Để phát huy nội lực, huy động sức dân tham gia phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới (NTM), Mặt trận các cấp ở huyện Hòa Vang đã triển khai sâu rộng phong trào thi đua dân vận khéo; đồng thời có chính sách đào tạo, bồi dưỡng, từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác dân vận tại cơ sở.
Người dân thôn Tân Hạnh (xã Hòa Phước) tích cực trồng cây, xây dựng các tuyến đường kiểu mẫu. Ảnh: TIỂU YẾN |
Tích cực huy động sức dân
Sau 3 năm tập trung xây dựng mô hình “Thôn kiểu mẫu NTM”, đến nay Hòa Vang có nhiều thôn đạt chuẩn như: Bắc An (xã Hòa Tiến), Phước Hưng Nam (xã Hòa Nhơn), Trà Kiểm, Tân Hạnh (xã Hòa Phước), Phong Nam (xã Hòa Châu), Nam Thành, Cẩm Toại Đông (xã Hòa Phong), Đông Lâm (xã Hòa Phú)…
Ông Bùi Nam Dũng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam kiêm Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Hòa Vang nhận định, nếu không có sự đồng thuận, hết lòng “chung lưng đấu cật” của người dân thì huyện rất khó hoàn thành sớm các tiêu chí NTM, trong đó nhìn thấy rõ nhất là phong trào hiến đất mở đường, đầu tư cơ sở hạ tầng, mở rộng nhà văn hóa, xây dựng công viên, trồng cây xanh cảnh quan, gìn giữ vệ sinh môi trường…
Theo ông Dũng, những năm qua, phong trào dân vận khéo tiếp tục lan tỏa trong các thôn, xã ở Hòa Vang. Đơn cử, năm 2020, cán bộ và nhân dân thôn Tân Hạnh, xã Hòa Phước được Ban Dân vận Thành ủy tuyên dương tập thể dân vận khéo khi tích cực xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, cơ sở văn hóa đáp ứng 13/13 tiêu chí thôn kiểu mẫu NTM tại Hòa Vang.
Với đặc thù giáp ranh địa bàn tỉnh Quảng Nam, xã Hòa Phước đã thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, xác định rõ vai trò chủ thể của người dân trong việc xây dựng thôn kiểu mẫu NTM, tạo sự đồng thuận, khuyến khích người dân tham gia phong trào chung của địa phương. Ngoài cơ sở hạ tầng, cảnh quan, môi trường thôn Tân Hạnh được cải thiện, mô hình “Tiếng mõ an ninh” triển khai từ năm 2015 tiếp tục phát huy tác dụng, các tổ phản ứng nhanh, tổ hòa giải cơ sở tích cực thực hiện nhiệm vụ, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn thôn.
Thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, UBND xã, nhân dân thôn Tân Hạnh đã tập trung hoàn thành các tiêu chí xây dựng thôn kiểu mẫu NTM, đời sống người dân được nâng cao, thu nhập bình quân đầu người tăng đáng kể, từ 42 triệu đồng/người/năm 2017, hiện nay đạt 58,8 triệu đồng/người/năm, tăng hơn 10,2% so với thu nhập bình quân đầu người của xã.
Ông Nguyễn Quang Vinh, Bí thư Chi bộ thôn Tân Hạnh cho biết, nét nổi bật của thôn Tân Hạnh hiện nay là điện, đường, trường, trạm được bảo đảm, công viên nhỏ nằm cạnh nhà văn hóa trở thành điểm sinh hoạt, vui chơi của người dân. Tuyến đường nối giữa hai thôn Nhơn Thọ 1 và thôn Trà Kiểm dài 1,2km, hai bên trồng các loại hoa bằng lăng, chiều tím, sao đen, chuỗi ngọc, dừa cạn, mười giờ... là “sản phẩm” của sự đoàn kết, tinh thần vượt khó đi lên của người dân Tân Hạnh.
Theo ông Vinh, trước thời điểm Tân Hạnh được UBND xã Hòa Phước chọn xây dựng thôn kiểu mẫu NTM đầu năm 2018, tuyến đường này rộng chừng 3,5 mét, nay rộng hơn 7 mét, trong đó có 5,5 mét bê-tông hóa; hai bên trồng cây xanh bóng mát, cây xanh cảnh quan, hệ thống thoát nước, biển báo giao thông. Cùng với đó, phong trào “Gia đình học tập”, “Dòng họ học tập”, “Cộng đồng học tập” cũng được người dân hưởng ứng thông qua việc trao học bổng, xe đạp cho học sinh nghèo, lập Quỹ khuyến học thôn, hằng năm trao thưởng cho học sinh khá, giỏi…
Ông Trần Bùi Quốc Bình, Chủ tịch UBND xã Hòa Phước cho biết, sau Trà Kiểm, Tân Hạnh là thôn đạt 100% tiêu chí thôn kiểu mẫu NTM tại địa bàn xã. “Sự đóng góp của người dân trong thôn rất đáng ghi nhận, trong đó phải kể đến khoản tiền 370 triệu đồng góp phần hỗ trợ địa phương xây dựng thành công các tiêu chí thôn kiểu mẫu NTM”, ông Bình nói.
Nâng cao chất lượng đội ngũ dân vận
Ông Ngô Ngọc Hải (SN 1977), Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Hòa Tiến, là cán bộ trẻ trưởng thành từ phong trào Đoàn, Đội tại địa phương. Cùng với tinh thần xung kích, nhiệt huyết tuổi trẻ, thời gian qua, ông Hải tích cực vận động các tổ chức xã hội, nhà hảo tâm, người dân xa quê hỗ trợ 128 triệu đồng, 1.300 bộ đồ bảo hộ, 7 tấn gạo, 20.000 khẩu trang y tế… ủng hộ người dân bị ảnh hưởng Covid-19 và lực lượng tuyến đầu trên địa bàn chống dịch.
Ngoài ra, ông cùng các cấp chính quyền xã tích cực triển khai mô hình “Đám tang văn minh”: không rải vàng mã, không để quá 48 tiếng đồng hồ, không thuê nhạc công và không tổ chức uống rượu, bia trong đám tang, góp phần định hình phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Ông Hải đã sát cánh cùng thôn Bắc An trong quá trình xây dựng thôn kiểu mẫu NTM. Trong đó, ông phối hợp với Bí thư Chi bộ thôn Bắc An Nguyễn Văn Trình vận động người dân đóng góp hàng trăm ngày công xây dựng tường rào, cổng ngõ, dọn dẹp vệ sinh môi trường; tổ chức các cuộc họp chuyên đề về “xây dựng tuyến đường hoa văn minh, sạch đẹp”, “công viên xanh”, “xây dựng công trình nhà bia tưởng niệm”…
Thôn Bắc An, nơi ông Nguyễn Văn Trình sinh sống, được công nhận thôn kiểu mẫu NTM năm 2019. Trong suốt quá trình gầy dựng đó, ông Trình đã cần mẫn đến từng nhà, chia sẻ, động viên bà con trong thôn đóng góp sức người, sức của, thậm chí đóng góp “cái gật đầu” đối với mọi chủ trương, chính sách xây dựng NTM. Mỗi đóng góp của người dân luôn được ông ghi lại, tuyên dương trong các cuộc họp thôn, xóm.
Ngoài ra, những chia sẻ theo kiểu “lá rách ít đùm lá rách nhiều” cũng ấm lòng người dân trong thôn, xóm, nhanh chóng lan tỏa đến các thế hệ con, cháu của làng đang làm ăn nơi xa. Không chỉ vận động kinh phí xây dựng công viên, nhà bia tưởng niệm có giá trị hàng trăm triệu đồng, ông Trình còn đứng ra vận động người Bắc An xa quê xây dựng khu nhà dưỡng sinh có giường massage và phương tiện luyện tập sức khỏe cho người cao tuổi với tổng kinh phí 1,4 tỷ đồng.
Ông Bùi Nam Dũng khẳng định, tại Hòa Vang, những trường hợp dân vận khéo như các ông: Nguyễn Quang Vinh, Ngô Ngọc Hải hay Nguyễn Văn Trình không hiếm. Mỗi thôn, xã luôn có những cán bộ nhiệt huyết, hết lòng vì công tác dân vận, xem sự đổi thay trên quê hương Hòa Vang là thước đo của sự cống hiến, hiện thực hóa các chủ trương, chính sách, chương trình xây dựng kinh tế, xã hội đáp ứng mục tiêu NTM ở Hòa Vang.
“Chúng tôi luôn xem công tác dân vận là điều kiện quan trọng, tạo nguồn lực giúp Hòa Vang xây dựng thành công chương trình NTM, trong đó chú trọng đền bù, giải tỏa, hiến đất mở đường, bàn giao mặt bằng thực hiện các dự án trọng điểm trên địa bàn, vận động các nguồn lực thực hiện chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo. Qua thực tế công việc, năng lực, uy tín của đội ngũ lãnh đạo thôn, xã tăng, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác dân vận tại cơ sở”, ông Nam Dũng khẳng định.
TIỂU YẾN