Sau khi Phiên họp thứ 3 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được khai mạc, sáng 13-9, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi).
Toàn cảnh Phiên họp thứ 3 Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 13-9-2021. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN |
Tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày đã nêu rõ sự cần thiết ban hành Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi). Theo đó, việc sửa đổi luật hiện hành nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng; khắc phục những hạn chế, bất cập sau hơn 20 năm thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2000.
Mục tiêu xây dựng Luật là nhằm hoàn thiện quy định pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; xử lý những mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập của Luật Kinh doanh bảo hiểm với các văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội ban hành, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật. Mục tiêu tiếp theo là cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm kết hợp với việc cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra chuyên ngành, bảo đảm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước và phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, khách hàng, sự an toàn của cả hệ thống, tiết giảm chi phí xã hội. Dự thảo Luật gồm 8 chương, 156 điều.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, đại diện cơ quan thẩm tra, cho biết: Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết sửa đổi Luật Kinh doanh bảo hiểm như các lý do đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ. Hồ sơ dự án Luật đã được cơ quan soạn thảo chuẩn bị công phu, cơ bản đầy đủ, đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV.
Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy, các nội dung của dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, quy định của Hiếp pháp năm 2013 và tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Tuy nhiên, Luật này sau khi được thông qua thì có một số quy định liên quan tới nhiều luật khác. Do đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục rà soát kỹ, đối chiếu với các luật liên quan nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.
Một số Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng việc quy định tính đặc thù áp dụng đối với luật này quá rộng dẫn đến chồng chéo và một số quy định không đảm bảo tính thống nhất. Về đảm bảo tính hợp hiến và Bộ luật Dân sự, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng lưu ý, việc đảm bảo hệ thống cơ sở dữ liệu, thông tin thị trường bảo hiểm (Điều 6) phải có giới hạn rõ ràng. Việc quản lý thông tin để đưa vào cơ sở dữ liệu, quy định trách nhiệm của các doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp thông tin cũng như cơ sở dữ liệu cung cấp thông tin liên quan đến người mua bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm cần rà soát kỹ để không trái với Hiến pháp, Bộ luật Dân sự về đảm bảo quyền bí mật riêng tư, thông tin cá nhân, gia đình.
Liên quan đến nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung cụ thể hơn các quy định để tạo cơ sở pháp lý cho việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm thương mại, trong đó giao Bộ Tài chính quản lý toàn diện và có trách nhiệm ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm thương mại.
Trưởng ban Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, một số điều của dự án Luật chưa thống nhất với Bộ luật Dân sự. Bà Thanh dẫn chứng, Điều 19, 22 của dự án Luật chưa có quy định cụ thể về hậu quả pháp lý của việc đình chỉ hợp đồng, mới chỉ có quy định về hậu quả pháp lý của hợp đồng vô hiệu và chấm dứt hợp đồng dẫn đến việc áp dụng của luật này với Bộ luật Dân sự có cách hiểu khác nhau; quy định hủy bỏ hợp đồng bảo hiểm được quy định tại điều 34 của Luật Kinh doanh bảo hiểm hiện hành chưa có sự thống nhất với quy định về hậu quả việc hủy bỏ hợp đồng được quy định tại Điều 427 - Bộ luật Dân sự. Ngoài ra, Điều 30 của Luật Kinh doanh bảo hiểm quy định 3 năm kể từ khi phát sinh tranh chấp đang khác biệt với Bộ luật Dân sự về thời hiệu yêu cầu bồi thường thiệt hại 3 năm. Trưởng ban Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh đề nghị rà soát lại những quy định của luật này với Bộ luật Dân sự.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá, dự án Luật đã được Bộ Tài chính soạn thảo sớm, các cơ quan của Quốc hội cũng vào cuộc từ rất sớm; hồ sơ đầy đủ, công phu.
Đánh giá thị trường bảo hiểm nước ta phát triển nhanh nhưng vẫn thấp so với tiềm năng và so với mặt bằng thế giới, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh,“sau khi được ban hành, luật này có tạo ra cú hích hay không để thị trường phát triển là điều rất quan trọng”. Do đó, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, ngoài những nội dung mà Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đã thẩm tra thì cơ quan soạn thảo cần chú trọng ý kiến của các cơ quan: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đồng thời cũng phải tổng kết thực tiễn và áp dụng các khuyến nghị quốc tế; rà soát lại phạm vi điều chỉnh của dự án luật.
Về hợp đồng bảo hiểm, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu rà soát kỹ lại hợp đồng dân sự; xem xét tính tương thích của hợp đồng, đồng thời tính toán đảm bảo công bằng giữa các bên.
Theo TTXVN