Báo Đà Nẵng giới thiệu nội dung góp ý dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội đại biểu lần thứ XXII Đảng bộ thành phố của GS. TS Lê Thế Giới, giảng viên Khoa Quản trị Kinh doanh, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng.
Trong phần phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020-2025, có phần nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Theo đó, dự thảo Báo cáo chính trị ghi: Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp, chuyển đổi từng bước, căn bản các ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng thấp sang những ngành, lĩnh vực có giá trị cao, với 3 trụ cột: (1) Tập trung phát triển các ngành dịch vụ tạo ra giá trị gia tăng lớn, nhất là dịch vụ du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có thương hiệu quốc tế, (2) Phát triển mạnh công nghiệp, nhất là công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin, gắn với xây dựng nền kinh tế số trong xu thế Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, (3) Tiếp tục đầu tư phát triển mạnh kinh tế biển gắn với bảo vệ an ninh, chủ quyền biển đảo; phát triển nông nghiệp phục vụ đô thị và du lịch gắn với cung ứng sản phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn.
Tuy nhiên, các giải pháp cụ thể chưa được nêu rõ. Cách thức triển khai cũng chưa được nêu ra, mà chỉ khái quát chung chung. Việc xác định “dịch vụ du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn” thì phải nêu rõ chỉ tiêu về tỷ trọng của ngành du lịch sẽ chiếm bao nhiêu trong tổng thu nhập GRDP của cả thành phố để từ đó có biện pháp, cách thức thực hiện. Hiện nay, cơ sở hạ tầng du lịch của thành phố rất tốt, bảo đảm các yếu tố để thực hiện mục tiêu phát triển dịch vụ du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Thế nhưng, phải xác định chiến lược, xu hướng bền vững, lâu dài phải là thị trường khách quốc tế có tiềm năng về tài chính, không nhất thiết phát triển thị trường khách du lịch đại trà, dễ gây tác động xấu đến môi trường du lịch, môi trường thiên nhiên. Mặt khác, các giải pháp liên kết vùng để phát triển du lịch (với các địa phương khác) cũng phải nêu rõ với cách thức thực hiện như thế nào. Bấy lâu nay, hiệu quả liên kết vùng để phát triển du lịch là rất thấp.
Dự thảo Báo cáo chính trị có ghi: “Phát triển mạnh công nghiệp, nhất là công nghiệp công nghệ cao và công nghệ thông tin, gắn với xây dựng nền kinh tế số trong xu thế Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”. Thực tế bấy lâu chưa thu hút được bao nhiêu dù cơ sở hạ tầng Khu công nghệ cao Đà Nẵng hiện rất tốt. Điều này do một số vướng mắc chưa giải quyết liên quan đến cơ chế, chính sách... Cần phải ghi rõ giải pháp về thay đổi cơ chế nhằm thu hút đầu tư vào Khu công nghệ cao, nhất là với đối tác nước ngoài; phải xác định công nghiệp công nghệ cao có vai trò rất lớn, có tính lan tỏa, tác động đến hầu hết mọi hoạt động phát triển kinh tế, đời sống. Nếu không thu hút được đầu tư vào Khu công nghệ cao là bỏ qua cơ hội rất lớn trong thời điểm hiện nay và thời gian tới để phát triển thành phố, xứng tầm là vùng trọng điểm khu vực miền Trung và Tây Nguyên.
Quỹ đất nông nghiệp hiện nay đang bị hẹp lại đáng kể. Việc vận dụng, ứng dụng công nghệ cao để sản xuất nông nghiệp là xu thế tất yếu. Do đó, báo cáo cũng phải nêu rõ giải pháp, biện pháp, cách thức trong phát triển ngành nông nghiệp hiện nay theo xu thế này.
Đối với Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và Tây Nguyên, thực tế bấy lây nay chưa có tính liên kết (hoặc liên kết chỉ mang tính tự phát). Hội đồng vùng kinh tế trọng điểm phải có các cực phát triển, tam giác chiến lược. Cho tới nay, vẫn chưa có thể chế rõ ràng về liên kết vùng với cơ chế điều phối đủ mạnh, rõ ràng để Hội đồng vùng và các địa phương trong vùng phối hợp hiệu quả. Nhìn thẳng vào sự thật, ngay cả các doanh nghiệp trong nội tại thành phố, tính liên kết còn chưa được phát huy, thì liên kết vùng vẫn còn mang tính rời rạc. Báo cáo cần nêu rõ giải pháp về xây dựng cực phát triển, tính liên kết cụ thể, phát huy thế mạnh của từng địa phương, xây dựng tính chuyên môn hóa, hoàn thiện cơ chế Hội đồng vùng. Các giải pháp nêu ra thì phải có cơ chế kiểm soát, giám sát để thực hiện được.
TRỌNG HUY ghi