Từ hôm nay (1-7-2021), thành phố Đà Nẵng thực hiện thí điểm mô hình chính quyền đô thị (CQĐT) theo Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội (khóa XIV) về thí điểm tổ chức mô hình CQĐT và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng. Đây là cơ hội để thành phố chủ động, linh hoạt trong lãnh đạo, điều hành để vận hành bộ máy chính quyền các cấp phát huy hiệu lực, hiệu quả, góp phần phát triển thành phố trong giai đoạn mới.
Việc thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị được kỳ vọng sẽ đưa thành phố Đà Nẵng tiếp tục phát triển nhanh, bền vững. TRONG ẢNH: Một góc đô thị Đà Nẵng nhìn từ phía tây sông Hàn. Ảnh: XUÂN SƠN |
Bài 1: Những điểm mới về chính quyền đô thị ở Đà Nẵng
Nghị quyết số 119/2020/QH14 là văn bản quan trọng của Quốc hội nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tạo những cơ chế, chính sách vượt trội để phát triển thành phố.
Mô hình chính quyền đô thị
Theo Nghị quyết số 119/2020/QH14, chính quyền thành phố Đà Nẵng được tổ chức thành một cấp chính quyền địa phương gồm HĐND và UBND. Chính quyền địa phương ở các quận thuộc Đà Nẵng là UBND quận (không tổ chức HĐND quận). UBND quận là cơ quan hành chính Nhà nước ở quận, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của nghị quyết này và theo phân cấp, ủy quyền của UBND, chủ tịch UBND thành phố.
Chính quyền địa phương ở các phường là UBND phường (không tổ chức HĐND phường). UBND phường là cơ quan hành chính Nhà nước ở phường, thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của nghị quyết này và theo phân cấp, ủy quyền của UBND, chủ tịch UBND thành phố, UBND quận. Việc tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính khác của Đà Nẵng được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Nghị quyết cũng quy định thẩm quyền của HĐND thành phố trong việc giám sát hoạt động của UBND quận, UBND phường, Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân quận; xem xét việc trả lời chất vấn của đại biểu HĐND thành phố đối với chủ tịch UBND quận, Chánh án Tòa án nhân dân, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân quận. Đồng thời, để cụ thể hóa cơ chế chịu trách nhiệm của chủ tịch UBND quận trước HĐND thành phố, nghị quyết quy định HĐND thành phố có thẩm quyền lấy phiếu tín nhiệm đối với chủ tịch UBND quận.
Việc thí điểm mô hình CQĐT tại Đà Nẵng là để phù hợp với tính chất, đặc điểm trong quản lý đô thị mà không làm giảm vai trò của cơ quan dân cử. Theo Giám đốc Sở Nội vụ Võ Ngọc Đồng, việc xây dựng nghị quyết bảo đảm các quan điểm, nguyên tắc như bảo đảm phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng phù hợp với mô hình CQĐT; nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND thành phố và hiệu quả công tác giám sát, phản biện của Ủy ban MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, phát huy quyền làm chủ của nhân dân; bảo đảm sự quản lý và chỉ đạo tập trung, thống nhất của UBND thành phố phù hợp với đổi mới về tổ chức và hoạt động của UBND quận, phường theo hướng tăng cường chế độ trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu, phát huy tính chủ động, năng động, linh hoạt; thực hiện thống nhất chế độ công vụ, công chức trong các cơ quan hành chính Nhà nước của thành phố Đà Nẵng; cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của UBND quận, phường, tăng cường chất lượng phục vụ tốt hơn để đáp ứng sự hài lòng của người dân.
Theo Nghị quyết số 119/2020/QH14, chủ tịch UBND thành phố có quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển công tác chủ tịch, phó chủ tịch UBND quận và huyện đảo. TRONG ẢNH: Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết và Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh (giữa) trao quyết định bổ nhiệm các phó chủ tịch UBND quận và huyện Hoàng Sa ngày 30-6. Ảnh: NGỌC PHÚ |
Phù hợp yêu cầu phát triển của thành phố
Nghị quyết số 119/2020/QH14 hướng đến mục tiêu xây dựng bộ máy chính quyền thành phố gọn nhẹ, hoạt động nhanh nhạy, thông suốt hơn; cơ quan hành chính tích cực, chủ động điều hành, giải quyết kịp thời và hiệu quả những vấn đề cấp bách ở địa phương; góp phần tích cực vào việc cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài và trong nước, sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động.
Để cụ thể hóa việc triển khai nghị quyết, ngày 29-3-2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 34/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và biện pháp thi hành Nghị quyết số 119/2020/QH14. Theo Nghị định số 34/2021/NĐ-CP, nguyên tắc hoạt động của UBND quận được quy định thêm những điểm mới như sau: UBND quận làm việc theo chế độ thủ trưởng; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ. Chủ tịch UBND quận là người đứng đầu UBND quận, có trách nhiệm lãnh đạo, quản lý, điều hành UBND quận thực hiện chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao.
Để UBND quận làm việc theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, nghị định đã quy định các biện pháp thi hành, gồm: quy định trách nhiệm cụ thể của chủ tịch quận và phó chủ tịch quận; quy định quan hệ công tác của UBND quận với UBND, chủ tịch UBND thành phố; quan hệ công tác của UBND quận với Quận ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở quận; quy định chi tiết những nội dung quan trọng phải được thảo luận tập thể trước khi chủ tịch quận quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
Công chức của quận làm việc theo quy chế làm việc, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ và tuân thủ các quy định của pháp luật (nhiệm vụ, quyền hạn của UBND quận quy định tại khoản 2, 3, 5, 9 Điều 5 Nghị quyết số 119/2020/QH14). Các quy định chi tiết khác liên quan gồm: Tổ chức các cuộc họp của UBND quận; tổ chức hội nghị đối thoại giữa chủ tịch UBND quận với nhân dân; trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật của UBND quận; xử lý kiến nghị của HĐND thành phố về kết quả lấy phiếu tín nhiệm đối với chủ tịch quận.
Nghị định số 34/2021/NĐ-CP cũng quy định cơ cấu tổ chức của UBND phường gồm: chủ tịch phường; phó chủ tịch phường; trưởng công an phường; chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự phường; các công chức: văn phòng - thống kê; địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường; tài chính - kế toán; tư pháp - hộ tịch; văn hóa - xã hội. UBND phường làm việc theo chế độ thủ trưởng và số biên chế công chức bình quân làm việc là 15 người.
Có thể nói, việc ban hành Nghị quyết số 119/2020/QH14 của Quốc hội thí điểm tổ chức mô hình CQĐT và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng phù hợp với yêu cầu phát triển, quy mô kinh tế - xã hội, trình độ và yêu cầu quản lý đô thị đối với Đà Nẵng. Nghị quyết này cùng với Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị sẽ giúp thành phố tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, xứng đáng là đầu tàu, động lực dẫn dắt phát triển kinh tế - xã hội miền Trung - Tây Nguyên; tạo sức thu hút của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, đóng góp lớn hơn vào sự phát triển của cả nước như mục tiêu đã đề ra.
Việc thí điểm mô hình CQĐT hướng đến hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của các cấp chính quyền và chất lượng, hiệu quả cung ứng dịch vụ công trên địa bàn. Nhiều năm qua người dân đã được hưởng lợi từ những dịch vụ công, nay sẽ được triển khai, đẩy mạnh hơn nữa, đến mức 4 -5, thúc đẩy việc hình thành đô thị văn minh, hiện đại. CQĐT đề cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của người đứng đầu, huy động cao nhất mọi nguồn lực cho sự phát triển bền vững, qua đó hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị được nâng lên. Mô hình CQĐT nhấn mạnh đến việc giữ vững vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, phát huy vai trò, trách nhiệm của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân.
T. HUY - H.NHUNG - L.PHƯƠNG