Kịp thời hỗ trợ về lương thực, thực phẩm các hộ dân bị thiệt hại, đặc biệt là các hộ có nhà bị sập, bị ngập sâu, kiên quyết không để người nào bị đói, rét.
Người dân xã Hưng Trung, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An được hỗ trợ các nhu yếu phẩm và lương thực trong những ngày bị cô lập, ngày 31-10. Ảnh: TTXVN |
Ngày 1-11, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đề nghị các bộ, ngành, địa phương căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ kịp thời hỗ trợ về lương thực, thực phẩm các hộ dân bị thiệt hại, đặc biệt là các hộ có nhà bị sập, bị ngập sâu, kiên quyết không để người nào bị đói, rét, bị thương không được chữa trị; đồng thời phối hợp thực hiện việc rà soát các nhà dân, cơ sở hạ tầng có nguy cơ cao chịu ảnh hưởng lũ quét, sạt lở đất, các hộ dân sống ven sông, suối; kịp thời phát hiện những biểu hiện bất thường, các sự cố, cắm biển cảnh báo nguy hiểm, bố trí lực lượng kiểm soát, cương quyết không để người dân ở lại những khu vực đã xác định có nguy cơ lũ quét, sạt lở đất cao.
Theo dõi sát diễn biến bão Goni
Để tiếp tục khắc phục hậu quả thiên tai và ứng phó với siêu bão Goni, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh chịu thiệt hại và ảnh hưởng bão, mưa lũ tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 1503/CĐ-TTg ngày 29-10-2020; của Ban Chỉ đạo Trung ương và Phòng, chống thiên tai tại các Công điện số 33/CĐ-TW ngày 30-10-2020 và số 34/CĐ-TW ngày 31-10-2020; Thông báo số 372/TB-VPCP ngày 30-10-2020 của Văn phòng Chính phủ về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với các tỉnh miền Trung về công tác khắc phục hậu quả mưa lũ và tìm kiếm cứu nạn, trong đó tập trung triển khai việc theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, thông báo cho chủ các phương tiện, thuyền trưởng các tàu, thuyền đang hoạt động trên biển biết vị trí, hướng di chuyển và diễn biến của bão để chủ động phòng tránh, thoát ra hoặc không di chuyển vào khu vực nguy hiểm; quản lý chặt chẽ việc ra khơi của các tàu thuyền.
Các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng bởi bão lũ khẩn trương tiếp tục phối hợp với các đơn vị chức năng tìm kiếm người còn mất tích do sạt lở đất tại các điểm sạt lở của tỉnh Quảng Nam, công trường Thủy điện Rào Trăng 3, tỉnh Thừa Thiên - Huế và 2 tàu cá tỉnh Bình Định bị chìm ngày 27-10; tổ chức cứu chữa người bị thương và thăm hỏi động viên những gia đình bị mất người, mất nhà.
Các địa phương huy động các lượng quân đội, công an, đoàn viên thanh niên… hỗ trợ người dân dọn dẹp, sửa chữa nhà ở; xử lý vệ sinh môi trường ngay sau lũ nhằm sớm đưa học sinh trở lại trường học, không để bùng phát dịch bệnh; khôi phục cơ sở hạ tầng, nhất là các công trình giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, điện lực… bị hư hỏng; chuẩn bị sẵn sàng giống cây trồng, vật nuôi, phục hồi sản xuất sau lũ để sớm ổn định lại sản xuất và đời sống cho người dân.
Các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An sơ tán 5.758 hộ ra khỏi khu vực bị ngập lụt và nguy cơ sạt lở
Theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An đã sơ tán 5.758 hộ dân ra khỏi khu vực bị ngập lụt và nguy cơ sạt lở đất (Nghệ An 3.911 hộ, Hà Tĩnh 1.847 hộ), hiện vẫn còn 25.103 hộ bị ngập lụt (Nghệ An 19.865 hộ, Hà Tĩnh 5.238 hộ).
Tính đến 7 giờ ngày 1-11, bão số 9 và hoàn lưu sau bão đã làm 29 người chết (Quảng Nam 23 người (gồm: Nam Trà My 17, Bắc Trà My 1, Phước Sơn 5), Gia Lai 1, Đắk Lắk 1, Nghệ An 4); 51 người mất tích (Nghệ An 3, Quảng Nam 24 (Nam Trà My 15, Phước Sơn 8, Hiệp Đức 1), Bình Định 23, Kon Tum 1); 134 người bị thương (Nghệ An 3, Quảng Trị 3, Thừa Thiên - Huế 14, Đà Nẵng 6, Quảng Nam 81, Quảng Ngãi 13, Bình Định 12, Kon Tum 1, Gia Lai 1).
Bên cạnh đó, có 93,6 km đường giao thông bị sạt lở, hư hỏng; 745.566 m3 khối lượng đất đá sạt lở, bồi lấp; 85 cầu bị hư hỏng. Tại tỉnh Nghệ An có 8 điểm trên các tuyến Quốc lộ 48E, Quốc lộ 7B và Quốc lộ 7 còn ngập, chưa thông xe. Tỉnh Hà Tĩnh có 14 điểm trên các tuyến Quốc lộ 1A, Quốc lộ 15, Quốc lộ 8C, Quốc lộ 281 còn ngập, chưa thông xe.
Trong ngày 31-10, đã khôi phục, cung cấp điện trở lại cho 109 xã, hiện còn 250 xã mất điện tại tại 6 tỉnh gồm: Quảng Trị, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Kon Tum; 5 tỉnh: Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Phú Yên, Gia Lai, Đắk Lắk đã khôi phục xong, cung cấp điện cho toàn tỉnh.
TTXVN