trên xe”, chị Hồng kể. Không chỉ đỡ đẻ, chị và đồng nghiệp còn đi xin khăn, sữa cho trẻ vì người mẹ không có sự chuẩn bị.

Trong đêm trực ngay khi cơn bão Nari đổ bộ vào Đà Nẵng (14-10-2013), đường dây nóng của Trung tâm Cấp cứu 115 vang lên dồn dập, phía bên kia đầu dây là giọng một người phụ nữ hốt hoảng thông báo cả căn nhà của chị đã bị bay nóc. Gia đình không có đàn ông, người mẹ và ba đứa trẻ dắt díu nhau trú ẩn ở nơi kiên cố nhất nhà là phòng vệ sinh vừa xây và lo lắng điện thoại cầu cứu.

Biết người gọi đến hoảng loạn, bác sĩ Hồng vừa thông báo cho lực lượng chức năng nhờ hỗ trợ, vừa liên tục dùng điện thoại cá nhân gọi trấn an. Đây không phải là lần duy nhất chị thể hiện sự bình tĩnh trước hiểm nguy, bằng mọi giá cấp cứu bệnh nhân trong thời gian sớm nhất có thể.

Vào đêm khuya cách đây mười mấy năm, một chiếc ô-tô bị tai nạn giao thông ở Bà Nà gọi điện cầu cứu. Đến nơi, tìm quanh mới phát hiện chiếc xe rớt xuống hố sâu phía dưới. Phương tiện cấp cứu còn thô sơ, không có lực lượng cứu hộ, chị cùng đồng nghiệp can đảm đu theo dây rừng xuống dưới, may mắn cứu sống cả 4 người mắc nạn.

Không chỉ đi đầu trong công tác cấp cứu trên mặt đất, chị Hồng còn là nữ bác sĩ đầu tiên xung phong ra biển và trở thành thủ lĩnh trong nhóm bác sĩ “cơ động” ứng cứu ngư dân. Số điện thoại di động của chị trở thành dãy số quen thuộc tại Bộ đội Biên phòng Đà Nẵng, Đài thông tin duyên hải Đà Nẵng và Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực 2 (Danang MRCC đóng tại Đà Nẵng).

Hơn 10 năm gắn bó với những ca cấp cứu cho ngư dân trên biển, chị Hồng không nhớ chính xác đã bao nhiêu lần nói dối con cũng như đánh vật với sóng biển để ra khơi cứu nạn. Ám ảnh chị nhất là lần theo tàu SAR 412 của Danang MRCC ra cứu nạn thuyền trưởng một tàu cá Quảng Nam bị ngã chấn thương sọ não ở vùng biển cách bờ 92 hải lý.

“Chúng tôi ra khơi khi trời nắng đẹp, vậy mà chỉ vài giờ sau, gió giật cấp 9, cột sóng cao tới 5m. Cửa kính của tàu vỡ nát, các thuyền viên đều say sóng. Tôi và nữ y sĩ đi cùng phòng hờ bất trắc có thể ập đến nên lập cập mở điện thoại ghi âm vài lời nhắn gởi cho người thân…”, đôi mắt chị hoe đỏ khi nhớ lại lần gần chạm cửa tử ấy. Có thể nói, bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng đã sống cuộc đời như những đóa hoa, âm thầm hiến dâng, lặng lẽ tỏa ngát hương thơm cho đời…

Bác sĩ Phạm Thị Ánh Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Cấp cứu 115 Đà Nẵng là đại diện duy nhất của Đà Nẵng trong 70 cá nhân điển hình tiên tiến toàn quốc được tuyên dương tại lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc (11-6-1948 – 11-6-2018), tổ chức ngày 3-6-2018 tại Hà Nội.

TRÂM ANH

;
.
.
.
.
.
.