Họ là những người trẻ sinh năm 1984 (Giáp Tý) và 1996 (Bính Tý) có những thành công nhất định trong các lĩnh vực khác nhau. Trước thềm năm mới, những người trẻ tuổi Tý chia sẻ về nghề, khát khao được cống hiến và hy vọng về một Đà Nẵng thân thiện, đáng sống.
Nguyễn Tuấn Anh (sinh năm 1984, kỹ sư điện, Thạc sĩ Quản trị kinh doanh, Phó Bí thư Đoàn Thanh niên Tổng Công ty Điện lực miền Trung): Tuổi trẻ có ý chí để vươn lên, có quyết tâm để hành động
Tôi cho rằng, thanh niên chính là đội ngũ tri thức trẻ có trí tuệ, bản lĩnh để hội nhập, có ý chí vươn lên, có quyết tâm để hành động. Là một cán bộ Đoàn, xác định nhiệm vụ trọng tâm của tổ chức Đoàn là công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, những năm qua, tôi đã tự thực hiện và triển khai nhiều nội dung định hướng cho đoàn viên, thanh niên biết giữ gìn, phát huy vẻ đẹp văn hóa của thanh niên trong học tập, lao động, hoạt động thiện nguyện, trong ứng xử với mọi người, trong việc sử dụng các kênh thông tin, đặc biệt là mạng xã hội.
Trong hoạt động chuyên môn, tôi luôn nỗ lực để có nhiều sáng kiến, ý tưởng sáng tạo được ứng dụng trong thực tiễn. Chẳng hạn, năm 2013, thấy việc sử dụng văn bản giấy trong công tác Đoàn có nhiều hạn chế dẫn đến việc chậm trễ trong xử lý công việc, tôi đề xuất với Ban Thường vụ Đoàn Tổng Công ty Điện lực miền Trung sử dụng văn bản điện tử, giúp công tác chuyển tải thông tin được cải thiện hơn, việc lưu trữ cũng thuận tiện và tiết kiệm hơn. Những giấy khen, bằng khen, giải thưởng tôi nhận được trong nhiều năm qua chính là một trong những niềm vui, động viên tôi tiếp tục phấn đấu, cống hiến trong chặng đường dài phía trước.
Lê Nguyễn Phương Trâm (sinh năm 1996, đang theo học chương trình Thạc sĩ Kinh doanh, Trường Đại học Công nghệ Swinburne, Úc): Tự hào mang hình ảnh con người Việt Nam đến với bạn bè năm châu
Vừa tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng với tấm bằng loại giỏi, tôi nhận được học bổng của Trường Đại học Công nghệ Swinburne, ngôi trường danh giá của Úc với chương trình học Thạc sĩ Kinh doanh. Ở Úc, tôi luôn đau đáu nghĩ về đất nước Việt Nam với nhiều kỳ vọng ấp ủ khi trở về. Tôi rất tự hào và tự nhủ luôn chăm chút, nỗ lực trong mỗi bước đi, hành động của mình bởi, đó chính là cách mang hình ảnh con người Việt Nam đến với bạn bè năm châu.
Trước thềm năm mới, tôi tự hứa sẽ nỗ lực nhiều hơn cho con đường học tập của mình để chinh phục được ước mơ. Nhân đây, tôi cũng bày tỏ mong muốn các cấp lãnh đạo thành phố sẽ ngày càng tạo thêm nhiều sân chơi dành cho sinh viên có các dự án khởi nghiệp sáng tạo tốt, để phát huy tiềm năng, cho các bạn cơ hội được đóng góp cho thành phố.
Võ Thị Thùy Dương (sinh 1984, ở phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ): Nỗ lực là “chìa khóa” thành công
Là một cử nhân kế toán, gắn bó với hoạt động địa phương đã hơn 15 năm, tôi chưa bao giờ thôi nỗ lực để hoàn thành, đạt hiệu quả cao nhất những nhiệm vụ được giao. 3 nhiệm kỳ đảm đương chức vụ Phó Chủ tịch Hội LHPN phường Hòa Thọ Tây, tôi đã chủ động đề xuất với Ban Thường vụ Hội tổ chức nhiều hoạt động chăm lo đời sống hội viên như tư vấn khởi nghiệp, bồi dưỡng kiến thức sản xuất-kinh doanh, hỗ trợ phương tiện sinh kế.
Trực tiếp phụ trách công tác cho vay vốn ưu đãi, tôi đã xây dựng 10 tổ vay vốn, mỗi năm giải quyết hơn 1.000 lượt hộ vay, đồng thời theo dõi quản lý tốt việc sử dụng vốn vay, qua đó 100% hộ vay sử dụng vốn đúng mục đích và đạt hiệu quả, không có hiện tượng xâm tiêu, chây ỳ nợ, được Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam khen thưởng. Ở cương vị cán bộ Văn phòng HĐND và UBND phường Hòa Thọ Tây, tôi nỗ lực tham mưu lãnh đạo phường giải quyết thỏa đáng mọi ý kiến của công dân, đôn đốc 37 tổ dân phố trong toàn phường thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ hằng năm.
10 năm liên tục đạt danh hiệu “Cán bộ Hội giỏi” các cấp, được Trung ương Hội LHPN Việt Nam tặng bằng khen và trao tặng danh hiệu “Phụ nữ tiêu biểu toàn quốc” là niềm vinh dự, cũng là trách nhiệm nặng nề. Tôi sẽ tiếp tục phấn đấu, nâng cao trình độ, đóng góp nhiều hơn nữa vào tiến trình xây dựng phường Hòa Thọ Tây phát triển bền vững.
Võ Thị Bin (sinh năm 1996, trú phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu): Nếu có một điều ước, tôi ước được giúp đỡ những phận đời khó khăn
Tôi lớn lên trong một gia đình nghèo, cha làm nghề biển không may ra đi trong cơn bão Chanchu 2006. Khi cha qua đời, tôi mới 10 tuổi, đang học lớp 4 và Làng Hy Vọng (Đà Nẵng) đã trở thành mái ấm thân yêu của tôi.
Hồi mới vào Làng Hy Vọng, tôi chưa được học tiếng Anh, trong khi các bạn cùng lớp đã học ngoại ngữ này được 2 năm. Không nản chí, tôi cố gắng học, đuổi kịp bạn bè, rồi vượt lên nhóm đầu lớp và giành được học bổng của Đại sứ quán Mỹ trong Chương trình bồi dưỡng tiếng Anh tại Đà Nẵng. Từ năm học lớp 8, tôi đã làm phiên dịch viên “bất đắc dĩ” khi có người nước ngoài đến thăm Làng Hy Vọng, trong điều kiện không có phiên dịch. Khi đó tôi chỉ biết cố gắng vận dụng tối đa những gì bản thân được học. Giờ nghĩ lại, đó là cơ hội để tôi trau dồi thêm niềm yêu thích môn ngoại ngữ của mình.
Ngoài ngoại ngữ, tôi cũng mê văn chương, đoạt giải nhì môn Ngữ văn lớp 9 tại kỳ thi Học sinh giỏi cấp thành phố. Năm 2014, tôi đỗ vào Khoa Du lịch, Trường Đại học Duy Tân. Ngoài giờ học, tôi đi dạy kèm để tự trang trải một phần chi phí học tập. Nỗ lực trong quá trình thực tập, tôi đã được khách sạn Fusion Suites Danang (quận Sơn Trà) tuyển dụng ngay sau khi tốt nghiệp đại học (năm 2018).
Tôi không bao giờ quên công ơn nuôi dưỡng, giáo dục và tình thương yêu sâu sắc của Làng Hy Vọng, của thầy cô, bạn bè ở mảnh đất Đà Nẵng thân yêu này.
Đỗ Hồng Quang (sinh năm 1984, trú phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn): Điều quan trọng là không nản chí và luôn mỉm cười
Tôi bị khuyết tật bẩm sinh, chân đi khập khiễng, tay phải bị co rút, lên 7 tuổi mới học lớp 1. Không hiểu sao, đường đến trường gập ghềnh hơn so với nhiều bạn cùng trang lứa không làm tôi nản chí. Trời không phụ, suốt những năm học phổ thông, tôi liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi, sau đó thi đỗ vào Khoa Công nghệ phần mềm Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng).
Trong quá trình học tại Trường Đại học Duy Tân, tôi được chọn tham gia chương trình đào tạo công nghệ thông tin miễn phí 2 năm ở Hà Nội, do Tổ chức Hỗ trợ người khuyết tật (Hoa Kỳ) tài trợ. Tốt nghiệp đại học (năm 2010), tôi hợp đồng bảo trì máy vi tính cho Chi nhánh Công ty Thảo Dược ở đường Nguyễn Văn Linh (quận Thanh Khê) và một số doanh nghiệp khác; làm dịch vụ sửa máy vi tính tại nhà và dạy tin học cho người khiếm thị. Tôi hăng hái tham gia các hoạt động của Hội Người khuyết tật, với mong muốn sẻ chia, đóng góp được điều gì đó cho những người đồng cảnh.
Bận bịu quanh năm nhưng hiện tôi rất hạnh phúc với những gì mình đã và đang nỗ lực. Đặc biệt, tôi tự hào về gia đình nhỏ của mình: về vợ, con trai 7 tuổi và em gái.
LÊ VĂN THƠM - THANH TÌNH ghi