Cho biển mãi xanh, mãi sạch…

.

ĐNO – Đà Nẵng có lợi thế sở hữu nhiều bãi biển đẹp với bờ biển trải dài và phong cảnh thiên nhiên hữu tình đã góp phần đẩy mạnh sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Vì thế, giữ cho biển xanh-sạch-đẹp là giữ gìn "món quà" quý giá mà tạo hóa ưu ái dành cho thành phố. Trong thời gian qua, nhiều hoạt động thiết thực được triển khai đã góp phần tuyên truyền, nâng cao ý thức bảo vệ môi trường biển cho người dân và du khách. 

Ảnh: XUÂN SƠN
Bãi biển Đà Nẵng nhìn từ bán đảo Sơn Trà.

Vẫn là “câu chuyện ý thức”

Mùa du lịch biển Đà Nẵng 2019 diễn ra từ 26-4 đến 1-5 với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao mang thông điệp bảo vệ môi trường nói chung và môi trường biển nói riêng như: cộng đồng chung tay chống rác thảc nhựa, “bán đảo Sơn Trà và biển Đà Nẵng – Nói không với túi nilon”, khuyến khích người dân và du khách sử dụng vật dụng thân thiện với môi trường khi đến bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch...

Khi đề cập đến vấn đề môi trường này, một trong những chủ đề được chia sẻ nhiều là ý thức của cộng đồng.

Liên quan đến “câu chuyện ý thức”, ông Nguyễn Đức Vũ, Trưởng ban Quản lý bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng (gọi tắt là Ban quản lý) cho hay: “Ý thức giữ gìn môi trường bãi biển của người dân và du khách được nâng cao rất nhiều trong thời gian qua, nhưng vẫn còn  tình trạng xả rác bừa bãi trên biển, đặc biệt là nhóm du khách trẻ tuổi”.

Ảnh: XUÂN SƠN
Du khách dạo chơi, tắm biển trên bãi biển Mỹ Khê.

Đúng như chia sẻ của ông Vũ, khi chúng tôi đi dọc những bãi biển Xuân Thiều, Mỹ Khê, Mân Thái... rồi ngược lên Sơn Trà, xuống Ghềnh Bàng, ghé Bãi Đá Đen đều thấy ngổn ngang rác. Ngay ở khu vực bãi biển Mỹ Khê và nhiều bãi biển khác dọc tuyến Hoàng Sa – Võ Nguyên Giáp, Ban quản lý đã có quy định, nhắc nhở mọi người không tổ chức ăn uống, không xả rác bừa bãi; thế nhưng, sau vài cuộc dã ngoại ban đêm, những vỏ hộp xốp, que tre, bao bì thực phẩm, vỏ lon nước, vỏ hải sản… lại nằm lăn lóc bên bờ biển.

Thấy rác, lực lượng công nhân vệ sinh, nhân viên Ban quản lý và nhiều cá nhân, tập thể đã tình nguyện dọn sạch, nhưng rồi… đâu lại vào đấy, bởi ý thức của một bộ phận người dân, du khách chưa cao.

Đó là một góc “không vui” về tình hình môi trường trên các bãi biển ở Đà Nẵng hiện nay. Tuy nhiên vẫn còn đó những mô hình, chương trình thiết thực nhằm giữ gìn sự sạch đẹp cho biển.

Những hoạt động ý nghĩa

“Người tỉnh táo lại đi vứt rác, người điên lại đi dọn rác”, anh Lê Phi Thủy, một du khách đến từ Ninh Bình chia sẻ với chúng tôi như vậy khi chứng kiến 30 bệnh nhân tâm thần đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng chăm chỉ dọn dẹp rác trên bãi biển Xuân Thiều (quận Liên Chiểu).

Hoạt động ý nghĩa nói trên do Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng phối hợp cùng Ban quản lý Khu du lịch Xuân Thiều tổ chức từ trung tuần tháng 3-2019, với thành phần tham gia là các bệnh nhân tâm thần đang điều trị nội trú tại bệnh viện. Bác sĩ Lâm Tứ Trung, Giám đốc Bệnh viện cho biết, chương trình sẽ diễn ra định kỳ mỗi tuần, trở thành hoạt động vận động tích cực, cải thiện sức khỏe cho các bệnh nhân.

“Dọn dẹp bãi biển để nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng, giúp bệnh nhân hòa nhập với các hoạt động xã hội một cách bình đẳng nhất…”, bác sĩ Trung nhấn mạnh.

Ảnh
Bệnh nhân Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng cùng người dân tham gia dọn dẹp vệ sinh ven bãi biển Xuân Thiều.

Bác sĩ Phan Minh Hải, Phó khoa Phục hồi chức năng cho rằng, những bệnh nhân gặp vấn đề về trí tuệ và tư duy còn giữ sạch biển được, tại sao những người bình thường, lành lặn lại không thể? Chia sẻ của bác sĩ Hải và việc làm của bệnh nhân sẽ là lời kêu gọi bảo vệ môi trường biển thiết thực và nhân văn.

Trong số 20 hoạt động văn hóa, thể thao do Ban quản lý phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện trong Mùa du lịch biển 2019, chương trình “Nhặt rác trao yêu thương” diễn ra vào ngày 25-4 tại bãi tắm Thanh Khê, đường Nguyễn Tất Thành (quận Thanh Khê) được tổ chức nhằm hưởng ứng Kế hoạch triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn của UBND thành phố tại Quyết định số 1577/QĐ-UBND ngày 11-4-2019.

Tại chương trình "Nhặt rác trao yêu thương" có hơn 500 người dân tham gia làm sạch môi trường các bãi biển và các khu dân cư. Điều đặc biệt của chương trình là người dân có thể dùng số bao rác thu gom được để đổi lấy những phần quà tặng là chậu cây cảnh mini, túi vải tiện dụng và đồ tái chế.

Được biết, hoạt động làm sạch môi trường theo hình thức “đổi rác lấy quà” đã được Ban quản lý tổ chức thường niên. Trong năm 2018, nhiều học sinh trên địa bàn quận Thanh Khê đã tham gia thu gom rác trên biển để đổi lấy vở.

Cơ giới hóa việc dọn rác trên biển

Đầu tháng 4-2019, Xí nghiệp Môi trường sông biển (thuộc Công ty CP Môi trường đô thị Đà Nẵng, sau đây gọi tắt là xí nghiệp) đưa vào vận hành máy sàng rác trên khu vực biển dọc đường Võ Nguyên Giáp - Hoàng Sa và bước đầu thu nhận được sự ủng hộ tích cực từ người dân và du khách.

Giám đốc xí nghiệp Phạm Sau cho hay, chiếc máy này được đơn vị nhập về từ Ý, được công nhân vệ sinh vận hành để thu gom rác trên bãi biển theo hợp đồng giữa xí nghiệp với Ban quản lý. Máy sàng rác có hình dáng nhỏ gọn, hoạt động tương đối dễ dàng trên bãi cát ven biển. Máy có bánh xe để di chuyển và gắn lưỡi sục gom rác phía sau.

a
Máy sàng rác đang vận hành ổn định trên các bãi biển. 

Khi làm việc, một công nhân điều khiển máy di chuyển dọc bờ biển. Lưỡi sục trên máy có tác dụng “sàng” rác, thu gom những mẩu rác nằm lẫn sâu trong lòng cát như vỏ và nắp lon nước, mảnh thủy tinh, vỏ ốc, sành vỡ, mảnh kim loại... và cho vào thùng đựng gắn đằng sau máy.

Ngoài ra, đuôi máy gắn một phần “bàn là” làm phẳng mịn bề mặt cát, tạo mỹ quan cho bãi biển. Theo Trưởng Ban quản lý Nguyễn Đức Vũ, máy là công cụ chuyên dụng, hỗ trợ đắc lực cho những công nhân dọn rác thủ công trên bề mặt cát.

Theo ông Phạm Sau, trong điều kiện thời tiết thông thường với trời nắng ráo, “khung giờ” làm việc của máy sàng rác vào khoảng 9 giờ và 15 giờ trong ngày (thời điểm ít du khách dạo chơi, tắm biển). Máy được sử dụng trung bình 15-16 ngày/tháng.

Trưởng Ban quản lý Nguyễn Đức Vũ cho biết, việc đưa vào sử dụng máy sàng rác từ đầu tháng 4 cũng là cách để Ban quản lý và xí nghiệp đẩy mạnh cơ giới hóa công tác dọn dẹp vệ sinh môi trường nói chung, trên các bãi biển nói riêng, giúp bãi biển mãi trong xanh, sạch đẹp.

 “Dù đã có máy và công nhân vệ sinh, nhưng bản thân mỗi người dân, mỗi du khách cần có ý thức chung tay giữ gìn môi trường. Chỉ cần mỗi người góp một tay, nhặt một mẩu rác bỏ vào thùng thôi cũng là cách để chúng ta ý thức hơn với biển…”, ông Vũ chia sẻ.

                                                              Bài và ảnh: XUÂN SƠN

;
;
.
.
.
.
.