ĐNO - Đó là nhận định của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình tại Hội thảo khoa học Công tác đánh giá cán bộ - những vấn đề lý luận và thực tiễn do Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với Thành ủy Đà Nẵng tổ chức ngày 26-12.
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình cùng Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đồng chủ trì hội thảo. Ảnh: TRỌNG HUY |
Hội thảo do Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình và Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Văn Quảng đồng chủ trì với sự tham dự của lãnh đạo, nhà khoa học, cán bộ đến từ 19 tỉnh, thành ủy phía Bắc và miền Trung -Tây Nguyên.
Phát biểu mở đầu hội thảo, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho biết, công tác đánh giá cán bộ thời gian qua trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đạt được những kết quả tích cực, trong đó công tác nhân sự qua kết quả Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXII thể hiện rõ, được Trung ương đánh giá rất cao. Đặc biệt, các tiêu chí về tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ của Đà Nẵng đứng đầu so với các tỉnh, thành trong cả nước.
Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng, có được kết quả đó là do quá trình chuẩn bị công tác nhân sự cho đại hội kỹ lưỡng, chu đáo, trong đó đặc biệt chú trọng công tác khảo sát, đánh giá nhân sự đại hội.
Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TRỌNG HUY |
Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình cho rằng, việc đánh giá đúng cán bộ sẽ bảo đảm việc sử dụng đúng người, đúng việc, nâng cao hiệu quả công việc của cơ quan, địa phương, đơn vị, củng cố thêm sức mạnh, tăng cường tình đoàn kết, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Ngược lại, đánh giá sai cán bộ không chỉ gây ảnh hưởng tiêu cực đến bản thân cán bộ, mà còn làm giảm uy tín và hiệu quả công tác của địa phương, cơ quan, đơn vị, giảm sút lòng tin của người dân đối với Đảng, gây ra nhiều hệ lụy khôn lường đến sự lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Vì vậy, đánh giá cán bộ là vấn đề rất hệ trọng, ảnh hưởng đến tất cả các khâu trong công tác cán bộ.
Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TRỌNG HUY |
“Đánh giá cán bộ một cách toàn diện và thực chất là một việc khó, nhạy cảm, phức tạp bởi liên quan đến con người trong một quá trình vận động và xu thế phát triển, gắn với việc nhìn nhận thấu đáo môi trường, điều kiện khách quan.
Điều này đòi hỏi một hệ thống đánh giá phải thực sự khoa học, đồng bộ, đa chiều, nhất là đội ngũ những người làm công tác cán bộ phải công tâm, khách quan, tinh tường, luôn đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, trước hết”, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.
Hội thảo có sự tham dự của lãnh đạo, nhà khoa học, cán bộ của 19 tỉnh, thành ủy phía Bắc và miền Trung - Tây Nguyên. Ảnh: TRỌNG HUY |
Tham gia ý kiến tại hội thảo, đại diện Tỉnh ủy Đắk Lắk cho biết, Ban Thường vụ Tỉnh ủy xác định đánh giá cán bộ là khâu quan trọng đầu tiên của công tác cán bộ, có ý nghĩa quyết định trong việc phát hiện, tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đề bạt, khen thưởng, kỷ luật cũng như giúp cán bộ có điều kiện phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm, tiến bộ trong công tác chuyên môn, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, hiệu quả công tác.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phú Yên Cao Thị Hòa An cho biết, bài học kinh nghiệm rút ra từ công tác đánh giá cán bộ của tỉnh là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương và cán bộ, đảng viên phải quán triệt sâu sắc các quy định, hướng dẫn của Trung ương, của tỉnh; nhận thức đúng về công tác đánh giá cán bộ là khâu quan trọng, quyết định đến các khâu khác trong công tác quản lý cán bộ.
Đổi mới công tác cán bộ phải được tiến hành đồng bộ, đi vào chiều sâu; phải hoàn thiện tiêu chí, quy trình đánh giá cán bộ thực sự khoa học, khách quan, công tâm, toàn diện.
Theo Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Ngãi Đặng Ngọc Huy, để khắc phục những yếu tố chủ quan, cảm tính, bảo đảm công tác đánh giá cán bộ thực sự khách quan, công tâm, toàn diện, cơ quan đánh giá cán bộ cần quyết tâm, nghiêm túc thực hiện các giải pháp trong khâu đánh giá cán bộ. Đồng thời, phải xây dựng hệ thống vị trí việc làm rõ ràng, minh bạch; rõ nhiệm vụ, quyền hạn, rõ sản phẩm đầu ra, công chức không thể né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; có đủ thông tin về cán bộ được đánh giá; nghiêm túc chấp hành bộ tiêu chí đánh giá cán bộ đã đề ra...
Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Thanh Quang nêu rõ, hiện một số tiêu chí đánh giá còn mang tính định tính, chưa lượng hóa cụ thể theo cáp bậc, chức vụ lãnh đạo, quản lý, ngành nghề, lĩnh vực công tác; chưa gắn với kết quả sản phẩm, nhiệm vụ được giao; chưa đánh giá cán bộ theo hướng đa chiều, liên tục…
Về thực trạng công tác khảo sát, đánh giá cán bộ tại Đà Nẵng, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Nguyễn Thanh Quang cho hay, nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong đánh giá cán bộ, gắn đánh giá cán bộ với kết quả xử lý công việc được giao, thành phố đã xây dựng phần mềm đánh giá kết quả làm việc hoàn toàn trực tuyến, được tích hợp chung với hệ thống quản lý hồ sơ cán bộ, công chức, viên chức.
Theo đó, lãnh đạo, công chức tất cả các cấp sở, ngành, quận, huyện, phường, xã phải tham gia vào quá trình đánh giá trực tiếp trên phần mềm. Việc triển khai mô hình đánh giá kết quả làm việc đã đề cao tính công khai, dân chủ; cơ bản lấy kết quả công việc làm thước đo chính; tạo cơ hội cho mỗi công chức được lắng nghe những nhận xét, góp ý của đồng nghiệp.
Qua đó, công chức có điều kiện tự đánh giá lại công việc trong tháng; cấp trên bao quát kết quả thực thi nhiệm vụ của cấp dưới. Kết quả đánh giá là cơ sở để người đứng đầu có thể áp dụng các hình thức động viên công chức, khen và thưởng thực chất hơn.
TRỌNG HUY