Đón Tết phương xa - Nhớ về nguồn cội

.

ĐNO - Trong tiềm thức của người Việt, Tết là dịp để sum họp, đoàn viên nhưng vì những lý do khách quan, nhiều người phải đón Tết xa quê hương. Dù vậy, mỗi người con đất Việt vẫn luôn nhớ về ngày Tết, nhớ về nguồn cội bằng những hoạt động đầy ý nghĩa.

Các hội, nhóm người Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức tiệc mừng năm mới để cùng sẻ chia vị Tết quê nhà (ảnh chụp 2019). Ảnh: NVCC.
Các hội, nhóm người Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức tiệc mừng năm mới để cùng sẻ chia vị Tết quê nhà (ảnh chụp 2019). Ảnh: NVCC.

Nhớ Tết quê nhà

Ấn tượng về lần đầu đón Tết xa nhà có lẽ là điều mà Võ Thị Ngọc Ánh, du học sinh Trường Đại học Chungnam (Hàn Quốc) nhớ mãi trong thời gian du học. Vào năm ngoái, Tết Nguyên đán rơi vào kỳ học đầu tiên nên Ánh vẫn phải đi học, làm thêm. Ngọc Ánh tâm sự, mọi năm, từ 23 tháng Chạp, không khí Tết ở Đà Nẵng đã rất rộn ràng.

Khi cả gia đình đang chuẩn bị bước qua năm mới thì tại Hàn Quốc, Ngọc Ánh vẫn đang trong giờ làm thêm. Tranh thủ thời gian, cô gọi điện thoại về cho gia đình để chúc Tết. Nhìn mọi thứ qua màn hình điện thoại, Ngọc Ánh lại càng trân trọng ý nghĩa của những giây phút đoàn tụ.

Tại xứ sở kim chi, Tết Nguyên đán cũng là một trong những ngày lễ lớn nhưng người Hàn Quốc chỉ được nghỉ trong 3 ngày gồm 30, mùng 1 và mùng 2. Chính vì vậy, người Việt tại Hàn Quốc cũng tranh thủ gặp mặt bạn bè trong thời gian trên. Hội người Việt Nam ở Hàn Quốc sẽ tổ chức các chương trình sao cho giống Tết ở nước mình nhất. Ngoài ra, nhiều nhóm người Việt cũng gặp, trò chuyện và dành những lời chúc năm mới cho nhau.

Khi được hỏi về những dự định khi ăn tết tại Hàn Quốc trong năm nay, Ngọc Ánh cho biết: “Do tình hình Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp nên mọi người sẽ hạn chế tổ chức, tham gia các hoạt động, lễ hội mừng năm mới. Mình và bạn cùng phòng sẽ mua sắm một số món ăn đặc trưng để đón Tết”.

Trong khi đó, Tết Tân Sửu 2021 là Tết thứ 3 xa nhà của bạn Trần Thị Ngọc Yến, du học sinh tại tỉnh Saitama, Nhật Bản. Ngọc Yến cho biết, khác với các quốc gia châu Á, người Nhật sẽ ăn Tết theo lịch phương tây. Thời điểm Tết Nguyên đán thường rơi vào tháng 2 ở Nhật Bản nên mọi sinh hoạt, học tập và làm việc vẫn diễn ra bình thường.

Dù vậy, cũng giống như nhiều du học sinh khác, cô vẫn cảm thấy chạnh lòng trong những ngày này. Nhớ về hương vị Tết của quê nhà, cô bùi ngùi chia sẻ: “Dù ở đây, người Việt vẫn tổ chức Tết nhưng mình vẫn thích không khí Tết ở Việt Nam. Ở bên này rồi, lại thèm cảm giác cả nhà cùng nhau dọn dẹp, người quét, người lau, rồi mở những bản nhạc xuân trước thềm Tết đến. Nghĩ những điều đó thôi là muốn về nhà liền”.

Nhớ lại Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, Ngọc Yến cảm thấy bản thân mình may mắn khi được các anh chị người Việt Nam mời dùng buổi tiệc đêm giao thừa. Những món ăn của ngày Tết được chuẩn bị đầy đủ như bánh chưng, bánh tét, thịt muối, thịt đông... để mọi người vơi đi cảm giác nhớ nhà.

Ngọc Yến kể, ở Nhật, ai cũng bận rộn cho việc đi học, đi làm nên không có nhiều thời gian để tụ tập, đi chơi. Vì vậy, được gặp mặt, giao lưu cùng với mọi người trong thời điểm đặc biệt này là khoảnh khắc rất đáng quý.

Lan tỏa Tết Việt ở xứ người

Sống ở Nhật Bản được 8 năm, anh Lê Đình Trọng (trú tỉnh Fukuoka), Chủ nhiệm CLB thiện nguyện Thanh niên Việt Nam cho biết, những năm trước, các cơ quan, tổ chức, hội, nhóm người Việt Nam luôn tổ chức chương trình sôi động và nhộn nhịp để chào mừng năm mới. Đơn cử như đầu năm 2020, chương trình Festival Tết Việt Nam do Tổng lãnh sự quán Việt Nam và Hội người Việt Nam tại Fukuoka phối hợp tổ chức đã tái hiện không gian văn hóa Tết cổ truyền của dân tộc.

Các hội, nhóm người Việt Nam luôn tổ chức chương trình sôi động và nhộn nhịp để chào mừng năm mới. Trong ảnh: Câu lạc bộ thiện nguyện Thanh niên Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức hoạt động chào mừng Tết năm 2020. Ảnh: NVCC
Văn hóa Tết Việt được lan tỏa qua nhiều chương trình, hoạt động ở xứ người. Trong ảnh: Câu lạc bộ thiện nguyện Thanh niên Việt Nam tại Nhật Bản tổ chức hoạt động chào mừng Tết năm 2020. Ảnh: NVCC

Đây là dịp để những người con xa xứ tham dự cảm nhận được không khí đón xuân, chơi các trò chơi dân gian và thưởng thức các món ăn ngày Tết. “Trong sự kiện này, chúng tôi đã tham gia trợ giúp công tác hậu cần cho lễ hội và tổ chức một gian hàng tư vấn pháp lý tại sự kiện. Chúng tôi cũng bán lịch để gây quỹ và kêu gọi ủng hộ cho trẻ em ở vùng cao và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại Việt Nam”, anh Trọng nói.

Anh Trọng cũng chia sẻ, mỗi năm, Ban quản trị CLB đều tổ chức riêng bữa tiệc nhỏ trước thềm năm mới. Ngoài những người Việt Nam, bữa tiệc còn có sự tham gia của một số người bạn ở các quốc gia khác. Đây là dịp để các thành viên chia sẻ những những trải nghiệm, câu chuyện của bản thân trong năm qua. Đồng thời, lan tỏa nét đẹp văn hóa của Việt Nam ngày Tết Nguyên đán đến với những người bạn đang sinh sống và học tập tại đất nước “mặt trời mọc”.

Còn tại Melbounrne, bang Victoria, Úc, khoảng một tháng trước Tết, các hội chợ Tết Việt sẽ lần lượt được tổ chức ở các vùng tập trung đông người Việt nhất như St Albans, Richmond, Footscay, Springvale... Đây là dịp để những người Việt gặp gỡ, giao lưu, được mặc trang phục truyền thống, xem các tiết mục văn nghệ ngày Tết.

Trong những ngày này, chị Nguyễn Thị Du Mỹ (định cư ở Melbounrne) luôn cùng gia đình mua sắm những món đặc trưng của ngày Tết như: bánh chưng, bánh tét, mứt... “Nhờ những hội chợ Tết như vậy mà cảm giác nhớ quê hương của những người như tôi được vơi bớt. Không chỉ vậy, nó còn giúp cho các thế hệ người Việt ở đây hiểu về cội nguồn, quê hương”, chị Du Mỹ chia sẻ.

Vào mùng 1 Tết, gia đình chị Mỹ thường có thói quen đi chùa hái lộc. Đây cũng là hoạt động mà nhiều người Việt ở Úc thực hiện vào đầu năm mới nên không khí tại các chùa luôn nhộn nhịp người ghé đến xin xăm, cầu nguyện cho cả năm được bình an. Những bộ áo dài được diện trong ngày đầu xuân khiến khung cảnh càng trở nên đậm nét văn hóa Việt.

Chị Du Mỹ bày tỏ: “Tôi hy vọng văn hóa ngày Tết của Việt Nam sẽ luôn được lan tỏa ở Úc. Với những người xa xứ như chúng tôi, được nhìn thấy những nét riêng của ngày quê hương sẽ cảm thấy rất ấm lòng và càng nhớ về nguồn cội”.

VĂN HOÀNG

 

;
;
.
.
.
.
.