Vận động đẩy nhanh tiến độ giải tỏa

.

Thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền và Mặt trận quận Thanh Khê đã có nhiều nỗ lực tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chủ trương di dời, giải tỏa để thực hiện dự án cống thoát nước Khe Cạn trên địa bàn phường Thanh Khê Tây.

Dự án tuyến cống thoát nước kênh Khe Cạn đã xây dựng tuyến cống đến đầu khu vực Khe Cạn, đoạn qua phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê.                                       Ảnh: TRỌNG HUY
Dự án tuyến cống thoát nước kênh Khe Cạn đã xây dựng tuyến cống đến đầu khu vực Khe Cạn, đoạn qua phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê. Ảnh: TRỌNG HUY

Phó Trưởng ban Dân vận Quận ủy Thanh Khê Huỳnh Sơn Hải cho biết, UBND phường Thanh Khê Tây đã thành lập 3 tổ vận động để tuyên truyền, tiếp cận nhân dân, giải thích nhiều lần. Hội đồng Giải phóng mặt bằng quận đã 5 lần tổ chức tiếp dân, UBND thành phố tiếp dân 1 lần. Đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố phối hợp Mặt trận quận đã đi kiểm tra thực tế và ghi nhận ý kiến phản ánh nguyện vọng của người dân.

UBND quận cũng kiến nghị UBND thành phố điều chỉnh, triển khai nhiều chính sách về phương án đền bù, hỗ trợ đối với các trường hợp thuộc diện giải tỏa dự án này; từ đó, giúp người dân nắm chắc hơn chủ trương, chính sách cũng như quan điểm nhất quán của thành phố, quận, phường trong công tác giải tỏa, đền bù. Bí thư Đảng ủy phường Thanh Khê Tây Huỳnh Thanh Hải cho biết, cùng với công tác vận động người dân chấp hành chủ trương của thành phố, Đảng ủy phường chỉ đạo chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể nắm bắt hoàn cảnh, đời sống nhân dân, qua đó có những kiến nghị hỗ trợ thích hợp cho từng hộ cụ thể.

Dự án tuyến cống thoát nước Khe Cạn được UBND thành phố phê duyệt quy hoạch từ tháng 9-2016, với tổng diện tích 64.834m2. Dự án có khoảng 380 hồ sơ, trong đó phân kỳ giai đoạn 1 thực hiện năm 2019 gồm 134 hồ sơ (trong lòng tuyến cống 101 hồ sơ và khu vực xây dựng 2 block chung cư 33 hồ sơ). Do khó khăn trong công tác giải tỏa, đến nay mới chỉ có 25 hồ sơ bàn giao mặt bằng. Chủ trương hoàn thành giải tỏa phân kỳ giai đoạn 1 đã được UBND thành phố giãn tiến độ đến tháng 6-2020. Phần lớn nhà đất của người dân sống trong khu vực dự án đều không bảo đảm tính pháp lý, chủ yếu là đất nông nghiệp, làm nhà trái phép trên đất nông nghiệp; là hộ nghèo, thu nhập thấp, không có nơi ở nào khác.

Ông Đào Ngọc Quý, tổ trưởng tổ dân phố 16 phường Thanh Khê Tây cho biết đã vận động, giải thích cặn kẽ với hầu hết người dân trong tổ về chủ trương, chính sách đền bù giải tỏa để dự án nhanh chóng triển khai. Nhưng quá trình vận động gặp không ít khó khăn bởi khi có chủ trương triển khai dự án, 100% người dân đồng tình nhưng khi áp dụng phương án đền bù, hỗ trợ, rất ít người dân đồng ý. “Trong số hàng trăm hồ sơ thuộc dự án giải tỏa, có đến 95% là diện tích đất nông nghiệp, làm nhà trái phép hoặc giấy phép tạm.

Phần lớn người từ nơi khác đến mua đất viết giấy tay để ở và có nhu cầu ở thực sự. Đó là cái khó cho công tác vận động người dân di dời, bên cạnh sự chây ì của một số hộ dân”, ông Quý nói. Theo ông Huỳnh Thanh Hải, tiến độ xây chung cư chậm khiến công tác vận động của địa phương bị ảnh hưởng nhiều. Sự hình thành cụm dân cư trên đất nông nghiệp ở Khe Cạn một phần do nhu cầu bức thiết chỗ ở của người dân, phần nữa do công tác quản lý đô thị, trật tự xây dựng của chính quyền phường còn nhiều lỏng lẻo. Đất nông nghiệp nhưng suốt gần chục năm nay phủ kín nhà ở.

Theo bà Lê Thị Nhật Diệu, Chủ tịch UBND phường Thanh Khê Tây, để đẩy nhanh công tác giải tỏa, thành phố và quận cần quan tâm hơn nữa đối với các trường hợp cụ thể trong công tác xét hỗ trợ, cho thuê chung cư; đặc biệt với các hộ có hộ khẩu thường trú, sống thực tế tại địa phương, hộ có 7 nhân khẩu trở lên, hỗ trợ thêm tiền cho hộ khó khăn chấp hành chủ trương… Trong khi đó, ông Quý cho biết mong muốn của người dân là mua lại chung cư (được bố trí) theo kiểu mua nhà ở xã hội để sở hữu nhà ở lâu dài.

TRỌNG HUY

;
;
.
.
.
.
.