Ngày 30-6, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) phối hợp với UBND thành phố khởi động dự án hỗ trợ kỹ thuật an ninh năng lượng đô thị Việt Nam tại Đà Nẵng. Dự án được kỳ vọng sẽ giúp thu hút đầu tư xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố, trực tiếp mang lại lợi ích cho người dân với môi trường sống xanh, sạch hơn.
Bà Ann Marie Yastishock, Giám đốc USAID tại Việt Nam. Ảnh: PHONG LAN |
Trao đổi với Báo Đà Nẵng về dự án này, bà Ann Marie Yastishock, Giám đốc USAID tại Việt Nam, cho biết:
- Đà Nẵng có tiềm năng lớn về phát triển điện mặt trời cũng như áp dụng các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Để lựa chọn địa phương phù hợp cho việc thực hiện dự án, USAID đã tổ chức đánh giá 6 thành phố lớn của Việt Nam theo một số tiêu chí, gồm: tiềm năng phát triển thị trường năng lượng, GDP bình quân đầu người, dân số, các hệ thống quản lý, mức tiêu thụ điện năng và sự sẵn lòng của chính quyền trong việc hợp tác với USAID nhằm thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch. Kết quả đánh giá cho thấy, Đà Nẵng là một trong những thành phố phù hợp nhất để thực hiện các hoạt động của dự án.
* Từ công tác chuẩn bị và nghiên cứu tiền khả thi trong những năm qua, bà cho biết đâu sẽ là thuận lợi và khó khăn của Đà Nẵng khi dự án chính thức được triển khai?
- Tiềm năng về điện mặt trời và cam kết của chính quyền thành phố trong ứng phó biến đổi khí hậu là những lợi thế của Đà Nẵng khi thực hiện dự án này. Đà Nẵng hiện có công suất lắp đặt điện mặt trời áp mái dưới 100MWp, trong khi tiềm năng của thành phố là hơn 1.000 MWp, đồng nghĩa với việc vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển năng lượng mặt trời nhằm phần nào thay thế nhiên liệu hóa thạch như than, dầu và khí. Bên cạnh đó, Đà Nẵng cũng được coi là một trong những đô thị thông minh, xanh và năng động bậc nhất tại Việt Nam.
Chính quyền thành phố đã thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với công tác ứng phó biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, thực hiện các dự án về năng lượng tái tạo và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả thông qua việc ban hành các chỉ tiêu và kế hoạch hành động cụ thể.
Một số thách thức trong việc triển khai thực hiện dự án có thể bao gồm việc chưa có một môi trường tạo thuận lợi cho huy động đầu tư tư nhân và triển khai các kế hoạch hành động nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo và thực hiện các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả. Để giải quyết những thách thức này, USAID sẽ phối hợp chặt chẽ với thành phố để cải thiện các quy định pháp lý liên quan đến phát triển năng lượng sạch. Ngoài ra, USAID cũng sẽ hợp tác với các doanh nghiệp tư nhân để mở rộng đầu tư vào lĩnh vực ứng dụng và triển khai các giải pháp năng lượng sáng tạo.
Thành phố Đà Nẵng luôn hướng đến xây dựng đô thị sinh thái, hài hòa với môi trường. TRONG ẢNH: Tuyến đường Trần Phú có tỷ lệ cây xanh che phủ cao. Ảnh: P.V |
* Dự án sẽ tập trung vào các giải pháp năng lượng sạch nào tại Đà Nẵng và lý do lựa chọn các giải pháp này?
- USAID sẽ hỗ trợ triển khai các giải pháp năng lượng phân tán tiên tiến như điện mặt trời áp mái, xe điện, điện rác và các hệ thống pin dự trữ năng lượng. Song song với việc thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, USAID cũng phối hợp với chính quyền thành phố và các bên liên quan triển khai các giải pháp sử dụng năng lượng hiệu quả tiên tiến, chẳng hạn như trong lĩnh vực chiếu sáng công cộng, bảo quản lạnh và các quy trình sản xuất công nghiệp khác.
Các giải pháp năng lượng sạch này sẽ giúp tăng cường năng lực cạnh tranh của thành phố, thu hút đầu tư xanh và trực tiếp mang lại lợi ích cho người dân với môi trường sống trong sạch hơn. Về lâu dài, các giải pháp này cũng sẽ góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu đối với thành phố và người dân.
* Những nhiệm vụ sẽ được thực hiện từ bây giờ cho đến cuối năm 2021 là gì, thưa bà?
- Dự án sẽ hỗ trợ kỹ thuật cho Sở Công thương, cơ quan trực tiếp liên quan đến công tác triển khai các chiến lược phát triển năng lượng sạch của thành phố. Cụ thể, chúng tôi sẽ hỗ trợ thành lập một tổ công tác về phát triển năng lượng sạch để giúp việc cho sở và UBND thành phố trong việc cải thiện sự ổn định của hệ thống năng lượng đô thị và tăng cường an ninh năng lượng. Chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ xây dựng chương trình tập huấn cho các cán bộ quản lý năng lượng của thành phố về cách lập kế hoạch và triển khai các hoạt động sử dụng năng lượng hiệu quả tại cơ sở.
Bên cạnh đó, hỗ trợ thành lập giải thưởng về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả để chính quyền thành phố vinh danh các doanh nghiệp địa phương có nỗ lực và thành tựu xuất sắc trong lĩnh vực này; đồng thời hỗ trợ đánh giá các quy định, chính sách và cơ chế cấp địa phương và Trung ương, từ đó đưa ra khuyến nghị cải thiện nhằm giúp thực hiện kế hoạch của thành phố liên quan đến Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2020-2030.
* Xin cám ơn bà!
PHONG LAN thực hiện