MIỀN TRUNG LÀM GÌ ĐỂ ỨNG PHÓ THIÊN TAI?

Bài 1: Thiên tai ngày càng gia tăng, cực đoan, dị thường

.

Những năm gần đây, tình hình thiên tai diễn biến ngày càng phức tạp. Tại khu vực miền Trung, thiên tai xuất hiện liên tiếp với cường độ lớn, phạm vi rộng, trái quy luật, dị thường và có xu thế gia tăng cả về mức độ nguy hiểm, tính cực đoan... đã gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, ảnh hưởng lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, môi trường sinh thái, thậm chí kéo lùi phát triển các địa phương. Đầu tư nguồn lực lớn cho miền Trung để thích ứng với thiên tai, giảm khổ đau, mất mát cho người dân và đưa miền Trung phát triển hòa nhịp với hai đầu đất nước là vấn đề bức thiết cần đặt ra.

Năm 2020 được xem là một năm thiên tai quá dị thường, cực đoan, khó lường. TRONG ẢNH:  Trận lũ lịch sử tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình vào giữa tháng 10-2020 cao hơn đỉnh lũ lịch sử năm 1979 đến 0,95m, làm ngập sâu hơn 32.000 nhà dân trong huyện. (Ảnh chụp vào tháng 10-2020 tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) Ảnh: Tổng cục Phòng, chống thiên tai
Năm 2020 được xem là một năm thiên tai quá dị thường, cực đoan, khó lường. TRONG ẢNH: Trận lũ lịch sử tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình vào giữa tháng 10-2020 cao hơn đỉnh lũ lịch sử năm 1979 đến 0,95m, làm ngập sâu hơn 32.000 nhà dân trong huyện. (Ảnh chụp vào tháng 10-2020 tại huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình). Ảnh: Tổng cục Phòng, chống thiên tai

Chỉ trong 2 tháng từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 11-2020, tính chất cực đoan, dị thường của thiên tai liên tục xuất hiện tại miền Trung. Siêu bão, mưa lớn trong một đợt đã cao hơn trung bình nhiều năm của cả mùa mưa, lũ vượt mốc lịch sử, lũ quét và sạt lở đất gây hậu quả nghiêm trọng...

Bão chồng bão, lũ chồng lũ

20 năm qua, trong ký ức của nhiều người miền Trung vẫn còn ám ảnh với trận “đại hồng thủy” xảy ra vào tháng 11-1999 làm ngập 10 tỉnh, thành phố miền Trung với 595 người chết, 41.846 ngôi nhà và 570 ngôi trường bị sập và trôi; tổng thiệt hại kinh tế hơn 3.773 tỷ đồng (giá thời điểm năm 1999). Năm 2006, bão Xangsane (bão số 6) đổ bộ vào bờ biển từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi vào ngày 1-10 với sức gió mạnh cấp 13, giật từ cấp 13-16, được xem là cơn bão mạnh nhất trong 100 năm qua (tính đến thời điểm đó) đổ bộ trực tiếp vào Đà Nẵng, làm 68 người chết và mất tích, hơn 500 người bị thương, 16.000 nhà bị sập, 25.000 nhà bị tốc mái, thiệt hại về kinh tế là hơn 10.000 tỷ đồng...

Mưa lớn và đặc biệt lớn xảy ra thường xuyên trên diện rộng và cục bộ đã gây lũ lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất nghiêm trọng tại nhiều khu vực trên phạm vi toàn quốc. Trong đó, mưa đặc biệt lớn trong 2 ngày tại thành phố Đà Nẵng vào tháng 12-2018 gây ngập úng trên diện rộng với tổng lượng mưa đo được từ 0 giờ ngày 9-12-2018 đến 23 giờ cùng ngày tại tuyến đường Trưng Nữ Vương là hơn 750mm và tại cầu Cẩm Lệ là hơn 720mm, cao hơn tổng lượng mưa của ngày mưa lớn nhất trong đợt lũ lịch sử vào năm 1999 (593mm). Trong tháng 10-2020, một số nơi có lượng mưa đo được trong 1 ngày vượt mức lịch sử như: hồ Kim Sơn (Hà Tĩnh) là 847mm, Hướng Linh (Quảng Trị) 763mm, Ba Đồn (Quảng Bình) là 756mm, Thượng Nhật (Thừa Thiên Huế) là 719mm...

Lũ lớn và lũ lịch sử liên tiếp xuất hiện tại các vùng, miền trên phạm vi cả nước, điển hình là năm 1999, 2000, 2003, 2007, 2009, 2010, 2011, 2016, 2017 ở Trung Bộ. Trong năm 2020, xuất hiện 5 đợt lũ lớn liên tiếp xảy ra trong tháng 10 và 11 trên 16 tuyến sông chính tại miền Trung, trong đó có 4 tuyến sông vượt mức lũ lịch sử là sông Bồ (tỉnh Thừa Thiên Huế), sông Thạch Hãn và sông Hiếu (tỉnh Quảng Trị), sông Kiến Giang (tỉnh Quảng Bình)... làm khoảng 1,2 triệu người bị ảnh hưởng do ngập lụt. Về mưa, tổng lượng mưa trong tháng 10-2020 phổ biến 1.000-2.000mm, nhiều nơi có lượng mưa hơn 3.000mm, cao gấp từ 2-5 lần so với tổng lượng trung bình nhiều năm trong tháng 10 và nhiều nơi cao hơn tổng lượng mưa TBNN cả mùa mưa, nhất là tại huyện Nam Đông (tỉnh Thừa Thiên Huế) và thành phố Đà Nẵng (tổng lượng mưa cao hơn từ 30-50% so với tổng lượng mưa trung bình nhiều năm). Đặc biệt, riêng tháng 10-2020, do mưa lũ lớn kéo dài kèm theo địa hình dốc đã gây ra 18 trận sạt lở đất ở 4 tỉnh miền Trung làm 111 người chết và mất tích, nghiêm trọng nhất là tại Thủy điện Rào Trăng 3, Trạm Kiểm lâm số 67 (Thừa Thiên Huế); Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 (Quảng Trị); xã Trà Leng và Trà Vân, huyện Nam Trà My và xã Phước Lộc, huyện Phước Sơn (Quảng Nam). Lũ quét và sạt lở đất có xu thế tăng rõ rệt và có quy mô, phạm vi ngày càng lớn, gây thiệt hại nặng nề về tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Tại huyện Hòa Vang (thành phố Đà Nẵng) đã xảy ra 9 trận lũ chỉ trong vòng 2 tháng (từ đầu tháng 10 đến đầu tháng 12-2020), trong đó có nhiều tuyến đường, khu vực dân cư và nhà dân bị ngập sâu. Ảnh: HOÀNG HIỆP
Tại huyện Hòa Vang (thành phố Đà Nẵng) đã xảy ra 9 trận lũ chỉ trong vòng 2 tháng (từ đầu tháng 10 đến đầu tháng 12-2020), trong đó có nhiều tuyến đường, khu vực dân cư và nhà dân bị ngập sâu. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Dị thường, cực đoan, khó lường

Ngư dân Đào Ngọc Minh Tâm (trú quận Thanh Khê) đã từng chứng kiến mức độ ảnh hưởng nặng nề của cơn lũ lịch sử năm 1999, bão Chan Chu trên Biển Đông và bão Xangsane xảy ra ở Đà Nẵng năm 2006, các cơn bão và lũ lụt nghiêm trọng xảy ra năm 2017 và 2020 tại miền Trung. “Những năm gần đây, trên Biển Đông có quá nhiều cơn bão và áp thấp nhiệt đới, chưa kể gió mùa đông bắc hoạt động liên tục trên biển. Trên con tàu vỏ thép vững chắc và có công suất lớn, tôi và bạn thuyền yên tâm hơn khi vươn khơi, bám biển dài ngày, nhưng vẫn thường xuyên theo dõi thời tiết để chủ động phòng tránh bão, áp thấp nhiệt đới vì ngày càng xuất hiện nhiều, mạnh hơn và khó lường”, ngư dân Tâm nói.

Bà Nguyễn Thị Lan (một người dân ở xã Hành Nhân, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nói về bão số 9 (tháng 10-2020), cơn bão mạnh nhất trong 20 năm qua đổ bộ vào miền Trung, đặc biệt là tỉnh Quảng Ngãi: “Chúng tôi ở đây đã chứng kiến nhiều cơn bão ảnh hưởng trực tiếp trong khoảng thời gian 20 năm qua, nhưng cơn bão số 9 vừa qua là lớn nhất. Nhiều cây chôm chôm, bưởi da xanh, sầu riêng, mít thái... 10-20 năm tuổi trong vườn nhà tôi cho thu nhập 100-200 triệu đồng/năm bị ngã đổ, gãy. Ngay cả cây cau, một loại cây dẻo dai trước gió bão cũng bị gãy nhiều cây. Nhiều nơi, cây tre cũng ngã, có những cây tre bị gió vặn xoắn vào nhau”. Trong khi đó, ông Nguyễn Thắng (người dân thôn Xuân Hồi, xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) cho biết: “Mức độ ngập lũ năm nay thật khủng khiếp, nhà ngập sâu thì 2-3m, cạn thì cũng đến 1m. Hơn nữa, lũ rút rất chậm nên nhà ở ngâm trong nước lũ nhiều ngày. Lũ dâng đến mức lũ năm 1999 là quá lớn rồi, đằng này còn cao hơn lũ năm 1999 đến gần 1m thì quá bất thường và cực đoan”.

Tại hội thảo khoa học về nhà an toàn cho vùng bão, lũ do Tổng cục Phòng chống thiên tai tổ chức vào chiều 11-12, Phó Cục trưởng Cục Ứng phó và Khắc phục hậu quả thiên tai (Tổng cục Phòng chống thiên tai) Nguyễn Văn Hải thông tin, những năm gần đây, xuất hiện nhiều bão mạnh, siêu bão, trái quy luật. Năm 2017 là năm có số lượng bão và áp thấp nhiệt đới xuất hiện và hoạt động trên Biển Đông nhiều nhất với 21 cơn. Trung bình hằng năm, khu vực miền Trung chịu ảnh hưởng trực tiếp 4-5 cơn bão, áp thấp nhiệt đới. Nhưng trong tháng 10-2020, đã có đến 4 cơn bão (bão số 6, 7, 8 và 9) ảnh hưởng, đây là tháng có số lượng bão nhiều nhất trong 37 năm qua. “Trong 10 năm qua, bão và áp thấp nhiệt đới gia tăng cả về tần suất lẫn cường độ. Theo đó, từ năm 2010-2015, trung bình mỗi năm có 7 cơn bão và áp thấp nhiệt đới; nhưng từ năm 2015-2020 có trung bình 11 cơn/năm, tăng 28% so với giai đoạn từ năm 2010-2015. Khu vực miền Trung hứng chịu khoảng 60-70% số lượng bão ảnh hưởng trực tiếp đất liền nước ta”, Phó Cục trưởng Nguyễn Văn Hải nhấn mạnh.

Tại hội nghị tổng kết năm 2020 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm năm 2021 của Tổng Cục phòng chống thiên tai và Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức vào ngày 26-12-2020, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), Phó Trưởng ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai Nguyễn Xuân Cường cho rằng, thiên tai đang diễn biến cực đoan, dị thường, nhất là trong năm 2020. Chỉ riêng 2 tháng, từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 11-2020, bão, lũ xảy ra liên tiếp tại các tỉnh, thành phố miền Trung (từ Nghệ An đến Khánh Hòa) với quy mô rộng lớn, cường độ rất mạnh và gây ra những hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Tình trạng “bão chồng bão”, “lũ chồng lũ”, mưa dị thường..., thiên tai cực đoan đã gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống và sản xuất của hàng triệu người dân. “Năm 2020 là một năm quá dị thường về thời tiết và khí hậu”, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Miền Trung: Năm 2020, thiệt hại về kinh tế hơn 30.000 tỷ đồng

Theo báo cáo của Tổng cục Phòng chống thiên tai, tại Việt Nam, từ đầu năm 2020 đến nay, thiên tai diễn ra khốc liệt, dị thường trên khắp các vùng miền trong cả nước, đã xảy 576 trận thiên tai, trong đó: 14 cơn bão, 2 ATNĐ trên Biển Đông; 132 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất... Đặc biệt, trong vòng 2 tháng, từ giữa tháng 9 đến giữa tháng 11-2020, các tỉnh miền Trung đã chịu ảnh hưởng dồn dập của 9 cơn bão (từ số 5 đến số 13) và 2 áp thấp nhiệt đới, trong đó bão số 9 đã đạt đến cấp siêu bão và được đánh giá mạnh nhất trong 20 năm qua. Từ đầu năm đến nay, thiên tai đã làm 357 người chết và mất tích, 912 người khác bị thương, ước thiệt hại về kinh tế 39.945 tỷ đồng.

Riêng khu vực miền Trung, theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, mưa bão đã làm 249 người chết, mất tích; 1.472 nhà sập, 239.341 nhà bị hư hại, tốc mái; 49.931ha lúa và hoa màu bị thiệt hại; 42.700 con gia súc, 4,11 triệu con gia cầm chết, cuốn trôi; 800km đê kè, kênh mương bị sạt lở, hư hỏng; 213km bờ biển, sông bị sạt lở. Ngoài ra, còn rất nhiều cơ sở hạ tầng và các công trình dân sinh bị hư hỏng, sạt lở. Ước tính thiệt hại về kinh tế hơn 30.000 tỷ đồng.

HOÀNG HIỆP - THẢO NHI

;
;
.
.
.
.
.