Báo Đà Nẵng giới thiệu nội dung góp ý dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu lần thứ XXII Đảng bộ thành phố của Đảng bộ quận Thanh Khê.
Thanh Khê có tất cả 43 tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc (gồm 20 đảng bộ, 23 chi bộ), Mặt trận, các ban, ngành, đoàn thể của quận đã tham gia góp ý với thái độ nghiêm túc và tinh thần trách nhiệm cao. Hầu hết các ý kiến thống nhất cao với nội dung dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XXI trình Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025.
Về mục tiêu tổng quát đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, đa số ý kiến đều thống nhất với mục tiêu tổng quát mà dự thảo Báo cáo chính trị đề ra, tuy nhiên có ý kiến đề nghị cần nghiên cứu, xác định một số nhiệm vụ đột phá để tập trung lãnh đạo nhằm thực hiện được mục tiêu tổng quát đến năm 2025 và tầm nhìn 2030; có thể nghiên cứu một số khâu đột phá như: tập trung đầu tư phát triển hạ tầng số công nghệ thông tin, hạ tầng dữ liệu lớn... kết nối liên thông, tạo nền tảng để hướng đến xây dựng chính quyền điện tử, phát triển kinh tế số, xã hội số..., xây dựng thành phố thông minh; nâng cao năng lực lãnh đạo, điều hành, quản lý theo mô hình chính quyền đô thị.
Về chỉ tiêu chủ yếu đến năm 2025, đa số ý kiến thống nhất cao đối với những chỉ tiêu chủ yếu đặt ra của nhiệm kỳ đến, nhất là các chỉ tiêu về tăng trưởng kinh tế để phấn đấu thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, đây là các chỉ tiêu chủ yếu đặt ra đến năm 2025 đạt được. Vì vậy, trong một số chỉ tiêu cụ thể thì không cần thiết phải có cụm từ “Đến cuối năm 2025...” để bảo đảm đồng nhất cách trình bày với các chỉ tiêu khác.
Thành phố cần nghiên cứu bổ sung chỉ tiêu về phát triển số lượng doanh nghiệp đến năm 2025. Vì đây là một trong những chỉ tiêu quan trọng, phát triển doanh nghiệp lớn cả về số lượng, chất lượng, doanh nghiệp đầu tàu, dẫn dắt nền kinh tế thì tương ứng đóng góp vào ngân sách thành phố càng lớn hơn. Cần nghiên cứu lại chỉ tiêu tăng trưởng GRDP giai đoạn 2020-2025 cho phù hợp để có khả năng phấn đấu đạt được hoặc tiệm cận được, nhất là trong điều kiện bị ảnh hưởng, tác động nặng nề của Covid-19. Nhiệm kỳ 2015-2020 chỉ tăng 7,3%/năm, trong khi nghị quyết là 8-9%/năm, như vậy, để đạt được tốc độ tăng GRDP giai đoạn 2020-2025 là 9-10%/năm thì từ năm 2021 đến 2025 phải tăng bình quân trên 9,7%/năm (dự kiến GRDP năm 2020 chỉ đạt 6,17%).
Về chỉ tiêu tổng vốn đầu tư phát triển xã hội trên địa bàn tăng 9-10%/năm là cao, khó thực hiện vì theo báo cáo, kết quả thực hiện chỉ tiêu này trong giai đoạn từ năm 2015-2020 chỉ đạt 5,3%/năm (nghị quyết đề ra tăng bình quân 9-10%/năm). Đối với chỉ tiêu thu ngân sách trên địa bàn, nên nghiên cứu lại chỉ tiêu tăng bình quân 9,8%/năm (nghị quyết nhiệm kỳ 2015-2020 tăng bình quân 5-8%; kết quả thực hiện 15,5%). Về chỉ tiêu giảm nghèo, cần nêu rõ giai đoạn, cụ thể: “Không còn hộ nghèo còn sức lao động theo chuẩn đa chiều của thành phố giai đoạn 2021-2025”. Thành phố cần nghiên cứu bổ sung chỉ tiêu về phát triển tỷ lệ bác sĩ/số dân. Đây cũng là một chỉ tiêu cần tập trung lãnh đạo để nâng cao số lượng, chất lượng đội ngũ cán bộ y tế thành phố trong những năm đến.
Về lĩnh vực môi trường: tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý hợp vệ sinh 100%; nhiều ý kiến đề nghị điều chỉnh thành: “85% chất thải rắn nguy hại phát sinh tại các hộ gia đình, cá nhân phải được thu gom, vận chuyển và xử lý đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường; 90% tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh được thu gom và xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường” và “đầu tư xây dựng mới cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt bảo đảm tỷ lệ chôn lấp sau xử lý không quá 20%” để đúng theo mục tiêu quản lý chất thải rắn nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt đô thị đến năm 2025 theo Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 7-5-2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050. Thành phố cần xem lại chỉ tiêu “bảo đảm 100% các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ quan, tổ chức thực hiện phân loại chất thải rắn” so với tình hình thực tế của thành phố hiện nay là khó thực hiện, do vậy nên điều chỉnh thành “phấn đấu 100% các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, cơ quan, tổ chức thực hiện phân loại chất thải rắn”.
Dự thảo chưa đề cập đến chỉ tiêu kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa; chỉ tiêu phát triển đảng viên. Đây là 2 trong 4 chỉ tiêu chưa đạt của nhiệm kỳ 2015-2020. Vậy có cần phải bổ sung hay không? Đề nghị nâng chỉ tiêu tỷ lệ tổ chức cơ sở Đảng và đảng viên được xếp loại hoàn thành tốt nhiệm vụ từ 80% lên 90%; vì dựa trên thống kê kết quả đánh giá chất lượng giai đoạn 2015-2020, hầu hết các năm tỷ lệ này đều trên 90%, do đó, đặt tỷ lệ 80% cho nhiệm kỳ 2020-2025 là thấp so với thực tế.
S.T tổng hợp