Cách làm hay từ mô hình 'tự cung tự cấp' thực phẩm

.

ĐNO - Trước tình hình Covid-19 diễn biến phức tạp, để bảo đảm nhu cầu sử dụng thực phẩm tươi sống cho nhân dân, lãnh đạo một số địa phương ở huyện Hòa Vang sáng tạo mô hình “tự cung, tự cấp” thực phẩm. Mô hình này không chỉ giúp người dân tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi, rau củ, mà còn góp phần ngăn chặn dịch bệnh có nguy cơ xâm nhập từ bên ngoài vào.

Được ăn thịt heo tươi sống, người dân rất phấn khởi. Ảnh: NGỌC ĐOAN
Được ăn thịt heo tươi sống, người dân rất phấn khởi. Ảnh: NGỌC ĐOAN

Trong lúc nguồn thực phẩm, nhất là thịt heo, bò dự trữ dần cạn kiệt, hai ngày qua, người dân ở xã Hòa Phú phấn khởi khi được ăn thịt heo tươi sống, mua từ nguồn thịt heo do UBND xã Hòa Phú tổ chức mổ.

Chị Nguyễn Thị Sâm, trú thôn Hội Phước (xã Hòa Phú) vui mừng cho biết: “Trước khi thực hiện chủ trương “ai ở đâu thì ở đó” của thành phố, gia đình tôi mua ít thịt heo, thịt bò để tủ lạnh, ăn dần. Hôm nay được mua 2 ký thịt heo tươi sống do tổ Covid-19 cộng đồng thôn mang đến, cả nhà vui lắm”.

Theo ông Nguyễn Tân, Chủ tịch UBND xã Hòa Phú, trước nhu cầu sử dụng thịt gia súc, gia cầm của người dân tăng cao, UBND xã tạo điều kiện cho cho người dân mổ heo bán theo hướng “tự cung, tự cấp” trên địa bàn xã.

Quy trình thực hiện rất nghiêm ngặt: Người dân đăng ký nhu cầu mua với tổ Covid-19 cộng đồng thôn, rồi sau đó báo lên xã. Sau khi kiểm tra khu vực, người mổ heo bảo đảm điều kiện phòng, chống dịch, vệ sinh môi trường thì cho mổ. Thịt heo được các thành viên tổ Covid-19 cộng đồng mang đến tận nhà dân giao. Sáng 25-8, xã tổ chức mổ 6 con heo được khoảng 600 kg thịt nhưng vẫn không đủ phục vụ nhu cầu của người dân.

“Cái lợi là trong lúc dịch bệnh khó khăn, người chăn nuôi được tiêu thụ sản phẩm, còn người dân trong lúc chấp hành quy định “ai ở đâu thì ở đó” vẫn được ăn thịt tươi sống, chất lượng. Với mô hình này, hạn chế được nguy cơ xâm nhập dịch bệnh từ những người đưa hàng ở nơi khác đến”, ông Tân nói thêm.

Ở xã Hòa Sơn, một số thôn trên địa bàn có ca mắc Covid-19 nên UBND xã cho phép 4 thôn áp dụng mô hình “tự cung, tự cấp” thực phẩm. Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Sơn Nguyễn Duy Phương, những hộ mổ heo, bò chỉ làm trong phạm vi người nhà và không thuộc diện F1, F2.

Sau khi mổ thịt xong, các thành viên tổ Covid-19 cộng đồng mang đi phân phát cho người dân. Trong điều kiện thực hiện giãn cách xã hội nghiêm ngặt, sau mấy ngày triển khai thực hiện mô hình này, cho thấy nguồn cung cấp thực phẩm khá ổn và an toàn, người dân rất hoan nghênh.

Đến thời điểm hiện nay, Hòa Bắc là một trong hai “vùng xanh” trên địa bàn thành phố. Từ ngày Đảng ủy xã Hòa Bắc ra nghị quyết để bảo vệ “vùng xanh”, mô hình “tự cung, tự cấp” lương thực, thực phẩm phát huy hiệu quả khá tốt, được người dân đồng tình ủng hộ.

Bên cạnh việc người dân sử dụng thịt gà, vịt, rau củ quả tự trồng, thời gian qua, UBND xã Hòa Bắc cũng cho phép một số hộ dân mổ heo, bò để tiêu thụ, đồng thời đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân.

Theo ông Trương Thanh Nhân, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc, cùng với việc chốt chặn các cửa ngõ để phòng, chống Covid-19, chính quyền địa phương xây dựng phương án “tự cung, tự cấp” bảo đảm nguồn lương thực, thực phẩm cho người dân. Cũng theo ông Nhân, hiện nay, nguồn gia súc, gia cầm trên địa bàn xã Hòa Bắc khá dồi dào, đủ sức cung ứng các sản phẩm thịt cho người dân.  

Ông Nguyễn Hà Nam, Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho biết, hiện nay ở một số xã trên địa bàn huyện thực hiện mô hình “tự cung, tự cấp” lương thực, thực phẩm, bảo đảm các quy định về công tác phòng, chống Covid-19.

Tuy nhiên, lãnh đạo các địa phương khi triển khai thực hiện cần lưu ý công tác bảo vệ môi trường sau khi giết mổ gia súc, gia cầm, cũng như các vấn đề về an toàn thực phẩm để bảo đảm sức khỏe người dân.

NGỌC ĐOAN

;
;
.
.
.
.
.