ĐNO - Chiều 13-10, phát biểu kết luận tại hội thảo trực tuyến về phát triển địa phương phục hồi kinh tế, thích ứng linh hoạt, an toàn với Covid-19, khắc phục đứt gãy kinh tế, tăng cường kết nối giữa các địa phương, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương thực hiện các biện pháp nhằm phục hồi cho doanh nghiệp, trong đó nối lại thị trường lao động, giảm chi phí đầu tư và mở rộng thị trường.
Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng. Tại điểm cầu Đà Nẵng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết chủ trì. Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Phước Sơn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Dương Giang/TTXVN |
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, biến thể Delta lây lan nhanh. Thời điểm chưa có vắc-xin, để bảo đảm sức khỏe cho nhân dân, Chính phủ cũng như các địa phương phải dùng các biện pháp hành chính kéo dài dẫn đến đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng của doanh nghiệp.
Vì vậy, thời gian tới, các bộ, ngành, địa phương phải thực hiện các biện pháp nhằm phục hồi hoạt động của doanh nghiệp. Trong đó, lưu ý tăng tổng cung và cầu, nối lại thị trường lao động, giảm chi phí đầu tư và mở rộng thị trường. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tiêm vắc-xin cho người lao động tại doanh nghiệp.
Đối với công tác phòng, chống dịch, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải tăng cường kiểm soát tỷ lệ tử vong. Để làm được điều này, cần phải nâng cao năng lực y tế, nhất là y tế tuyến cơ sở để người dân có thể tiếp cận một cách nhanh nhất.
Thủ tướng yêu cầu các địa phương phải lãnh đạo tập trung thống nhất, tổ chức thực hiện linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với tình hình. Cạnh đó, tập trung công tác an sinh xã hội, bảo đảm cả vật chất lẫn tinh thần, không để bỏ sót đối tượng. Tiếp tục thực hiện các biện pháp ổn định chính trị, trong đó chú trọng kiểm soát trật tự xã hội.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết phát biểu tại điểm cầu Đà Nẵng. Ảnh NGỌC PHÚ |
Tại hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, từ tháng 5-2021 đến nay, Đà Nẵng một trong những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19, tác động tiêu cực đến đời sống xã hội. Thành phố ghi nhận gần 5.000 ca mắc, các chỉ tiêu tăng trưởng sụt giảm mạnh.
Tuy nhiên, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ngành Trung ương, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đến nay, thành phố kiểm soát được tình hình dịch bệnh. Có 55/56 phường, xã trở thành vùng xanh; thành phố bước đầu chuyển sang trạng thái mới theo chủ trương của Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11-10-2021 của Chính phủ quy định tạm thời "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả Covid-19".
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết cho biết, qua quá trình ứng phó với dịch bệnh, thực hiện mục tiêu kép, thành phố đã rút ra được nhiều bài học kinh nghiệm.
Trước hết, đó là sự vào cuộc quyết liệt trong việc tổ chức phân công, phân nhiệm gắn với trách nhiệm cá nhân từng của từng đồng chí trong Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố, gắn với từng địa phương, từng lĩnh vực; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự tiên phong, gương mẫu của từng đảng viên, mặt trận, đoàn thể trong tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia phòng, chống dịch.
Đặc biệt, thành phố chọn đúng thời điểm để đưa ra các quyết định phù hợp trong công tác phòng, chống dịch, nhất là thực hiện công tác giãn cách xã hội.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên áp dụng giãn cách xã hội tăng cường cao hơn Chỉ thị số 16/CT-TTg, thực hiện theo nguyên tắc “ai ở đâu thì ở đó”.
Trong thời gian này, thành phố tập trung tổng lực để xét nghiệm, cách ly, cùng với các biện pháp khác, qua đó kịp thời cách ly F0. Ngoài ra, thành phố cũng đã thực hiện tốt công tác an sinh xã hội.
Theo đó, trong thời điểm giãn cách xã hội, thành phố bảo đảm tốt công tác lương thực, thực phẩm cho người dân, không để người dân thiếu ăn. Ngoài chính sách của Trung ương, thành phố có thêm nhiều gói an sinh xã hội để hỗ trợ người dân, lực lượng công nhân lao động.
Bên cạnh đó, thành phố cũng đã linh hoạt xử lý, tăng cường kết nối với các địa phương để giữ chân người lao động, thực hiện các biện pháp giữ môi trường an toàn tại các khu công nghiệp, các doanh nghiệp.
Phó Bí thư Thành ủy Lương Nguyễn Minh Triết đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương sớm có kịch bản tổng thể phục hồi kinh tế - xã hội thống nhất trong cả nước, trong đó tạo sự chủ động cho các địa phương; đồng thời xây dựng bộ tiêu chí an toàn Covid-19 trong doanh nghiệp, hướng dẫn áp dụng doanh nghiệp sản xuất an toàn trong tình hình mới; xem xét tăng quy mô các gói hỗ trợ kích thích kinh tế của quốc gia…
Cạnh đó, xem xét tạm khoanh những khoản nợ, giảm, giãn nợ đối với doanh nghiệp ảnh hưởng dịch bệnh, miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng, các loại thuế khác phát sinh trong quá trình sản xuất kinh doanh trong quý 3 và quý 4 năm 2021.
Ngoài ra, sớm ban hành chính sách xã hội hóa để huy động nguồn lực xã hội từ các tổ chức và tư nhân trong công tác phòng, chống dịch, ưu tiên tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người lao động ở các cơ sở sản xuất, khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao trong cả nước…
NGỌC PHÚ