Có thể nói, việc ban hành Nghị quyết 43-NQ/TW gần như đã định vị và “khai thông” cho Đà Nẵng về tầm nhìn chiến lược của những ngành kinh tế mũi nhọn như du lịch, dịch vụ tài chính - ngân hàng, logictics... chất lượng cao nhằm tạo ra dấu ấn riêng biệt, đặc trưng so với các địa phương khác.
Những cơ chế, chính sách mới góp phần thu hút đầu tư chiến lược, xây dựng các sản phẩm mới chất lượng cao. TRONG ẢNH: Du khách tham quan Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Ảnh: THU HÀ |
Du lịch - tập trung vào chất lượng
Đà Nẵng được biết đến không chỉ có những bãi biển đẹp mà còn cả hệ thống cơ sở hạ tầng du lịch được đầu tư bài bản. Những năm gần đây, Đà Nẵng là điểm đến luôn được đông đảo du khách trong nước và quốc tế lựa chọn là nơi nghỉ dưỡng. Nhiều thương hiệu, tên tuổi của các tập đoàn lớn đã có mặt ở Đà Nẵng như: Intercontinental, Novotel, Sheraton, Hilton, Pullman, Marriott, Crowne… Điều này cho thấy tiềm năng du lịch của Đà Nẵng là rất lớn, thành phố có đủ khả năng để tổ chức các sự kiện lớn mang tầm quốc tế, các loại hình du lịch kết hợp hội thảo, hội nghị, nghỉ dưỡng, thể thao…
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng cho rằng, Đà Nẵng cần có sự thay đổi từ phát triển chiều rộng sang chiều sâu, thu hút đầu tư có trọng điểm cho hệ thống dịch vụ cao cấp, tạo hệ thống sản phẩm du lịch đặc thù phù hợp với cơ cấu nguồn khách mới và tạo nguồn lực lớn hơn cho hoạt động xúc tiến, có khả năng định vị và thu hút các thị trường khách có khả năng chi trả cao... Theo ông Dũng, Nghị quyết 43-NQ/TW chính là một nét gợi mở để ngành du lịch thành phố thay đổi và phát triển. Để hiện thực hóa nghị quyết này, cần có 4 giải pháp cụ thể.
Đó là: quy hoạch và định hướng đầu tư các dịch vụ chất lượng cao gắn với loại hình nghỉ dưỡng biển như khu nghỉ mát, căn hộ cao cấp, sân golf, casino…, đặc biệt cần những điểm đến dịch vụ hàng đầu thế giới; đầu tư có trọng điểm cho phát triển sản phẩm điểm đến gắn với nghỉ dưỡng biển cao cấp như: hoạt động giải trí biển, tour trên vịnh Đà Nẵng, các trung tâm mua sắm, chợ đêm, phố đi bộ, chương trình biểu diễn… và các sản phẩm du lịch gắn với các giá trị văn hóa địa phương; hỗ trợ nguồn lực và tạo cơ chế xã hội hóa hình thành quỹ cho công tác xúc tiến du lịch vào các thị trường mới, thị trường có khả năng chi trả cao.
Đây là yêu cầu hết sức bức thiết khi mà nguồn cung dịch vụ ở Đà Nẵng đang vượt qua nhu cầu khách rất nhiều; đầu tư cho công tác chỉnh trang đô thị, bảo vệ môi trường, nhất là môi trường biển. Nếu thực hiện đồng bộ được các giải pháp này thì hoàn toàn có thể kỳ vọng vào một sự bứt phá mạnh mẽ của du lịch Đà Nẵng trong tương lai không xa.
TS Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ lại cho rằng, thành phố cần tiếp tục kiên trì và tập trung vào phát triển du lịch, do đây là ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố. Hiện nay, năng lực cạnh tranh của ngành du lịch Đà Nẵng chưa cao, trong khi phải cạnh tranh gay gắt của các điểm du lịch nổi tiếng trong vùng, khu vực và thế giới. Du khách trung chuyển qua Đà Nẵng để tiếp tục ra Huế hoặc vào Hội An, Nha Trang... vẫn còn nhiều. Du lịch thành phố mang tính thời vụ cao, thiếu các sản phẩm du lịch đặc sắc, ấn tượng, thiếu các dịch vụ mua sắm, giải trí hấp dẫn, đặc biệt là thiếu các khu mua sắm, khu vui chơi và dịch vụ giải trí về đêm, trong nhà. Vì thế, Đà Nẵng cần có một định hướng, chiến lược phát triển mang đẳng cấp cao của thế giới.
Mặt khác, thành phố cần quyết liệt trong việc thu hồi các dự án dịch vụ, du lịch chậm triển khai; đồng thời chú trọng huy động các nguồn lực để đầu tư phát triển các dịch vụ, sản phẩm du lịch đặc sắc, riêng có của Đà Nẵng với đẳng cấp cao; đầu tư phát triển các dịch vụ còn thiếu như: sản phẩm điểm đến, sản phẩm du lịch trên sông, sản phẩm du lịch xanh, các dịch vụ vui chơi giải trí trong nhà, về đêm và trên biển; khu mua sắm tập trung, các khu nghỉ mát 3-4 sao...
Theo kế hoạch hành động để thực hiện Nghị quyết 43-NQ/TW, ông Ngô Quang Vinh, Giám đốc Sở Du lịch đề cập, trong thời gian đến sẽ quy hoạch tái cơ cấu lại ngành du lịch theo hướng tập trung vào chất lượng. Ngành du lịch đã có những đề xuất cụ thể với thành phố trong việc xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị du lịch ven biển mang tầm quốc gia, quốc tế, là một trong những điểm du lịch hàng đầu cả nước với thương hiệu là thiên đường nghỉ dưỡng, điểm đến an toàn và thân thiện; là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững và bảo đảm quốc phòng-an ninh, tăng cường hợp tác, liên kết vùng, đặc biệt là liên kết phát triển du lịch 4 địa phương Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam và Hà Nội và các tỉnh, thành phố Vùng duyên hải miền Trung.
Đồng thời, xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù đột phá cho phát triển du lịch như: khuyến khích, kêu gọi đầu tư hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng, chất lượng cao, ưu tiên phát triển các dịch vụ, sản phẩm du lịch tạo nguồn thu nhập, giá trị gia tăng cao; ưu đãi về tiền thuê đất, thuê mặt nước để phát triển các dự án du lịch sinh thái tại thành phố Đà Nẵng; đầu tư phát triển trung tâm thương mại miễn thuế tại thành phố Đà Nẵng...
Kêu gọi đầu tư, hỗ trợ các dự án dịch vụ du lịch đi vào hoạt động, tạo thêm các sản phẩm du lịch mới phục vụ du khách, hình thành các dịch vụ vui chơi, giải trí biển như: lặn biển, lướt ván, mô-tô nước, dù kéo, chèo thuyền kayak... Ngoài ra, thành phố kêu gọi đầu tư các cụm mua sắm - ẩm thực - vui chơi, giải trí quy mô lớn với tiêu chuẩn quốc tế nhằm tạo địa điểm để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách và thu hút nguồn khách có khả năng chi tiêu cao...
Dịch vụ gắn với chuỗi cung ứng
Về định hướng xây dựng Đà Nẵng thành điểm cung ứng chuỗi dịch vụ logistics, góp phần thúc đẩy kinh tế biển phát triển, theo báo cáo của Sở Giao thông vận tải, trên địa bàn thành phố hiện có khoảng 761 công ty chuyên hoạt động trên lĩnh vực vận tải, kho bãi. Các cơ sở hạ tầng về cảng biển, cảng hàng không quốc tế, hệ thống đường bộ, các tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Đà Nẵng - Huế cùng với tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây không chỉ thuận lợi vận chuyển hàng hóa trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên mà với các nước như Lào, Thái Lan, Myanmar.
Với cơ sở hạ tầng như vậy, Đà Nẵng đáp ứng được điều kiện cần cho ngành logistics phát triển và có sức lan tỏa cho toàn khu vực miền Trung, bảo đảm cung cấp đầy đủ các dịch vụ logistics như: xử lý thủ tục hải quan phi giấy tờ, vận chuyển theo dõi, giám sát hàng hóa gửi, thực hiện thủ tục xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa...
Nhìn nhận về ngành dịch vụ logistics ở Đà Nẵng hiện nay, nhất là sau khi Nghị quyết 43-NQ/TW được ban hành, ông Mai Văn Quang, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam tại khu vực miền Trung nhìn nhận, ngoài các lợi thế đã có thì các định hướng mới trong Nghị quyết 43-NQ/TW là những yếu tố thuận lợi để thành phố phát triển mạnh mẽ lĩnh vực logistics. Đây là nền tảng quan trọng để Đà Nẵng trở thành nơi trung chuyển hàng hóa hàng đầu cả nước.
Đặc biệt, mục tiêu xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước, đô thị biển quốc tế trên cơ sở phát triển mạnh các ngành kinh tế biển, bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường, phát triển bền vững… là tiền đề quan trọng để thành phố tập trung đầu tư, kêu gọi đầu tư hạ tầng các cảng biển của thành phố phục vụ cho việc phát triển kinh tế-xã hội, khai thác có hiệu quả các dịch vụ vận tải biển, phát triển Đà Nẵng trở thành một trung tâm kinh tế biển, hướng đến hình thành chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung; trong đó, lấy Đà Nẵng là trung tâm logistics với hệ thống các cảng biển Tiên Sa, Liên Chiểu.
Tuy nhiên, để trở thành trung tâm dịch vụ tài chính - ngân hàng, logistics… là mục tiêu không đơn giản. Đà Nẵng còn rất nhiều hạn chế cần khắc phục. Theo ông Võ Minh, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đà Nẵng, Đà Nẵng rất khó đạt đến tầm một trung tâm của cả khu vực miền Trung-Tây Nguyên.
Hầu hết các ngân hàng đặt trên địa bàn là chi nhánh, chưa có một hội sở ngân hàng chính thức nào đặt trụ sở tại Đà Nẵng; chưa có các tập đoàn tài chính lớn đóng chân tại thành phố; nguồn vốn cho vay mới chỉ đáp ứng nhu cầu của phần lớn doanh nghiệp của thành phố, chưa có nhiều bạn hàng lớn, có quy mô toàn khu vực. Mặc dù hệ thống dịch vụ thanh toán, giao dịch tiền tệ khởi sắc nhưng việc thanh toán bằng tiền mặt vẫn chiếm tỷ trọng lớn; chưa có các doanh nghiệp lớn hoạt động tư vấn trên lĩnh vực tài chính-ngân hàng.
Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Đà Nẵng đã đề xuất UBND thành phố việc điều chỉnh nội dung xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm tài chính, trung tâm ngoại hối, trụ sở các tập đoàn tài chính lớn… thành “Trung tâm thanh toán kỹ thuật số, trụ sở các tập đoàn tài chính lớn”.
Theo ông Võ Minh, định hướng này sẽ phù hợp hơn với thực trạng về hoạt động tài chính - ngân hàng của Đà Nẵng hiện nay và trong những năm tới, đồng thời phù hợp với mục tiêu xây dựng Đà Nẵng thành thành phố thông minh, đẩy mạnh thanh toán kỹ thuật số nhằm hạn chế việc sử dụng tiền mặt, tạo sự tiện lợi trong giao dịch thanh toán, góp phần vào phát triển kinh tế - xã hội thành phố.
Đơn vị cũng đã trình Sở Kế hoạch và Đầu tư đề án “Nâng cao nhận thức và phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật phục vụ các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn thành phố” với mục tiêu đến cuối năm 2020 sẽ: đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM), tối ưu hóa mạng lưới ATM, POS, phát triển các sản phẩm dịch vụ TTKDTM hiện đại, tỷ trọng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán ở mức dưới 10%; phát triển mạnh thanh toán thẻ qua các thiết bị chấp nhận thẻ tại điểm bán, nâng dần số lượng giao dịch thanh toán thẻ; tập trung phát triển một số phương tiện và hình thức thanh toán mới, hiện đại, phục vụ cho khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, góp phần thúc đẩy TTKDTM toàn diện.
Còn theo ông Mai Văn Quang, dịch vụ logistics tại Đà Nẵng quy mô còn khiêm tốn, hoạt động manh mún, thiếu sự liên kết để tạo chuỗi dịch vụ giữa các doanh nghiệp. Hoạt động giao nhận vận tải chịu chi phí cao, phạm vi hoạt động còn nhỏ hẹp ở tầm nội địa hoặc một vài nước trong khu vực. Đặc biệt, Đà Nẵng thiếu trầm trọng nguồn nhân lực có kinh nghiệm và trình độ chuyên môn trong lĩnh vực logistics.
TS Trần Du Lịch đánh giá, các loại hình dịch vụ tại Đà Nẵng đã hình thành nhưng chưa đồng bộ, phân khúc dịch vụ cao cấp còn thiếu. Riêng về mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm dịch vụ tài chính - ngân hàng, Đà Nẵng chưa có những định chế tài chính lớn của thị trường như các sàn giao dịch, trụ sở ngân hàng, tài chính không tập trung ở Đà Nẵng. Bên cạnh đó, dòng vốn đầu tư đã liên thông cả nước và tập trung ở hai đầu đất nước rồi. Đà Nẵng cần phát huy nguồn lực sẵn có, đồng thời huy động các nguồn lực trong nhân dân, kêu gọi thu hút đầu tư và tất cả các lĩnh vực nhằm đa dạng hóa các ngành dịch vụ. Phải xem việc triển khai hiệu quả Nghị quyết 43/NQ-TW là khát vọng để xây dựng thành phố lên một tầm cao mới.
THU HÀ – KHÁNH HÒA