Sáng 12-10, Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội, với sự tham dự của 497 đại biểu chính thức đại diện cho hơn 45 vạn đảng viên trong toàn Đảng bộ.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo Đại hội. Ảnh: TTXVN |
Đến dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Hà Nội là Thủ đô của cả nước, là bộ mặt của quốc gia, là tụ khí tinh hoa, địa linh nhân kiệt, nơi hội tụ của khí thiêng dân tộc, nơi lắng hồn núi sông ngàn năm, có truyền thống đấu tranh cách mạng rất kiên cường, tiêu biểu cho truyền thống văn hiến và anh hùng, hòa bình và hữu nghị của dân tộc Việt Nam, nơi gửi gắm niềm tin và hy vọng của đồng bào, chiến sĩ cả nước. Bởi vậy, Hà Nội phải vừa phát huy bề dày truyền thống vẻ vang và những thành tựu đã đạt được, vừa khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế, tận dụng tối đa những thời cơ, vận hội, huy động được nguồn lực tổng hợp và nhất là niềm tin, sự đồng lòng, nhất trí của cán bộ, đảng viên và nhân dân để phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển Thủ đô.
Về định hướng phát triển Thủ đô trong giai đoạn tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh giá cao quyết tâm chính trị và ý chí, khát vọng vươn lên của Đảng bộ thành phố Hà Nội với mục tiêu tổng quát, 5 nhiệm vụ chủ yếu, 3 khâu đột phá, 4 nhóm chỉ tiêu gồm 20 chỉ tiêu cụ thể của Đảng bộ trong nhiệm kỳ 2020-2025. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh, Đảng bộ Hà Nội cần nhận thức sâu sắc và phát huy hơn nữa truyền thống ngàn năm văn hiến-anh hùng, truyền thống cách mạng kiên cường qua hơn 90 năm xây dựng và trưởng thành, phát huy tốt hơn nữa vai trò, vị thế, tiềm năng, thế mạnh của Thủ đô trong xu thế phát triển chung của đất nước; nêu cao hơn nữa ý chí quyết tâm, tinh thần năng động, sáng tạo, tiếp tục đổi mới tư duy, phong cách lãnh đạo, điều hành, bảo đảm hiệu quả, thiết thực.
Trên cơ sở quán triệt sâu sắc các chủ trương, nghị quyết của Trung ương, Bộ Chính trị về Hà Nội, Luật Thủ đô và các quy hoạch, chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, những thành tựu và kinh nghiệm từ tổng kết thực tiễn 35 năm đổi mới, Hà Nội cần xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm và những giải pháp khả thi để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ, tạo chuyển biến toàn diện, mạnh mẽ hơn trên các lĩnh vực của đời sống xã hội; phát triển Hà Nội nhanh, bền vững hơn.
Trong giai đoạn tới, Hà Nội cần khơi dậy tinh thần tự hào, tình yêu, trách nhiệm; xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, hiện đại, tôn trọng pháp luật, có lối sống nhân ái, nghĩa tình, thủy chung, trong sáng; “Chẳng thơm cũng thể hoa nhài; Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An”. Đồng thời, Hà Nội cần mở rộng quan hệ với thủ đô các nước, tăng cường quảng bá về Thăng Long-Đông Đô-Hà Nội với bạn bè quốc tế, làm tiền đề cho việc mở rộng quan hệ đối ngoại, giao lưu quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Thủ đô, của đất nước ta trên trường quốc tế.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Đảng bộ Hà Nội cần đặc biệt chú trọng, tiếp tục tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, XII; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đề cao tinh thần tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; người có chức vụ càng cao càng phải gương mẫu; kết hợp giữa tăng cường kỷ cương, kỷ luật, thượng tôn pháp luật với xây dựng Đảng bộ trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; thường xuyên giáo dục, rèn luyện nâng cao bản lĩnh chính trị, bồi dưỡng nhân cách, đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên để phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các căn bệnh của chủ nghĩa cá nhân.
Đồng thời, Đảng bộ tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng chính trị của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh, phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, xuyên tạc, thù địch; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến,” “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Thực hiện tốt quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, chống chạy chức, chạy quyền; xử lý nghiêm minh, đồng bộ cả kỷ luật đảng, kỷ luật hành chính và xử lý bằng pháp luật những cán bộ vi phạm...
Tổng Bí thư, Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng đặc biệt lưu ý Đảng bộ Hà Nội cần đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng theo hướng phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các cơ quan kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử và các cơ quan quản lý Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, tất cả cùng vào cuộc; tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực, với quyết tâm cao hơn, hành động mạnh mẽ, quyết liệt hơn, hiệu quả hơn, không có vùng cấm, không có ngoại lệ; khắc phục bằng được những yếu kém, khuyết điểm trong nhiệm kỳ qua về vấn đề này.
Với tinh thần “Hà Nội vì cả nước, cùng cả nước”, Hà Nội cần chủ động hơn nữa, tranh thủ sự giúp đỡ của các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố trong cả nước và các tổ chức quốc tế. Đồng thời, các ban, bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố cũng cần phát huy hơn nữa trách nhiệm của mình, quan tâm phối hợp chặt chẽ với Hà Nội, kịp thời hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nhất là về cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, các nguồn lực đầu tư, đáp ứng tốt yêu cầu xây dựng và phát triển Thủ đô...
Xây dựng Đảng bộ Công an Trung ương ngày càng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức
Phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc Đại hội đại biểu Đảng bộ Công an Trung ương lần thứ VII, nhiệm kỳ 2020-2025 vào sáng 12-10, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá Báo cáo chính trị trình Đại hội đã xác định rất đúng về phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu nhiệm kỳ 2020-2025. Trong nhiệm kỳ tới, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong bất cứ hoàn cảnh, điều kiện nào, lực lượng Công an nhân dân phải kiên định nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp, toàn diện về mọi mặt đối với Công an nhân dân.
Mỗi đảng viên, cán bộ, chiến sĩ công an phải thấm nhuần sâu sắc nhận thức còn Đảng là còn mình. Lòng tuyệt đối trung thành với Đảng, gắn bó mật thiết với nhân dân là bản chất và cội nguồn sức mạnh để lực lượng Công an Nhân dân hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước, bảo vệ chế độ và bảo vệ nhân dân. Đảng bộ Công an Trung ương cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, kịp thời thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng về nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại phiên khai mạc Đại hội Đảng bộ Công an Trung ương. Ảnh: VGP |
Ngay trong năm 2021, Đảng bộ Công an Trung ương phải quán triệt sâu sắc Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; trên tinh thần đó, xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết. Chủ động tham mưu, ban hành, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật về an ninh, trật tự, xây dựng lực lượng công an đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong tình hình mới. Tiếp tục chăm lo xây dựng Đảng bộ Công an Trung ương ngày càng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức; nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện và sức chiến đấu của các tổ chức Đảng; xây dựng lực lượng Công an nhân dân trong sạch, vững mạnh, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số lực lượng tiến thẳng lên hiện đại, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đề ra.
Đảng bộ Công an Trung ương cũng cần tập trung xây dựng hình ảnh người chiến sĩ Công an nhân dân trong thời kỳ mới, trở thành biểu tượng cao cả, cao đẹp về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tô thắm thêm truyền thống vẻ vang của lực lượng Công an nhân dân; vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên công an phải được lan tỏa trong toàn lực lượng và toàn xã hội; tiếp tục nâng cao tinh thần “vì nước quên thân - vì dân phục vụ”, “trọng dân, gần dân - lúc dân cần, lúc dân khó có công an”; phải giữ vững và mài sắc hơn “Thanh bảo kiếm” bảo vệ Đảng, Tổ quốc, Nhà nước và nhân dân.
Quảng Nam: Nâng cao tính bền vững trong phát triển kinh tế - xã hội
Sáng 12-10, phát biểu chỉ đạo Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai khẳng định, về cơ bản, Bộ Chính trị đã góp ý kiến và tán thành với mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong Báo cáo chính trị và các báo cáo khác trình Đại hội. Nhiều chỉ tiêu trong nhiệm kỳ tới Quảng Nam đặt ra ở mức cao, đòi hỏi quyết tâm rất lớn với yêu cầu “xây dựng Đảng là then chốt, phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, bảo đảm quốc phòng an ninh là nhiệm vụ trong yếu, thường xuyên”.
Trên cơ sở đó, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đã định hướng những nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm để Đại hội nghiên cứu, thảo luận bổ sung vào Nghị quyết Đại hội, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội nhằm tập trung lãnh đạo, tổ chức thực hiện đạt kết quả trong 5 năm đến. Nhất là tăng cường công tác xây dựng Đảng về tư tưởng, chính trị, đạo đức, tổ chức và cán bộ; tiếp tục nâng cao tính bền vững trong phát triển kinh tế - xã hội; đổi mới tư duy, có quyết tâm cao, nỗ lực lớn thực hiện có hiệu quả, thực chất các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của nhiệm kỳ tới, tạo sự chuyển biến tích cực trong thực hiện các đột phá; phát triển văn hóa đồng bộ với tăng trưởng kinh tế để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội; củng cố thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và thế trận biên phòng toàn dân.
Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai đề nghị các đại biểu tìm giải pháp đối với một số chỉ tiêu chưa đạt được, chú trọng nâng cao đời sống của một bộ phận nhân dân, nhất là các huyện miền núi bởi Quảng Nam hiện vẫn là một trong các tỉnh còn tỷ lệ hộ nghèo tương đối cao, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số. Cần làm tốt hơn công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ rừng, tài nguyên, khoáng sản, môi trường; khắc phục một số hạn chế trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị để đề ra các mục tiêu sát thực, nhiệm vụ và giải pháp khả thi, hiệu quả trong nhiệm kỳ tới, sao cho Quảng Nam tiếp tục có bước phát triển, nâng cao tính bền vững, đóng góp tích cực vào những mục tiêu chung của đất nước.
Nhiều tỉnh, thành tổ chức đại hội Đảng bộ trong tuần này Dự kiến trong ngày 14-10 có nhiều tỉnh khai mạc đại hội như: Thái Bình, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Long An, Bình Dương, Đắk Lắk, Phú Yên, Điện Biên, Bắc Giang, Bình Thuận, Sóc Trăng, Tuyên Quang. Dự kiến khai mạc đại hội cùng ngày 15-10 có các tỉnh: Hà Tĩnh, Tây Ninh, Bình Định, Đắk Nông, Lào Cai, Bạc Liêu, Trà Vinh, Lâm Đồng, Đồng Nai, Bến Tre, Quảng Trị. Dự kiến trong ngày 16-10 có các tỉnh khai mạc đại hội Đảng gồm: Kiên Giang, Thừa Thiên Huế, Hà Giang. Trong ngày 17-10, Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An dự kiến khai mạc. Ngày 18-10, Đại hội Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp dự kiến khai mạc. VOV |
Theo TTXVN - Chinhphu.vn