Liệt sĩ Nguyễn Văn Sơn (còn gọi là Nguyễn Sơn), nguyên Thường vụ Quận ủy quận 1, nguyên Phó Bí thư Khu ủy Khu 3 Hòa Vang đã hy sinh hơn 50 năm, nhưng hình ảnh của ông vẫn còn sống mãi trong nỗi nhớ của gia đình, đồng đội, từ những kỷ vật để lại.
Bà Huỳnh Thị Nghệ (vợ liệt sĩ Nguyễn Văn Sơn) với kỷ yếu Khu 3 Hòa Vang. Ảnh: H.V |
Người bí thư đặc biệt
Liệt sĩ Nguyễn Văn Sơn sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở phường Hòa Quý (Ngũ Hành Sơn). Cha ông là Nguyễn Văn Đài, đảng viên kỳ cựu ở địa phương, tập kết ra Bắc cùng với em trai của mình. Mẹ ông là Bà mẹ Việt Nam anh hùng (VNAH) Huỳnh Thị Lự thủy chung, can trường, vừa gánh vác cả cơ nghiệp nhà chồng vừa tham gia nuôi giấu cán bộ huyện Hòa Vang.
Năm 1960, chính quyền Ngô Đình Diệm lê máy chém đàn áp người kháng chiến, Đội trưởng đội du kích mật Nguyễn Văn Sơn đã tập hợp được nhiều thanh niên trong xã bảo vệ cách mạng. Khi phong trào diệt ác diễn ra khắp nơi và ngày càng phát triển thì lực lượng được rút lên căn cứ huấn luyện quân sự - vũ trang, bồi dưỡng về chính trị, phương thức hoạt động, xây dựng phong trào. Năm 1962, lúc này mới 25 tuổi, Nguyễn Văn Sơn trở về địa phương làm Bí thư Đảng ủy xã Hòa Phụng (Hòa Quý) và ở cương vị ấy 5 năm.
Đây là giai đoạn địch đánh phá ác liệt nhất, gây tổn thất to lớn ở cơ sở. Có thời điểm cán bộ Hòa Phụng chỉ còn đếm trên bàn tay, phải tạm lánh vào núi ông Chài, dựa vào nhà chùa tiếp tế lương thực, đến tối lội sông về bắt liên lạc với dân. Với vai trò đầu tàu, Bí thư Nguyễn Văn Sơn đã cùng các đồng chí của mình lãnh đạo, đưa phong trào cách mạng dần vượt qua những ngày đen tối, tiến đến đồng khởi năm 1964.
Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) Đoàn Thị Thanh Cần, người con của đất Hòa Quý kể lại: “Anh Ba Sơn ngày đó gan góc, giỏi chịu đựng gian khổ, là điểm tựa vững chắc của chúng tôi. Anh phát hiện và bồi dưỡng kết nạp Đảng cho nhiều thanh niên mới lớn làm nguồn cán bộ lâu dài. Dù điều kiện khó khăn, nguy hiểm, anh cũng có cách ứng biến. Năm 1966, tôi là trưởng ban y tế xã, còn rất trẻ đã được anh và đồng chí bí thư chi bộ tổ chức kết nạp Đảng. Mùa mưa lụt, chúng tôi đi xuồng đến bờ tre cuối làng và bí mật làm lễ ở đây. Sau này khi nghe anh hy sinh, tôi vô cùng đau xót, tiếc thương”.
Ông Nguyễn Tấn Thọ, nguyên Chánh Văn phòng Khu ủy Khu 3 nhớ lại: “Anh ấy to cao, đẹp trai, ăn nói điềm tĩnh, luôn tạo sự tin cậy với người xung quanh. Hồi về làm Phó Bí thư Khu ủy kiêm Chính trị viên Khu 3, anh Sơn chỉ huy nhiều trận đánh lớn, đặc biệt trong năm 1968, khiến địch khiếp sợ. Nguyễn Văn Sơn ở trong Khu ủy chỉ hơn 2 năm rồi về quận 1 nhưng để lại dấu ấn không thể nào quên”.
Ông Lê Văn Huấn, ở 48/3 Phan Châu Trinh (quận Hải Châu) bồi hồi: “Tháng 6-1970, tôi vừa từ Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy được điều về Quận ủy quận 1 thì tham gia ngay hội nghị đánh giá tình hình hè 1970, lấy địa điểm tại Điện Bàn. Vị trí ban đầu khá ổn nhưng lại phải di dời ngay do nghi có người phản bội. Vậy là cả đêm hành quân đến Ngọc Tứ (Điện Thắng). Chặt tre, lá chuối làm lán trại chưa ấm chỗ thì bất ngờ sáng sớm nghe tiếng xe tăng ầm ào phía Vĩnh Điện (sau này mới biết địch đi càn vì mục tiêu khác chứ không phải chúng tôi). Vậy là phải sơ tán nhiều hướng. Đây là vùng đất cài răng lược, địch đặt vật liệu nổ rất nhiều. Khi chạy ra hầm, một số đồng chí trong Quận ủy đã vướng mìn. 5 người hy sinh, trong đó có hai anh trong Thường vụ là Nguyễn Văn Sơn và Nguyễn Vân. Với anh Sơn, tôi rất quý qua những lần cùng công tác. Khi anh làm Thường vụ Quận ủy kiêm Bí thư khu phố Hòa Cường, dẫu mới về nhưng đã chỉ đạo mấy trận diệt ác lớn. Anh hy sinh quá sớm khi tài năng và kinh nghiệm chiến trường đang độ chín muồi. Sau này tôi cùng gia đình đi tìm hài cốt anh. May mắn là có kết quả sau gần 25 năm”.
Bà Huỳnh Thị Nghệ, hiện ở tại K105/14 Trần Cao Vân (quận Thanh Khê) tuy tuổi đã cao vẫn không quên kỷ niệm về chồng mình, đặc biệt là hành trình đi tìm hài cốt liệt sĩ Nguyễn Văn Sơn. Nghẹn ngào, bà kể: “Tôi đã quen với cảnh sống chết thời giặc giã, vậy mà không tin được khi nghe anh ấy hy sinh. Trước đó không lâu, tôi còn dẫn con trai vào thăm cha nó ở khu chợ Mới Ba Xã, đem thuốc men tiếp viện cho cơ quan. Ba ngày sau khi anh ngã xuống, tôi vào nhưng đồng đội không cho đến nơi chôn cất vì địch đang đóng quân ở đó. Tôi chỉ biết trông cậy vào em chồng là Nguyễn Văn Phụ lúc này đang đi học, còn nhỏ, địch không để ý. Mấy năm sau, em ấy thoát ly rồi hy sinh, các đồng chí chôn cất anh Sơn cũng không còn nên hài cốt chồng tôi chẳng ai hay. Chỉ biết rằng chồng tôi bị thương nặng đứt chân, được đưa lên cơ sở cứu chữa nhưng không qua khỏi. Anh tắt thở tối hôm địch càn, được quàn trong bộ gỗ ván tốt của nhà dân gần đó hiến tặng”.
Theo chị Nguyễn Thị Thủy, con gái của liệt sĩ Nguyễn Văn Sơn, ba chị em đã ròng rã tìm mộ cha suốt hàng chục năm sau giải phóng. Nghe ở đâu có manh mối lại đi dò hỏi nhưng đều thất vọng. Mãi đến năm 1994, từ nguồn cung cấp đáng tin cậy, họ đã tìm chính xác mộ liệt sĩ được chôn cất ở xã Điện Phước (huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, nay là thị xã Điện Bàn), hợp với giấy báo tử. Hài cốt mất một chân, được quàn trong trong bộ ván mộc còn nguyên vẹn như lời kể của đồng đội trước đây. Hiện nay ông được an táng tại nghĩa trang liệt sĩ thành phố.
Bức thư của liệt sĩ Nguyễn Văn Sơn gửi cha. |
Cả gia đình đánh giặc
Tháng 4-1968, ông Nguyễn Sơn đi họp ở Quân khu 5 trên căn cứ. Tại đây nhân có người ra Bắc, ông đã gửi thư cho cha mình đang công tác ở nông trường Quốc doanh Tam Đảo. Lá thư ấy, người cha sau này đem lại về quê hương và hiện nay được cất giữ như báu vật. 53 năm đã trôi qua mà nét chữ vẫn còn rắn rỏi, màu mực tươi tắn, dễ nhìn.
Bức thư ấy không chỉ thông báo cho người cha biết tình hình của gia đình và quê hương mà qua đó nói lên khí phách của người con trai đang trụ bám ở vùng chiến sự. Kể về tình hình phát triển cách mạng của xã Hòa Phụng và Khu 3 Hòa Vang, Phó Bí thư Nguyễn Văn Sơn luôn tin tưởng ngày toàn thắng của đất nước: “Mảnh đất này trở nên lịch sử. Phong trào cách mạng phát triển lên một điểm cao chưa từng thấy”. Nói về mình, người con trai bộc bạch: “Công tác của con có nhiều tiến bộ là nhờ dìu dắt, nuôi dưỡng của Đảng, của nhân dân. Con rất biết ơn nên nguyện đem hết sức mình ra phục vụ cho Đảng và nhân dân, có hy sinh xương máu con cũng sẵn sàng”.
Kể cho bậc sinh thành nghe về 8 người con (3 trai, 5 gái là: Quỳnh, Sơn, Trùng, Phùng, Lộ, Trình, Phụ, Dục) của cha đều tham gia cách mạng , thư viết: “Gia đình ta noi gương cha chú, dòng máu của ba, chúng con đã thoát ly, cầm súng đánh giặc. Mỗi đứa một việc, dù nhỏ bé cũng đều đóng góp vào công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, giành độc lập cho dân tộc”. Anh báo công cho cha thật ấm áp: “Thư này đến tay, chắc ba rất phấn khởi và vui lòng. Những đứa con xa ba từ khi mới bập bẹ, không được ba dạy bảo mà nay đã trưởng thành, đi theo chân lý của Đảng…”. Với sự cứng cỏi lạ thường, anh xúc động tin cho cha biết em trai đã ngã xuống trên mảnh đất quê hương: “Riêng em Lộ đã hy sinh ngày 21-10 âm lịch năm 1965 trong lúc em đang chiến đấu, đó là phần xương máu của gia đình ta trực tiếp đóng góp cho cách mạng, cũng là điều vinh dự ba ạ…”.
Bức thư của liệt sĩ Nguyễn Văn Sơn khắc họa cả một gia đình Hòa Quý tiêu biểu thời đạn lửa. Khi người chồng ra Bắc, vợ ông chung thủy chờ đợi. Niềm vui sum họp không trọn vẹn khi ngày giải phóng, ông Đài về quê hương thì bà Lự mất đã 100 ngày. Ông làm bài thơ nuối tiếc khiến ai nấy nghe đọc đều xót xa. Quá thương nhớ vợ hiền và ba con trai rường cột đã hy sinh, 10 năm sau, ông Đài cũng từ trần khi đang dở dang chuyến đi tìm hài cốt người con ông yêu quý nhất.
Vượt qua những năm tháng khó khăn sau hòa bình, đồng lương khiêm tốn làm công nhân ngành đường sắt, bà Huỳnh Thị Nghệ đã nuôi các con trưởng thành, dần có cuộc sống ổn định. Bà tự hào kể: “Khi anh Sơn mất, đồng đội hỏi có nhắn gửi gì cho vợ không, anh ấy nói: “Vợ tôi kiên cường lắm, không phải lo lắng nhiều”. Tôi thấy mình phải xứng đáng với niềm tin của anh và trách nhiệm với 3 đứa con anh để lại. Thành phố cũng đã tạo điều kiện giúp chúng tôi có nhà cửa theo chế độ chính sách. Điều gia đình mong muốn duy nhất là có một con đường tôn vinh mang tên Nguyễn Văn Sơn ở Hòa Quý nữa thì thật là trọn vẹn với người đã khuất”.
HỒNG VÂN