Bộ đội Biên phòng (BĐBP) thành phố đã triển khai nhiều biện pháp nghiệp vụ hiệu quả về công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa trên khu vực biên giới biển Đà Nẵng; nhờ đó đã ngăn chặn nhiều hành vi vi phạm góp phần ổn định thị trường.
Bộ đội Biên phòng bắt buôn lậu dầu trên biển. |
Tập trung cho kế hoạch ra quân cao điểm trong 6 tháng (từ tháng 4 đến tháng 10-2019), BĐBP thành phố đã tăng cường lực lượng tuần tra kiểm soát, vận dụng linh hoạt các biện pháp nghiệp vụ nhằm phát hiện, xử lý các hành vi theo đúng quy định của pháp luật. Kết quả đã phát hiện, xử lý bắt giữ 7 đối tượng về các hành vi kinh doanh vận chuyển hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, buôn bán hàng cấm, sản xuất và buôn bán hàng giả, hàng hóa vô chủ.
Tang vật thu giữ gồm 2.800 lít dầu D.O, 1.000 lít dầu hỏa, 800 lít xăng, 815kg thực phẩm khô chưa qua chế biến, 1.470 bao thuốc lá nhập lậu và 115 loại mặt hàng mỹ phẩm khác nhau. Đối với kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, đơn vị đã xử lý 4 vụ/5 đối tượng; xử lý 1 vụ/1 đối tượng buôn bán hàng cấm thu giữ 470 bao thuốc lá điếu nhập lậu; xử lý 1 vụ/1 đối tượng sản xuất và buôn bán hàng giả thu giữ 1.840 lít dầu nhớt, trong đó 240 lít dầu nhớt thành phẩm (giả mạo nhãn hiệu CASTROL GTX) và 1.600 lít dầu nhớt nguyên liệu (dùng vào việc sản xuất dầu nhớt giả); 1 vụ hàng hóa vô chủ, thu giữ 1.000 bao thuốc lá nhập lậu.
Thượng tá Hồ Chính Hữu, Phó Trưởng phòng Phòng chống ma túy và tội phạm (BĐBP thành phố) nhìn nhận, trong thời gian qua, công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa trên địa bàn đã được các lực lượng chức năng tổ chức, triển khai tích cực. Tuy nhiên, vẫn nổi lên một số điểm đáng chú ý là trên biển, lợi dụng chính sách tạm nhập, tái xuất, quá cảnh và thủ tục phân luồng hải quan, các doanh nghiệp có chức năng xuất, nhập khẩu dùng thủ đoạn khai man, khai báo không đúng chủng loại hàng hóa, cất giấu hàng hóa cấm nhập trong các container, sau đó vận chuyển đi các tỉnh, thành phố trong nước tiêu thụ. Các phương tiện vận chuyển xăng, dầu, than, khoáng sản... sử dụng phương thức vận chuyển nội bộ, hợp lý hóa hồ sơ, thủ tục gây khó khăn cho công tác đấu tranh, phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng.
Thực tế hiện nay, trên vùng vịnh Đà Nẵng, số phương tiện ghe máy lợi dụng đêm tối, mua bán, trao đổi xăng, dầu với số lượng nhỏ nhằm thu lợi bất chính. Trên địa bàn các phường khu vực biên giới biển, lực lượng chức năng đã phát hiện một số đối tượng sử dụng phương tiện vận tải đường bộ để vận chuyển trái phép bia, rượu, thuốc lá... có xuất xứ từ nước ngoài, chủ yếu từ các tỉnh phía bắc vào địa bàn thành phố và các địa phương khác để tiêu thụ.
Đơn cử như địa bàn quận Sơn Trà, nơi có cảng biển quốc tế Tiên Sa, Âu thuyền - cảng cá Thọ Quang..., tình hình buôn lậu chủ yếu vẫn là xăng dầu vì đây là khu vực có nhiều tàu thuyền đánh cá hoạt động trên biển. Ngoài buôn lậu, còn xuất hiện hành vi gian lận thương mại thể hiện ở việc các doanh nghiệp thường xuyên bán xăng dầu cho các tàu cá nhưng không xuất hóa đơn, gây thất thu thuế cho Nhà nước. Đánh giá về tình hình hoạt động của các loại tội phạm buôn lậu và gian lận thương mại trên khu vực biên giới biển, Đại úy Đặng Văn Đạo, Phó đồn Trưởng Đồn Biên phòng Sơn Trà cho hay, các vụ việc luôn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội bởi các đối tượng tìm mọi cách để đối phó với lực lượng chức năng. Hiện nay, công tác đấu tranh gặp không ít khó khăn vì những người kinh doanh, buôn bán luôn chuẩn bị giấy tờ sử dụng quay vòng để hợp thức hóa.
Các đối tượng cũng có mối quan hệ làm ăn tác động khi hàng hóa bị bắt giữ. Bên cạnh đó, công tác trinh sát, xác minh, thu thập chứng cứ các vụ việc cũng mất rất nhiều thời gian... Bộ chỉ huy BĐBP thành phố cũng đã phối hợp với các đồn, trạm tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát tại các vùng biển, cửa sông, vịnh, các tuyến đường giao thông quan trọng đi qua khu vực biên giới biển để ngăn chặn, phát hiện, bắt giữ các hoạt động vi phạm, giữ vững an ninh trật tự.
Trong thời gian tới, nhất là dịp Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa sẽ tăng mạnh khiến cho tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển trái phép hàng hóa trên khu vực biên giới biển Đà Nẵng dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp với hình thức và thủ đoạn hết sức tinh vi.
Theo Thượng tá Hồ Chính Hữu, Bộ Chỉ huy BĐBP thành phố tiếp tục quán triệt sâu sắc các kế hoạch của cấp trên; đồng thời xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể để tiếp tục đấu tranh có hiệu quả với hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa trên khu vực biên giới biển, góp phần giữ vững an ninh trật tự và an ninh kinh tế trên địa bàn được phân công phụ trách.
Trên cơ sở dự báo tình hình và các kế hoạch của trên, đơn vị xác định một số công tác trọng tâm trong thời gian tới. Đó là tập trung chỉ huy, chỉ đạo và tăng cường lực lượng, phương tiện trên các hướng, địa bàn trọng điểm; nắm chắc, quản lý chặt chẽ địa bàn, đối tượng; kịp thời xác minh, kết luận vụ việc, hiện tượng, đối tượng nghi vấn để tạo nguồn xác lập chuyên án đấu tranh, ngăn chặn, bắt giữ, xử lý đúng quy định của pháp luật; tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ kết hợp giữa tuần tra công khai với các biện pháp nghiệp vụ trinh sát tại các khu vực cửa khẩu cảng, khu vực giáp ranh, cửa sông và các khu vực mà tàu thuyền thường neo đậu để sang mạn, giao nhận hàng lậu; sử dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ trong nắm tình hình, phát hiện bắt giữ đối tượng vi phạm pháp luật.
Đồng thời tổ chức điều tra xác minh, kết luận nhanh chóng, chính xác, xử lý đúng người, đúng hành vi vi phạm và đúng pháp luật; tham mưu cho UBND thành phố, Ban Chỉ đạo 389 thành phố chấn chỉnh, tăng cường chỉ đạo duy trì nghiêm hoạt động thương mại hàng hóa tại khu vực cửa khẩu cảng, nhất là hoạt động tạm nhập, tái xuất hàng hóa; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng và chính quyền địa phương trao đổi thông tin nghiệp vụ, đấu tranh bắt giữ, xử lý các vụ vi phạm pháp luật xảy ra theo quy chế, kế hoạch hợp đồng giữa các lực lượng.
Bài và ảnh: DIỆP NHƯ