Đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, đưa Đà Nẵng phát triển nhanh và bền vững

.

Sáng 29-3, nhân kỷ niệm 46 năm ngày giải phóng thành phố Đà Nẵng, UBND thành phố tổ chức lễ công bố nghị định, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về phát triển thành phố Đà Nẵng. Đây là sự kiện đặc biệt quan trọng, tạo động lực để thành phố phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển nhanh và bền vững.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng (thứ 2, phải sang) trao các nghị quyết, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đến lãnh đạo thành phố Đà Nẵng. Ảnh: TRIỆU TÙNG
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng (thứ 2, phải sang) trao các nghị quyết, quyết định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đến lãnh đạo thành phố Đà Nẵng. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Đến dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng; lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, Quân khu 5, các địa phương lân cận và các cơ quan ngoại giao đóng trên địa bàn. Về phía lãnh đạo thành phố có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng; Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội đơn vị thành phố Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa; Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh.

Tận dụng cơ hội bứt phá, thể hiện khát vọng vươn lên

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh cho biết, với điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa được phê duyệt, thành phố sẽ khắc phục những hạn chế, tận dụng và sử dụng tốt hơn không gian đô thị, đưa ra các giải pháp về môi trường, dân số, thích ứng với biến đổi khí hậu… Đồ án đã định hình về quy hoạch sử dụng đất, mô hình, cấu trúc phát triển không gian, phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật, thiết kế đô thị, kinh tế đô thị và đánh giá môi trường chiến lược nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển về kinh tế- xã hội của Đà Nẵng trong giai đoạn mới. Thủ tướng Chính phủ cũng đã quyết định về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu - phần cơ sở hạ tầng dùng chung; chủ trương cho phép Đà Nẵng nghiên cứu, lập đề án “Xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính khu vực”.

Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, đồng hành của các đơn vị từ Trung ương đến địa phương trong thời gian tới. “Những thành quả hôm nay là kết quả của sự nỗ lực không mệt mỏi của các thế hệ lãnh đạo và người dân thành phố với khát vọng đổi thay, phát triển Đà Nẵng về mọi mặt. Trong sự phát triển của Đà Nẵng hôm nay không thể không nói đến sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước”, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh nhấn mạnh và khẳng định, chính quyền thành phố sẽ tiếp tục nghiên cứu các giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh như: công khai, minh bạch về tài nguyên đất đai, cải cách thủ tục hành chính với tinh thần đúng pháp luật nhưng nhanh gọn, thuận lợi nhất; sát cánh cùng doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

“Sự thành công của doanh nghiệp, của các nhà đầu tư là sự thành công của Đà Nẵng. Đà Nẵng sẽ không ngừng phấn đấu để ngày một tốt hơn, tiếp tục giữ chân các nhà đầu tư lâu năm và mở rộng cửa để đón nhận những nhà đầu tư tiềm năng mới. Đà Nẵng có thể chưa phải là nơi tốt nhất, nhưng chúng tôi sẽ nỗ lực để trở thành nơi bạn hài lòng nhất”, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh nhấn mạnh.

Nhiệm vụ trước mắt nhiều khó khăn, thử thách nhưng cũng đầy vinh quang. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố quyết tâm đoàn kết, nỗ lực triển khai thực hiện hiệu quả những nội dung quan trọng này, tận dụng tốt cơ hội, cơ chế, chính sách, động lực tăng trưởng mới, vững vàng đưa thành phố phát triển nhanh hơn, mạnh hơn và vững chắc hơn.

Lãnh đạo Trung ương và thành phố Đà Nẵng chúc mừng việc UBND thành phố Đà Nẵng ký kết với nhà tài trợ lập đề án “Xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm tài chính khu vực”. Ảnh: TRIỆU TÙNG
Lãnh đạo Trung ương và thành phố Đà Nẵng chúc mừng việc UBND thành phố Đà Nẵng ký kết với nhà tài trợ lập đề án “Xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm tài chính khu vực”. Ảnh: TRIỆU TÙNG

Động lực mới phát triển đất nước

Phát biểu chỉ đạo tại buổi công bố, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng mong muốn: “Thành phố Đà Nẵng sẽ có bước phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn mới để trở thành một thành phố văn minh, hiện đại, giữ vai trò động lực phát triển kinh tế của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và sẽ trở thành một động lực mới cho phát triển đất nước trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa”.

Trên tinh thần đó, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao thành phố Đà Nẵng 6 nhiệm vụ. Thứ nhất, cần tiếp tục tập trung tái cấu trúc nền kinh tế gắn với tiềm năng, lợi thế của Đà Nẵng và toàn vùng, gắn với nhu cầu thị trường trong nước, khu vực và quốc tế; đồng thời gắn bảo đảm ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai. Thứ hai, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là hạ tầng giao thông, xác định đây là khâu đột phá trong phát triển Đà Nẵng thời gian tới. Thứ ba, tăng cường công tác quản lý, kiểm soát, phát triển kinh tế - xã hội, trong đó tập trung kiểm soát phát triển đô thị theo quy hoạch và có kế hoạch.

Thứ tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính; chủ động tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Thứ năm, tăng cường tiềm lực quốc phòng, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thứ sáu, đối với dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu phần cơ sở hạ tầng dùng chung, đề nghị thành phố khẩn trương phối hợp với các bộ, ban, ngành có liên quan, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường… sớm hoàn thành các thủ tục đầu tư bảo đảm các quy định của pháp luật.

Đối với đề án xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính khu vực, thành phố khẩn trương tổ chức nghiên cứu, tranh thủ các kinh nghiệm quốc tế trong việc xây dựng trung tâm tài chính quy mô khu vực, cũng như tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, cơ quan liên quan để lập đề án theo quy định, bảo đảm khả thi, hiệu quả.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề nghị các bộ, ban, ngành Trung ương theo chức năng, nhiệm vụ của mình cùng với Đà Nẵng triển khai nghiêm túc, có hiệu quả các nghị định, quyết định, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Đà Nẵng tiếp tục bứt phá, trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và Đông Nam Á, với vai trò là trung tâm về khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ…

Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng cho rằng, những văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ được thành phố công bố hôm nay cụ thể hóa Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; là công cụ hết sức quan trọng, tiếp thêm động lực và niềm tin cho Đà Nẵng bước vào giai đoạn lịch sử mới đầy thách thức nhưng nhiều kỳ vọng phát triển không chỉ riêng cho Đà Nẵng mà còn cho cả khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Với sự quyết tâm, đoàn kết, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, sự ủng hộ của các cơ quan Trung ương, các nhà đầu tư và doanh nghiệp, thành phố Đà Nẵng sẽ tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, bứt phá mạnh mẽ, bền vững hơn trong thời gian tới.

Theo Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng, người dân Đà Nẵng luôn có khát vọng vươn lên, có niềm tự hào về quê hương anh hùng và luôn đồng thuận trong triển khai các chủ trương, chính sách vì sự phát triển chung của thành phố. Đây cũng chính là tiền đề, điều kiện hết sức quan trọng bảo đảm cho thành phố phát triển nhanh và bền vững. Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng nhấn mạnh: “Tôi trân trọng ghi nhận và cảm ơn những đóng góp quan trọng của các thế hệ lãnh đạo thành phố qua các thời kỳ. Những kết quả được công bố hôm nay là sự quyết tâm rất lớn của các đồng chí lãnh đạo thành phố giai đoạn 2015-2020”.

Được biết, UBND thành phố đã chấp thuận đề xuất của một số doanh nghiệp, chủ đầu tư đăng ký hỗ trợ nghiên cứu lập dự án mới, quy hoạch phân khu trên cơ sở hiện thực hóa đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đặc biệt, Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đã ký kết với Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH xuất khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG) Johnathan Hạnh Nguyễn về tài trợ xây dựng đề án “Xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính khu vực”.

Một số nội dung điều chỉnh tại bảng giá đất chu kỳ 2020-2024

Ngày 27-3-2021, UBND thành phố ban hành Quyết định số 08/2021/QĐ-UBND về Quy định mức tỷ lệ phần trăm (%) để tính đơn giá thuê đất trên địa bàn thành phố Đà Nẵng (thay thế Quyết định số 49/2014/QĐ-UBND ngày 17-12-2014; Quyết định số 20/2017/QĐ-UBND ngày 19-6-2017 và Quyết định số 12/2019/QĐ-UBND ngày 14-2-2019).

Theo đó: điều chỉnh giảm một số tỷ lệ sau: tỷ lệ (%) để tính đơn giá thuê đất trả tiền hằng năm trên địa bàn thành phố điều chỉnh giảm từ 2% xuống 1%.; tỷ lệ (%) áp dụng đối với đất sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản điều chỉnh giảm từ 0,7% xuống 0,5%; các tỷ lệ giữ nguyên mức cũ không điều chỉnh như: tỷ lệ % áp dụng đối với đất thuê để khai thác đất đồi, khai thác đá xây dựng và đất thuê để khai thác khoáng sản khác là 3%; tỷ lệ phần trăm (%) để tính đơn giá thuê đất trong Khu Công nghệ cao là 1%, tỷ lệ % áp dụng đối với đất thuộc địa bàn các xã Hòa Phú, Hòa Bắc, Hòa Ninh (huyện Hòa Vang) là 0,5%.

Tập trung quỹ đất để thu hút các nhà đầu tư

Bên cạnh việc ban hành các chính sách ưu đãi, đẩy nhanh hoàn thiện cơ sở hạ tầng, thành phố đang tập trung quỹ đất để thu hút các nhà đầu tư. Theo số liệu báo cáo của Trung tâm Phát triển quỹ đất, qua rà soát và thống kê các khu đất lớn đã có mặt bằng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, đến nay Trung tâm đang quản lý 321 khu đất lớn đã có mặt bằng với tổng diện tích đất 2.013.765,9 m2. Kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất để kêu gọi đầu tư giai đoạn 2021-2025:

+ Năm 2021: 34 khu đất với tổng diện tích : 637.085,8m2;

+ Năm 2022: 33 khu đất với tổng diện tích : 142.222,8m2;

+ Năm 2023: 35 khu đất với tổng diện tích : 163.261,6m2;

+ Năm 2024: 47 khu đất với tổng diện tích : 211.378,8m2;

+ Năm 2025: 37 khu đất với tổng diện tích : 211.378,8m2.

Tại buổi lễ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Quang Nam đã cung cấp thông tin về Nghị định số 34/2021/NĐ-CP ngày 29-3-2021 quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 119/2020/QH14 ngày 19-6-2020 của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Quyết định số 359/QĐ-TTg ngày 15-3-2021 về phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng bến cảng Liên Chiểu; chủ trương cho phép nghiên cứu, lập đề án Xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính quy mô khu vực; thông tin một số chủ trương về giá đất trên địa bàn thành phố.

Trong đó, Nghị định số 34/2021/NĐ-CP có 7 chương, 41 Điều quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội; áp dụng đối với HĐND, UBND thành phố Đà Nẵng; UBND quận, huyện đảo thuộc thành phố Đà Nẵng; UBND phường thuộc quận tại thành phố Đà Nẵng; cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan.

Theo nghị định này, cơ cấu tổ chức của UBND quận gồm: Chủ tịch quận, Phó Chủ tịch quận, Trưởng Công an quận, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự quận, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND quận, các cơ quan hành chính khác và các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND quận.

Cơ cấu tổ chức của UBND phường gồm: Chủ tịch phường, Phó Chủ tịch phường, Trưởng Công an phường, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự phường, các công chức: Văn phòng - Thống kê, Địa chính - Xây dựng - Đô thị và Môi trường, Tài chính - Kế toán, Tư pháp - Hộ tịch, Văn hóa - Xã hội.

Biên chế công chức bình quân làm việc tại UBND phường là 15 người. Số bình quân này được tính trên tổng số phường của một quận.

TRIỆU TÙNG

;
;
.
.
.
.
.