Huyện ủy Hòa Vang tập trung chỉ đạo các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” với nhiều nội dung thiết thực trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế; qua đó, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, nâng cao chất lượng đời sống người dân nông thôn.
Nhờ làm tốt công tác “Dân vận khéo”, nhiều mô hình chuyển đổi trồng hoa, cây cảnh ở huyện Hòa Vang mang lại hiệu quả kinh tế cao. TRONG ẢNH: Người dân tham gia mô hình sản xuất hoa, cây cảnh ở xã Hòa Phong chuẩn bị vụ hoa Tết.Ảnh: Đ.H.L |
Ông Nguyễn Hữu Long, Phó Trưởng ban Dân vận Huyện ủy Hòa Vang cho biết, hằng năm, Ban Thường vụ Huyện ủy chỉ đạo Ban Dân vận tổ chức triển khai, hướng dẫn phong trào thi đua “Dân vận khéo”, giới thiệu mô hình điển hình “Dân vận khéo” đến các chi, đảng bộ trực thuộc, Mặt trận và các tổ chức đoàn thể, các cơ quan, đơn vị. Trên cơ sở đó, các đơn vị xây dựng kế hoạch phát động và tổ chức ký kết giao ước thi đua hằng năm.
“Qua 5 năm triển khai thực hiện, phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên lĩnh vực kinh tế đã phát huy hiệu quả rõ nét. Mặt trận và các đoàn thể huyện phối hợp với chính quyền tổ chức phát động các cuộc vận động đến đoàn viên, hội viên, quần chúng nhân dân phát huy thế mạnh của địa phương đầu tư, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh, giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững”, ông Nguyễn Hữu Long nhấn mạnh.
Qua thực tế cho thấy, các mô hình trên lĩnh vực kinh tế gắn với phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM), đô thị văn minh trên địa bàn huyện đã phát huy hiệu quả cao. Điển hình là phong trào cải tạo vườn tạp, xây dựng vườn mẫu đã khuyến khích nông dân cải tạo vườn tạp, trồng các loại cây ăn quả. Nhờ đó, huyện đã cải tạo 72,2ha vườn tạp và triển khai thực hiện nhiều mô hình vườn mẫu tại các xã theo định hướng sản xuất hàng hóa phục vụ đô thị, từng bước đáp ứng nhu cầu thị trường.
Trong đó, nổi bật như: mô hình “trồng bưởi da xanh” ở Hòa Ninh với diện tích trên 10ha, mô hình “Tổ hợp tác Hoa Dương Sơn sản xuất Hoa công nghệ cao” ở xã Hòa Châu; mô hình “Sản xuất kiệu hương”, “Nấm Nhơn Phước” ở xã Hòa Nhơn, mô hình “Trồng hoa và cây cảnh của hợp tác xã” ở xã Hòa Liên... Cùng với đó, huyện tiếp tục đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng tập trung với quy mô hợp lý gắn với bảo đảm an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Đến nay, trên địa bàn huyện đã thực hiện 175ha diện tích nuôi trồng thủy sản chuyên canh theo quy hoạch.
Hưởng ứng phong trào thi đua cả nước chung sức xây dựng NTM, huyện Hòa Vang đã hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2 (2016-2020) trước một năm so với kế hoạch, trong đó hai xã Hòa Châu và Hòa Tiến đạt chuẩn xã NTM nâng cao năm 2020, 16 thôn được công nhận thôn kiểu mẫu.
Trong 5 năm triển khai xây dựng NTM, huyện đã thực hiện 170,744km đường giao thông, 108,09km giao thông kiệt, hẻm, 15,671km giao thông nội đồng, 46,983km đường giao thông liên thôn với tổng nguồn vốn xây dựng nông thôn mới hơn 2.442 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn huy động từ cộng đồng dân cư là 499 tỷ đồng. Nhờ làm tốt công tác “Dân vận khéo”, huyện đã vận động nhân dân hiến 178.000m2 đất các loại, chủ yếu là đất ở khu dân cư.
Ông Nguyễn Hữu Tề (thôn An Ngãi Đông, xã Hòa Sơn) cho biết, thôn An Ngãi Đông có nhiều tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau trong cộng đồng dân cư, toàn thôn có 1.005 hộ với 3.633 nhân khẩu. Qua công tác vận động, người dân tích cực tham gia phong trào chung tay xây dựng NTM và thôn kiểu mẫu NTM, người dân đã hiến 1.350m2 đất, tham gia 2.230 ngày công; đồng thời đóng góp 237 triệu đồng xây dựng 12 tuyến đường giao thông nông thôn, giao thông kiệt xóm, 120 triệu đồng lắp đặt điện chiếu sáng trên các tuyến đường giao thông kiệt xóm và 130 triệu đồng mua sắm các thiết chế văn hóa, âm thanh trang trí nhà văn hóa thôn. Việc thực hiện hiệu quả các mô hình “Dân vận khéo” đã xây dựng khối đại đoàn kết trong đồng bào lương giáo của thôn, góp phần thực hiện tốt các phong trào, nhiệm vụ chính trị của xã Hòa Sơn.
Qua 5 năm thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên lĩnh vực kinh tế đã góp phần đưa tổng giá trị sản xuất của huyện tăng bình quân 12%/năm; thu ngân sách bình quân hằng năm tăng 20,4%; thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 55,08 triệu đồng/người/năm, tăng 1,98 lần so với năm 2015.
“Các mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng NTM đã mang lại những động lực mới, phát huy mọi nguồn lực của xã hội trong nhân dân gắn với yêu cầu của thực tiễn phát triển, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn, cải thiện cuộc sống người dân, tạo động lực cho sự tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của huyện”, ông Nguyễn Hữu Long khẳng định.
ĐOÀN HẠO LƯƠNG