Dân vận khéo vượt qua dịch bệnh

.

Xác định công tác phòng, chống Covid-19 là nhiệm vụ chính trị cấp bách hàng đầu, cả hệ thống chính trị và nhân dân thành phố cùng vào cuộc, chung tay, sát cánh đẩy lùi dịch bệnh.

Nhờ dân vận khéo, nhân dân toàn thành phố đồng thuận thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Trong ảnh: Vợ chồng ông Lê Đức Lập  (75 tuổi) và bà Nguyễn Thị Xuân (71 tuổi, cùng trú tổ 23, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) không ngại tuổi cao vẫn xung phong trực chốt bảo vệ “vùng xanh”.  Ảnh: LAM PHƯƠNG
Nhờ dân vận khéo, nhân dân toàn thành phố đồng thuận thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. TRONG ẢNH: Vợ chồng ông Lê Đức Lập (75 tuổi) và bà Nguyễn Thị Xuân (71 tuổi, cùng trú tổ 23, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) không ngại tuổi cao vẫn xung phong trực chốt bảo vệ “vùng xanh”. Ảnh: LAM PHƯƠNG

Toàn dân đồng thuận

Để tạo được sự đồng thuận trong toàn dân, Ban Dân vận, Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội các cấp nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung tuyên truyền, huy động sự chung sức, đồng lòng của toàn xã hội. Tại tất cả các khu dân cư, thôn xóm, tổ Covid-19 cộng đồng (gọi tắt là tổ) đồng loạt được tái thành lập với sự tham gia của bí thư chi bộ, tổ trưởng, tổ phó, Mặt trận, các hội, đoàn thể và người dân. Các tổ có nhiệm vụ túc trực, kiểm tra, kiểm soát, vận động, nhắc nhở người dân tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch; hỗ trợ người dân gặp khó khăn.

Từ đầu tháng 8-2021, khi phường Hải Châu 1 (quận Hải Châu) phát động thiết lập các “vùng xanh”, vợ chồng ông Lê Đức Lập (75 tuổi) và bà Nguyễn Thị Xuân (71 tuổi, cùng trú tổ 23, phường Hải Châu 1) xung phong trực chốt. Hằng ngày, ông Lập và bà Xuân chủ động sắp xếp việc nhà, có mặt từ 6 giờ sáng đến 20 giờ tại chốt kiểm soát “vùng xanh”. “Được tham gia bảo vệ “vùng xanh” vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm của mỗi người dân nên chúng tôi luôn sẵn sàng”, ông Lập chia sẻ.

Để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, thành phố đã huy động đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại nhà trong thời gian giãn cách tham gia công tác phòng, chống dịch. Điển hình, tại quận Sơn Trà, Sở Nội vụ thành phố huy động hơn 370 cán bộ, công chức cư trú tại 5 phường tham gia các hoạt động phòng, chống Covid-19 như: trực chốt; tiếp nhận, phân phối, cấp phát thực phẩm; đi chợ giúp dân...

Để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả cao, các địa phương sử dụng đa dạng các hình thức tuyên truyền qua loa phát thanh, loa di động,... nhất là ứng dụng linh hoạt mạng xã hội zalo, facebook để kịp thời cung cấp thông tin; vận động, nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm thông điệp “5K + vắc-xin” trong chống dịch. Từ đó, mỗi người dân đều đồng thuận, tự giác tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch; nêu cao trách nhiệm trong bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.

Hết lòng chăm lo nhân dân

Suốt những ngày “ai ở đâu thì ở đó”, cùng với chính quyền các cấp, đội ngũ cán bộ dân vận, Mặt trận, các hội, đoàn thể tập trung các hoạt động chăm lo, hỗ trợ nhân dân, nhất là người dân gặp khó khăn do dịch bệnh. Các hoạt động hướng mạnh về cơ sở với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng” để “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã vận động hơn 64,017 tỷ đồng; tiếp nhận lượng lớn trang thiết bị y tế, nhu yếu phẩm và kịp thời phân bổ, cấp phát đến từng người dân. Liên đoàn Lao động thành phố hỗ trợ 750 triệu đồng cho 2.500 lao động khó khăn; hỗ trợ 2,251 tỷ đồng cho 2.251 lao động nữ mang thai, nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi. Các cấp Công đoàn thành phố hỗ trợ khẩn cấp 1.080 đoàn viên bị tác động trực tiếp bởi Covid-19; hỗ trợ 4.087 người lao động khó khăn với tổng kinh phí 2,85 tỷ đồng.

Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố vận động 16,598 tỷ đồng hỗ trợ hội viên khó khăn, người dân tại các khu cách ly, phong tỏa; hỗ trợ lực lượng phòng chống dịch, cán bộ hội khó khăn tham gia tuyến đầu; đi chợ giúp dân 431.146 đơn hàng.

Hội Cựu chiến binh các cấp vận động và cấp phát hơn 20 tấn lương thực thiết yếu cho hội viên và người dân khó khăn; vận động hội viên khá giả giúp đỡ hơn 840 hộ khó khăn số tiền hơn 533 triệu đồng.

Thành Đoàn Đà Nẵng phối hợp triển khai hàng loạt hoạt động hỗ trợ người dân tại khu cách ly, phong tỏa, trẻ em khó khăn, sinh viên ngoại tỉnh, công nhân, thanh niên yếu thế… với tổng kinh phí hơn 4,53 tỷ đồng. Các lực lượng vũ trang thành phố tích cực hỗ trợ các địa phương, đơn vị trong công tác an sinh xã hội.

Song song đó, UBND thành phố cũng triển khai các chính sách hỗ trợ người dân gặp khó khăn. Tính đến nay, thành phố đã hỗ trợ 66.120 người với số tiền là 47,55 tỷ đồng theo các quyết định riêng; hỗ trợ 9,52 tỷ đồng cho các đối tượng theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; hỗ trợ theo Quyết định số 2788/QĐ-UBND cho các hộ nghèo, khó khăn, ở trọ là 247,363 tỷ đồng… góp phần chăm lo chu đáo cho nhân dân trong những ngày giãn cách.

Theo Trưởng ban Dân vận Thành ủy Đoàn Ngọc Hùng Anh, trong giai đoạn “ai ở đâu thì ở đó”, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể chính trị - xã hội các cấp đã làm tốt công tác “dân vận khéo” trong tuyên truyền, vận động, chăm lo nhân dân.

Qua đó, nhân dân đồng thuận với các chủ trương, nghiêm túc thực hiện các quyết định phòng, chống dịch và phát huy tinh thần “tương thân tương ái” dìu nhau vượt qua khó khăn. Sau hơn 2 tháng tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch, đến nay, tình hình Covid-19 trên địa bàn thành phố cơ bản được kiểm soát. Đây chính là minh chứng cụ thể cho sự quyết tâm cao độ của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng và sự đồng thuận của toàn dân trong công cuộc đẩy lùi dịch bệnh.

LAM PHƯƠNG - LÊ PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.
Liên kết hữu ích