Theo thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, 6 tháng đầu năm 2020, toàn thành phố xảy ra 9 vụ tai nạn lao động, làm chết 8 người, 1 người bị thương. Đáng báo động là có đến 6/9 vụ xảy ra trong lĩnh vực xây dựng, nguyên nhân là do nhà thầu và người lao động vẫn còn thờ ơ, chủ quan với an toàn lao động.
Mang đầy đủ đồ bảo hộ lao động trong quá trình làm việc là giữ an toàn cho bản thân và mọi người xung quanh. Trong ảnh: Công nhân làm việc tại công trình Cải tạo cụm nút giao thông phía tây cầu Trần Thị Lý. Ảnh: XUÂN DŨNG |
Ngày 6-7 tại công trình xây dựng dân dụng thuộc tổ 34, phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn, anh N. L. L. (SN 1979, trú tại Điện Bàn, Quảng Nam) trong lúc thi công không may rơi từ tầng 3 công trình xuống đất dẫn đến đa chấn thương. Được đưa đi cấp cứu kịp thời nhưng do vết thương quá nặng nên anh L. đã tử vong tại bệnh viện.
Trước đó không lâu, cũng tại quận Ngũ Hành Sơn, ông N.H.S. (SN 1973, trú tại phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) trong lúc hàn khung sắt trên giàn giáo của công trình xây dựng dân dụng, vì bất cẩn và không có dây bảo hộ an toàn nên ngã xuống đất, tử vong tại chỗ. Những trường hợp tai nạn lao động thương tâm diễn ra với xu hướng ngày càng tăng.
Theo ghi nhận, tại các công trình xây dựng dân dụng trên địa bàn thành phố, nhiều công nhân thi công trên tầng 3, tầng 4 nhưng không mang đồ bảo hộ, cũng không thắt dây bảo hộ an toàn. Tình trạng trên chủ yếu xảy ra ở các công trình xây dựng của người dân, không có chủ thầu, cũng không có giám sát xây dựng, vì vậy không ai nhắc nhở, quát triệt việc bảo đảm an toàn lao động cho công nhân.
Khi được hỏi tại sao không mang đồ bảo hộ lao động, nhiều công nhân chỉ trả lời qua loa: “Công trình nhỏ nên không sợ, với cũng không ai nhắc nhở hay trang bị cho, nên cứ làm vậy thôi”.
Anh Nguyễn Văn Huy (chủ thầu công trình xây dựng dân dụng trên tuyến đường Trần Duy Chiến, phường Mân Thái, quận Sơn Trà) cho biết: “Tôi thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở công nhân phải chú ý các biện pháp an toàn trong lúc làm việc nhưng chỉ khoảng 60% người chấp hành. Khi mình vắng mặt, họ thường tháo đồ bảo hộ ra nên rất khó quản lý. Không thể phủ nhận thực trạng rằng, nhiều người lao động đang quá chủ quan với tính mạng của mình”.
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) thành phố Nguyễn Văn An, phương tiện thi công tạm bợ, thiếu đồng bộ, sơ sài... cho thấy các chủ thầu xây dựng các công trình dân dụng vẫn thờ ơ, coi thường tính mạng của người lao động, đặc biệt là những lao động làm việc không hợp đồng. Đây cũng là nguyên nhân khiến tai nạn lao động tăng cao.
Những ngày này, làm việc trong thời tiết nắng nóng kéo dài dẫn đến say nắng, mất nước, chói mắt… cũng là một trong những nguyên nhân gây ra tai nạn lao động. Vì vậy, với những hạng mục thi công ngoài trời, người sử dụng lao động phải trang bị thêm đồ chống nắng, nước mát và bố trí thời gian làm việc hợp lý cho công nhân.
Anh Nguyễn Nhật Long, Giám sát xây dựng tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng cho biết: “Giữ an toàn lao động là một việc làm không thể xem nhẹ, vì chỉ cần sai 1 bước là sẽ trả giá rất đắt. Đặc biệt, khi thi công trong thời tiết nắng nóng này, ngoài việc yêu cầu công nhân phải chấp hành đầy đủ nội quy, mang đồ bảo hộ đầy đủ khi làm việc, chúng tôi cũng yêu cầu các công ty chủ thầu phải cung cấp đầy đủ nước mát và các dụng cụ che chắn cho công nhân làm việc các hạng mục ngoài trời”.
Theo Sở LĐ-TB&XH, trong năm 2019, toàn thành phố xảy ra 60 vụ tai nạn lao động làm 6 người chết và 27 người bị thương. Trong 6 tháng đầu năm 2020, tuy chỉ xảy ra 9 vụ tai nạn lao động nhưng đã làm chết 8 người, 1 người bị thương (6 vụ trong lĩnh vực xây dựng). Số vụ tai nạn lao động nặng tăng và chủ yếu tâp trung trong lĩnh vực xây dựng chứng tỏ nguy cơ xảy ra tai nạn tại các công trình xây dựng vẫn còn tiềm ẩn nhiều phức tạp nếu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và cá nhân không tổ chức thực hiện tốt các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, không thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các biện pháp an toàn, không tổ chức lao động hợp lý…
Ông Nguyễn Văn An cho biết: “Tình hình tai nạn lao động 6 tháng đầu năm diễn biến phức tạp, nhiều vụ tại nạn nặng và chủ yếu xảy ra trong lĩnh vực xây dựng nhà ở nhân dân. Vì vậy, trong tháng 5-2020, Sở LĐ-TB&XH đã triển khai tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động, trong đó trú trọng nâng cao hiệu quả các biện pháp tuyên truyền, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, giám sát các công trình xây dựng. Vừa qua, Sở cũng tham mưu UBND thành phố có văn bản chỉ đạo về công tác an toàn lao động, đề nghị các Chủ tịch UBND các quận, huyện chỉ đạo các xã, phường tăng cường kiểm tra, giám sát các công trình xây dựng nhà dân ở địa phương”.
XUÂN DŨNG