Trước ảnh hưởng của bão số 5 (Côn Sơn), quận Sơn Trà đã triển khai các phương án di dời dân, phương tiện tàu thuyền vào nơi trú ẩn, neo đậu an toàn để vừa bảo đảm hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa bão, vừa làm tốt công tác phòng, chống dịch.
Các lực lượng chức năng giúp ngư dân phường Thọ Quang và Mân Thái (quận Sơn Trà) đưa thúng máy lên bờ trú bão. Ảnh: HOÀNG HIỆP |
Tại phường Mân Thái, trước khi cơn bão số 5 gây mưa to, gió lớn, 150 thuyền thúng, tàu lớn nhỏ các loại đã được cẩu hết lên bờ ngay trong ngày 10-9. Các lực lượng chức năng đã thông báo, hướng dẫn 4.594 hộ với 19.114 người dân chủ động chằng chống nhà ở. Phường Mân Thái hiện có 2.147 ngôi nhà có mê đúc kiên cố và 930 ngôi nhà cấp 4 có nơi tránh bão. Bên cạnh đó, phường tổ chức các đoàn kiểm tra, huy động lực lượng đoàn viên thanh niên tham gia chằng chống những khu vực có khả năng tốc mái tại chợ Mân Thái, cơ sở vật chất trường học trên địa bàn; chuẩn bị sẵn 3 khu sơ tán với sức chứa khoảng hơn 2.000 người.
Khó khăn lớn nhất trong công tác ứng phó với thiên tai tại phường Mân Thái là số lượng nhà cấp 4 không có nơi tránh bão còn nhiều với 1.241 căn, một số tổ dân phố số 10, 31, 24 -27, hay tuyến đường Hồ Thấu thường xuyên xảy ra tình trạng ngập úng cục bộ khi có mưa lớn. “Hiện trên địa bàn phường còn 6 trường hợp đang thực hiện cách ly tập trung. Chúng tôi xuyên suốt phương châm “bốn tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ), trong đó, thống nhất hướng dẫn người dân sơ tán tại nhà nhằm bảo đảm cùng lúc hai mục tiêu trên”, ông Nguyễn Lâm Hà, Chủ tịch UBND phường Mân Thái cho biết.
Để ứng phó với cơn bão số 5 vừa qua, UBND quận Sơn Trà xây dựng các phương án ứng phó ở cấp độ cao nhất, phòng trường hợp khi tình huống xấu xảy ra thì có biện pháp xử lý kịp thời. Năm nay, công tác phòng, chống mưa bão diễn ra trong tình thế phải bảo đảm an toàn phòng, chống dịch. “Qua bao nhiêu mùa mưa bão, dù có kinh nghiệm trong việc ứng phó với thiên tai nhưng chúng tôi chưa bao giờ chủ quan. Ngay từ khi có thông tin ban đầu về bão số 5, lãnh đạo quận đã giao các đơn vị, ngành liên quan triển khai rà soát, lên phương án phòng, chống bão lụt cụ thể, chi tiết. Năm nay, khó khăn chồng thêm khó khăn, trong đó việc tổ chức lực lượng và quá trình di dân là vấn đề lớn khi phải bảo đảm không để xảy ra thiệt hại lớn về người và của, vừa hạn chế tình trạng lây lan dịch bệnh. Toàn quận đã chủ động 31 điểm sơ tán dân”, ông Huỳnh Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND quận Sơn Trà chia sẻ.
Ông Hùng cũng cho biết thêm, trong các ngày 9 và 10-9, tại các phường Mân Thái, Thọ Quang, nhất là âu thuyền Thọ Quang, các lực lượng đã di chuyển lên bờ, kêu gọi cho cập bến trú ẩn hàng trăm tàu thuyền của ngư dân; đồng thời, kêu gọi chủ phương tiện nhanh chóng di chuyển về nơi trú ẩn. Riêng tại khu vực âu thuyền Thọ Quang, các ngành chức năng phối hợp Ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang tiến hành nắm chắc danh sách số người ra, vào và thực hiện test nhanh SARS-CoV-2 cũng như có kế hoạch phong tỏa, cách ly số lượng người này.
Đối với các khu, điểm cách ly đang hoạt động, có phương án bảo đảm điều kiện ăn ở, sinh hoạt của bà con nhân dân; đối với khu vực “vùng đỏ” (thuộc phường An Hải Đông), quận chỉ đạo phường cùng các đơn vị liên quan tổ chức giúp người dân chằng chống nhà cửa, bảo vệ cơ sở vật chất để phòng, tránh bão lụt.
Theo ông Võ Xuân Nhân, Chủ tịch UBND phường An Hải Đông, trên địa bàn phường hiện có 2 khu vực cách ly y tế tại tuyến đường Phạm Cự Lượng và số 118 Nguyễn Duy Hiệu. Để ứng phó với bão số 5 vừa qua, phường tập trung triển khai các phương án phòng, chống bão lụt đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, kết hợp tuyên truyền, hỗ trợ người dân trên toàn địa bàn chủ động gia cố, bảo vệ tài sản, khuyến cáo không ra khỏi nhà tránh gây ảnh hưởng đến tính mạng. Đồng thời, chuẩn bị một số điểm trú bão tại trường THPT và THCS trong trường hợp cần di dời dân.
Đặc biệt, đối với các hộ dân trong 2 khu vực cách ly y tế tại đường Phạm Cự Lượng và số 118 Nguyễn Duy Hiệu, phường thường xuyên có các đoàn kiểm tra, giám sát xuống tuyên truyền, hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, rà soát và quản lý chặt chẽ số lượng người ra vào khu vực này. Đối với các trường hợp cần sơ tán, lực lượng chức năng sẽ tiến hành đúng theo các quy trình phòng, chống dịch. Bài học kinh nghiệm về công tác phòng chống bão lụt, giảm nhẹ thiên tai là phát huy hiệu quả phương châm 4 tại chỗ và chủ động chuẩn bị các phương án, kế hoạch chi tiết, sát với thực tiễn.
Ngay trong sáng 12-9, sau khi mưa lớn giảm bớt cường độ, UBND quận Sơn Trà đã cử lực lượng chức năng tiến hành thiết lập lại các chốt phòng, chống dịch ở các điểm cách ly y tế, khu vực phong tỏa nhằm bảo đảm mục tiêu giữ vững các “vùng xanh”.
KHÁNH HÒA