Tìm hiểu những nội dung cơ bản của Nghị quyết số 43-NQ/TW

Bài 3: Phát triển đô thị mang tầm quốc tế có bản sắc riêng

.

Quan điểm phát triển thứ 3, Nghị quyết số 43-NQ/TW nêu “Phát triển thành phố Đà Nẵng theo hướng đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, mang tầm quốc tế và có bản sắc riêng; phát triển kinh tế nhanh và bền vững, coi việc nâng chất lượng cuộc sống của người dân ở mức cao là nhiệm vụ trung tâm; tập trung phát triển 3 trụ cột chính: du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển, đảo, trật tự, an toàn xã hội”.

Du lịch là một trong 3 trụ cột chính trong phát triển kinh tế Đà Nẵng. TRONG ẢNH: Khách du lịch nước ngoài trên đường Lê Lợi, Đà Nẵng.Ảnh: AN KHANG
Du lịch là một trong 3 trụ cột chính trong phát triển kinh tế Đà Nẵng. TRONG ẢNH: Khách du lịch nước ngoài trên đường Lê Lợi, Đà Nẵng.Ảnh: AN KHANG

Có thể nói, kể từ khi tách tỉnh vào năm 1997 đến nay, nhất là sau 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) “Về xây dựng và phát triển Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Đà Nẵng đã trải qua một giai đoạn phát triển nhanh chóng, được xem là ‘thành phố đáng sống”, là hình ảnh đi đầu trong quyết liệt cải cách và năng động phát triển.

Song hiện nay cũng có không ít vấn đề đặt ra đối với sự phát triển của Đà Nẵng. Đó là: tốc độ tăng trưởng kinh tế của Đà Nẵng đang có dấu hiệu suy giảm, dù chưa mạnh (từ 11-12%/năm, giai đoạn 2003-2013 xuống dưới 9%/năm trong những năm trở lại đây). Đà Nẵng hiện đang phải đối mặt với các vấn đề về cơ chế, chính sách, bộ máy và trong tháo gỡ các vướng mắc, khắc phục hậu quả liên quan đến các vi phạm về quản lý đất đai theo các kết luận của cấp có thẩm quyền, bảo đảm quyền lợi của các tổ chức và cá nhân, nguồn thu ngân sách Nhà nước.

Yêu cầu trong chặng đường tới, với vai trò vị thế của mình, Đà Nẵng cần phải đáp ứng nhận thức mới về phát triển, vừa khắc phục dấu hiệu quá tải về hạ tầng hiện nay, vừa đáp ứng đòi hỏi, tiêu chí mới về xây dựng mô hình của một thành phố đáng sống, thành phố thông minh, thành phố tương lai. Đất nước đang hội nhập sâu rộng hơn, bước vào giai đoạn bước ngoặt với nhiều đột phá phát triển. Sự cạnh tranh, vươn lên của các thành phố, địa phương khác, nhất là về thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh và thu hút đầu tư phát triển cùng với việc hình thành một số đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt trong tương lai…, đang tạo áp lực rất lớn đối với Đà Nẵng với tư cách là “người” đi tiên phong trong cải cách và phát triển.

Định hướng phát triển mới cho quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của thành phố đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 được xác định theo Nghị quyết số 43-NQ/TW theo hướng đô thị sinh thái, hiện đại và thông minh, mang tầm quốc tế và có bản sắc riêng, phát triển kinh tế nhanh và bền vững, coi việc nâng chất lượng cuộc sống của người dân ở mức cao là nhiệm vụ trung tâm như nghị quyết xác định chính là định hướng để Đà Nẵng xác định ý chí bức phá vươn lên, đồng thời tạo bản sắc riêng, có hình ảnh nổi bật, làm nên sự khác biệt so với các thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh hay các thành phố trong khu vực (như Bangkok, Jakarta, Kuala Lumpur, Manila, Vientiane, PhnomPenh…).

Bởi vì tầm nhìn và định hướng phát triển này không chỉ yêu cầu ở kết quả một mức độ phát triển nhanh về kinh tế (như thu nhập bình quân đầu người) và mức độ hiện đại của thành phố mà còn có cả các yếu tố khác liên quan đến con người, cộng đồng xã hội, môi trường sống, trải nghiệm và quản trị đô thị, lấy chất lượng cuộc sống đô thị làm mục tiêu thường xuyên nhằm từng bước định vị Đà Nẵng trong hệ thống các đô thị của khu vực là: Thành phố đáng sống hàng đầu của Đông Nam Á đến năm 2030; tầm nhìn 2045 là một đô thị thông minh, bao trùm và bền vững, nơi người dân thân thiện và hạnh phúc, chính quyền đi tiên phong trong cải cách và đổi mới, kết nối và tạo hiệu ứng lan tỏa cao theo yêu cầu của nghị quyết.

Về động lực, nguồn lực phát triển, nghị quyết chỉ rõ cần tập trung và tạo khâu đột phá trong phát triển 3 trụ cột chính là: Du lịch, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển, với 5 lĩnh vực mũi nhọn cần ưu tiên về chính sách, nguồn lực để phát triển gồm: Du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; (2) Cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics; (3) Công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp; (4) Công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số; (5) Sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp.

Trên lĩnh vực dịch vụ, chú trọng mục tiêu hướng tới là mô hình “cảng thông minh”, dịch vụ logictics thông minh nơi ứng dụng các tiến bộ công nghệ nhằm tăng cường hiệu quả vận hành cảng, nâng cao năng lực cạnh tranh và đồng thời giảm chi phí vận hành và tác động tới môi trường. Hình thành một hệ thống tích hợp và kết nối thông suốt các hoạt động khai thác, vận hành và quản lý cảng, đặc trưng bởi mạng lưới kết nối giữa nhà cung ứng với khách hàng, kết nối giữa hệ thống quản lý trên bờ với các tàu trên biển, kết nối cảng và thành phố, kết nối cảng nội địa với các cảng quốc tế...; xây dựng mô hình cơ quan quản lý cảng thống nhất theo hướng tiên tiến, hiệu quả, phù hợp với thông lên quốc tế.

Phát triển công nghiệp công nghệ cao và đô thị sáng tạo khởi nghiệp, công nghiệp công nghệ thông tin và nền kinh tế số cần chú trọng thu hút giới công nghệ và đầu tư của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới trong các lĩnh vực đi đầu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo lan tỏa cho phát triển du lịch, nông nghiệp, và công nghiệp thông minh trong khu vực và dần tạo thành phố có vị thế như một trung tâm (hub) R&D trên một số hướng.

 Nông nghiệp và ngư nghiệp cần hướng đến mục tiêu đáp ứng nhu cầu lương thực của thành phố; thực hiện một số mô hình như nông nghiệp kết hợp với du lịch; phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp xanh, thúc đẩy đánh bắt thủy hải sản xa bờ, kinh tế biển gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng, an ninh, chủ quyền biển, đảo.

Nghị quyết cũng xác định cùng với 5 lĩnh vực mũi nhọn trên, thành phố đồng thời quan tâm phát triển đồng bộ 3 lĩnh vực cơ bản khác cho chất lượng cuộc sống đô thị không thể không chú ý, đó là:  Y tế, với việc hình thành các bệnh viện hiện đại, đáp ứng yêu cầu của một thành phố đáng sống; Giáo dục với chú trọng đào tạo nghề, giải tỏa điểm nghẽn về chất lượng nguồn nhân lực cho thành phố; đáp ứng yêu cầu thu hút nhân lực chất lượng cao; quan tâm đúng mức Dịch vụ môi trường như là  chức năng thiết yếu đảm bảo cho thành phố phát triển bền vững và trở nên đáng sống, v.v...

Đà Nẵng có thể học tập mô hình “Thành phố tự do” của Jeju (Hàn Quốc)

Về nhiệm vụ, giải pháp đột phá để phát triển 5 lĩnh vực mũi nhọn của thành phố, Nghị quyết số 43-NQ/TW cũng hàm ý, về du lịch cần chú trọng việc phát triển các loại hình du lịch có chất lượng cao, đẳng cấp; đa dạng hóa các lĩnh vực đi kèm như mua sắm, nghỉ dưỡng, chữa bệnh, hội thảo, tổ chức sự kiện (tầm quốc tế)...; đặc biệt, cần mở ra một số điểm đột phá để phát triển du lịch như: triển khai các dịch vụ qua mạng; mở các tuyến bay quốc tế mới; nới lỏng cơ chế thị thực (Đà Nẵng có thể học tập mô hình “thành phố quốc tế tự do” của Jeju với khẩu hiệu “không visa, không thuế”); một số mô hình mới như du lịch kết hợp với nông nghiệp, du lịch sinh thái gắn với các tuyến biển-sông-núi-rừng... Hình thành các trung tâm mua sắm lớn, phức hợp thu hút các thương hiệu Việt Nam và quốc tế, đáp ứng yêu cầu du khách.

PHẠM QUÝ
 

;
;
.
.
.
.
.