ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ CẢNG ĐÀ NẴNG LẦN THỨ XII, NHIỆM KỲ 2020-2025

Phát huy các nguồn lực, xây dựng Cảng Đà Nẵng thành cảng hiện đại, phát triển nhanh theo hướng bền vững

.

Đảng bộ Cảng Đà Nẵng thực hiện nhiệm vụ chính trị nhiệm kỳ 2015-2020 trong bối cảnh có nhiều thuận lợi và khó khăn đan xen, trong đó sự quan tâm của các cấp, ngành đã tạo ra những thuận lợi cơ bản, quan trọng giúp cho Đảng bộ tháo gỡ được rất nhiều khó khăn, thúc đẩy sản xuất phát triển.

Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ Cảng Đà Nẵng nỗ lực xây dựng Cảng Đà Nẵng trở thành cảng hiện đại, phát triển bền vững. TRONG ẢNH: Toàn cảnh Xí nghiệp Cảng Tiên Sa nhìn từ trên cao.  						                    Ảnh: NGUYỄN BẢNG
Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ Cảng Đà Nẵng nỗ lực xây dựng Cảng Đà Nẵng trở thành cảng hiện đại, phát triển bền vững. TRONG ẢNH: Toàn cảnh Xí nghiệp Cảng Tiên Sa nhìn từ trên cao. Ảnh: NGUYỄN BẢNG

Bên cạnh đó, Đảng bộ cũng phải đối diện với nhiều thách thức như: tốc độ phát triển kinh tế khu vực còn chậm; sự chuyển dịch của cơ cấu kinh tế sang phát triển du lịch; vùng thị trường trải dài, nhỏ hẹp, trữ lượng ít; quy mô các khu công nghiệp còn nhỏ, kết nối giao thông giữa cảng và các khu công nghiệp còn nhiều bất cập; sự cạnh tranh mạnh mẽ của cảng biển trong khu vực duyên hải miền Trung.

Tuy nhiên, bằng sự đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng bộ Cảng Đà Nẵng lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra. Đảng bộ tập trung nghiên cứu giải quyết những vấn đề về đầu tư nguồn lực, đồng bộ cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ, quyết liệt trong công tác thị trường để thu hút khách hàng, nâng cao trình độ đội ngũ quản lý, cán bộ, công nhân viên. Từ đó, đã đạt được nhiều kết quả khả quan, thực hiện toàn diện các mục tiêu, hoàn thành vượt mức 6/7 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ lần thứ XI đề ra.

Đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ. Xác định việc đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ sẽ nâng cao năng lực tiếp nhận hàng hóa, đáp ứng sự đa dạng của đội tàu, nâng cao năng suất xếp dỡ, giảm thời gian chờ đợi, Đảng bộ đã chỉ đạo huy động mọi nguồn lực, tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục đầu tư, nhanh chóng đưa các công trình hạ tầng, phương tiện thiết bị vào khai thác, nâng cấp các bến cảng thành cảng du lịch mang tầm quốc tế, hướng đến phục vụ tốt nhất cho khách hàng.

Trong nhiệm kỳ, Cảng Đà Nẵng đã đưa vào khai thác 2 cầu tàu mới nâng tổng số mét cầu bến của Cảng Đà Nẵng lên 1.700 mét; trang bị hệ thống 2 cần cẩu QCC; tăng năng lực tiếp đón được tàu container đến 50.000 DWT, tàu tổng hợp 70.000 DWT, tàu khách đến 150.000 GT. Ứng dụng các phần mềm quản trị doanh nghiệp; định hướng đầu tư phần mềm quản trị nguồn lực tổng thể; hệ thống ePORT; hệ thống cổng cảng thông minh. Kết quả là sản lượng hàng hóa qua cảng tăng trưởng bình quân là 13%/năm (NQ: 10%); năm 2019 sản lượng đã đạt 10,46 triệu tấn, container đạt 474.900 teus, vượt kế hoạch 1 năm so với nghị quyết đề ra, đã có hơn 30 hãng tàu container lớn trên thế giới đang cập cảng với tần suất trung bình hơn 25 chuyến/tuần.

Tập trung phát triển thị trường. Trong bối cảnh tốc độ phát triển kinh tế trong khu vực còn thấp, lại có sự cạnh tranh mạnh mẽ trong hệ thống cảng, Đảng bộ Cảng xác định quan điểm tiếp tục duy trì thị trường truyền thống, tìm kiếm khai thác thị trường mới, kể cả thị trường quốc tế. Tăng cường quảng bá thương hiệu, hình ảnh của một cảng biển gắn với một thành phố năng động, thể hiện là một mắt xích quan trọng trong chuỗi dịch vụ logistics. Tập trung khai thác mặt hàng container, tàu có trọng tải lớn và tàu du lịch đường biển. Trong nhiệm kỳ, Đảng bộ đã chỉ đạo thường xuyên khảo sát, đánh giá nhu cầu thị trường, chú trọng công tác chăm sóc khách hàng; tham gia các hoạt động xúc tiến du lịch tàu biển. Kết quả, đã thu hút 5 hãng tàu (MSC, Evergreen, Hải An, GLS, SITC) mở tuyến đến cảng.

Đổi mới mô hình quản trị doanh nghiệp. Xuất phát từ mục tiêu nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy, Đảng bộ Cảng đã từng bước thay đổi mô hình quản trị hoạt động theo hình thức của công ty cổ phẩn, áp dụng BSC-KPI trong quản lý điều hành, thực hiện tiến trình quản trị theo MBO, MBP và đánh giá công việc theo KPI, thực hiện đánh giá cán bộ quản lý theo phương pháp đánh giá 360o. Tổ chức sắp xếp bộ máy tổ chức theo mô hình quản lý sản xuất hiện đại, tinh gọn, giảm trung gian; phân cấp và giao quyền mạnh mẽ, tạo cơ chế linh hoạt trong việc thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Xây dựng văn hóa doanh nghiệp và đội ngũ công nhân chuyên nghiệp. Đảng bộ chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng thông qua xây dựng văn hóa công ty với triết lý: “con người là nền tảng của phát triển”; đặt “con người” là nhân tố quyết định trong việc phát triển cảng theo mục tiêu đề ra; hướng đến các giá trị: “chính trực - tận tâm - sáng tạo - tôn trọng cá nhân”. Tập trung đào tạo nguồn nhân lực theo hướng chuyên môn hóa; nâng cao tư duy quản lý, nghiệp vụ chuyên môn, tay nghề. Quan tâm thực hiện tốt các chế độ chính sách đãi ngộ và chăm lo đời sống người lao động, đảm bảo tiền lương, thưởng hợp lý. Nhờ vậy, năng suất lao động tăng lên rõ rệt, mức thu nhập của người lao động tăng trưởng bình quân 10%/năm (NQ: 7%).

Nhiệm kỳ 2020-2025, Đảng bộ Cảng thực hiện nhiệm vụ trong bối cảnh Đảng bộ và nhân dân thành phố đang nỗ lực thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị. Theo đó, đến năm 2030, xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế biển, trọng tâm là kinh tế hàng hải, hạt nhân trong chuỗi cung ứng dịch vụ logistics tại miền Trung với hệ thống cảng Liên Chiểu, Tiên Sa và các khu kho tàng Hòa Nhơn, phấn đấu đưa Cảng Đà Nẵng nằm trong top 5 các cảng biển hàng đầu Việt Nam, hướng đến là cảng trung chuyển quốc tế tại miền Trung. Tập trung mọi nguồn lực, xây dựng Cảng Đà Nẵng trở thành cảng tổng hợp quốc gia, là cửa ngõ giao thương quốc tế quan trọng của khu vực miền Trung.

Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương, sở, ban, ngành thành phố, thực hiện dự án đầu tư Cảng Liên Chiểu, đồng thời Cảng Đà Nẵng xây dựng 1 bến container, 1 bến hàng tổng hợp để chuyển một phần hàng hóa của Cảng Tiên Sa qua Cảng Liên Chiểu, từng bước chuyển đổi một phần công năng của Cảng Tiên Sa thành cảng du lịch. Huy động các nguồn lực đầu tư trang thiết bị hiện đại nhằm tăng năng suất lao động, giảm thời gian chờ đợi của khách hàng. Đầu tư và phát triển công nghệ thông tin theo hướng tự động hóa trong quản trị, vận hành thiết bị và khai thác cảng; xây dựng cảng điện tử.

Cảng Đà Nẵng xây dựng chiến lược khách hàng và thị trường mục tiêu, phấn đấu trở thành nhà cung cấp dịch vụ logistics tiên phong. Xây dựng các chính sách sản phẩm, chính sách chăm sóc khách hàng phù hợp, nâng cao năng lực cạnh tranh của các đơn vị thành viên với mục tiêu giữ nguồn hàng và thu hút thêm các hãng tàu mới đến cảng. Nghiên cứu tham gia sâu vào các hoạt động logistics mà đơn vị có thế mạnh như kho bãi, bốc xếp, tư vấn kiểm định hàng hóa, ưu tiên các dịch vụ có giá trị gia tăng cao như dịch vụ thiết kế kết nối chuỗi cung ứng, giảm chi phí logistics cho đơn vị sản xuất. Tập trung đào tạo đội ngũ cán bộ thực hiện logistics hội tụ đầy đủ những kiến thức về thương mại, kho vận và thanh toán quốc tế. Phấn đấu đến 2025 có 25% hàng hóa qua cảng được thực hiện bằng dịch vụ logistics. Tái cấu trúc bộ máy.

Đổi mới mô hình tổ chức các đơn vị theo hướng hiện đại, tăng cường tính linh hoạt của tổ chức, phát huy các hình thức quản trị mới (quản trị dự án và các cấu trúc tổ chức theo nhóm); điều chỉnh lại chức năng, nhiệm vụ, hệ thống phân cấp, phân quyền. Tổ chức lại dây chuyền sản xuất tác nghiệp bảo đảm khai thác hiệu quả các nguồn lực trong đơn vị; vừa tiến hành tổ chức lại nguồn nhân lực đồng thời với việc sắp xếp bộ máy. Phối hợp thực hiện thí điểm xây dựng mô hình cơ quan quản lý cảng thống nhất tại Đà Nẵng phù hợp với thông lệ quốc tế.

Tiếp tục xác định “Con người là nền tảng của sự phát triển”, phát huy truyền thống văn hóa doanh nghiệp, xây dựng mối đoàn kết thống nhất trong toàn Đảng bộ; đi đôi với việc xây dựng cơ chế phối hợp đồng bộ, hài hòa lợi ích giữa các đơn vị, tạo ra môi trường làm việc năng động, thân thiện, chuyên nghiệp để phát huy cao nhất năng lực của từng cá nhân, đơn vị trong Đảng bộ. Thực hiện tốt các chính sách đãi ngộ công bằng, minh bạch, khách quan phù hợp với điều lệ và quy chế quản trị nội bộ. Tăng tính kỷ cương, kỷ luật trong đơn vị, góp phần đem lại hiệu quả cao trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Gắn kết công tác xây dựng Đảng với lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác cán bộ, lãnh đạo các đoàn thể hoạt động phù hợp trong tình hình mới.

Cảng tranh thủ sự chỉ đạo và hỗ trợ từ các cấp và đơn vị bạn; nghiên cứu đề xuất với Trung ương, thành phố những cơ chế, chính sách về đất đai, về đầu tư cơ sở hạ tầng, về vốn và thủ tục hành chính nhằm hỗ trợ nâng cao khả năng cạnh tranh cho cảng. Xây dựng các cơ chế phối hợp nhằm khơi thông nguồn hàng đến cảng, kết nối có hiệu quả giữa các đơn vị sản xuất và các đơn vị dịch vụ của cảng, phát huy thế mạnh của từng cảng trong khu vực nhằm đạt được mục tiêu “cùng thắng”. Xây dựng hình ảnh cảng xanh, thân thiện, hiện đại gắn với hình ảnh thành phố năng động, đáng sống của quốc gia.

Với vai trò, vị trí là cửa ngõ của một thành phố phát triển, trong nhiều năm qua, Cảng Đà Nẵng đã có những đóng góp quan trọng đảm bảo sự thông suốt, nhanh chóng của dòng hàng hóa luân chuyển tại thành phố Đà Nẵng và vùng kinh tế rộng lớn nằm trên tuyến Hành lang kinh tế Đông Tây, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế trong khu vực.

Trong những năm tới, với một đội ngũ lãnh đạo năng động, đội ngũ công nhân chuyên nghiệp luôn khát khao vươn tới, Cảng Đà Nẵng tiếp tục khẳng định là cảng biển hàng đầu khu vực miền Trung Việt Nam, là một mắt xích quan trọng trong chuỗi dịch vụ logistics; mang sứ mệnh động lực để phát triển kinh tế hàng hải, phát triển kinh tế biển, một trong ba trụ cột kinh tế Đà Nẵng được xác định trong Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. 

ĐẶNG VIỆT DŨNG

;
;
.
.
.
.
.