ĐNO - Đó là khẳng định của PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, Giám đốc ĐH Đà Nẵng tại Hội nghị Thành ủy lần thứ 16 (khóa XXI), nhiệm kỳ 2015-2020 khai mạc sáng 12-4.
PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ cho rằng dự án triển khai xây dựng làng Đại học giữa thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam là một dự án có quy mô lớn, phức tạp do quy hoạch treo nhiều năm, liên quan đến nhiều bộ, ngành và hai địa phương nên thủ tục đầu tư phức tạp, nhất là công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư, trong khi đó vốn ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn.
Hiện tại, các cơ quan, đơn vị chức năng của hai địa phương đang lập phương án quy hoạch tổng thể khu tái định cư, lấy ý kiến cộng đồng để hoàn thiện, trình lãnh đạo phê duyệt làm cơ sở thực hiện các bước tiếp theo.
Tuy nhiên, kết quả công việc phối hợp thực hiện giữa các bên còn nhiều hạn chế do quy định về trình tự, thủ tục và chưa có đồ án quy hoạch. Đối với kinh phí đầu tư thực hiện các khu tái định cư (gồm bồi thường, giải phóng mặt bằng, tái định cư tại chỗ và xây dựng hạ tầng kỹ thuật) trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam hiện vẫn chưa có kế hoạch về kinh phí cụ thể và chưa rõ nguồn ngân sách trung ương hay địa phương.
Đối với nguồn vốn vay ODA của ngân hàng thế giới, ĐH Đà Nẵng không đủ khả năng về tài chính để chi trả khoản vay lại theo quy định tại Nghị định số 97/2018/NĐ-CP ngày 30-6-2018 của Chính phủ về cho vay lại vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chỉ đạo nhiệm vụ quy hoạch phân khu ĐH Đà Nẵng tại Quyết định số 227/QĐ-TTg ngày 25/2/2019 |
Theo PGS.TS Nguyễn Ngọc Vũ, thời gian qua, ĐH Đà Nẵng đã trình Thủ tướng Chính phủ “Đề án phát triển tổng thể Đại học Đà Nẵng đến năm 2025 tầm nhìn 2035”; đây là cơ sở pháp lý quan trọng để điều chỉnh quy hoạch dự án xây dựng Đại học Đà Nẵng. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch 1/2000. Hiện ĐH Đà Nẵng đã thông báo mời thầu lựa chọn tư vấn để lập quy hoạch 1/2000.
Đồng thời, ĐH Đà Nẵng phối hợp với các sở, ngành liên quan của thành phố và tỉnh Quảng Nam rà soát thực tế và có báo cáo đề xuất bổ sung nhu cầu vốn đầu tư từ nguồn từ nguồn dự phòng trung hạn giai đoạn 2018-2020 là 1.508,4 tỷ đồng; trong đó ưu tiên cho giải phóng mặt bằng và đã được Thủ tướng Chính phủ thống nhất bố trí 1.000 tỷ đồng, đang trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét phê duyệt.
ĐH Đà Nẵng cũng đã tích cực làm việc với Ngân hàng Thế giới và hoàn thành đề xuất dự án vay vốn ODA với số tiền 100 triệu USD cùng với Đại học Quốc gia Hà Nội và Thành phố Hồ Chính Minh, đã gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ GD-ĐT thẩm định, trình Thủ tướng. Bên cạnh đó, ĐH Đà Nẵng đã tích cực phối hợp với thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư như lập dự án giải phóng mặt bằng, lập dự án đầu tư xây dựng các hạng mục công trình cấp thiết…
ĐẶNG NỞ