Sự kiện Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương diễn ra cách đây tròn 25 năm (1-1-1997- 1-1-2022). Trong chừng ấy năm, Đà Nẵng được mệnh danh là thành phố của những cây cầu, thành phố sự kiện, thành phố môi trường, thành phố đáng sống... Nhân dịp này, với tâm thế mới, chúng ta nhìn lại quá trình Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với những dấu mốc quan trọng.
Ảnh: NGUYỄN TRÌNH |
Bước khởi động đầu tiên
Bước vào những năm đầu đổi mới đất nước, vai trò của Đà Nẵng ngày càng được khẳng định đối với sự phát triển của khu vực miền Trung. Lúc này, Đà Nẵng cần có cơ chế riêng để bứt phá đi lên; đồng thời, thể theo nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, ngay từ Đại hội lần thứ IV Đảng bộ thành phố Đà Nẵng tháng 5-1989 đã kiến nghị với Trung ương và Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng cho phép thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương; nếu chưa đủ điều kiện thì cho Đà Nẵng trở thành đặc khu kinh tế hoặc khu kinh tế mở của duyên hải miền Trung.
Đồng chí Mai Thúc Lân, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng phát biểu tại Đại hội lần thứ XVI Đảng bộ tỉnh- đại hội cuối cùng trước khi chia tách tỉnh. (Ảnh tư liệu) |
Với tinh thần đó, Đại hội lần thứ XV Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng tháng 10-1991 đề nghị Trung ương cho tách Đà Nẵng thành thành phố trực thuộc Trung ương, nếu chưa tách thì cho một quy chế đặc khu kinh tế. Từ sau Đại hội lần thứ V Đảng bộ thành phố Đà Nẵng (cũ) tháng 1-1992, tình hình Đà Nẵng bắt đầu có những chuyển biến: Trung ương và tỉnh quan tâm đầu tư, nhất là đặt vấn đề cho thành phố Đà Nẵng trở thành một đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương hoặc một đặc khu hành chính - kinh tế.
Ngày 12-2-1992, Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng ra Thông báo số 13/TB-TU về vấn đề Đà Nẵng, nhất trí sẽ tổ chức một cuộc họp Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh để thảo luận về vấn đề tách thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, báo cáo Trung ương xem xét; giao UBND tỉnh thành lập tổ nghiên cứu nội dung trên. Ngày 22-2-1992, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 607/QĐ-UB về việc thành lập Tổ chỉ đạo nghiên cứu đề nghị xin tách thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, do ông Trần Đình Đạm, Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách.
Tổ chỉ đạo có nhiệm vụ nghiên cứu quy hoạch ranh giới hành chính tách thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương; lập luận chứng kinh tế - xã hội của từng đơn vị hành chính theo dự kiến của các phương án. Thời gian hoàn thành 2 nội dung trên được ấn định vào cuối tháng 5-1992 để trình cấp thẩm quyền xem xét. Mọi việc đang thực hiện thì ngày 9-3-1992, Bộ Chính trị ra Thông báo số 18/TB-TW về vấn đề điều chỉnh địa giới hành chính cấp tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, yêu cầu: “Bộ Chính trị nhất trí với chủ trương của Hội đồng Bộ trưởng kết thúc việc điều chỉnh địa giới hành chính cấp tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương”.
Đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đến thăm và tặng quà thiếu nhi mổ tim bẩm sinh nhân dịp Tết Trung thu năm 2012. Ảnh: NGUYỄN THÀNH |
Việc không đặt vấn đề điều chỉnh địa giới hành chính trong lúc này để các địa phương ổn định xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội theo tinh thần Đại hội lần thứ VII của Đảng. Trên thực tế, thời gian này có nhiều tỉnh thực hiện chia tách, ảnh hưởng đến việc tập trung lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội (năm 1989, chia 3 tỉnh; năm 1991, chia 4 tỉnh).
Tuy nhiên, Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng vẫn chủ trương: “Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao UBND tỉnh chỉ đạo nghiên cứu một cách thận trọng, khách quan, có cơ sở khoa học và quan điểm toàn diện việc tách thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương để trình các cấp thẩm quyền xem xét khi Trung ương có chủ trương mới”.
Sự ra đời của Quyết định 344
Mặc dù ngày 9-3-1992, Bộ Chính trị chủ trương kết thúc việc điều chỉnh địa giới hành chính, nhưng sau đó trong buổi làm việc của đồng chí Phạm Văn Đồng - Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng với thành phố Đà Nẵng ngày 19-3-1992, Thành ủy Đà Nẵng tiếp tục kiến nghị việc chia tách. Kết thúc buổi làm việc, đồng chí Phạm Văn Đồng kết luận: “Tôi sẽ có ý kiến đề xuất với Trung ương Đảng và Chính phủ, để tạo điều kiện cho thành phố Đà Nẵng phát triển, xứng đáng với vị trí, tiềm năng của mình”. Tiếp đó, ngày 24 và 25-4-1992, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt đến thăm và làm việc với tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Võ Văn Kiệt nhắc đến việc cần phải xem xét để Đà Nẵng có một cơ chế riêng hoặc trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Đoàn xe từ Nhà hát Trưng Vương vào tỉnh lỵ Quảng Nam ngày 21-2-1997. |
Như trên đã nói, thời gian này việc tách Đà Nẵng trực thuộc Trung ương chưa thể thực hiện được, nếu có thì cho cơ chế riêng mà thôi. Được sự quan tâm của Trung ương, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ra Quyết định số 344 về ban hành Quy chế đặc biệt đối với thành phố Đà Nẵng - là Đô thị loại II quốc gia. Theo đó, thành phố Đà Nẵng được thực hiện nhiệm vụ của một cấp kế hoạch và ngân sách, cùng với tỉnh bảo vệ kế hoạch đó với Trung ương.
Việc phân cấp quản lý cho thành phố được nới rộng thêm trên một số mặt như: được quản lý về nhà và đất ở trong các khu dân cư; được điều tiết các khoản thu với tỷ lệ khá hơn, được hưởng 50% số thu vượt kế hoạch. Đây là những bước đi đầu tiên về việc tự chủ thực hiện một số nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng kể từ sau khi có kiến nghị cơ chế đặc thù đối với thành phố vào tháng 5-1989; nhờ đó, từ năm 1993-1996, thành phố Đà Nẵng có bước phát triển mới, tạo thêm cơ sở cho giai đoạn sau này.
Tuy nhiên, với Quyết định 344 này vẫn không thể thoát khỏi các quy định của hệ thống luật pháp, quá trình triển khai thực hiện gặp không ít khó khăn, trở ngại từ sự chủ quan của các bộ, các sở từ Trung ương xuống địa phương. Thành ủy và UBND thành phố tổ chức 11 ban và 4 cơ quan chuyên trách gồm Văn phòng UBND, Trọng tài kinh tế thành phố, Thanh tra Nhà nước thành phố và dự kiến có Văn phòng kiến trúc sư trưởng thành phố nhưng không thành lập được. Qua đó, một lần nữa cho thấy cơ chế của một thành phố trực thuộc tỉnh đã trở nên chật chội đối với một cơ thể cường tráng đang vươn mình đi lên như thành phố Đà Nẵng.
Tiếp tục kiến nghị và thành lập thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương
Cho đến năm 1995, trong lúc các đảng bộ cơ sở tiến hành đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ VIII của Đảng, ngày 3-8-1995, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt về làm việc với tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Tại buổi làm việc, một lần nữa vấn đề chia tách Đà Nẵng thành một đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương lại được đặt ra, Thủ tướng Võ Văn Kiệt phát biểu: “Đà Nẵng đã nhiều lần được xác định là trung tâm kinh tế - khoa học - kỹ thuật ở miền Trung; Trung ương Đảng và Chính phủ từng giao nhiệm vụ đó, nhưng Đà Nẵng không phát triển mạnh được là do cơ chế tổ chức chưa phù hợp, bây giờ không thể nhập nhằng được nữa, phải tính đến Đà Nẵng là một đơn vị hành chính - kinh tế trực thuộc Trung ương”.
Tại buổi họp cuối cùng ngày 30-12-1996, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng khẳng định: “Điều chỉnh lại địa giới hành chính, chia tách tỉnh là một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta trong giai đoạn phát triển mới nhằm đẩy mạnh thực hiện đường lối công nghiệp hóa, hiện đại hóa, toàn Đảng bộ, toàn quân và toàn dân tỉnh ta hãy thắt chặt tình đoàn kết, phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương đất Quảng, ra sức thực hiện thắng lợi chủ trương chia tách tỉnh tạo ra động lực mới, nội lực mới cho sự phát triển nhanh chóng và bền vững của cả thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, để đất Quảng xứng đáng là trung tâm, là động lực phát triển của miền Trung Việt Nam”.
|
Cùng với đó, các đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng trong các phiên họp của Quốc hội kiến nghị sự cần thiết thành lập thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương. Ông Nguyễn Bá Thanh, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng (cũ), Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng trong kỳ họp Quốc hội ngày 7-3-1996 đề nghị: “Cơ chế hiện nay của Đà Nẵng giống như một huyện ở nông thôn, trong các văn bản ghi là huyện, thành nhưng gọi chung là huyện và giao nhiệm vụ cho chính quyền đô thị hết sức nặng nề nhưng quyền hạn thì quá ít…”. Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lần thứ XVI tháng 4-1996 tiếp tục kiến nghị chia tách Quảng Nam - Đà Nẵng thành hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương: thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.
Ngày 7-10-1996, Bộ Chính trị có Thông báo số 06/TB-TW gửi Tỉnh ủy về việc nhất trí chia tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành hai đơn vị hành chính: Thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương và tỉnh Quảng Nam. Tỉnh ủy phải chỉ đạo hoàn tất thủ tục, kịp trình Quốc hội quyết định trong cuộc họp giữa tháng 10 này.
Với tinh thần rất khẩn trương, ngày 9-10-1996, Thường trực Tỉnh ủy có cuộc họp liên tịch với Thường trực HĐND, Thường trực UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh để bàn việc triển khai Công điện của Trung ương về chia tách tỉnh. Vấn đề được đặt ra cấp thiết nhất là chia tách địa giới hành chính của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng theo phương án nào là thích hợp để trình Quốc hội.
Lúc này, có 4 phương án được đặt ra về địa giới hành chính thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương: 1- Gồm thành phố Đà Nẵng hiện tại và các huyện Hòa Vang, Điện Bàn, thị xã Hội An. 2- Gồm thành phố Đà Nẵng hiện tại, huyện Hòa Vang và huyện đảo Hoàng Sa. 3- Gồm thành phố Đà Nẵng hiện tại và thêm một số xã phụ cận của Hòa Vang và Điện Bàn. 4- Gồm thành phố Đà Nẵng hiện tại và các huyện Hòa Vang, Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, thị xã Hội An.
Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị trao đổi các vấn đề về hợp tác, phát triển giữa hai địa phương chiều 30-11-2020. Ảnh: XUÂN SƠN |
Vì có nhiều phương án và ý kiến thảo luận khác nhau, Thường trực Tỉnh ủy kết luận phương án 1 và 2 là hai phương án có tính hợp lý và khả thi hơn cả. Ngày 11-10-1996, Hội nghị Tỉnh ủy nghe UBND tỉnh trình bày 2 phương án xem là hợp lý nhất. Theo đó, Tỉnh ủy biểu quyết chọn phương án 2 (gồm thành phố Đà Nẵng hiện tại, huyện Hòa Vang và huyện đảo Hoàng Sa); đồng thời, giao UBND tỉnh tiếp tục chuẩn bị, hoàn thiện cả hai phương án trình HĐND.
Ngày 12-10-1996, HĐND tỉnh họp (bất thường) thảo luận và biểu quyết phương án chia tách. Cuối cùng, HĐND tỉnh chọn phương án xem là tối ưu: Thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương được hình thành từ ba đơn vị hành chính cấp huyện của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng gồm thành phố tỉnh lỵ “Đà Nẵng 3 khu vực” (thành phố Đà Nẵng hiện tại), huyện Hòa Vang và huyện đảo Hoàng Sa.
Tại kỳ họp Quốc hội lần thứ 10 (khóa IX), ngày 6-11-1996, Quốc hội thông qua nghị quyết về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh; trong đó xác định thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương có 7 đơn vị hành chính gồm: các quận Hải Châu, Liên Chiểu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, huyện Hòa Vang và huyện đảo Hoàng Sa.
Ngày 20-11-1996, Thường trực Tỉnh ủy họp quyết định thành lập Ban chỉ đạo công tác chia tách tỉnh; dự kiến danh sách Ban Chấp hành, Ban Thường vụ lâm thời và các chức danh chủ chốt của tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Ban chỉ đạo có 4 tiểu ban chịu trách nhiệm từng mặt công tác (Tiểu ban công tác tư tưởng; Tiểu ban tổ chức cán bộ; Tiểu ban kế hoạch kinh tế - xã hội và tài chính tài sản; Tiểu ban địa giới hành chính và xây dựng nơi làm việc mới).
Và như chúng ta đã biết, Đà Nẵng chính thức trở thành thành phố trực thuộc Trung ương ngày 1-1-1997. Việc Đà Nẵng tách ra từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương là một tất yếu khách quan trong lịch sử phát triển của đất nước nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng. Qua đó, thành phố Đà Nẵng có cơ hội sớm vươn lên là một trung tâm kinh tế của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và xây dựng được diện mạo như ngày hôm nay.
Đồ họa: Thanh Quỳnh |
VÕ HÀ