Phát huy hiệu quả sau sáp nhập tổ dân phố

.

Bài cuối:  Giải quyết những bất cập từ cơ sở  

Trên thực tế, việc quản lý TDP vẫn còn những bất cập, gây khó khăn, nhất là đối với các TDP có từ 150 đến 200 hộ dân. Do vậy, nhiều địa phương kiến nghị thành phố cần sớm có những giải pháp linh hoạt để phù hợp với thực tế.

Nhiều khu dân cư tại phường Nại Hiên Đông không có nhà sinh hoạt cộng đồng đủ sức chứa từ 50 đến 80 người, ảnh hưởng đến phong trào ở cơ sở. Trong ảnh: Ông Phạm Ngọc Hào (phải), tổ trưởng tổ 68 phường Nại Hiên Đông trao đổi với người dân trong tổ tại trạm dân phòng ở khu dân cư.
Nhiều khu dân cư tại phường Nại Hiên Đông không có nhà sinh hoạt cộng đồng đủ sức chứa từ 50 đến 80 người, ảnh hưởng đến phong trào ở cơ sở. Trong ảnh: Ông Phạm Ngọc Hào (phải), tổ trưởng tổ 68 phường Nại Hiên Đông trao đổi với người dân trong tổ tại trạm dân phòng ở khu dân cư.

Có tổ dân phố đến 300 hộ dân

Ông Phạm Nghĩa, tổ trưởng tổ 28 phường Hòa Minh, tổ 28 là TDP có số hộ đông nhất quận Liên Chiểu, thậm chí là cả thành phố, với quy mô khoảng 300 hộ dân. “Thực ra, khi mới sáp nhập từ 4 TDP cũ, chỉ có 98 hộ thôi. Nhưng cuối năm 2018, khi 2 khu chung cư gần Bệnh viện Ung bướu đi vào hoạt động nên số hộ dân về sinh sống nhiều hơn, nhưng không thể thành lập được TDP mới. Vướng mắc là khó thu các loại quỹ, các khoản đóng góp khác. Trong khi đó, các giao dịch hành chính phát sinh các hộ ở đây đều thông qua tổ trưởng để xác nhận. Tổ và phường, quận đều đã có kiến nghị thành phố tìm giải pháp tháo gỡ vướng mắc này, nhưng đến nay chưa được giải quyết”, ông Nghĩa nói.

Theo bà Phạm Thị Như Hồng, Chủ tịch UBND phường Hòa Minh, không chỉ riêng TDP 28 có số hộ vượt quy định nhiều lần, phường Hòa Minh có tổ 107 với gần 150 hộ, tổ 126 trên 200 hộ. Đây là những khu vực tái định cư, số hộ dân biến động theo hướng tăng thêm. Việc tăng vượt khung nảy sinh những bất cập trong công tác quản lý, điều hành TDP. Khó khăn hiện nay ở phường Hòa Minh là khi thực hiện chủ trương sáp nhập, buộc phải thay đổi lại đơn vị TDP, gây phiền hà cho người dân trong các giao dịch hành chính. Mức phụ cấp thấp khiến nhiều người không mặn mà với công việc “vác tù và hàng tổng”. Đây là nguyên nhân hiện nay ở phường Hòa Minh vẫn còn 21 trường hợp là bí thư chi bộ, phó bí thư chi bộ; trưởng, phó ban công tác Mặt trận và các hội, đoàn thể khác kiêm nhiệm làm tổ trưởng TDP.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Trưởng phòng Nội vụ quận Liên Chiểu, thành phố nên phân quyền quyết định cho phép sắp xếp, chia tách, sáp nhập quy mô TDP về cho UBND quận để sát với tình hình thực tế TDP của mỗi phường, nhằm chủ động cho địa phương sắp xếp TDP phù hợp với quy mô, tránh tình trạng có nhiều TDP phát sinh số hộ dân gấp hai, gấp ba lần quy định của thành phố.

Thiếu nhà sinh hoạt cộng đồng

Theo ông Cao Đình Hải, Chủ tịch UBND phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà), bước đầu quản lý với số hộ dân cư đông hơn so trước đây, một số tổ trưởng vẫn còn bỡ ngỡ, chưa phát huy hết năng lực cũng như công tác điều hành còn có phần hạn chế. Theo đại diện Phòng Nội vụ quận Sơn Trà, khó khăn lớn nhất vẫn xoay quanh câu chuyện thiếu nhà sinh hoạt cộng đồng (NSHCĐ). Bên cạnh đó, trình độ, năng lực của một số tổ trưởng, tổ phó TDP chưa đồng đều, ảnh hưởng đến điều hành TDP. Mặt khác, một số chi bộ KDC lãnh đạo nhiều TDP trong khi Mặt trận và các tổ chức đoàn thể chỉ có 1 TDP, gây áp lực, khó khăn trong công tác lãnh đạo của cấp ủy chi bộ.

Theo ông Huỳnh Kim, Chủ tịch UBND phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn), ở tổ 34 có nhiều bất cập trong công tác quản lý sau sáp nhập. Khu đô thị biệt thự sinh thái công viên văn hóa làng quê và quần thể du lịch sông nước phường Hòa Quý (Khuê Đông 1, 2 trước đây) nằm tách biệt, không liên cư, liên địa nhưng buộc phải ghép với TDP 34, nâng số hộ lên trên 200 hộ. “Tình trạng này gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý, nhất là các vấn đề về an ninh trật tự, an sinh xã hội. Phường phải thành lập tổ tự quản khu vực này để tiện quản lý, nhưng giao dịch hành chính phát sinh thông qua tổ trưởng tổ 34”, ông Kim nói. Đối với tình trạng sáp nhập nhưng không liên cư, liên địa ở phường Hòa Quý, UBND quận Ngũ Hành Sơn đã kiến nghị lên Sở Nội vụ cho ý kiến về chủ trương để thành lập TDP mới tại Khu đô thị biệt thư sinh thái công viên văn hóa làng quê và quần thể du lịch sông nước phường Hòa Quý, nhưng đến nay chưa được thông qua. Bà Nguyễn Thị Anh Thi, Chủ tịch UBND quận Ngũ Hành Sơn cho biết, khó khăn lớn nhất vẫn là thiếu điểm để TDP tổ chức sinh hoạt, dẫn đến chất lượng sinh hoạt giảm.

Ông Võ Ngọc Đồng, Giám đốc Sở Nội vụ, cũng cho rằng khó khăn nhất hiện nay trong hoạt động TDP là thiếu NSHCĐ. “Với quy mô TDP lớn hơn so với trước đây, tại một số địa bàn dân cư chưa có NSHCĐ, đã gặp khó khăn về địa điểm tổ chức hội họp tại địa phương. Bên cạnh đó, chế độ chính sách khá thấp theo quy định hiện nay, trong khi khối lượng công việc tương đối nhiều, khiến một số bộ phận cán bộ TDP chưa tâm huyết và nhiệt tình trong công việc, dẫn đến công tác quản lý và tổ chức hoạt động của một số TDP còn yếu”, ông Đồng nhấn mạnh.

Về kiến nghị của các địa phương, ông Võ Ngọc Đồng cho biết, theo quy định cấp quận, huyện không có thẩm quyền để tự tổ chức thành lập TDP mới. Đối với các trường hợp TDP bảo đảm đủ điều kiện thành lập mới theo quy định tại khoản 4, Điều 1 Thông tư số 14/2018/TT-BNV của Bộ Nội vụ thì trên cơ sở đề nghị và hồ sơ cung cấp của UBND các quận, huyện, Sở Nội vụ sẽ thẩm định báo cáo UBND thành phố trình HĐND thành phố xem xét, quyết định thành lập mới. “Sau hơn 1 năm thực hiện sáp nhập, đến nay thành phố không thành lập thêm TDP mới. Trường hợp có phát sinh hộ dân mà không đủ điều kiện về quy mô để thành lập TDP mới, thì UBND quận, huyện chủ động nghiên cứu thực hiện ghép vào các TDP, thôn lân cận để người dân tham gia sinh hoạt và bảo đảm hiệu quả trong công tác quản lý; đồng thời khuyến khích việc sáp nhập các TDP có quy mô hộ dân nhỏ theo chủ trương của Trung ương”, ông Đồng nói.

Bài và ảnh: TRỌNG HUY


 

;
;
.
.
.
.
.