Mặt trận với hiệp thương bầu cử

.

Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, công tác hiệp thương của MTTQ Việt Nam nhằm lựa chọn, giới thiệu người ứng cử và được luật hóa thành một quy trình gồm 5 bước khá chặt chẽ.

Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tổ chức hội nghị hướng dẫn nội dung, trình tự, thủ tục giới thiệu người ứng cử, làm hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND thành phố nhiệm kỳ 2021-2026.  						Ảnh: PHẠM PHÚ BÌNH
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tổ chức hội nghị hướng dẫn nội dung, trình tự, thủ tục giới thiệu người ứng cử, làm hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND thành phố nhiệm kỳ 2021-2026. Ảnh: PHẠM PHÚ BÌNH

Bước một: Tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ nhất để thỏa thuận về cơ cấu, thành phần, số lượng người ứng cử đaị biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp trên cơ sở dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (đối với đại biểu Quốc hội), Thường trực HĐND (đối với đại biểu HĐND) và có sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng cùng cấp.

Bước hai: Các cơ quan, tổ chức, đơn vị giới thiệu người của cơ quan, tổ chức, đơn vị mình ra ứng cử.

Bước ba: Tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ hai để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử và gửi lấy ý kiến cử tri nơi cư trú của người ứng cử.

Bước bốn: Tổ chức lấy ý kiến nhận xét và tín nhiệm của cử tri nơi cư trú của những người ứng cử.

Bước năm: Tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ ba để lựa chọn, lập danh sách chính thức những người đủ tiêu chuẩn ứng cử.

Khi tổ chức các hội nghị hiệp thương, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp cần chủ động thực hiện các bước hiệp thương nhằm lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 theo đúng quy định của pháp luật và các văn bản hướng dẫn về bầu cử có liên quan.

Việc tổ chức hiệp thương, giới thiệu người ứng cử cần chú trọng bảo đảm tỷ lệ người ứng cử là phụ nữ, trẻ tuổi, người ngoài Đảng, tôn giáo, người tái cử và người dân tộc thiểu số theo đúng dự kiến chung; bảo đảm thực sự dân chủ, công bằng, đúng luật.

Tại phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức ngày 13-1-2021, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định: Đây là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, diễn ra sau Đại hội lần thứ XIII của Đảng, gắn liền với công tác cán bộ, liên quan đến trách nhiệm của các cấp, các ngành; là nơi để cử tri phát huy quyền và nghĩa vụ của công dân, lựa chọn ra những người tiêu biểu, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng, quyền làm chủ của mình trong cơ quan quyền lực Nhà nước ở Trung ương và địa phương, đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam yêu cầu MTTQ các cấp thực hiện tốt trách nhiệm trong việc tổ chức hiệp thương lựa chọn, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp; tham gia giám sát việc bầu cử, phát huy sức mạnh của toàn dân trong công tác bầu cử. Mặt trận các cấp phối hợp, tham gia với UBND, Thường trực HĐND cùng cấp thành lập các tổ chức phụ trách công tác hiệp thương ở địa phương bảo đảm khách quan, công tâm, vô tư, chính xác.

PHẠM PHÚ BÌNH
Chánh Văn phòng Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng

Trong cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu HĐND thành phố nhiệm kỳ 2021-2026, thành phố Đà Nẵng được Trung ương quy định bầu 6 đại biểu Quốc hội khóa XV và 52 đại biểu HĐND thành phố khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026.

 

;
;
.
.
.
.
.