Đề án Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường hiện đang tiếp tục nhận được nhiều ý kiến, góp ý tâm huyết của các nhà quản lý, chuyên gia, nhà khoa học, kiến trúc sư.
TS. Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược - Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường: Thành phố đặt ra mục tiêu về môi trường cao hơn, sớm hơn so với cả nước
Nhìn chung, thành phố Đà Nẵng hiện có xuất phát điểm về môi trường tốt hơn các thành phố và địa phương khác. Vì vậy, thành phố có thể đặt ra mục tiêu cao hơn, thời gian đạt các tiêu chí, chỉ tiêu về môi trường sớm hơn so với cả nước. Tuy nhiên, cần cố gắng gìn giữ, duy trì và cải thiện môi trường tốt hơn, dù áp lực lên môi trường sẽ gia tăng (khí thải, chất thải rắn..) và cần tránh những thất bại về môi trường ở các địa phương khác.
Đồng thời, coi gìn giữ môi trường, bảo tồn hệ sinh thái, đầu tư cho nguồn vốn tự nhiên, chủ động ứng phó và chống chịu với biến đổi khí hậu là yếu tố sống còn để phát triển bền vững thành phố, đặc biệt là tiếp tục hạn chế các hoạt động đầu tư gây hại cho môi trường tự nhiên.
Thành phố cần chủ động phòng ngừa, kiểm soát, ngăn chặn các tác động xấu lên môi trường, các sự cố môi trường. Cụ thể, cần thúc đẩy phát triển kinh tế xanh lam, trọng tâm là du lịch biển; phát triển kinh tế dựa trên bảo tồn, khai thác bền vững hệ sinh thái biển; phát triển công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.
Thành phố thực hiện phân vùng môi trường, đặc biệt chú trọng kiểm soát, ngăn chặn các hoạt động phát triển gây hại đến môi trường các vùng bảo vệ nghiêm ngặt như: Khu bảo tồn thiên nhiên Sơn Trà, Khu bảo tồn thiên nhiên Bà Nà - Núi Chúa và vùng hạn chế phát triển. Đồng thời chủ động kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, bảo đảm khoảng cách an toàn môi trường giữa các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và khu dân cư; chủ động phòng ngừa và ứng phó với các sự cố môi trường, đặc biệt đối với sự cố môi trường biển và hải đảo.
Thành phố cũng cần giải quyết các vấn đề môi trường trọng điểm; khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường; duy trì, cải thiện chất lượng môi trường. Trong đó, cần tăng cường quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại; tiếp tục đẩy mạnh xử lý nước thải đô thị và công nghiệp; duy trì và cải thiện chất lượng môi trường không khí; xử lý ô nhiễm môi trường làng nghề; tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo.
Ngoài ra, cần tiếp tục chú trọng công tác bảo tồn thiên nhiên, khai thác sử dụng bền vững tài nguyên; thích ứng biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính; tăng cường liên kết vùng, địa phương trong xử lý chất thải rắn, bảo tồn biển, đặc biệt là phối hợp với tỉnh Quảng Nam khai thác tài nguyên nước sông Vu Gia và Thu Bồn; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, xây dựng đô thị thông minh, giao thông thông minh, quản lý môi trường thông minh; nâng cao nhận thức, xây dựng lối ứng xử văn minh, hài hòa với tự nhiên của người dân...
ThS, KTS. Nguyễn Xuân Trung, giảng viên Khoa Kiến trúc, Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng): Giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu
Với mong muốn xây dựng một thành phố môi trường, Đà Nẵng cần thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu một cách toàn diện, phù hợp và hiệu quả, nhất là ở khu vực đô thị. Thành phố cần tăng cường nâng cao nhận thức của người dân và chính quyền cấp cơ sở về sự cần thiết phải giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và nâng cao năng lực của chính quyền địa phương trong việc xây dựng, thực hiện kế hoạch hành động cũng như mối quan hệ hợp tác công - tư giữa chính quyền, doanh nghiệp trong, ngoài nước và người dân.
Trong quá trình đô thị hóa và phát triển đô thị, sẽ nảy sinh một lượng rác lớn thải ra môi trường từ quá trình sinh hoạt của con người và hoạt động sản xuất, kinh doanh của các cơ sở, doanh nghiệp. Vì vậy, cần bố trí quỹ đất thích hợp để thu gom và xử lý rác ở đô thị có tính đến quá trình phát triển của đô thị trong tương lai vì hiện nay, khu vực xử lý rác được bố trí quá gần khu dân cư nên xảy ra những mâu thuẫn, xung đột giữa người dân với chính quyền và doanh nghiệp thực hiện xử lý rác thải. Ngoài ra, cần xây dựng các cơ chế, chính sách, thậm chí phải cụ thể hóa thành những quy định để có thể thực hiện phân loại rác ngay tại nguồn và xử lý rác hiệu quả.
Bà Nguyễn Ngọc Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR) thuộc Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA): Phát huy vai trò của người dân
Nhắc đến Đà Nẵng, nhiều người Việt Nam nghĩ ngay đến một thành phố đáng sống, có phong cảnh thiên thiên đẹp, môi trường và sinh thái tốt nhất cả nước. Đà Nẵng đã đạt nhiều kết quả trong xây dựng thành phố môi trường và đang hướng đến đô thị sinh thái vì sức khỏe và điều kiện sống của người dân. Trung tâm Nghiên cứu môi trường và cộng đồng (CECR) đã thực hiện dự án về phân loại rác tại quận Thanh Khê, Sơn Trà và hiện đang triển khai những bước ban đầu đối một dự án cộng đồng về bảo vệ nguồn nước. Cán bộ quản lý về môi trường, các nhà khoa học, chuyên gia về môi trường, các nhóm hoạt động và người dân của Đà Nẵng rất đồng thuận, nhiệt huyết với các dự án, hoạt động về môi trường, đặc biệt là có rất nhiều sáng tạo, sáng kiến.
Sự quyết tâm, đồng thuận và “lửa” của người Đà Nẵng là sức mạnh tạo ra một thành phố môi trường, nên cần tiếp tục phát huy vai trò quan trọng và huy động sự tham gia của người dân trong hành trình xây dựng thành phố môi trường giai đoạn 2021-2030, hướng đến đô thị sinh thái.
HOÀNG HIỆP ghi