ĐNO - Chiều 23-10, trong phiên làm việc ngày thứ 4, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021. Theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2021, tình hình tội phạm liên quan đến trật tự xã hội giảm hơn 8%.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm trình bày Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2021. Ảnh Q.H |
Báo cáo của Chính phủ cho biết, trong năm 2021 về cơ bản, các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đều được khẩn trương điều tra làm rõ, đạt 87,05%; trong đó, án rất nghiêm trọng đạt 95%, án đặc biệt nghiêm trọng đạt gần 96,6%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao; tội phạm về trật tự xã hội tiếp tục được kéo giảm 8,06%.
Tuy nhiên, các loại tội phạm liên quan đến quản lý kinh tế được phát hiện tăng 1,87%, số vụ phạm tội về tham nhũng phát hiện tăng 22,44%. Trên lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông, số vụ khởi tố mới tăng gần 88,82%.
Hành vi vi phạm chủ yếu là giao dịch tài chính trái phép, lừa đảo, mua bán dữ liệu thông tin cá nhân, giả danh nhà mạng, cơ quan chức năng; đánh bạc; đưa tin sai sự thật, không được kiểm chứng, nhất là liên quan đến công tác phòng, chống Covid-19.
Theo đánh giá của Chính phủ, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn còn diễn biến phức tạp. Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, năm 2022, Chính phủ tập trung chỉ đạo, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như chủ động nắm, phân tích, dự báo tình hình thế giới, khu vực từ sớm, từ xa; kịp thời tham mưu, đề xuất các chủ trương, đối sách phù hợp nhằm giữ vững chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia; tăng cường đấu tranh trấn áp, xử lý các loại tội phạm và vi phạm pháp luật.
Thực hiện tốt công tác tiếp nhận, xử lý tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; bắt, giam, giữ và điều tra, xử lý tội phạm. Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về an ninh trật tự; khai thác tối đa hiệu quả của hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, căn cước công dân phục vụ công tác phòng, chống tội phạm và các yêu cầu quản lý xã hội…
Chính phủ đề nghị Quốc hội tiếp tục chỉ đạo tăng cường công tác xây dựng, giải thích pháp luật để hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật; tiếp tục tổ chức giám sát tối cao các chuyên đề về phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, nhất là những vấn đề dư luận xã hội quan tâm.
* Chiều cùng ngày, Quốc hội nghe Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí trình bày báo cáo công tác năm 2021 của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày báo cáo công tác năm 2021 của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao. Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo về công tác thi hành án năm 2021.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra các báo cáo về công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật và công tác thi hành án năm 2021.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày báo cáo về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2021 và Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày báo cáo thẩm tra…
* Một trong những nội dung quan trọng Chánh án tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày trước Quốc hội chiều 23-10 là dự thảo Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Phiên tòa trực tuyến là phiên tòa được tổ chức tại Phòng xử án, có sử dụng các thiết bị điện tử, liên kết với nhau thông qua môi trường mạng, cho phép bị cáo, bị hại, đương sự, người tham gia tố tụng khác tham gia phiên tòa tại địa điểm khác do Tòa án quyết định nhưng vẫn bảo đảm trực tiếp theo dõi đầy đủ hình ảnh, âm thanh và tham gia tất cả trình tự, thủ tục tố tụng của phiên tòa bằng lời nói, hành vi tố tụng trực diện, liên tục, công khai, có sự chứng kiến của các chủ thể vào cùng một thời điểm.
Thời gian qua, góp phần hạn chế tối đa những ảnh hưởng tiêu cực của Covid-19 đối với toàn xã hội nói chung, công tác xét xử nói riêng, Tòa án Nhân dân tối cao chỉ đạo hệ thống Tòa án áp dụng nhiều giải pháp phù hợp, khẩn trương đưa các vụ án (đặc biệt là các vụ án liên quan đến công tác phòng, chống Covid-19) ra xét xử, bảo đảm kịp thời, nhanh chóng, đúng pháp luật.
Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh có chiều hướng diễn biến phức tạp, một số tỉnh, thành phố phải áp dụng biện pháp cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg.
Do đó, hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân bị ảnh hưởng, nhiều vụ án đến hạn nhưng không thể đưa ra xét xử theo quy định; một số vụ án bị kéo dài thời hạn giải quyết do đương sự, bị can, bị cáo đang cư trú hoặc bị tạm giam ở vùng có dịch nên không thể trực tiếp tham gia phiên tòa.
Nhằm bảo vệ quyền con người, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, cá nhân, góp phần phòng, chống dịch bệnh, ổn định trật tự an toàn xã hội, đồng thời bảo đảm công tác xét xử, giải quyết các vụ án được kịp thời, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và thực hiện chiến lược cải cách tư pháp theo các nghị quyết của Đảng, các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia, Tòa án nhân dân tối cao nghiên cứu về tổ chức phiên tòa trực tuyến.
Theo ông Nguyễn Hòa Bình, quá trình nghiên cứu, tổ chức phiên tòa trực tuyến, Tòa án nhân dân tối cao xin ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các Ủy ban của Quốc hội; Đảng đoàn Quốc hội báo cáo xin chủ trương của Bộ Chính trị. Sau khi có chủ trương của các cấp có thẩm quyền, Tòa án nhân dân tối cao phối hợp chặt chẽ với các Ủy ban của Quốc hội, các bộ, ban, ngành, tổ chức ở Trung ương nghiên cứu, xây dựng dự thảo nghị quyết theo đúng trình tự, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Theo đó, nội dung cơ bản của dự thảo nghị quyết quy định: Tòa án nhân dân tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự và hành chính có tính chất, tình tiết đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng.
Sau khi nghe báo cáo, các đại biểu tiến hành thảo luận trực tuyến. Hầu hết các ý kiến đều ủng hộ việc ban hành nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến, bởi nó phù hợp với tình hình thực tiễn cuộc cách mạng 4.0; tiết kiệm được chi phí của Nhà nước…
NGỌC PHÚ