Thành phố Đà Nẵng có chủ trương đầu tư, chỉnh trang các tuyến đường, đặc biệt là mở rộng các tuyến đường nhỏ theo nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân và từng bước xây dựng hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Để thực hiện được chủ trương này, ngoài sự nỗ lực của các cấp chính quyền, rất cần sự đồng thuận, chung tay của người dân theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”.
Tuyến đường Lý Văn Tố (quận Sơn Trà) vừa được mở rộng từ 5,5m lên 7,5m khang trang từ việc thu hẹp vỉa hè hai bên. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Bài 1: Đường 3,5 - 3,75m: Nhiều hạn chế, bất cập
Các tuyến đường rộng 3,5m, 3,75m gắn liền với quá trình xây dựng và phát triển Đà Nẵng, nhất là giai đoạn đầu tiến hành “công cuộc” đại giải tỏa, di dời, tái định cư cách đây 20 năm. Đến nay, các tuyến đường này ở các quận nội thành đã bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập, gây khó khăn cho người tham gia giao thông, trật tự đô thị... và cản trở sự phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, hiện nay, việc thu hẹp vỉa hè để mở rộng đường là vấn đề trở nên bức thiết hơn bao giờ hết.
“Ngày xưa khang trang, ngày nay chật hẹp”
Cách đây tròn 24 năm, vào ngày 29-3-1997, nhân dịp kỷ niệm 22 năm giải phóng thành phố Đà Nẵng, công trình tuyến đường Bạch Đằng Đông (nay là tuyến đường Trần Hưng Đạo) và công trình hạ tầng kỹ thuật khu dân cư (KDC) An Trung (nay thuộc phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) được khởi công, xây dựng đô thị hiện đại phía đông thành phố và đánh dấu sự “đổi đời” của hàng ngàn hộ dân nghèo, trong đó có 650 hộ dân “nhà chồ”.
Do số lượng hộ giải tỏa quá lớn nên bên cạnh việc thi công KDC An Trung, Ban quản lý dự án (QLDA) công trình tuyến đường Bạch Đằng Đông đã giải tỏa thêm đất để thi công KDC An Mỹ (cũng thuộc phường An Hải Tây) với tổng diện tích 2 KDC là 25ha, bố trí khoảng 1.100 lô đất để bố trí tái định cư (TĐC) cho các hộ giải tỏa.
Chỉ sau hơn một năm tích cực vận động, nhiều hộ dân ở trên bờ đã nhường những mảnh đất vườn, thửa ruộng, hồ ao cùng các hộ “nhà chồ” đã tháo dỡ nhà cửa, bàn giao mặt bằng xây dựng 1.940m đầu tiên (trong tổng số 4.000m) của công trình tuyến đường Bạch Đằng Đông và xây dựng 2 KDC. 955 hộ giải tỏa đã được bố trí 931 lô đất TĐC để xây dựng nhà ở, trong đó, nhiều hộ dân “nhà chồ” đã nhận đất TĐC được mua nợ của Nhà nước và 10 triệu đồng xây dựng nhà ở tại 2 KDC nói trên.
Đặc biệt, có nhiều hộ được bố trí TĐC tại những tuyến đường chỉ rộng 3,5m và 3,75m nhưng có vỉa hè và hệ thống cung cấp điện được ngầm hóa. Nhiều căn nhà mới cao 2-3 tầng mọc lên hình thành những KDC mới khang trang, đẹp đẽ, mang dáng dấp của một đô thị và mở đầu một thời kỳ bắt tay xây dựng, mở rộng ranh giới đô thị của Đà Nẵng mà đến nay (tính từ khi Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào ngày 1-1-1997), hơn 120.000 hộ dân thành phố đã nhường đất, giải tỏa, di dời nhà ở để thực hiện khoảng 1.400 dự án thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất với tổng diện tích hơn 17.500ha, giúp mở rộng diện tích đô thị khu vực nội thành từ 5.600ha lên 21.000ha.
Tuy nhiên, với sự phát triển kinh tế-xã hội cùng công cuộc chỉnh trang đô thị mạnh mẽ của thành phố, những tuyến đường rộng 3,5m hoặc 3,75m được xây dựng từ cách đây hơn 20 năm, trong đó, nhiều tuyến đường có vỉa hè chỉ rộng 0,8m hoặc 1,2m hiện đã trở nên chật chội. Không ít người dân tiếc nuối vì trước đây xin đổi đất từ đường 5,5m, 7,5m và 10,5m về đường 3,5m, 3,75m để giảm nhẹ tiền đất phải nộp cho Nhà nước.
Ông Nguyễn Văn Bảy (người dân ở KDC An Trung) bày tỏ: “Hồi đó, do đất ở đường lớn nhiều tiền nên gia đình tôi xin đổi đất về đường nhỏ. Hơn nữa, người dân cứ nghĩ là sống ở “nhà chồ” trên sông nước chỉ với mấy cọc tre và mảnh ván còn được, huống chi là có đất ở rộng 55m2 và có đường nhựa, vỉa hè. Đến bây giờ thực sự tiếc vì vỉa hè nhỏ, không đủ để xe máy, nhiều nhà phải để xe máy dưới lòng đường, ô-tô cũng không lưu thông được”.
Còn ông Trương Thanh Ngọc (người dân ở tuyến đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, KDC An Mỹ) chia sẻ: “Tuyến đường Nguyễn Bỉnh Khiêm chỉ rộng 3,75m, vỉa hè mỗi bên rộng 2m nên rất chật chội, thường hay ách tắc giao thông khi có ô-tô lưu thông và nếu có sự cố cháy nổ hay đưa người đi cấp cứu thì xe cứu hỏa, xe cứu thương cũng phải dừng lại ở trục đường chính có bề rộng 5,5m chứ không thể chạy vào được”.
Tương tự như 2 KDC An Trung và An Mỹ, do áp lực về quỹ đất TĐC cũng như suất đầu tư thấp và nguyện vọng của người dân chỉ cần bố trí đất TĐC ở những tuyến đường nhỏ với diện tích đất nhỏ, các cơ quan chức năng đã quy hoạch, xây dựng nhiều KDC ở các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Liên Chiểu, Hải Châu, Thanh Khê, Cẩm Lệ với các tuyến đường chỉ rộng 3,5m hoặc 3,75m, vỉa hè mỗi bên rộng từ 3m trở xuống, thậm chí có tuyến vỉa hè rộng 0,8m.
Giám đốc Ban Quản lý dự án (QLDA) đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng Võ Tiến Dũng (trước đây là cán bộ của Ban QLDA công trình tuyến đường Bạch Đằng Đông) cho rằng, trước đây, việc quy hoạch xây dựng các tuyến đường chỉ rộng 3,5m hay 3,75m, 5,5m, 7,5m... và các kích thước vỉa hè, hạ tầng kỹ thuật... đều căn cứ theo các quy định của pháp luật lúc bấy giờ. Mặt khác, vào thời điểm đó, do suất TĐC quá thấp, áp lực bố trí TĐC quá lớn, kinh phí đầu tư không có nhiều... nên đã quy hoạch, xây dựng những tuyến đường, vỉa hè, diện tích lô đất... phù hợp với các quy định, tình hình lúc đó cũng như nhu cầu, nguyện vọng của người dân.
“Thời điểm đó, bề rộng lòng đường, vỉa hè như vậy là phù hợp. Hơn nữa, xây dựng đường, vỉa hè nhỏ thì diện tích đất được rộng ra, tạo ra quỹ đất TĐC nhiều, chứ đầu tư bề rộng lòng đường và vỉa hè lớn thì quỹ đất TĐC ít đi. Nhưng đến bây giờ, cần thiết phải mở rộng các tuyến đường nhỏ này để phục vụ giao thông và phát triển kinh tế-xã hội”, ông Võ Tiến Dũng nói.
Sau hơn 20 năm, nhiều tuyến đường rộng 3,5m, 3,75m đã trở nên bất cập, chật hẹp, cản trở giao thông và phát triển kinh tế-xã hội. TRONG ẢNH: Người dân lưu thông trên tuyến đường An Trung 15 ở khu dân cư An Trung, phường An Hải Tây, quận Sơn Trà. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Bức thiết mở rộng lòng đường
Theo thống kê tại các quận Sơn Trà, Liên Chiểu, Hải Châu và Ngũ Hành Sơn, có hơn 150 tuyến đường có bề rộng 3,5m và 3,75m được xây dựng từ cách đây hơn 20 năm. Các tuyến đường nhỏ này ngày càng trở nên chật chội, cản trở giao thông và phát triển kinh tế-xã hội, đặc biệt là gây khó khăn cho công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố xảy ra...
Chủ tịch UBND quận Hải Châu Lê Tự Gia Thạnh cho biết: “Trên địa bàn quận có 34 tuyến đường rộng 3,5m và bề rộng vỉa hè chỉ từ 1,1-3m. Qua thời gian khai thác, sử dụng, quận nhận thấy, với bề rộng lòng đường có quy mô 1 làn xe là không đáp ứng yêu cầu giao thông, gây khó khăn cho công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ khi có sự cố xảy ra. Do đó, cần đầu tư xây dựng mở rộng các tuyến đường này lên 5,5m nhằm hoàn thiện cơ sở hạ tầng KDC, đáp ứng với yêu cầu phát triển giao thông, phục vụ dân sinh đồng thời bảo đảm công tác cứu nạn, cứu hộ khi sự cố xảy ra, góp phần thúc đẩy đời sống nhân dân, phát triển kinh tế-xã hội”.
Bí thư Quận ủy Liên Chiểu Trần Phước Sơn cũng cho rằng: “Việc triển khai đầu tư mở rộng các tuyến đường có bề rộng 3,75m lên thành 5,5m trên địa bàn quận Liên Chiểu (có tổng cộng 34 tuyến đường rộng 3,75m, vỉa hè rộng từ 1,3-5m, được xây dựng từ cách đây hơn 20 năm có kết cấu mặt đường thâm nhập nhựa hoặc bê-tông xi-măng) sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của địa phương”.
Thời gian qua, Ban QLDA đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng phối hợp với các quận Hải Châu, Sơn Trà, Liên Chiểu và Ngũ Hành Sơn đề xuất UBND thành phố đầu tư mở rộng 96 tuyến đường có bề rộng 3,5m, 3,75m có bề rộng vỉa hè mỗi bên khoảng 3m lên đường rộng 5,5m theo hướng thu hẹp vỉa hè hai bên với tổng kinh phí khái toán hơn 243 tỷ đồng. Trong đó, trên địa bàn quận Hải Châu có 24 tuyến đường được để xuất mở rộng với tổng kinh phí khái toán là 66 tỷ đồng; quận Liên Chiểu có 29 tuyến đường với kinh phí khái toán hơn 79 tỷ đồng; quận Ngũ Hành Sơn có 15 tuyến đường với kinh phí khái toán hơn 25 tỷ đồng; quận Sơn Trà có 28 tuyến đường với kinh phí khái toán hơn 73 tỷ đồng.
HOÀNG HIỆP