Huyện Hòa Vang có 6.823 người đang thụ hưởng chính sách ưu đãi người có công cách mạng, đời sống còn khó khăn, già yếu neo đơn, mất sức lao động. Do đó, ngoài các chế độ quy định của Nhà nước, nhiều năm qua, huyện tích cực huy động tổ chức, cá nhân, các hội, đoàn thể tham gia công tác đền ơn đáp nghĩa, từng bước nâng cao mức sống của người dân.
Thanh niên Hòa Vang chung tay chăm lo cho gia đình chính sách. Trong ảnh: Huyện Đoàn Hòa Vang thăm, tặng quà gia đình chính sách trên địa bàn dịp Tết Nguyên đán 2020. Ảnh: TIỂU YẾN |
Chăm lo đời sống người có công
Sau ngày giải phóng đất nước, dù chăm chỉ làm ăn nhưng cuộc sống gia đình bà Thi Thị Nhì (thôn Phước Hưng, xã Hòa Nhơn) vẫn gặp nhiều khó khăn. Căn nhà cấp 4 nhiều năm qua bị xuống cấp trầm trọng, ẩm mốc, thấm dột, nhưng gia đình không đủ tiền sửa chữa. Trước hoàn cảnh của bà Nhì, UBND xã Hòa Nhơn phối hợp Phòng Cảnh sát giao thông - Công an thành phố Đà Nẵng hỗ trợ 50 triệu đồng, cùng gia đình xây dựng căn nhà mới trên diện tích 90m2 với tổng kinh phí 70 triệu đồng, số tiền còn lại được huy động từ sự đóng góp của chính quyền địa phương và các nhà hảo tâm trên địa bàn. Bà Trần Thị Sửu (thôn Nam Sơn, xã Hòa Tiến) là con liệt sĩ, có hoàn cảnh khó khăn.
Từ 60 triệu đồng do Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố, UBND huyện Hòa Vang hỗ trợ, gia đình bà đã vay mượn thêm để xây dựng ngôi nhà mới. Bà Sửu chia sẻ: “Chúng tôi cả đời dành dụm cũng không có nổi vài chục triệu đồng để sửa căn nhà dột nát chứ nói chi đến chuyện xây nhà mới. Nhưng nhờ sự hỗ trợ, kết nối, động viên của lãnh đạo UBND huyện Hòa Vang, gia đình tôi xây được căn nhà thoáng mát, có nơi thờ tự khang trang, tươm tất hơn”.
Từ năm 2013 đến nay, có 1.648 gia đình chính sách trên địa bàn huyện Hòa Vang được hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa với số tiền hơn 17 tỷ đồng; chưa kể gần 2.000 ngôi nhà được sửa chữa, trùng tu. Ông Bùi Nam Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, hằng năm UBND huyện đều chỉ đạo Phòng Lao động, Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) tham mưu UBND huyện ban hành các văn bản hướng dẫn địa phương triển khai các chính sách đối với người có công; hướng dẫn rà soát đối tượng, bảo đảm việc lập hồ sơ, nắm bắt rõ hoàn cảnh từng gia đình chính sách để có sự hỗ trợ kịp thời; trong đó, tập trung nâng cao đời sống gia đình chính sách, người có công, từng bước cải thiện chất lượng sống của người dân...
Để hỗ trợ gia đình chính sách, người có công ổn định kinh tế, UBND huyện Hòa Vang đã tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp như: xem xét giải quyết chính sách bảo trợ xã hội cho hộ người có công bị khuyết tật, tàn tật; huy động nguồn lực từ các cơ quan, doanh nghiệp và các hội, đoàn thể; thực hiện chính sách đào tạo nghề miễn phí cho con em hộ nghèo người có công; chú trọng hình thức dạy nghề gắn với tạo việc làm tại chỗ; nâng cao hiệu quả chính sách đào tạo nghề ngắn hạn, miễn phí cho lao động trong các hộ nghèo người có công.
Ngoài ra, UBND huyện còn huy động nguồn lực các tổ chức, cá nhân từ 5-10 triệu đồng/hộ hỗ trợ sinh kế, giúp thoát nghèo bền vững… “Nhờ những giải pháp đồng bộ, đến nay trên địa bàn huyện Hòa Vang không còn hộ gia đình chính sách nghèo, 100% hộ gia đình chính sách có mức sống từ trung bình trở lên so với dân cư nơi cư trú, trong đó có trên 50% hộ gia đình chính sách có mức sống khá trở lên”, ông Bùi Nam Dũng cho biết.
Xã hội hóa công tác đền ơn đáp nghĩa
Xã Hòa Nhơn có 335 gia đình chính sách, người có công cách mạng. Ông Nguyễn Tấn Phát, Chủ tịch UBND xã Hòa Nhơn cho hay, hằng năm địa phương luôn huy động nguồn lực xã hội vào công tác đền ơn đáp nghĩa, xây dựng vườn dạo, cảnh quan nghĩa trang liệt sĩ, nhà chuông kinh phí 650 triệu đồng. Xã tổ chức hoạt động thăm khám định kỳ tại nhà cho các cụ cao tuổi, có hoàn cảnh khó khăn, đồng thời giao các đơn vị hằng năm tổ chức giỗ liệt sĩ cho các gia đình thờ liệt sĩ có hoàn cảnh khó khăn.
Đặc biệt, từ tháng 6-2019, chương trình “Vui khỏe cùng người cao tuổi” được UBND xã Hòa Nhơn tổ chức mỗi tháng một lần vào sáng Chủ nhật. Theo đó, các cụ được tình nguyện viên đưa đến Trung tâm Văn hóa xã để gặp gỡ, giao lưu, cùng nhau vui chơi, đọc báo, xem phim, văn nghệ, chơi cờ, khám sức khỏe và chăm sóc y tế, ăn uống. Toàn bộ kinh phí được huy động xã hội hóa, duy trì từ 20-30 cụ, trong đó ưu tiên đối tượng gia đình chính sách.
Ông Lâm Tiến Sĩ, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Hòa Vang cho biết, phong trào toàn dân chăm sóc người có công với cách mạng, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ trên địa bàn huyện được các cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm. Nhờ làm tốt công tác truyên truyền, vận động, trung bình mỗi năm UBND huyện Hòa Vang huy động được 350 triệu đồng vào Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”.
Toàn bộ kinh phí này được sử dụng xây dựng nhà tình nghĩa, hỗ trợ sửa chữa nhà cho đối tượng chính sách, tôn tạo và sửa chữa các công trình nghĩa trang, mộ liệt sĩ, trợ cấp khó khăn cho gia đình chính sách, người có công. Ngoài chế độ quy định của Nhà nước, hằng năm UBND huyện trích từ ngân sách hơn 200 triệu đồng tổ chức thăm viếng, tặng quà cho đối tượng, gia đình chính sách nhân Ngày Thương binh - Liệt sĩ và Tết Nguyên đán.
Theo ông Sĩ, toàn huyện Hòa Vang có 889 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, trong đó 22 mẹ còn sống. Bên cạnh tổ chức thực hiện tốt các chính sách, chế độ của Nhà nước đối với Bà mẹ Việt Nam anh hùng, mỗi cơ quan, đơn vị trên địa bàn cũng phụng dưỡng thêm 500.000 đồng/tháng mỗi mẹ. “Ngoài kinh phí phụng dưỡng, các cơ quan, đơn vị thường xuyên tổ chức thăm hỏi, tặng quà, mua sắm vật dụng sinh hoạt, xây dựng nhà tình nghĩa, hỗ trợ tiền sửa chữa nhà, tặng sổ tiết kiệm, tổ chức đi tham quan, nghỉ dưỡng nhằm mang lại cho các Bà mẹ Việt Nam anh hùng cuộc sống ổn định về vật chất, vui vẻ về tinh thần”, ông Sĩ cho hay.
Một trong những điểm nổi bật trong công tác đền ơn đáp nghĩa trên địa bàn huyện Hòa Vang là hoạt động thờ cúng, giỗ liệt sĩ của Hội LHPN huyện Hòa Vang. Bà Lê Huyền Trâm, Chủ tịch Hội LHPN huyện Hòa Vang cho biết, hơn 5 năm qua, công tác đền ơn đáp nghĩa được các cấp hội triển khai với hình thức đa dạng, phong phú như: quét dọn nghĩa trang, làm đẹp bàn thờ, tổ chức đám giỗ liệt sĩ. Tính đến nay, các cấp hội phụ nữ đã tổ chức gần 500 đám giỗ liệt sĩ, vừa thể hiện tình cảm, sự quan tâm đối với gia đình người có công, vừa duy trì truyền thống uống nước nhớ nguồn, tưởng nhớ những người đã khuất.
Huyện Hòa Vang có 6.823 hộ gia đình chính sách, người có công. Trong đó, có 1 cán bộ tiền khởi nghĩa; 22 Bà mẹ Việt Nam anh hùng còn sống; 654 thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp hằng tháng; 60 thân nhân liệt sĩ hưởng trợ cấp nuôi dưỡng; 808 thương binh, 170 bệnh binh; 681 người hoạt động cách mạng, bị địch bắt tù đày; 449 người có công giúp đỡ cách mạng hưởng trợ cấp thường xuyên; 798 người có huân, huy chương hưởng trợ cấp 1 lần; 2.480 hộ được hưởng chế độ thân nhân thứ yếu và chủ yếu giữ Bằng Tổ quốc ghi công, thờ cúng liệt sĩ; 119 người hưởng chế độ trợ cấp người tham gia kháng chiến nhiễm chất độc hóa học và 88 con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học. Hằng năm, UBND huyện Hòa Vang cấp hơn 3.600 thẻ bảo hiểm y tế cho đối tượng chính sách, tổ chức điều dưỡng luân phiên hằng năm cho hơn 1.100 lượt người, trong đó có 100 lượt điều dưỡng tập trung. Nguồn: Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Hòa Vang |
TIỂU YẾN